top of page

2001.01 – Hạch Toán Cuối Năm

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 15 min read

Năm bản lề giữa 2 thiên niên kỷ ở Việt Nam có nhiều điều đáng ghi nhận. Đó cũng là năm cuối của thế kỷ 20, một thế kỷ đọa đày dân tộc Việt qua hai tròng nô lệ Từ Thực Dân Đến Cộng Sản.


Quốc tế cộng sản đã rã tan, nhiều quốc gia đã vượt thoát ra khỏi tầm phá hoại của chủ nghĩa hoang tưởng và các chế độ phi nhân, nhưng ảnh hưởng khốc hại của nó vẫn còn trên quê hương Việt Nam, qua một dàn lãnh đạo đồ tể ngu muội hám quyền….

Mật Thiết Trụ Đồng


Năm 2000 ở VN mở ra bằng chuyến thăm viếng của vợ chồng Chu Dung Cơ, và khép lại bằng chuyến khấu tấu của Trần Đức Lương. Trọng tâm đối ngoại của Hà Nội hoàn toàn nằm trong khuôn khổ nhận định của họ Chu: “Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải”! Trên đỉnh cột đồng Mã Viện 2000, phương châm 16 chữ của Giang Trạch Dân cũng được Lê Khả Phiêu trịnh trọng mạ vàng: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.


Ngay sau Tết Đống Đa năm Canh Thìn, Lê Khả Phiêu đã nồng nhiệt đón tiếp Lý Thiết Ánh, trưởng đoàn đại biểu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, bày tỏ niềm mơ ước được “tăng cường hợp tác, cùng nhau phối hợp nghiên cứu, làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước”. Tiếp theo, tân ngoại trưởng của Hà Nội Nguyễn Dy Niên đã sang Tàu trình diện Đường Gia Triền để “góp phần làm giàu thêm truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước”. Rồi lũ lượt tới các phái đoàn tam bộ nhất bái của Nông Đức Mạnh, Trần Đình Hoan, Trương Mỹ Hoa, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Lê Minh Hương và Nguyễn Đức Bình…


Trên cơ sở đó, Lý Thiết Ánh đã đích thân đón tiếp nhiều phái đoàn Hà Nội sang Bắc Kinh làm việc trong năm 2000, và cũng nhiều lần qua lại VN, trong khung cảnh CSVN chuẩn bị nghênh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen và ký kết Hiệp Ước Mậu Dịch Mỹ-Việt.


Dù đã thân hành mật tấu, Lê Khả Phiêu vẫn còn chịu lắm vất vả với Bắc Kinh và với cả dàn lãnh đạo Ba Đình qua hai đề nghị của Bộ trưởng Cohen ngay vào dịp Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống:

  • Một là hợp tác quân sự song phương Mỹ-Việt.

  • Hai là ASEAN đoàn kết trong mọi đối phó với Trung Quốc.

Tất nhiên, Lê Khả Phiêu phải lập tức khẳng định dứt khoát về “nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất”. Không thế thì hẳn là Nguyễn Đức Bình đã chẳng thể mang từ Bắc Kinh về Hà Nội tờ sự vụ lệnh cho Vũ Khoan sang Mỹ ký kết bản Hiệp Ước Mậu Dịch đã bị ngâm tôm vừa tròn một năm.


Cho đến khi chuẩn bị trải thảm đỏ đón rước Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Bill Clinton, Hà Nội lại phải tổ chức những cuộc “hội thảo” đình đám để làm yên lòng các đại gia phương Bắc. Một trong những tham luận nổi tiếng về đường lối Sán Bám Ruột Rồng là của Lê Đăng Doanh, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Hà Nội: “Trung Quốc tuy chưa làm được như Nhật Bản, Tân Gia Ba và Nam Hàn, nhưng đã có những bước tiến rất quan trọng và đang phát triển rất nhanh, sớm hay muộn Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc kinh tế và có nền khoa học và công nghệ phát triển”. Bài diễn văn “chống Mỹ cứu nước” của Lê Khả Phiêu vào dịp đón tiếp “Uncle Bill” cũng được báo giới đánh giá là cao điểm làm hài lòng bộ phận lãnh đạo ở Trung Nam Hải.


Rồi ngay sau khi Bill Clinton dời gót hồi loan, Trần Đức Lương lên ngay lịch trình khấu tấu trong những ngày năm cùng tháng tận 2000. Tại Đại sãnh đường Nhân Dân trước quãng trường Thiên An Môn, ngày 25-12, Lương đã long trọng tuyên bố hết sức “vui mừng được viếng thăm đất nước Trung Hoa vĩ đại, được chứng kiến những thành tựu to lớn của nhân dân Trung Quốc trong công cuộc cải cách, mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Báo chí hai nước không đề cập đến nội dung “buổi gặp riêng” giữa Giang Trạch Dân và Trần Đức Lương.


Tuy nhiên, tờ Nhân Dân (Hà Nội) loan tin là qua hôm sau, 26-12, Chu Dung Cơ “hoan nghênh cuộc hội đàm giữa hai Chủ Tịch đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thế kỷ 21”. Kết quả mặt nổi của chuyến khấu tấu cuối năm này là bản hiệp định biên giới trên vịnh Bắc Bộ. Khó ai biết chính xác mặt chìm của nó. Mọi người chỉ có thể liên tưởng đến hiệp định dâng đảo do Phạm Văn Đồng ký tên vào năm 1958. Nói theo họ Chu, “tình hữu nghị giữa hai nước có cơ sở mật thiết và lâu dài” là vì vậy.

Chí Phèo Quốc Tế


Vừa nói bên trên là chính sách đối với quan thầy. Còn đối với “bầu bạn”, Hà Nội tỏ ra hết sức hòa đồng trong khối G77. Đây là một phong trào tập họp 77 quốc gia thuộc thế giới thứ ba, quy tụ 85% dân số toàn cầu, sản xuất khoảng 15% toàn bộ của cải của nhân loại. Trong năm 2000, một đại hội quan trọng của Phong trào Phi liên kết (NAM) được triệu tập theo đề nghị của Fidel Castro, Chủ tịch nước Cuba kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản xứ này. Trong diễn văn chào mừng, Fidel đã đề nghị trái ngược hẳn với chủ trương của khối: “Giờ đây, các nước G77… không được tự ti hay chia rẽ nội bộ, mà phải lấy lại tinh thần đấu tranh, tinh thần đoàn kết và gắn bó để bảo vệ những đòi hỏi của mình… yêu cầu các nước phát triển xóa nợ cho các nước nghèo”.


Trong dịp tham dự đại hội G77, Trần Đức Lương đã long trọng nêu lên một số đề nghị cho NAM cùng đòi hỏi các nước giàu:

  • Một là không được tự ý đề ra các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

  • Hai là mức độ viện trợ phát triển cho các nước nghèo phải được gia tăng tới mức tương đương với 0,7% GDP của từng nước giàu.

  • Ba là phải mở rộng những ưu đãi chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo.

  • Bốn là phải bao cấp cho các nước nghèo để tránh nổi loạn.

  • Năm là không được đầu tư tiền tệ tại các nước G77.

  • Sáu là phải trong sáng và hỏi ý kiến khối G77 về các quyết định kinh tế tài chánh và thương mại quốc tế.

  • Bảy là phải giảm nợ cho các nước nghèo và xóa nợ cho các nước tối nghèo. Đặc biệt, Nhật Bản quyết định xóa nợ tổng cộng 140 tỷ Yen trong năm 2000 được coi là… “chưa thích hợp”. Chiến dịch Jubilee 2000 của G77 đòi Nhật phải xóa cả tổng lượng nợ ODA.

Đại diện của Hà Nội hoàn toàn nổi tiếng từ đó. Thế giới cũng bắt đầu học đọc đúng giọng hai chữ Chí Phèo làm tước hiệu mỗi khi nhắc tới dàn đầu lãnh Ba Đình.

Bé Khờ Học Xiếc


Nấc thứ ba là chính sách đối với …tiểu chư hầu. Dù nghèo mạt hạng, Lào và Miên vẫn là hàng rào phía Tây của Hà Nội, về cả mặt địa dư lẫn chính trị, trong khối ASEAN. CSVN, từ sau nỗ lực vận động cho Cao Miên gia nhập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, đã chính thức đóng vai đầu gấu rao bán “cửa ngỏ ASEAN” trong các quan hệ quốc tế, theo kiểu Trần Đức Lương công du Ukraine hay Lê Khả Phiêu mồi chài EU trong chuyến đi Pháp.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cả Miên lẫn Lào bắt đầu thử nghiệm các chiêu thức đu dây, như Hồ Chí Minh từng đu dây giữa Nga với Tàu thời trước, hay Lê Khả Phiêu đu dây giữa Tàu và Mỹ thời nay. Những chiêu thức xiếc này đã đưa hai chư hầu tí hon ngày càng xa dần đàn anh Hà Nội và bắt đầu gần gạnh hơn với …quan thầy của đàn anh.


Tình hình nội bộ của Miên Lào trong năm 2000 có nhiều biến động khá phức tạp. Từ những vụ đặt bom giữa chợ cho tới chạm súng giữa phố. Khẩu hiệu chung là “bài Việt”. Hà Nội cũng đã gắng dồn sức gìn giữ thể diện và ảnh hưởng còn sót lại với Vạn Tượng và Nam Vang. Lào là nước duy nhất nhận được “viện trợ phát triển” của Hà Nội. Số tiền lên tới 38 tỷ đồng VN, nhằm giúp Lào xây dựng công trình thủy lợi Đông-Phô-Sy. Hà Nội còn hứa giúp Lào xây dựng một quân y viện trong vùng nhiễu loạn quân sự quanh Cánh đồng Chum. Được biết, nhiều đoàn “cán bộ lãnh đạo” Lào đã được Phạm Thanh Ngân tiếp đón và Phạm Văn Trà đích thân “sinh hoạt”. Chính Lê Khả Phiêu cũng đã nhấn mạnh mục tiêu “củng cố sự hợp tác quân sự giữa hai quân đội (Việt-Lào) để chống lại hành động phá hoại của các thế lực thù địch từ bên ngoài”.


Trong khi các phái đoàn Lào-Việt qua lại tương đối tấp nập, từ Xổmxàvạt Lềnhxàvắt cho tới Khămphuông ChănthạPhômma hay Sàmản Vidàkhệt…; thì ngược lại, mối tình hữu nghị Miên-Việt có chiều rắc rối hơn nhiều. Một tuần trước khi Bill Clinton ghé VN, Giang Trạch Dân đã thân hành đi thăm hai nước làng giềng bé tẹo phương Nam. Theo ký giả Catherine McKinley của hãng thông tấn Dow Jones thì chuyến thăm “Đông Dương” của họ Giang chỉ nhằm nhắc nhở cho Hà Nội về vị thế của quốc gia có hơn một tỷ dân đối với toàn khu vực. Hà Nội muốn giành lại chút “sỉ diện” sau đó cũng khá vất vả. Riêng Trần Đức Lương phải hủy bỏ chuyến đi Nam Vang vì tình hình “bài Việt” dâng lên cao độ trên đất Chùa Tháp. Ai bảo âm binh không đinh phù thủy?

Phi Nhân Chờ Độ Lượng


Có người từng nhận xét mỗi khi Hoa Lục cần tháo gỡ rắc rối ở thượng tầng nội bộ thì y như rằng …Đài Loan lãnh đủ các kiểu hù dọa. Dán bùa ngoài cổng để yểm ma trong bếp cũng là sở trường của Hà Nội. Hãy nhìn chuyến Tây du năm 2000 của Lê Khả Phiêu, khắc rõ.


Đâu phải cứ hễ bắt tay Chirac rồi là tự động tiền Tây lăn về Hà Nội! Dàn truyền thông quốc doanh VN ắt phải biết thế, nên chỉ cật lực tuyên truyền về chuyến đi Tây đầu đời của tay lãnh đạo “trẻ” đúng theo ý muốn “khiêm nhường” của đương sự: Vô hiệu hóa mấy tay lãnh đạo già xơ cứng trong hàng ngũ quân sư lấn quyền nhiếp chính. Trước tiên là phải vận động kỳ được thế gặp gỡ của 2 “nguyên thủ quốc gia” Việt-Pháp để làm nền tảng gia tăng “uy tín” trong đảng. Sau đó là thừa nước đục đại hội đảng bộ các cấp, thả luôn mớ mồi lý luận tạo thế đồng tình cho tổng bí thư đảng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước.


Đã định sẵn cứu cánh tầm cao như thế thì sá gì những nỗi nhục phương tiện cỏn con: “Pháp là đối tác rất quan trọng của VN, Pháp đã ủng hộ VN trong sự nghiệp đổi mới, trong việc giải quyết nợ cho VN tại các câu lạc bộ Paris và Luân Đôn”. Hay, “Hoan nghênh cơ quan phát triển ADF của Pháp đã góp phần đắc lực vào việc xóa đói giảm nghèo của VN”. Hoặc, được Chirac phê chuẩn cho một …công ước con nuôi! Cũng chẳng hề gì khi báo chí ngoại quốc coi như chẳng có điều gì xảy ra trên đất Pháp.


Từ đó kéo dài cho tới vụ ký kết Hiệp ước Mậu dịch với Mỹ, hay tiếp đón tổng thống Mỹ sang Hà Nội… tất cả những trình diễn bên ngoài thật sự chỉ nhằm che dấu những cơn sóng dữ bên trong.


Về mặt tư tưởng, 2000 là năm thất nghiệp dạng chính quy của dàn cán bộ Văn hóa-Tư tưởng trung ương. Mác-Lê-Hồ đều vô dụng. Ủy viên chính trị bộ kiêm Trưởng ban Tư tưởng Khoa giáo TƯ Nguyễn Phú Trọng, nhân Hội nghị toàn quốc về công tác tư tưởng-văn hóa đã trần tình: “Chúng ta phải xử lý một loạt vấn đề tưởng như mâu thuẫn và nghịch lý: Phải làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta trong điều kiện chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, bị các thế lực phản động tiến công từ mọi phía?”.


Trong bài “Vài ý kiến về công tác tư tưởng-văn hóa của đảng”, cựu Trưởng ban tư tưởng-văn hóa Tố Hữu đã trả lời phỏng vấn của báo Lao Động rằng:”… Anh nói, anh viết, anh diễn giải, mà chính anh không tin những điều anh nói, anh viết thì ai tin được? Trình độ dân trí bây giờ rất cao, không ai lừa dối được!”. Một bài báo của Nayan Chanda trên tờ Viễn Đông Kinh Tế hồi cuối tháng 6 ghi rằng: “Hai mươi mốt năm trước, hàng ngàn hồng quân Trung cộng đã đổ vào VN để dạy cho xứ này một bài học về cuộc xâm lăng Kampuchia vào dịp lễ Giáng Sinh 1978.


Tuần này, 16 ủy viên thâm niên nhất của CSVN, kể cả ủy viên chính trị bộ Nguyễn Đức Bình (kiêm trưởng ban Tư Tưởng của CSVN), đã nhất tề sang Trung Quốc để lãnh hội một bài học không công khai và thuộc một dạng khác, là làm thế nào để cải cách nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà đảng không bị tước mất quyền lực”. Sau đó, Vũ Khoan được chính thức cử sang Hoa Thịnh Đốn để gầy lại cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vào đầu tháng 7. Đường lối mới này, theo tựa đề bài báo, tạm gọi là “Ngủ Với Kẻ Thù”. Cả Mỹ lẫn Tàu.


Về mặt nhân sự, 2000 có nhiều xác suất là năm tham chính cuối cùng của Trần Đức Lương. Cũng là năm mà Phan Văn Khải hai lần tung tin từ nhiệm trước Hội nghị lần 9 khóa 8. Ngô Xuân Lộc bị “cảnh cáo” trong đảng từ 4 tháng trước vì có liên quan chủ chốt trong nhiều vụ tham nhũng, bất ngờ được Khải ra quyết định tái dụng ngay trong Hội nghị đó. Cùng lúc, Trần Xuân Giá cũng bị Phiêu “khiển trách” vì thiếu trách nhiệm ở vị trí bộ trưởng, song cũng được Khải vớt lên, giao thêm cho một chức năng thuộc hàng phó thủ tướng.


Theo ký giả Nayan Chanda của tờ Viễn Đông Kinh Tế thì vào cuối tháng 10, trước khi tổng thống Mỹ ghé thăm VN, dàn cố vấn Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt đã gửi thư khuyến cáo Lê Khả Phiêu về “sự lãnh đạo yếu kém” trong thời gian qua. Tức là thượng tầng không dấu cảnh nháo nhào. Đại hội toàn đảng khóa 9 sắp tới lại còn hứa hẹn sự thay đổi xáo trộn khoảng phân nửa thành phần ủy viên trung ương và 1-3 ủy viên chính trị bộ. Trong khi bản cáo trạng Tổng Cục 2 nêu bật những câu hỏi bộc phá: “Có thật Lê Đức Anh không thích Phan Văn Khải nên dùng Nguyễn Thái Nguyên để phá phe ‘chính phủ’? Có thật Lê Đức Anh và Vũ Chính đã dùng Đặng Hà làm mỹ nhân kế để ‘khống chế Lê Khả Phiêu’?”.


Về mặt nội bộ đảng viên thì tham nhũng, vơ vét là xu thế tất yếu và bất khả trị trong năm 2000. Cán bộ đảng không từ nan mọi thủ đoạn, kể cả làm giàu bằng cách “xà xẻo” hàng cứu trợ lũ lụt. Ký giả Đặng Bá Tiến đặt tên cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội là những “Dự Án Vung Tiền”. Ký giả Lâm Chí Công cho biết, tại Quảng Trị, “Giám đốc Nguyễn Thị Hoài Nhạn đã lấy hàng trăm triệu đồng từ tiền mua bảo hiểm y tế của người dân, để sắm ôtô con”. Còn theo ký giả Lam Chi thì “Tình trạng xà xẻo, chiếm đoạt tiền từ các dự án xóa đói giảm nghèo… đã và đang xảy ra ở hầu khắp các địa phương với những mức độ đáng báo động… Không chỉ ăn cắp tiền của các dự án do trên rót về bằng cách cấp thiếu vật tư, tiền vốn, những cán bộ của dự án còn thu thêm tiền của các hộ dân trong vùng hưởng lợi…”.


Theo bài khảo cứu về đảng viên của Tiến sĩ Bùi Ngọc Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Hà Nội, thì “Hành vi và tác động của họ thật là ghê gớm. Về vật chất thì vơ vét càng nhiều càng cảm thấy ít; về địa vị thì say mê chức tước, quyền hành đến cực độ; về thủ đoạn thì cực kỳ tinh vi và nham hiểm…”. Phó chủ tịch Quốc hội CSVN Mai Thúc Lân tổng kết sinh hoạt của toàn bộ quan chức đảng viên như sau: “Chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi bổ nhiệm cán bộ; chạy chỗ trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân chia ngân sách, xét duyệt dự án đầu tư, cấp quota…; và chạy tội khi bị điều tra, thanh tra, truy tố, xét xử…”. Nghĩa là nói chung, chiến dịch “phê và tự phê” của Lê Khả Phiêu đã được đảng viên yểm kỹ …trong thùng.


Về mặt kinh tế, Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh đã nhận định thẳng thắn về tình hình kinh tế VN năm 2000: “Hiện nay khoảng cách giữa nước ta và các nước trong khu vực đang tiếp tục giãn ra chứ chưa thu hẹp lại… rõ ràng là đổi mới của chúng ta đang chậm so với yêu cầu phát triển. Cái đã đạt được chưa phải là cái có thể và cần đạt được…Cỗ xe kinh tế của ta động lực chưa đủ mạnh nhưng thắng cũng không tốt nên cải cách chưa mạnh. Đây là vấn đề có tính hệ thống, không phải là vấn đề kỹ thuật hay riêng lẻ của một ngành, một lĩnh vực”. Không ai phải lôi thôi giải thích vì sao doanh nhân ngoại quốc thi đua cuốn gói, hay chỉ số tăng trưởng khựng lại rồi thối lui. Nói tóm gọn, đó là cuộc khủng hoảng toàn diện.


Về mặt xã hội, Hà Nội đặt tên cho năm 2000 là “Năm Thanh Niên”. Khẩu hiệu mới là “Thanh niên xông pha đi đầu; Tất cả… hãy tích cực tham gia các đội thanh niên tình nguyện: Xóa đói giảm nghèo”. Tức là từ quá khứ Thanh Niên Tải Đạn, đảng mở ra một tương lai Thanh Niên Xóa Đói. Trong lúc đó, ký giả L.H. của báo Lao Động loan tin: “Hơn một triệu trẻ em khó khăn không nơi nương tựa, phải làm việc quá sức để mưu sinh… Tình trạng ngược đãi trẻ em, mua bán, lạm dụng tình dục trẻ em, lôi kéo trẻ vào con đường phạm tội, nhất là tội phạm ma túy… đang diễn ra phức tạp”. Chưa nói tới tệ nạn mãi dâm, nghiện hút. Còn người lớn? Hàng núi đơn khiếu kiện đã buộc Hà Nội phải thành lập những “đoàn công tác chính phủ” đồng loạt đi trấn an đợt đầu trên 15 tỉnh thành. Lề đường Lê Duẩn ở Sài Gòn đông nghẹt người khiếu kiện, ngay vào dịp tổng thống Mỹ ghé thăm VN. Vụ Thái Bình chưa yên, nay đã bùng vỡ làn sóng đấu tranh tại giáo xứ Nguyệt Biều, Huế, và tại khu vực Thánh địa Hòa Hảo, miền Tây….


Về mặt an ninh, Ủy viên chính trị bộ Phạm Thế Duyệt tung chỉ thị cho cả đảng “không được quá hồ hởi” trong dịp đón tổng thống Mỹ, đồng thời, phải đề cao cảnh giác vì “Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ chính sách diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Ủy viên chính trị bộ Lê Xuân Tùng còn nói rõ hơn trên tạp chí Cộng Sản: “Các thế lực thù địch công khai tuyên bố mục tiêu “diễn biến hòa bình” chuyển hóa chế độ ta từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản”…. Rồi ngay khi chiếc Air Foirce One lăn bánh rời phi đạo Tân Sơn Nhất, báo QĐND cho đăng bài học tập của Trung tướng tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN kiêm thứ trưởng bộ Quốc phòng Hà Nội Lê Văn Dũng về “quyết tâm dập tắt mọi mưu toan đảo chánh và diễn biến hòa bình”.


Về mặt dư luận quốc tế, bản phúc trình thường niên về tình trạng chà đạp quyền Tự do Tín ngưỡng của Quốc Hội Mỹ kết luận: “Việt Nam là một trong những chế độ độc tài toàn trị”. Chính xác hơn cả có lẽ là nhận định ngày 19-9 của Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen thuộc tiểu bang Florida: “Việt Nam là một trong vài chế độ đàn áp thô bạo nhất trên toàn thế giới”.


Theo học giả Zachary Abuza, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại đại học Simmons ở Boston: “Tham nhũng chỉ là hệ quả tất yếu của một đảng độc tài cầm quyền. Lê Khả Phiêu có thể liên tục phát động những chiến dịch chống tham nhũng, khai trừ hay kỷ luật 1000 đảng viên khác, đọc thêm diễn văn về tệ nạn chủ nghĩa cá nhân, và động viên mọi người về đạo đức cộng sản, nhưng tham nhũng sẽ tiếp tục hoành hành cho tới khi nào đảng CSVN chịu chia quyền lực và biết nhận trách nhiệm trước quần chúng”.


Theo ký giả Huw Watkin của tờ Hoa Nam Bưu Báo, chiến dịch phê và tự phê do Lê Khả Phiêu khởi động 18 tháng qua đã mất hẳn động lượng: “Báo cáo của Công an cho thấy là tội phạm hình sự trong giới lãnh đạo các xí nghiệp quốc doanh hay cơ quan nhà nước gia tăng cao độ kể từ ngày chiến dịch phê và tự phê đó được thực hiện”.


Tất cả gộp lại thành một bức tranh tổng thể tình hình VN vào cuối thế kỷ 20. Mỗi người có thể nhìn và bình phẩm ở từng giác độ khác nhau. Khách quan nhất là hãy ngẫm lời trần tình năm 2000 của tổng bí Khả Phiêu khi về trấn an “điểm-chưa-nguội” Thái Bình: “tin tưởng ở sự công minh và độ lượng của nhân dân”.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page