2001.02 – Lời Rắn
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 19 min read

Tết là mùa buôn lậu sôi động, tức là mùa “hái lộc” của công an, quân đội. Tết là mùa nhộn nhịp của công nhân viên chức XHCN “bày tỏ cảm tình” với “trên” bằng phong bì, quà cáp. Tết cũng là mùa nấm rộ các bài báo thuộc “thể loại tổng kết năm 2000 thắng lợi giòn giã”, nói theo giọng ký giả Hai Văn Sáu.
Tết còn là mùa múa lưỡi của “lãnh đạo”, cho “dưới” hiểu đảng còn nhiều đường lối, nghị quyết trong năm. Tết Tân Tỵ năm nay lại rơi vào tháng đầu của một thiên niên kỷ dương lịch mới toanh.
Rất tiếc, đảng và nhà nước CSVN không dựa vào được bất kỳ một thành quả kinh tế nào trong kế hoạch ngũ niên vừa qua để ghi vào “bài phát biểu”.
Bởi “Chiến lược kinh tế tới năm 2000” đã biến thành mẹt bánh đúc thiu chợ chiều thế kỷ. Đành phải ngồi xổm bên lề thế giới, níu lấy cái mốc bắt đầu “ngàn năm thứ ba” mơ hồ sương khói để làm “điểm tựa” kích đảng viên. Lời rắn được phun ra đầy đường, từ ấy.
Cực Quý & Thậm Nguy
Trong “10 thành tựu kinh tế xã hội năm 2000” do báo Lao Động bình chọn, có 4 điểm đáng để ý:
Ký kết thương ước Mỹ-Việt ngày 13.7.2000: Thành công vĩ đại nhất của Hà Nội trong suốt tiến trình 5 năm thương lượng là xin sửa kỳ được 1 câu trong đoạn dẫn nhập của hiệp ước. Theo đó, Mỹ đã công nhận VN là một nước “đang phát triển ở trình độ thấp”.
Khai trương thị trường chứng khoán: Sau lắm đận trì hoãn vì lý do “thiếu thống nhất quan điểm” của Hà Nội, rốt cục, thị trường chứng khoán VN cũng được làm giấy khai sinh. Được biết, “Sau 5 tháng hoạt động, đã có 65 phiên giao dịch được thực hiện với tổng khối lượng giao dịch là 91 tỉ 767 triệu đồng”. Khoảng 6 triệu USD. Gần tương đương với 1-10 chi phí chuyến ghé ngang VN 3 ngày của Bill Clinton.
Sáu đoàn công tác liên ngành của chính phủ: “Tổng chỉ huy chiến dịch” là Nguyễn Công Tạn. 6 tùy tùng gồm Đặng Vũ Chư, Đỗ Nguyên Phương, Nguyễn Mạnh Kiểm, Nguyễn Đình Lộc, Bùi Xuân Sơn và Tạ Hữu Thanh. “Sau hơn 1 tháng làm việc, ghi nhận bước đầu là các đoàn đã thực hiện được đúng mục đích yêu cầu đề ra: khôi phục quyền lợi chính đáng cho 51 vụ việc dân khiếu nại đúng, 7 vụ việc khiếu kiện sai cũng đã được trả lời rõ ràng”… Tức là không thể tính thành tỷ lệ so với tổng số đơn khiếu kiện “cao như núi” của dân. Chuyện vặt! Mục đích yêu cầu tiềm ẩn trong kế hoạch này là nhân danh chính phủ mà chính thức quần thảo dằn mặt các đảng ủy (thuộc cả hàng ủy viên trung ương) ở 18 tỉnh thành địa phương, trước kỳ chấn chỉnh nhân sự khóa 9.
Việt Nam tuyên bố ngày 28.12.2000 là hoàn thành công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học: “Nếu trước năm 1945, 95% dân số VN mù chữ, thì nay 94% người dân VN biết chữ. Nếu năm 1945, VN còn là một nước thất học, thì sau 55 năm kiên trì công tác xóa mù chữ, tỷ lệ thất học nay chỉ còn vài phần trăm”… Tức ngang bằng tỷ lệ đảng viên/dân số, tính luôn cả dàn lãnh đạo Ba Đình.
Trong khi đó, cũng do báo Lao Động bình chọn, thì đứng đầu “10 sự kiện Đông Nám Á” của năm 2000 là vụ “Tổng thống Mỹ W.J. Clinton thăm Việt Nam” đã vượt xa tiêu lệnh “đề cập chừng mực-vỗ tay vừa phải-cảnh giác cao độ” của Phạm Thế Duyệt. Còn đứng hàng thứ 7 là biến cố cất chức Tổng thống Estrada của Phi Luật Tân. Các báo trong nước không nói rõ đương sự bị bãi nhiệm vì lý do tham nhũng. Không dám bình luận sâu về nền dân chủ pháp trị của Phi đưa cả tổng thống ra phiên tòa truất phế của thượng viện quốc hội. Không dám nói về sức mạnh quần chúng đã tạo ra biến động này, tương tự như vụ chính biến ở Nam Tư mấy tháng trước. Và cũng chẳng dám đề cập nhiều đến tư cách lãnh tụ đối lập của bà Gloria Arroyo trước khi lên thay ông Estrada. Không có gì quý hơn độc lập…!?? Ba chữ đầu quả đúng. Ít ai biết chắc ý nghĩa nguyên câu. Hiện nay, người ta chỉ ngứa tai thường xuyên hơn: Không có gì nguy bằng Đối Lập…!!!
Đảng không sợ cả Tây lẫn Mỹ. Vì biết rằng có độc quyền tiêu xài xương máu nhân dân. Như nội dungThư gửi Đại hội Thanh niên tiên tiến thi đua yêu nuớc toàn quốc của Trần Đức Lương kêu gọi: “thanh thiếu niên cả nước luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì…”. Việt Nam không thiếu tầm vông, nên đảng chẳng sợ thực dân, đế quốc. Đảng chỉ sợ Đa Nguyên. Vì cảm được rằng nhân dân đã dành sẵn cho mình khá nhiều sọt rác. Kết luận? Đa nguyên ắt phải mạnh hơn cả Tây lẫn Mỹ cộng chung?
Thiên Đường… Dài?
Nhân một dịp tranh tài với nhạc sĩ “ngẫu hứng” Trần Tiến hồi giữa năm ngoái, tổng bí Khả Phiêu đã bất ngờ gieo quẻ, sờ mai mà tuyên bố là đảng CSVN sẽ cầm quyền ít ra là 100 năm. Cũng giống như mọi tuyên bố khác, Phiêu gặp khối kẻ bất đồng ý kiến trên nhiều mức độ và khía cạnh khác nhau.
Gần nhất có Lê Xuân Tùng, Ủy viên chính trị bộ, đã phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ khối cơ quan Khoa giáo Trung ương lần thứ V, rằng: “Vạch ra định hướng con đường xây dựng CNXH đã khó nhưng việc giáo dục thế hệ trẻ để tiếp nối bước đi của cha, anh còn khó hơn nhiều…”. Quả thực không còn ai có thể định nghĩa rõ hơn hai chữ ngõ cụt.
Vẫn Lê Xuân Tùng, nhân Đại hội đảng bộ khối cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng lần thứ V, lại lớn tiếng nhấn mạnh nhiệm vụ của cả khối tư tưởng là phải: “làm rõ hơn những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…. từng bước làm sáng tỏ mô hình CNXH ở Việt Nam…”. Chỉ phiền mấy nỗi: Quốc tế cộng sản đã rã. CNXH đã chết. Mác-Lê đã “quá đát”. Cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh mùa này chỉ còn mỗi một: “Tết trồng cây”! Chưa biết mặt mũi CNXH ra sao mà phải làm sáng tỏ mô hình CNXH đậm đà màu sắc VN thì xem ra còn khó hơn cả quá trình tạo điều kiện cho doanh nhân ngoại quốc… trồng răng!
Sờ nhằm đuôi rồi bảo voi giống chổi, hẳn đó phải là anh mù, và rất đáng cảm thông. Còn nắm cái chổi cùn mà cứ khư khư ra nghị quyết bảo là voi, thậm chí sẽ hóa rồng, thì ắt chỉ có mấy đứa vô loài mà cứ khăng khăng tự xưng… vô địch. Vì sao? Vì chính nó biết đó là điều bất khả: “Vấn đề quan trọng khác mà hiện nay Đảng ta nhấn mạnh là tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết. Đây đang là khâu yếu của chúng ta… Và quan trọng nhất là nội bộ chúng ta phải đoàn kết nhất trí”. Không biết CNXH là gì, ở đâu. Không thể đồng ý với nhau làm gì và làm sao tới đó. Lại không có khả năng tổ chức và huấn luyện cho đảng viên đi theo. Thế mà vẫn kiên quyết “một lần là trăm năm”?!! Vẫn chính Lê Xuân Tùng tát tay tổng bí, giữa đại hội.
Chính Lê Khả Phiêu càng biết rõ hơn ai hết, và đã phát biểu khá chính xác về đảng và đảng viên CSVN, trong dịp Đại hội đảng bộ Thanh Hóa lần thứ 15: “Rõ ràng là căn bệnh tham nhũng, quan liêu chưa được khắc phục triệt để…”. Bác lang Phiêu cần những 1 thế kỷ để chữa chứng nan y này ư?
Bảo đảm đắt khách, đã có báo Tuổi Trẻ đưa 1 tin mở hàng đầu năm: “Sáu trường hợp nhận hối lộ bị truy tố có: Nguyễn Trọng Luật, PGS-TS Trường ĐH Giáo thông vận tải (Hà Nội), giám đốc Công ty Giao thông vận tải, chủ nhiệm dự án đường Nậm Pục – Pác Ma (nhận 52 triệu đồng); Nguyễn Văn Hoàn (1960), quyền trưởng phòng tổng hợp Sở Kế hoạch – đầu tư Lai Châu (46 triệu đồng); Lý Văn Phong (1951), phó chủ tịch huyện Mường Tè kiêm trưởng ban quản lý công trình (ban A) dự án Mường Tè (34 triệu đồng); Nguyễn Thanh Bình (1954), phó ban A huyện Mường Tè (29 triệu đồng); Trương Tiến Mạnh (1963), phó ban A huyện Mường Tè (12 triệu đồng) và Vũ Quang Long (1969), kế toán trưởng ban A huyện Mường Tè (17,5 triệu đồng)”.
Hay, như báo Lao Động ngày 10.1.2001 loan tin về công an Trần Khắc Thìn thuộc tỉnh Đắc Lắc: “Lúc 10 giờ ngày 15.4.2000, do nghi ngờ anh Phùng Văn Kim ăn cắp xe đạp, Thìn đã bắt anh Kim về đồn dùng gậy đánh để tra hỏi, khiến anh Kim bị thương tích nặng, 17 giờ cùng ngày thì chết. Tòa tuyên phạt Thìn 12 tháng tù cho hưởng án treo…”. Đảng viên bị 12 tháng tù treo vì tội đánh chết người trong vòng 7 giờ. Bản án có thể được rút tỉa là phải đánh chết nhanh hơn cho nhẹ tù chăng?
Ở phía văn nghệ sĩ, nhà thơ Trương Nam Hương đã gửi gắm vào bài thơ Dâng Cha 2 câu bình về nửa thế kỷ độc quyền vừa qua, chưa nói tới nửa thế kỷ còn lại theo quẻ rùa của tổng bí Khả Phiêu:
“Con không tin có thiên đường
Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!”.
Ai Cướp Ai?
Có người định vinh danh 2001 là “Năm Ngẫu Hứng”, thì lại có kẻ bảo đó là “Năm Lên Đồng”. Hãy nghe lời khai mạc Hội nghị lần thứ 11Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 8 của Lê Khả Phiêu ngày 6.1.2001, khắc rõ: “Như vậy là nhân dân ta đã đi qua chặng đường 100 năm của thế kỷ XX, thế kỷ oanh liệt nhất, vĩ đại nhất…”.
Trong đó ta có gì? Ta có nhiều! Ta có đứa bồi tàu sang làm bếp Tây, đọc báo Nga rồi khóc tiếng Việt: “Cơm áo là đây ! Hạnh phúc đây rồi !” (thơ Chế Lan Viên). Từ bấy, ta có các chiến dịch tiêu thổ vườn không nhà trống, rồi luận cương lập đảng, rồi tuyên ngôn độc lập, rồi tạm ước mời Tây trở lại Bắc Kỳ, rồi toàn quốc kháng chiến, rồi đấu tố cải cách ruộng đất, tận diệt trí-phú-địa-hào, rồi Nhân Văn-Giai Phẩm, rồi thanh toán Xét Lại, rồi đi B xẻ dọc Trường Sơn….
Theo nhà báo Dương Trung Quốc, ta còn có một hệ thống tem phiếu cực kỳ độc đáo của thế kỷ: “Thuở đó, cứ mỗi lần Tết sắp đến, các gia đình… cứ căn cứ vào số lượng và thành phần nhân khẩu mà được định lượng các nhu yếu phẩm cho ngày Tết: bao nhiêu mớ lá dong, cân đậu xanh, gạo nếp, cân thịt, mấy miếng bóng bì, dăm bao thuốc lá… cho đến mấy gói mì chính, hạt tiêu, bánh pháo, gói kẹo, gói chè… Thuở ấy ai cũng có tem phiếu. Trẻ mới đẻ, sau giấy khai sinh là phải làm thủ tục xin cấp phát phiếu; người chết, sau giấy khai tử là xin cấp tem phiếu đi mua cỗ áo sáu tấm, vải liệm v.v…. Nếu có một bảo tàng dành một gian trưng bày các loại tem phiếu, hình ảnh ở đâu cũng thấy chen chúc xếp hàng, những chiếc thìa bị đục thủng lỗ của các nhà hàng càphê để khỏi bị mất cắp, những sáng kiến của ngành lương thực để bán gạo cho dân từ những cái đấu bằng gỗ, đến các túi bao tải to nhỏ khác nhau và cả những cỗ máy ‘bán tự động’ để trút gạo vào cân, hay các loại máy đong dầu hỏa v.v… thì chắc chắn nó sẽ gây nên hứng thú vì chẳng những bộ sưu tập độc đáo mà còn có giá trị giáo dục rất cao cho mọi thế hệ mai sau về một thời đã qua gắn bó với những chiến công anh hùng…”.
Ta có anh hùng đầy ngõ, khẩu hiệu đầy nhà, từ dạo “đánh Tây” sang thời “chống Mỹ”. Ta có súng máy Tiệp Khắc, mã tấu Trung quốc, xe tăng Liên Xô. Ta cũng có lắm thứ không nước nào có: mồ chôn tập thể Mậu Thân, đại lộ Kinh Hoàng…. Ta có quần đảo cống Tàu, hải cảng dâng Nga, tù cải tạo, kinh tế mới, thu vàng bán bãi, chiếm đóng Chùa Tháp, chống trả Bá quyền v.v… Sau cùng, ta có hàng vạn nghĩa trang vùi nông hàng triệu liệt sĩ và 30 vạn bộ đội “mất tích”. Theo nhà thơ Nguyễn Duy, ta có vô số thương binh “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng”. Và, ta có xương máu nhân dân hai miền bón phân cho một dải đất nghèo đói nhất nhì thế giới. Ta có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đứng hàng đầu trên mặt đất. Ta có thành tích nạo phá thai số một toàn cầu. Ta có tính cảnh giác cao độ về nạn ăn cắp của chung và của riêng không nước nào bì kịp. Ta có Pháp lệnh Tôn giáo. Ta có Nghị định 31 CP. Ta có toàn bộ báo chí truyền thanh truyền hình quốc doanh.
Theo ký giả Lý Sinh Sự, ta có “Khách nước ngoài bị bu như ruồi, ‘đàn ruồi’ còn vo ve bằng tiếng Anh nữa mới thật là… đậm đà bản sắc thị trường(!)… Hôm qua đi Hội báo Xuân, rẽ vào cái WC (nhà xí) trong hội chợ thấy rơi vãi nơi đây khá nhiều kim tiêm ống chích, rùng cả mình. Giữa thanh thiên bạch nhật, ở nơi công cộng đông vui nhất thủ đô còn thế, huống hồ…”.
Theo GS Vũ Cao Đàm, ta có “một hệ đào tạo Tiến Sĩ ngắn ngày chỉ vài tháng. Phần lớn họ chẳng biết lấy một ngoại ngữ, lạc hậu về chuyên môn, nặng về ‘chạy lần dự án, kiếm ăn, đánh quả’… bước lên các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các chuyên ngành quan trọng”.
Tay đạo diễn Mỹ Steven Spielberg vẫn bảo: “Mỗi nền văn hóa đều có tuổi ấu thơ, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già”. Ta hiện chỉ có hai: văn hóa minh họa tiến lên văn hóa lưỡi gỗ.
Hệ quả của nó giúp ta có một loại lãnh đạo mà theo nhận xét của nghệ sĩ Huỳnh Nga trong buổi tọa đàm về 4 vở kịch dự Liên hoan Sân Khấu Mùa Thu ngày 12.1.2001: “Đó là loại người thời chiến thì lợi dụng máu bạn bè đổ ra, thời bình thì lợi dụng ‘tim óc’ của bạn bè để tiến thân”. Không chỉ thế. Lắm kẻ còn làm giàu nhờ thiên tai bão lụt.
Vào cuối thế kỷ oanh liệt đó, ta có Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2000 của Phan Văn Khải: “Tệ nạn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng. Nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vi phạm dân chủ, cửa quyền chưa được đẩy lùi. Cải cách hành chính chưa thật sự là khâu đột phá, chuyển biến về bộ máy, con người còn chậm. Khiếu nại tố cáo của công dân vẫn diễn ra phức tạp…”. Ta có cả lời trần tình của Trần Đức Lương trong bài phát biểu đón mừng Việt kiều về nước ăn Tết Tân Tỵ vào cuối thế kỷ oanh liệt: “đất nước ta còn nghèo, phải vươn mình lớn lên từ điểm xuất phát thấp…”.
So với láng giềng, sự vĩ đại của VN vào cuối thế kỷ 20 ra sao? “Khi các nước láng giềng có bước đột phá mới trong hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra cục diện cạnh tranh mới, gay gắt hơn nhiều: khi tình hình giá cả đối với một mặt hàng xuất nhập khẩu quan trọng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; thị trường xuất khẩu đang bị cạnh tranh gay gắt trong khi cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam thay đổi chưa nhiều; thông tin thị trường còn nhiều hạn chế, dự báo thiếu chính xác; tổ chức dịch vụ thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng buôn lậu gian lận thương mại vẫn còn xảy ra… đã và đang là những thách thức to lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam…”. Cũng chính Trần Đức Lương nhận định lê thê như vậy nhân cuộc phỏng vấn đầu năm của báo Nhân Dân.
Qua hết một thế kỷ có lắm “kỳ tích” đó, ký giả Margot Cohen của tờ Viễn Đông Kinh Tế đã tóm tắt trong tựa đề bài báo viết từ Hà Nội ngày 25.1.2001 về toàn bộ sứ mạng oanh liệt của đảng là: “Cướp Của Người Nghèo”. Trước đó 7 tuần, ký giả Nayan Chanda đã phân tích mức độ đấu đá oanh liệt của các phe phái trong Bắc bộ phủ về cung cách “Ngủ Với Kẻ Thù”. Còn thi sĩ Nguyễn Quang Thiều trong nước ghi nhận rất rõ tính vĩ đại của thế kỷ qua trong bài thơ Cánh Đồng:
“Nghe vọng lại mùa châu chấu đói
Xòe cánh bay qua vòm họng người nghèo…”.
Chó Chạy Hở Đuôi
Nhân lễ kỷ niệm 55 năm cuộc đảng cử đại biểu Quốc hội miền Bắc đầu tiên (6.1.1946 – 6.1.2001), Nông Đức Mạnh đã long trọng phát biểu: “Trong giờ phút cảm động này, chúng ta ghi lòng tạc dạ công lao trời bể của Đảng Cộng sản Việt Nam… Xin chân thành kính chúc các bác, các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, sống lâu”.
Hãy xét thử “công lao trời bể” đó tại 3 tỉnh tiêu biểu rồi nhân rộng ra cả nước:
Tại Đại hội lần thứ 15 đảng bộ tỉnh Nghệ An, quê hương của Hồ và phong trào Xô Viết, Trần Đức Lương đã nhận định: “Đến nay, Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo…. Tốc độ tăng trưởng và tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, hiệu quả và chất lượng đầu tư còn thấp. Công nghiệp và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế hàng hóa còn đang ở mức manh nha, chất lượng và sức cạnh tranh kém. Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động còn kém hiệu quả và chậm được tổ chức lại, chuyển đổi kinh tế hợp tác còn rất lúng túng…. Các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy vẫn đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, số lao động được đào tạo nghề rất ít, sức ép về dân số và việc làm còn lớn. Tư tưởng bảo thủ trì trệ, dựa dẫm, ỉ lại còn khá nặng nề. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên giữ cương vị chủ chốt, các ngành, các cấp suy thoái về đạo đức, lối sống, mắc bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu… Quê hương của phong trào Xô Viết phải coi đói nghèo, lạc hậu cũng là nỗi nhục không kém gì nỗi nhục mất nước. Hơn thế nữa, nếu không thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu thì độc lập tự do cũng không còn ý nghĩa..”.
Lạc hậu chưa cần tính. Vượt đói nghèo thì đã có cách: 5 cán bộ cao cấp (kể cả chủ tịch) của MTTQ Nghệ An đã “xà xẻo” 60 ngàn mỹ kim trong dịp cứu trợ bão lụt vừa qua.
Tại Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 15, Lê Khả Phiêu đánh giá quê hương của chính mình như sau: “Cả nhiệm kỳ này đã tổ chức kiểm tra trên 17.000 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, có tới 7.000 đảng viên phải xử lý kỷ luật, trong đó có trên 1.200 đảng viên phải đưa ra khỏi Đảng…. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích nông nghiệp còn thấp; công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển chậm; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch còn rất yếu, xuất khẩu mới đạt 34 triệu USD như vậy là quá yếu; thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng chưa được mở rộng, thu hút vốn cho đầu tư phát triển từ trong nước còn hạn chế, từ ngoài nước lại càng khó khăn hơn; một số công trình đầu tư thiếu đồng bộ, kéo dài, kém hiệu quả; đời sống một bộ phận nhân dân còn rất khó khăn, nhất là đồng bào miền núi, tỷ lệ người thiếu việc làm còn cao, tỷ lệ đói nghèo còn lớn…”.
Tại Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, cũng nhân dịp đầu năm chuẩn bị cho đại hội toàn đảng khóa 9, Phan Văn Khải ghi nhận: “Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé, chất lượng sản phẩm thấp, còn hạn chế về sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Qua mười năm, tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp-xây dựng trong GDP của tỉnh chỉ tăng 2,2%. Tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp chưa được khai thác có hiệu quả;… hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn còn nhiều mặt yếu kém; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần ở một số nơi còn thấp. Ở một số vùng dân trí thấp, trình độ của một bộ phận cán bộ còn nhiều hạn chế, năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý điều hành chưa cao, bệnh quan liêu, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên còn nặng nề, thiếu chủ động sáng tạo; tổ chức Đảng, chính quyền ở một số nơi hoạt động yếu…. Tham nhũng, quan liêu xa rời nhân dân, cục bộ bản vị, nội bộ mất đoàn kết, đó là những biểu hiện xấu xa nhất của chủ nghĩa cá nhân hiện nay…”.
Riêng tại Đại hội Đảng bộ Quân đội, Lê Khả Phiêu đã ban huấn từ: “Nhất thiết không được để quân đội, cả ba thứ quân (hải, lục, không quân), Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tham gia bao che các vụ buôn lậu và các hành động trái pháp luật khác…”.
Gói ghém cả nửa thế kỷ “nhờ ơn bác-đảng”, nhà thơ Phùng Cung chỉ tóm vào mấy câu:
“Làng queo quắt
Tụi trẻ đi – đi hết
Dờ dệt sức già gãi đất
Ngô phong cờ
Chó chạy hở đuôi
Cái đói – tròn
Lăn – kín bốn mùa”
Từ đó, đúc kết 3 bài phát biểu nói trên để nhìn ra toàn bộ “công lao trời bể” của đảng, chả trách gì ký giả V.M. của báo Lao Động cho đi tựa bài phóng sự Tết năm nay là “Hoa giả ‘nở rộ’”.
Để chấm dứt nỗi buồn có thật của hàng chục triệu Trương Nam Hương, để chấm dứt các loại ảo vọng trăm năm của Lê Khả Phiêu, để chấm dứt cung cách ghi lòng tạc dạ theo kiểu Nông Đức Mạnh, từ giáo xứ Nguyệt Biều cạnh Huế, người ta đã nghe vang vọng một lời kêu gọi chân tình, tha thiết vào ngày mồng 3 Tết Tân Tỵ: “Hỡi các giáo sư, giáo viên, sinh viên, học sinh Việt Nam, đừng dạy và đừng học chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và lịch sử đảng CSVN nữa!”.
Sang Sông Vịn Sóng
“Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lợi dụng những khó khăn và yếu kém của chúng ta để thực hiện âm mưu ‘diễn biến hòa bình’, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta…”. Phan Văn Khải đã nhắc nhở như thế trong Đại hội đảng bộ Lạng Sơn nói trên.
Tại Đại hội Đảng bộ Quân đội, Lê Khả Phiêu nhấn mạnh: “Tổ quốc ta là một trọng điểm mà các thế lực thù địch không ngừng tìm cách kiềm chế, phá hoại, chuyển hóa và lật đổ. Trong khi trang bị vũ khí hiện đại còn hạn chế thì càng phải lo xây dựng con người. Chống tự mãn, chống lười học, chống học tập hình thức, chỉ nói hay, nói tốt một chiều, giấu khuyết điểm, giấu cấp trên… Nhất thiết không để bị bất ngờ trước mọi tình huống”.
Rồi lại Phan Văn Khải, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an T.Ư, ngày 4.1.2001:”Âm mưu của các thế lực thù địch đối với nước ta ngày càng hiểm độc: diễn biến hòa bình về tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa; móc nối xây dựng lực lượng phản động trong nước; lợi dụng những “điểm nóng” và những vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân tộc để gây rối. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác… không để xảy ra đột biến, bất ngờ…”.
Càng níu lấy cựu thù thì Hà Nội càng thấy lớn thêm nhu cầu hô hoán chống lại kẻ cựu thù, đối với quan thầy Bắc Kinh và đối với đảng viên cả nước. Chung quanh thời điểm ký kết thương ước với Mỹ, đặc biệt là ngay trước và sau vụ Clinton sang VN, mọi người đều thấy rõ mức độ khuếch đại âm thanh nguyền rủa đế quốc từ ống loa sắt rỉ Ba Đình.
Đến Tết này, báo QĐND cũng không quên đi bài xã luận trên trang nhất số Tân Niên nhằm tố cáo “đế quốc Mỹ” cầm đầu việc gây chiến trên toàn thế giới. Theo ghi nhận của ký giả tờ Hoa Nam Bưu Báo Michael Mathes tại Hà Nội, bài báo này của tác giả Ngô Đình Cai, với nội dung “chủ nghĩa đế quốc, cầm đầu là Mỹ và các thế lực ngoại quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu xóa bỏ CNXH và các phong trào cách mạng trên thế giới”, sẽ được đưa vào dự thảo báo cáo chính trị của đại hội toàn đảng CSVN khóa 9 sắp tới như một lượng định cơ bản cho các nghị quyết sắp ra lò suốt 5 năm trước mặt.
Bên cạnh đó, càng tới gần khung cửa hội nhập kinh tế toàn cầu, như một bắt buộc không thể nào khác để kềm giữ mức tụt dốc của nền kinh tế VN, Hà Nội lại càng thấy to thêm nhu cầu khuếch đại loại khẩu hiệu “giữ vững chủ quyền”, “giữ vững độc lập”, “giữ vững định hướng XHCN” v.v….
Vừa muốn cất cánh lại vừa thả neo và dồn sức phun nọc. Cả hai thái độ sóng đôi đó dường như có điều nghịch lý, khó hiểu?
Theo Tiến sĩ Phạm Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc, nhân buổi Hội thảo “Tâm lý dân tộc và Phát triển” vừa qua, đã phân tích xa gần rằng: “Tôi cho đó chỉ là một phản ứng tâm lý hơi có màu sắc hoảng hốt trước những cái mới mà mình chưa mường tượng, định hình được… hậu quả của tình trạng khép kín hàng chục năm”. Ra thế! Cái đáng sợ nhất thường xuất phát từ cái dốt và cái ghế của chính mình?
Cũng trong buổi hội thảo này, liên quan đến vấn nạn đất nước và con người VN thui chột, nhà báo Nguyễn Văn Thành đã nêu bật khá nhiều điều rất đáng băn khoăn: “VN có giới trí thức hay không? Họ là ai? Họ có vai trò gì trong lịch sử hay chỉ đứng sau các nhà chính trị? Liệu sắp tới, họ có chiến thắng được nỗi ngại ngùng để góp phần giải đáp các vấn nạn của xã hội?”.
Phần góp ý của Linh mục Thiện Cẩm cũng đáng suy nghĩ không kém: “Người trí thức chúng ta như những cây nến nhỏ, vấn đề là chúng ta cần phải biết kết lại để trở thành một ngọn đuốc sáng toả đến mọi nơi chứ không phải chỉ là phương tiện cho những ai đó muốn dùng để soi tới những nơi họ cần”.
Độc giả báo VNDC nghĩ sao?
Riêng từ giáo xứ Nguyệt Biều, vào ngày mồng 5 Tết Tân Tỵ, câu trả lời của Linh mục Nguyễn Văn Lý có lẽ bao hàm cả hai chiều giải quyết: “Hỡi những người CSVN! Hãy công bằng chia sẻ trách nhiệm phục vụ Tổ Quốc cho người khác, bằng cách hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp nước CHXHCNVN hiện nay; bằng cách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người Việt hải ngoại được có các điều kiện thuận lợi trở về xây dựng Đất nước, để mọi người có thể chia sẻ sự nghiệp xây dựng Tổ Quốc bằng các cuộc bầu cử công bằng, tự do, dân chủ trong sự giám sát của các Tổ chức Quốc tế”.
Nhân thể, cũng để chấm dứt cảnh Lời Rắn đầy đường, Nọc Rắn đầy tai?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments