2001.03 – Chim Sẻ Đẻ Đại Bàng?
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 19 min read

Tháng Hai năm nay ở VN xảy ra 2 vụ động đất. Một vụ ở thung lũng Điện Biên làm sập một số nhà sàn. Một vụ ở cao nguyên Pleiku kéo sập trụ sở bưu điện Ea H’leo, làm 20 công an bị thương và gây rúng động tới cả Hà Nội.
Tin chính thức trong tháng cho biết đại hội 9 được hoãn lại.
Tin không chính thức gây xôn xao trong giới đảng viên cộng sản về một xáo trộn lớn trong hàng ngũ chức sắc ở Ba Đình. Phần thời sự còn lại của tháng Hai là những bàn tán về các điểm tương đồng giữa bản dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội với bài hướng dẫn của sư phụ Lý Thiết Ánh.
Rực Rỡ Phố Hàng Mã
Tân Tỵ trước, cách đây 60 năm, Hồ Chí Minh đặt chân về lại VN dưới tên “cụ Ké”, với một sứ mệnh nhận từ điện Cẩm Linh. Theo Đinh Xuân Lâm trên tạp chí Lịch sử đảng: “Mồng 2 Tết (28-1-1941) Nguyễn ái Quốc rời Nậm Quang về nước, qua cột mốc biên giới số 108… Đêm đầu tiên trở về nước ngủ tại nhà ông Máy Lỳ, hôm sau Cụ Ké và mấy anh em được chủ nhà dẫn lên hang Cốc Bó (Pác Bó)”.
Mấy năm sau đó, chư hầu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Liên Xô cho ra đời bản hiến pháp đầu tiên.
Trên tạp chí Xưa & Nay, theo Vũ Kỳ, cần vụ tâm đắc của Hồ, thì “tác phẩm luật cao cấp” đó tích lũy “nhiều điều còn có giá trị nóng hổi tính thời sự cho đến hôm nay”.
Thử đọc lại một vài điều khoản tiêu biểu về “những quyền cơ bản của công dân Việt Nam”:
Điều 6: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện, chính trị, kinh tế, văn hóa”. Riêng đảng viên cộng sản vẫn được quyền “ngang” nhiều hơn mọi người khác.
Điều 7: “Đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”. Tiêu chuẩn tài đức tóm gọn là Năm Chạy.
Điều 10: “Công dân Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Cứ đọc quyển “Viết cho Mẹ và Quốc hội” của tác giả Nguyễn Văn Trấn, hoặc hỏi quý ông Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Linh mục Nguyễn Văn Lý, hay, mới đây là Hòa thượng Quảng Độ… khắc biết.
Điều 11: “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở và thư tín. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”. Trường hợp gần nhất của quý ông Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh chỉ là một trong rất nhiều cá biệt ngoại lệ mà bộ công an phải sử dụng bạo lực chuyên chính theo chỉ thị của bộ chính trị.
Đặc biệt là điều 8: “Quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”. Quốc dân thiểu số từ Đắc Lắc lên tới Kontum đã được đảng và nhà nước tận tình hướng dẫn di dời vào rừng lên núi để lấy chỗ cho di dân Thanh-Nghệ xây trang trại, hay cho doanh nhân ngoại quốc thành lập đồn điền cà phê, tiêu sọ. Lại được tận tình giúp đỡ phá giở nhà thờ, thánh thất, miếu mạo, chùa chiền, để “cùng thực hiện chính sách bài trừ mê tín dị đoan”. Chiếc ly đầy nhiều năm, lại sóng sánh thêm nguy cơ hàng trăm ngàn di dân đang tới từ dự án thủy điện Sơn La, rốt cục đã tràn bởi giọt sau cùng là vụ bắt giam 2 người khiếu kiện. Một thương nhân địa phương cho phóng viên BBC biết là dòng người biểu tình dài mút mắt.
Phóng viên của hãng Reuters ước lượng là có đến cả chục ngàn người kéo về Pleiku đòi thả 2 người bị bắt. Khu du lịch Yok Don và khách sạn trong vùng được lệnh tạm đóng cửa vô hạn định. Du khách bị chặn lại từ những chốt giao thông vào vùng nóng cao nguyên. Theo ký giả Huw Watkin của Hoa Nam Bưu Báo, trực thăng lượn vòng khu vực suốt 4 ngày đêm, và nhiều đơn vị quân đội đã được điều động khẩn cấp về Tây Nguyên. Ký giả Margot Cohen của tạp chí Viễn Đông Kinh Tế tường trình là điện thoại liên lạc trong-ngoài khu vực này bị cắt, và giới chức địa phương bị cấm tiếp xúc trao đổi với người ngoại quốc. Bài báo đánh giá là biến động Tây Nguyên có tính cách đe dọa sự ổn định gấp nhiều lần vụ Thái Bình hồi năm 1997. Sứ quán Mỹ và một số nước đã khuyến cáo công dân du khách của họ nên tránh xa vùng Tây Nguyên VN cho đến khi có hướng dẫn mới. Ngay vào lúc quốc hội Mỹ đang có cuộc điều trần về tình trạng nhân quyền và tôn giáo trước khi phê chuẩn hiệp ước mậu dịch Việt-Mỹ.
Trong Phiên họp thường kỳ vào cuối tháng 1-2001 của chính phủ CSVN, Tổng thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh báo cáo là “đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là việc thành lập các Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ và của mỗi địa phương làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và xem xét các vụ việc khiếu kiện, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp và tồn đọng kéo dài”.
Không thể có một phương cách nào có ý nghĩa hơn để kỷ niệm 71 năm ngày thành lập đảng: Báo cáo thực tế của người dân Tây Nguyên vào đầu tháng 2-2001 chính là một tát tay thẳng cánh vào mặt đảng, sau chuyến du hành ăn nhậu của 6 đoàn công tác liên ngành. Chính trị bộ Hà Nội phải họp khẩn để tìm ngay đối sách ngắn hạn. Trước tiên là thả ngay 2 người đầu mối tạo ra cuộc biểu tình, nếu không xong, tung quân đội lên trấn áp và bắt giam 20 người khác, dù biết quyết định này không mấy “dễ coi” trước dư luận quốc tế. Kế đó là hàng loạt “ống đu đủ” trên dàn báo đảng cùng thổi về vùng Đắc Lắc-Gia Lai “trù phú”.
Rồi tới loạt bài lên án thế lực thù địch ở nước ngoài, kêu gọi cả khu vực vùng sâu vùng xa cùng học tập an ninh quốc phòng, với nhận định chính thức là mọi cuộc biểu tình dài hàng chục cây số trên quốc lộ Tây Nguyên trong cao điểm chuẩn bị đại hội toàn đảng kỳ 9 chỉ thể hiện sự… hiểu lầm của người thiểu số! Cao lắm cũng chỉ có thể là sự… thiếu hiểu biết tạm thời của dàn cán bộ lãnh đạo các dân tộc sơn cước!
Nói tóm gọn, nếu hiểu đúng tinh thần điều 8 của bản hiến pháp nói trên, thì không ai có thể ngạc nhiên khi thấy bức ảnh được bình bầu đẹp nhất trên báo Lao Động số Xuân năm nay có tựa đề Rực Rỡ Phố Hàng Mã.
Chiến Lược Bản Lề
Theo nhà kinh tế vĩ mô Quang Luyện trên báo Nhân Dân: “Giữa hai thế kỷ 20 và 21, Việt Nam liên tiếp thực hiện hai chiến lược bản lề… Đó là ổn định và phát triển kinh tế – xã hội (giai đoạn 1991-2000) và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 2001-2010)”.
Điều này phải được coi là trọng tâm đổi mới của đảng: chuyển biến từng bước từ kế hoạch ngũ niên sang bản lề thập niên. Bước đầu, chiến lược kinh tế tới năm 2000 đã thê thảm ra sao, chẳng ai chẳng rõ. Bước kế, ở cuối bản lề 2010, mục tiêu chiến lược “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được định rõ là nâng GDP của VN “lên ít nhất gấp đôi năm 2000”. Nói ngắn gọn cho dễ nắm bắt, nếu đừng có những “hiểu lầm” xảy ra ở mọi nơi như trường hợp Thái Bình/Pleiku hay An Giang/Nguyệt Biều, VN cần thêm chừng bốn hay năm cái bản lề thập niên như thế nữa là có thể chạm ngưỡng “Amazing Thailand 1998”. Nhờ đâu?
Theo Quang Luyện, đó là nhờ đường lối sáng tạo của đảng: “Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, và khai thác tốt các yếu tố tích cực của thời đại, chắc chắn chúng ta sẽ có đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện được các mục tiêu của chiến lược bản lề tiếp”.
Phát huy “truyền thống hào hùng” cách nào?
“Để có hàng bán vào sáng sớm, ngày ngày anh chị phải dậy từ 2 giờ sáng và có hôm chị phải bán đến trưa mới hết”. (Phóng sự của Tô Thành Tuyên trên báo Sự kiện & Nhân chứng về ‘Chị Nhiên Kéo Xác Máy Bay Mỹ’, anh hùng lực lượng vũ trang thời chiến, hiện đang bán sữa đậu nành, tháng 2.2001).
“Trông dãy vi-la, biết tính ‘thật thà’ của sếp. Nhìn đống quà Tết, biết lòng ‘liêm khiết’ quan tham”. (Câu đối Tết Tân Tỵ trên báo đảng).
“43% trong tổng số đợt thanh tra đầu tiên 69.000 đảng viên đã phạm tội tham nhũng, kể cả hàng ủy viên cao cấp”. (Mục Regional Briefing trên báo Viễn Đông Kinh Tế ghi nhận, đầu tháng 3.2001).
“Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là giữ cái gì? ở đâu?…” (Tựa đề một bài viết của tác giả Tú Anh trên báo Lao Động, tháng 2.2001).
“Con đường thế kỷ XX chúng ta chưa đi xong, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI…. Chúng ta mới đi từ làng ra tỉnh. Làng của chúng ta khép kín, tỉnh của chúng ta dở dang”. (‘100 năm văn học quốc ngữ’, bài nghiên cứu của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trên báo Lao Động Xuân Tân Tỵ).
Rồi, hãy thử liệt kê một vài yếu tố tích cực của thời đại:
“Sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn có tính chất thời đại”. (Lê Khả Phiêu, phát biểu trong dịp bế mạc Hội nghị lần thứ 8 BCHTƯ đảng khóa VIII, ngày 11.11.1999).
“Thế kỷ XX vẫn phải buồn rầu trước sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội, cái coi như đã hình thành có máu thịt lại tan rã một cách đau đớn… Phi nghĩa đôi khi lừa bịp được một bộ phận quần chúng – khá đông nữa, …song không chịu nổi khảo nghiệm của thực tế, về lâu về dài”. (Trần Bạch Đằng, bài ‘Đấu tranh tư tưởng- Cuộc đấu tranh trường kỳ’, tạp chí Tư Tưởng-Văn Hóa, tháng 1.2001).
“Đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn thiếu thốn… thì một bộ phận cán bộ, đảng viên xa hoa, phung phí tiền của, bỏ mặc tài sản của công mất mát, hư hỏng và bị phá hoại… Nghiêm trọng hơn là một bộ phận đảng viên giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, mơ hồ, dao động về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Diễn văn của Lê Khả Phiêu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 109 ngày sinh của Hồ Chí Minh, 18.5.1999).
“Trình độ kinh tế và khoa học-công nghệ còn thua kém nhiều nước trong khu vực; nền kinh tế còn kém năng lực cạnh tranh, kém hiệu quả, đang tăng trưởng thấp và tiềm ẩn những yếu tố thiếu vững chắc, không lành mạnh; nguy cơ tụt hậu xa hơn vẫn là thách thức lớn”. (Nhận định của Phan Văn Khải về tình hình VN nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 và Quốc tế Lao động 1.5.2000).
“Tình trạng kèn cựa địa vị, tranh giành danh lợi, ‘chạy chức’, ‘chạy quyền’, mất đoàn kết nội bộ còn nặng nề ở nhiều nơi” (Phát biểu của Lê Khả Phiêu, bế mạc Hội nghị lần thứ 10 BCHTƯ đảng khóa VIII, ngày 4.7.2000).
“Nói rộng ra thì xã hội mình cũng đang giải quyết toàn chuyện cũ. Từ tham nhũng đến lũ lụt, từ ma túy đến mại dâm,… từ cải cách hành chính đến cải cách giáo dục, cải cách thủ tục đầu tư… tất tần tật đều là chuyện cũ làm từ mấy năm nay vẫn chưa đi đến đâu cả”. (Lý Sinh Sự, mục Nói Hay Đừng, báo Lao Động tháng 1-2001).
“Tiến chậm hơn trong khi các nước khác đi nhanh hơn là thụt lùi … Cải cách doanh nghiệp (DN) nhà nước tiến triển chậm, cổ phần hóa DN nhà nước không đạt được tiến độ đề ra trong khi nợ nần tồn đọng của DN nhà nước đã lên đến mức đáng lo ngại… không ít các DN nhà nước khác xuất hiện trên báo chí vì đổ vỡ, vì những tiêu cực rất trắng trợn, làm thất thoát tài sản ở quy mô lớn… Những vụ việc, kêu ca và đặc biệt là sự nản lòng của nhiều DN đầu tư nước ngoài đòi hỏi hai ngành thuế và hải quan phải có những cải thiện mạnh mẽ…
Chất lượng đào tạo, nạn bằng giả, ‘người giả’ gây ra nhức nhối trong xã hội. Tác hại không chỉ dừng lại ở ngành giáo dục mà nó còn gây tác hại to lớn đối với xã hội khi những người không học mà được cấp bằng, được đề bạt lên những cương vị cao hơn, có ‘quyền sinh quyền sát’ đối với người dân… Phải đưa nạn tham nhũng, thoái hóa, biến chất lên nguy cơ hàng đầu cho sự phát triển của đất nước…Khoảng cách sẽ tiếp tục nới rộng hơn, sự tụt hậu càng sâu sắc hơn và nước ta có thể lỡ chuyến tàu của nhân loại đi vào thế kỷ thứ 21… Không thể cứ đứng mãi ở trên bờ mà than phiền mình không biết bơi!… Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nghèo và lạc hậu là thiếu hụt về thông tin và hiểu biết”. (‘Tiến tới một thiên niên kỷ năng động nhất’, bài phân tích của TS Lê Đăng Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tháng 2.2001).
“Tất cả các loài rắn đều không có màng nhĩ. Trong bộ máy tiêu hóa của rắn thì quan trọng nhất là thực quản, có khả năng nuốt những con mồi lớn”. (‘Rắn và đôi điều cần biết về rắn’, bài khảo cứu của Bạch Ly, trên báo Lao Động Xuân Tân Tỵ).
“Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mọi sự chia rẽ, bè phái, buông lỏng kỷ luật đều trái với bản chất giai cấp công nhân”. (Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên bộ chính trị CSVN, phát biểu trong dịp kỷ niệm 71 năm thành lập đảng, ngày 2.2.2001).
“Mong các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bước sang năm mới, thế kỷ mới lãnh đạo nhân dân tốt hơn nữa”. (Đáp lời của Đỗ Mười, nhân dịp dàn lãnh đạo Hà Nội đến chúc mừng sinh nhật thứ 84, ngày 2.2.2001).
“Các hiện tượng tiêu cực trong việc ‘chạy’ dự án đầu tư, ‘chạy’ thầu công trình, ‘lại quả’, không bảo đảm chất lượng và tiến độ thi công, không thực hiện đúng quy chế đấu thầu, quy chế đầu tư và xây dựng cơ bản, để tình trạng nợ xây dựng cơ bản dây dưa, kéo dài”. (Trọng tâm phân tích của Phan Văn Khải trong ‘Hội nghị của Chính phủ với chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND 61 tỉnh, thành phố’, tổ chức tại Sài Gòn ngày 2-3.2.2001).
“Theo con số điều tra của Bộ Y tế, trong năm 2000, 34% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ này ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là lớn tới xấp xỉ 50%”. (Thạc sĩ Dương Thị Minh, Viện CNXHKH, bài ‘Mấy vấn đề về gia đình Việt Nam hiện nay’, tạp chí Tư Tưởng-Văn Hóa 1.2001).
“Nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ mới, nhưng giáo dục đại học nước ta vẫn là thầy dạy gì trò ghi đấy” (Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT CSVN, phát biểu tại ‘Hội thảo Giáo dục Đại học và những thách thức đầu thế kỷ 21’, ngày 5.2.2001).
“Vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất là chất lượng con người Việt Nam do nhà trường chúng ta đào tạo mang nặng dấu ấn của phương pháp đào tạo cũ, tạo ra con người thụ động tiếp nhận tri thức, đi theo lối mòn..”. (Phó GS/TS Nguyễn Thế Hữu, phát biểu tại ‘Hội thảo Giáo dục Đại học và những thách thức đầu thế kỷ 21’).
“Chất lượng mặt bằng chung của du học sinh còn khá thấp, đặc biệt là để lọt không ít trường hợp học sinh có nhu cầu ‘du’ nhiều hơn là ‘học’! Hiện đã có một số quốc gia không chấp nhận du học sinh VN quê quán ở Hải Phòng”. (Bà Đào Thị Liên Hương – Phó Chủ tịch Liên hiệp Tư vấn Du học, báo Lao Động, tháng 2.2001).
“Cái hợp lý của cơ chế thị trường mâu thuẫn với cái hợp lý của cơ chế bao cấp đã hằn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ cán bộ”. (‘Lỗi tại cơ chế?’, bài của Hạnh Phương, mục Sổ tay kinh tế trên báo Lao Động, tháng 2.2001).
“Các nước giàu cũng như các công ty xuyên quốc gia không thể thoái thác trách nhiệm tham gia quá trình chủ động và tích cực hỗ trợ các nước nghèo…”. (Phát biểu của Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng CSVN, tại ‘Hội nghị thường niên 2001 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới’, Davos, Thụy Sĩ, 25-31.1.2001).
“Ta đưa thêm vào yêu cầu (và cuối cùng phía HK phải chấp nhận) rằng VN là nước có nền kinh tế chuyển đổi, đang phát triển, có trình độ thấp”. (Trợ lý Bộ trưởng Thương mại CSVN Nguyễn Đình Lương – trưởng đoàn đàm phán hiệp ước mậu dịch – trả lời phỏng vấn phóng viên báo Lao Động về nỗ lực “gay” nhất trong 8 vòng đàm phán với Mỹ, tháng 1.2001).
“Bốn nguy cơ mà Đảng từng cảnh báo cho đến nay vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào, trong đó cần nhấn mạnh hai nguy cơ: tụt hậu xa hơn về kinh tế và tệ tham nhũng, quan liêu”. (Dự thảo Báo cáo chính trị đại hội 9, công bố ngày 3-2-2001).
Với cách phát huy “truyền thống hào hùng” và một vài “yếu tố tích cực của thời đại” tiêu biểu như vừa ghi nhận, người ta có thể tạm kết luận ra sao về các bản lề chiến lược?
“Từ trước đến nay chúng ta chưa hề có một chiến lược rõ ràng…. Đến khi chiến lược được dự thảo thì lại thiếu khả thi…”. (Thẩm Hồng Thụy, mục Vấn Đề Bạn Quan Tâm, báo Lao Động, tháng 2.2001).
Thụt Lùi Vào Tương Lai?
Ngày tháng vốn dĩ xưa nay vẫn thư thả trôi đi với một vận tốc không đổi. Thế nhưng khi nó trôi ngang qua cột mốc gạch nối giữa 2000-2001, lại được mang thêm một ý nghĩa trọng đại của việc đếm số, gọi là qua một thiên niên kỷ mới. Ý nghĩa đó, từ mức trọng đại lại dễ biến thành vĩ đại, khi lắm kẻ không có gì để hạch toán kết quả mấy cái ngũ niên vừa qua hầu làm động lượng tuyên truyền cho đảng như nhu cầu đòi hỏi ngày càng gay gắt. Như tuồng ngày tháng sẽ tự sang số, đạp ga tăng tốc để đưa loài người quá độ cho chóng đến bờ XHCN.
Trên cơ sở đó, bỗng dưng “Thế kỷ XXI chắc chắn sẽ là một thế kỷ mới về sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, là thế kỷ mới càng rực rỡ huy hoàng của nhân loại”, như lời khẳng định của Lý Thiết Ánh, Ủy viên chính trị bộ đảng cộng sản TQ kiêm Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Xã hội TQ, cho cả Tàu lẫn Việt, trong một cuộc hội thảo hồi đầu năm dương lịch tại Hà Nội với chủ đề: ‘Chủ nghĩa xã hội – kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc’.
Nhân cơ hội được nghe người TQ thuyết trình, nhân dân VN mới có dịp ngạc nhiên với nhiều bài nặng cân trên Tạp chí Cộng sản hay Tư Tưởng-Văn Hóa, thậm chí, với cả nội dung bản ‘Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của đảng CSVN’. Như thể đó là những bản dịch từ nguyên gốc Quan Thoại. Hãy lướt thử xem sao?
Lý Thiết Ánh nói: “Thế kỷ XX sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử, là 100 năm rực rỡ nhất của loài người… Sự kiện lịch sử và tiến bộ xã hội vĩ đại nhất trong thế kỷ này là việc chế độ xã hội chủ nghĩa lần lượt được thiết lập và phát triển tại một số nước…”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Thế kỷ XX là thế kỷ phát triển rực rỡ của loài người… Đó cũng là thế kỷ chứng kiến một phong trào cách mạng sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng vĩ đại mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”.
Lý Thiết Ánh nói: “Tiến trình lịch sử biến đổi to lớn trong một trăm năm của thế giới và Trung Quốc đã làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu được hai chân lý cơ bản nhất không gì phá vỡ nổi:
Một là không có Đảng Cộng sản thì không có nước Trung Hoa mới;
Hai là chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm Trung Quốc được phát triển”.
Bài Xã Luận trên tạp chí TT-VH 1.2001 viết: “Dân tộc ta đã đi qua thế kỷ XX – một thế kỷ đầy gian khổ, thử thách và lừng lẫy chiến công. Từ trong đêm dày nô lệ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời. Đây là sự kiện quan trọng bậc nhất của đời sống dân tộc ta thế kỷ XX, đánh dấu bước ngoặt lớn quyết định và thời đại mới hiển hách của cách mạng Việt Nam…”.
Lý Thiết Ánh nói: “Điểm lại một trăm năm qua, điều mà làm cho chúng tôi càng thêm cảm phấn là dân tộc Trung Hoa đã bắt đầu chấn hưng toàn diện sau khi trải qua chặng đường gian nan và đấu tranh anh dũng…. Từ năm 1900, Liên quân 8 nước đánh vào Bắc Kinh, Trung Quốc lâm vào nguy cơ chưa từng có là mất nước, diệt chủng, đến năm 2000 Trung Quốc bước vào xã hội khá giả…”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Đối với nước ta, thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn và sâu sắc, thế kỷ đấu tranh gian nan, oanh liệt… Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa”.
Lý Thiết Ánh nói: “Chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền vẫn đang không ngừng phát triển, hòa bình thế giới vẫn đứng trước mối đe dọa; trật tự chính trị, kinh tế quốc tế không công bằng và không hợp lý vẫn đang tiếp tục; khoảng cách về phát triển và giàu nghèo giữa các nước Nam Bắc ngày càng mở rộng; các xung đột cục bộ do các nguyên nhân sắc tộc, tôn giáo, tài nguyên… vẫn liên tiếp xảy ra…”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Trong một vài thập kỷ tới,… chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng”.
Lý Thiết Ánh nói:” Xét về quốc tế: 1) Hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề của thời đại ngày nay. 2) Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế thế giới ngày nay. Điều này đã tạo khả năng và cơ hội cho Trung Quốc trong việc tận dụng tài nguyên bên ngoài và thị trường bên ngoài”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Môi trường hòa bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực, nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường”.
Lý Thiết Ánh nói: “Nhìn sang thế kỷ XXI, mặc dù chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền còn sẽ phát triển, mặc dù phong trào chủ nghĩa xã hội gặp phải sự trắc trở tạm thời, mặc dù trên con đường tiến lên của chúng ta còn sẽ có mọi khó khăn và rủi ro,… Song… Chủ nghĩa xã hội tất sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, đây là quy luật phát triển khách quan của lịch sử xã hội”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.
Lý Thiết Ánh nói: “Mục tiêu chung của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI là… Đến năm 2010, GDP tăng gấp đôi so với năm 2000,… đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tròn 100 năm, nền kinh tế quốc dân lại bước lên một bậc cao mới ; để giữa thế kỷ XXI khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập tròn 100 năm, thực hiện mục tiêu phát triển bước thứ ba, GDP bình quân đầu người đạt tới mức các nước phát triển trung bình, cơ bản thực hiện hiện đại hóa”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010 là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp đôi so với năm 2000; Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”.
Lý Thiết Ánh nói: “Thứ nhất, kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác. Sức sống của chủ nghĩa Mác là ở chỗ: cần kết hợp giữa nguyên lý cơ bản của nó với thực tế cụ thể của nước mình”.
Viện sĩ Nguyễn Duy Quý viết: “Đảng đã quan niệm sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội ở một nước phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và điều quan trọng nữa là từ chính những đặc điểm, điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước đó”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng và là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta”.
Lý Thiết Ánh nói:” Phải kiên trì phương châm ‘nắm cả hai tay, hai tay đều phải mạnh’. Quyết không thể trả giá bằng việc hy sinh văn minh tinh thần để đổi lấy sự phát triển kinh tế nhất thời”.
Bản dự thảo BCCT viết: “tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa”.
Lý Thiết Ánh nói: “Vấn đề không những chỉ là nhận thức thế giới, mà chủ yếu là cải tạo thế giới… kiên trì mở cửa hướng ra nước ngoài hơn nữa, tích cực tham gia sự hợp tác và cạnh tranh quốc tế, mưu cầu bình đẳng và cùng nhau phát triển. Phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền,… phản đối mưu toan chính trị ‘tây hóa’, ‘phân hóa’ và ‘làm suy yếu’ Trung Quốc của thế lực thù địch trong nước và nước ngoài”.
Trung tướng CSVN Nguyễn Đình Ước viết: “Ta chủ động hội nhập với thế giới, vừa phải giữ vững độc lập, chủ quyền, định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phải chấp nhận luật ‘chơi’ chung về kinh tế và thương mại. Chủ nghĩa đế quốc thì chạy theo lợi nhuận tối đa, áp đặt, can thiệp nội bộ, dùng kinh tế thương mại, viện trợ, các thủ đoạn, chính trị, ngoại giao, văn hóa, con bài ‘tự do, dân chủ, nhân quyền’ thực hiện ‘diễn biến hòa bình’, gây sức ép, kích động nổi loạn lật đổ, hoặc phát động chiến tranh xâm lược”.
Bản dự thảo BCCT viết: “Chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu,… chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang, chống chính sách cường quyền, áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự lựa chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới; góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng, hợp lý và ổn định,… phản đối mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền”….
Văn hào Nga Boris Patstennak đã bảo:
“Chim sẻ không thể sinh ra đại bàng”.
Sao lại có loài tự xưng đại bàng vẫn một mực xin làm con nuôi chim sẻ?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments