2001.04 – Dao Thớt Cơ Hàn
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 19 min read
Updated: Feb 26, 2022

Thời sự sôi động nhất tháng là tầm bung nở của các hệ thống thông tin quán cóc trong nước. Không ai ước đoán nổi tổng lượng bã trà và thuốc lào thuốc vấn đi kèm theo lượng tin hành lang bên lề đại hội IX trong mấy tuần qua. Ngay bộ chính trị CSVN cũng không thể dự kiến nổi số lượng Hội Nghị BCH/TƯĐ cần thiết: 11, rồi 11B, sắp tới 12, và nếu cần là 13…, trước khi đi vào đại hội đại biểu toàn đảng mới dời ngày. Chưa bao giờ tình hình nhân sự thượng tầng căng như lần này. Bọn đánh dùng chiêu thức Viagra lục thập ngũ niên tuế. Kẻ đỡ lại phải chỉ tay vào Tây Nguyên gào rõ to: “địch vô nhà!”.
Rồi cùng ra chỉ thị cấm biểu tình, tụ tập. Cứ thế… các hội nghị “giòn giã” nối đuôi nhau, kịch liệt giải quyết nốt phần người ngợm cho ngũ niên tới. Thấm thía biết bao hai câu thơ của Trần Mạnh Hảo: “Nghĩ thương dao thớt cơ hàn, Mới hơi hám thịt đã tràn tiếng kêu”.
Sinh Thái Mấy Ngăn?
Tổng kết “phiên họp thường kỳ của chính phủ” vào cuối tháng 2.2001, Phan Văn Khải nhấn mạnh mấy việc phải nỗ lực tập trung triển khai:
Một là “tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…”;
Hai là “tìm cho được nguyên nhân cản trở…”;
Ba là “tăng cường kỷ cương trong bộ máy…”.
Bên đảng không khác. Các hội nghị TƯĐ khóa VIII từ lần 9 tới nay bỏ ngỏ trống hoang trống hoác. Quá nhiều vấn đề được thảo luận sâu sát tới chỗ… không bãi đáp: Nền tảng cập nhật cho lý luận giai cấp; Đấu tranh giai cấp trong thời đại kinh tế toàn cầu; Mối tương quan giữa các lực lượng sản xuất thời nay hay quyền làm chủ của giới công nhân; Định hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội chưa biết là gì, ở đâu; Xây dựng quan hệ “quốc tế” trong 4 nước “anh em” còn sót lại và nối liền với thế giới thứ ba; Theo Tàu hay thân Mỹ;… và, quan trọng hàng đầu là Cơ sở cần thiết cho cái gọi là sứ mệnh tiền phong của đảng! Tất cả các dấu hỏi đã móc ngoéo nhau cùng rơi vào khoảng trống không tiếng dội.
Chưa nói tới hệ quả tồn đọng mâu thuẫn lý luận vĩ mô mà không một báo cáo chính trị nào gỡ nổi: “Nếu chạy theo sự phát triển cao của chỉ số GDP chẳng hạn, thì đất nước có thể phát triển nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa không còn…. Nếu không khắc phục bằng được lạc hậu và nghèo nàn, thì chế độ xã hội chủ nghĩa cũng bị đặt thành vấn đề”, như Văn Tiến Dũng đã nêu lên trong bài viết mới nhất đăng trên tạp chí Cộng Sản, tháng 2.2001. Hay như nhà thơ Nguyễn Thị Mai gieo vần: “Nẻo nào cũng gió cùng mây. Gió đưa lạc hướng, mây quây lạc chiều. Ngã ba na ná thì nhiều. Rẽ ngang sợ tối, bước liều sợ xa…”.
Chính vì vậy, bản dự thảo báo cáo chính trị kỳ này được phê bình là “lẽ ra phải thể hiện rõ tính lý luận” (Trịnh Đình Khôi, ban TT-VH trung ương), hoặc “cần trình bày lô-gích và hệ thống hơn” (Hà Xuân Trường, một cây đa trong giới phê bình lý luận trung ương), hoặc “Người dân có quyền hỏi cái chế độ xã hội chủ nghĩa ấy ưu việt ở chỗ nào mà đất nước cứ lạc hậu và nghèo nàn mãi. Như vậy cũng khó mà nói bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa” (Văn Tiến Dũng, tạp chí Cộng Sản tháng 2.2001), v.v….
Tình hình còn bê bết hơn nữa, khi Lê Khả Phiêu “khoe” rằng bản dự thảo báo cáo chính trị này đã được sự góp ý tích cực của “các cháu thiếu nhi mới 13, 14 tuổi” và các bậc cao niên, “trong đó có nhiều cụ mắt mờ không viết được”, từ “người bán vé số” đến “đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa”,… từ “những thư viết cô đọng, chắt lọc một hai trang” đến “tài liệu góp ý dài 2707 trang”. Chưa bao giờ trong lịch sử đảng CSVN, giới công tác lý luận bị ê mặt như lần này. Nói ngắn gọn, ngọn đèn hạt đỗ lý luận đã cạn dầu lụn bấc, nên không thể nào đòi hỏi một báo cáo chính trị cho ra hồn. Chịu!
Cho nên, hội nghị BCH/TƯĐ CSVN kỳ 11B bắt đầu vào ngày 13.3.2001, dự trù bế mạc vào ngày 20.3.2001, chỉ nhằm “thảo luận dự kiến nhân sự trình đại hội IX”. Không căng sao được? Khi mà đã có tâm thư ký chung của dàn thái thượng hoàng tán phát đi khắp nước với nội dung bêu rếu Lê Khả Phiêu bất lực, tham quyền. Rồi lại có đứa tuyên bố với thông tấn AFP cái xác suất khốn nạn 99% tổng bí sẽ ra đi. Hoặc, đã có bọn phản động đề nghị giới hạn vào con số 65 cho tuổi về vườn? Nhà thơ Lê Giang còn xa gần nhắc nhớ ca dao:
“Cây trên rừng sống lâu hóa kiểng”!
Trong bối cảnh chênh vênh khốn đốn đó, Lê Khả Phiêu đã mở màn hội nghị 11B bằng một bài nhạc họ Trịnh ở tông Rề: “Tôi ơi đừng tuyệt vọng!”, đi kèm với một trọng tâm nhấn mạnh: “Về vấn đề nhân sự, đây là một nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương lần này”.
Theo Phiêu, cốt lõi là “Phải bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục, giữ vững sự ổn định chính trị”. Tức là không thể, hay ít nhất là không nên thay đổi khơi khơi tổng bí thư đảng kỳ này, nếu không muốn xảy ra tình trạng thiếu kế thừa liên tục và biết đâu chừng, mất luôn cả sự ổn định chính trị.
Ngược lại, vẫn theo Phiêu, mỗi ủy viên trung ương hãy tự sờ lấy gáy mình: “Nhất thiết không giới thiệu vào cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là thiếu bản lĩnh chính trị, có biểu hiện cơ hội, tham vọng, thiếu ý thức kỷ luật, mất đoàn kết, quan liêu, tham nhũng, làm việc kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm …”. Qua bản liệt kê tiêu chuẩn đó, đố ai dám bảo là tổng bí Khả Phiêu không hiểu đảng viên, hay, ít ra là không hiểu dàn ủy viên trung ương đương nhiệm? Người ta chỉ có thể hình dung ra một hội nghị tràn ngập những ngón tay chỉ mặt nhau, tay kia nắm chặt mớ vũ khí tiêu chuẩn mà tổng bí vừa trao.
Đứng trên quan điểm nhân dân, tác giả Lý Sinh Sự gián tiếp mô tả thế đứng của tổng bí Khả Phiêu qua một bài viết nói về chuyện khác: “Thua hay được thì cũng là mất”. Giữa đất nước phát triển và giữ nguyên chế độ chủ nghĩa xã hội, chắc chắn là Hà Nội sẽ chọn cái thứ nhì, bất luận tổng bí thư mới là ai. Quả thật, người dân VN không mấy quan tâm việc đi đâu về đâu của mấy tay lãnh đạo Hà Nội. Chỉ mong giật nước cuốn trôi cả đám. Bởi, ngày nào mà đảng CSVN còn đó thì dù Phiêu hay ai khác cầm quyền, đất nước VN sẽ vẫn tiếp tục lụn bại.
Những thay đổi chính sách chỉ thể hiện mức độ thụt lùi chấp nhận được, để đảng còn tạm níu thế độc quyền cai trị, tức để bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho từng “lãnh đạo”. Những thay đổi nhân sự tiếp theo phần chính sách lùi bước có giới hạn đó chỉ ảnh hưởng quan trọng đến giềng mối cần thiết cho sự sinh tồn của đảng. Phiêu đã chứng tỏ sự bất tài (điều động một đảng bất lực), lại còn biểu hiện rõ tính hám quyền (đòi kiêm nhiệm chức chủ tịch nước). Nhưng ngoài Phiêu thì liệu còn ai có đủ uy quyền công trạng hay uy lực sắt máu để kềm giữ một chiến trường xung đột trong nội bộ đảng đang hồi cao điểm?
Cũng trong diễn văn khai mạc, Lê Khả Phiêu cho biết là “chỉ còn rất ít ngày”, cho dẫu đã dời lui ngày đại hội IX ra cả tháng. Thì giờ là vốn quý. Dù vậy, hội nghị 11B này cũng phải kéo dài thêm 4 bữa cấm cung không bia ôm, không đèn mờ. Tất cả phải tập trung mọi sáng suốt có thể có để “biến nụ cười thành thủ đoạn”, vừa thủ thân cho mình lại vừa thủ thế cho phe nhóm mình, vừa chen nhau lại vừa ngáng chân nhau, sao cho thằng bị té vỡ mặt không phải là mình, và, nhất thiết không bị trù ếm nếu lỡ vai tổng bí mới thuộc về… phe nó.
Trong khung cảnh gay cấn đó, nếu có ai phiên dịch đại hội IX là đại hội Ỉu-Xìu thì ắt Phan Thúy Thanh sẽ cải chính ngay rằng đó là một gán ghép thiếu thiện chí và không cơ sở đối với một ban chấp hành trung ương đảng nhiều thành phần, lắm phe cánh. Hẳn vậy! Đâu phải tự nhiên mà báo Nhân Dân đăng bài ca ngợi của TS Vũ Thế Long và Th.S Nguyễn Huy Nga: “Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thụy Điển, Australia, Trung Quốc… đã tới tìm hiểu cái hố xí hai ngăn của VN”.
Đói Nghèo Lạc Hậu Có Mày Có Tao
Bên cạnh trận chiến khốc liệt trong hội trường Ba Đình, các hoạt động đối ngoại gần gạnh trong tháng được ghi nhận là có chiều hướng đậm màu… giải trí. Tổng thống Putin của Nga sang Hà Nội được hưởng nhiều tiết mục ăn-chơi-khất-nợ đặc biệt hơn lần tổng thống Clinton ghé Việt Nam: “Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn Hóa-Thông Tin) đang triển khai dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt mang màu sắc văn hóa, hữu nghị Việt – Nga, chào mừng chuyến thăm VN của Tổng thống Nga Putin”. Được biết, chương trình do nhạc trưởng Nga Mark Gorenstein điều khiển dàn nhạc của Nhạc viện Hà Nội.
Cũng trong tháng qua, Lê Khả Phiêu đã “tiếp và nói chuyện thân mật với Thượng tướng Trì Hạo Điền, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cùng phu nhân đang ở thăm Việt Nam”. Tất nhiên, 16 chữ vàng của Giang Trạch Dân phải được long trọng nhắc lại không thể sót. Trừ tay thông dịch dập đầu thề cắn răng ngậm mồm, không một ai rõ đã có những thông điệp hay chỉ thị nào từ Thiên Triều Phương Bắc gửi xuống cho Phiêu trước đại hội IX. Chỉ biết vợ chồng họ Trì đã được tổng bí Khả Phiêu chiêu đãi cực kỳ trọng thể.
Ngay trước hôm khai mạc hội nghị 11B, Lê Khả Phiêu đã bay sang Vạn Tượng tham dự Đại hội lần VII của đảng CS Lào. Theo bản tin trên báo Nhân Dân: “Tham dự đại hội có 452 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 100 nghìn đảng viên của Đảng trên khắp mọi địa phương, các ngành, cơ quan, các dân tộc, bộ tộc trong cả nước… thể hiện mạnh mẽ khối đoàn kết thống nhất giữa Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định tính kế thừa liên tục và sự thống nhất vững chắc của Đảng”. Nghe không khác bài tường thuật một đại hội nào đó của đảng CSVN. Lại thoảng nghe thum thủm đâu đó mùi “kế thừa liên tục” của hội nghị 11B.
Trong dịp này, khách của Lào còn có đại diện Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên, Campuchia, Cuba, Mông Cổ và đảng CS Nga. Tuy nhiên, hai nước láng giềng lại có phần đặc biệt hơn hết, theo báo cáo chính trị của Lào: “tăng cường thắt chặt, vun đắp truyền thống đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện với CHXHCN Việt Nam, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với CHND Trung Hoa”. Trong niềm cảm kích sâu đậm và cạnh tranh hào hứng đó, theo báo Nhân Dân, Lê Khả Phiêu “đã chuyển đến Đại hội, đến Đảng NDCM Lào quang vinh và nhân dân các bộ tộc Lào anh hùng lời chào mừng nồng nhiệt và những tình cảm anh em thắm thiết nhất của Đảng CSVN”.
Nội dung phát biểu của Phiêu bắt đầu bằng phần nhận định: “Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng NDCM Lào,… nhân dân các bộ tộc Lào đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt nhiều thành tựu quan trọng và cơ bản trong sự nghiệp đổi mới: kinh tế tăng trưởng liên tục, chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, uy tín và vị thế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế”. In hệt bản sao đoạn 13 phần I trong xấp dự thảo báo cáo chính trị kỳ này của Hà Nội. Chỉ thay mấy chữ Lào vào chỗ VN. Mặc cho những dối trá gượng ép: kinh tế tăng trưởng liên tục (lên hàng nghèo nhất thế giới) hay chính trị ổn định (với hàng loạt đường phố thủ đô bị đặt bom)…
Phần kế tiếp trong bài phát biểu của Phiêu là một khẳng định: “Sắp tới đây, Đảng CSVN sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX… tiếp tục cụ thể hóa, bổ sung và hoàn thiện đường lối, chính sách; xác định phương hướng, nhiệm vụ trong những năm đầu thế kỷ XXI… tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ la-tinh, các nước trong phong trào Không liên kết; ủng hộ lẫn nhau cùng phát triển, phối hợp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhau…”. Tức cật lực khai triển ý chính của hội nghị Nam-Nam ở Cuba hồi năm ngoái: Nhất quyết bấu vào nhau để tạo thành một tổng lực Chí Phèo Quốc Tế, buộc các nước tân tiến phải thực thi bổn phận… chi đô-la.
Trên tinh thần đó, cộng thêm tình láng giềng tối lửa tắt đèn, bài xã luận trên báo Nhân Dân ngày 13.3.2001 đã hết lòng “Cảm ơn những người đồng chí thân thiết, thủy chung đã dành cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu thắm tình đồng chí anh em…. Chúc quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững…”.
Bài phóng sự của nhà báo Hòa Bình trên tờ Lao Động tháng rồi viết về làng Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn ở ngoại thành Hà Nội, ngày xưa là nơi Thánh Gióng bẻ tre đánh giặc, nay được mệnh danh là Làng đánh giày: “Cả làng đi đánh giày. Có nhà cả 4 – 5 đứa kéo nhau đi. Vui lắm!..”. VN và Lào cũng vinh quang kéo nhau đi như thế và nghe chừng cũng vui như thế. Đánh giày, vé số: có mày, có tao. Bồi tàu, ở đợ: có tao, có mày. Vui lắm!
Không Run Sao Được
Còn nói về mặt đối ngoại với “bọn chủ trương cường quyền”? Đã có Phan Thúy Thanh lên tiếng về việc Tổ chức Tư vấn về các Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC) xếp Việt Nam vào hàng đầu danh sách tham nhũng ở các nước Á châu: “Việt Nam hoàn toàn không thể bị coi là nước bị tệ nạn này ‘hoành hành’ như nhận xét của Tổ chức tư vấn về các rủi ro chính trị và kinh tế”. Thế, Phan Thúy Thanh sẽ phản đối ra sao về tuyên bố của Trưởng ban Khoa giáo T.Ư Đặng Hữu trong buổi báo cáo về công nghệ thông tin và triển khai chỉ thị 58/CT-TW rằng: “nước ta vẫn nằm trong số 4 nước có công nghệ thông tin thấp nhất ASEAN”? VN hoàn toàn không thể bị đánh giá thấp như vậy chăng? Đặng Hữu vi phạm “Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước” hay đã gia nhập vào bọn chủ trương cường quyền?
Rồi, thử lướt qua bài xã luận đối ngoại của tờ Nhân Dân: “Ủy ban về tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ tiến hành tại Thượng viện Mỹ, ngày 12-2, cái gọi là ‘điều trần về các vấn đề tôn giáo của Việt Nam’. Những người hiểu rõ tình hình tôn giáo ở Việt Nam đều coi đây là một điệu kèn lạc lõng được một số thế lực thù địch cố sức gióng lên nhằm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam”. Nếu như trang Web của Mạng Lưới Tuổi Trẻ VN Lên Đường chỉ trong mấy ngày đã ghi được 17000 chữ ký (danh tính & địa chỉ) các cá nhân ủng hộ phong trào đấu tranh cho tôn giáo của Linh mục Nguyễn Văn Lý; thì ngược lại, “khuyết điểm” của tờ Nhân Dân là thường ít khi biết được “những người hiểu rõ tình hình tôn giáo ở VN” vừa nói là ai, tên gì, ở đâu, mấy đứa… Nhưng cứ “ghi nhận” bừa là có lắm kẻ có cùng quan điểm với những tay “lãnh đạo” đặt hàng các bài bình luận như trên.
Tương tự như bài bình luận về biến động Tây Nguyên vừa qua: “Đông đảo nhân dân rất bất bình trước các hành động cực đoan, gây rối của một số phần tử xấu, làm rối loạn trật tự xã hội địa phương, chia rẽ nhân dân, đòi trừng trị những tên hung hăng, kích động”. Nhân dân nào bất bình? Sao không xuống đường vài chục ngàn người, như đoàn người từ Buôn Mê Thuột kéo về Pleiku khiếu kiện có đơn từ hẳn hoi? Mới biết chẳng ai ngạc nhiên về tuyên bố của Hoàng Tùng, cựu tổng biên tập báo Nhân Dân, nói về báo này nhân dịp kỷ niệm 50 năm in ấn phát hành: “Báo Nhân Dân do Trung ương lãnh đạo, mọi hoạt động đều phải tuân thủ sự chỉ đạo của Trung ương”.
Nên mới có thêm loại thư ngỏ của Việt kiều yêu chửi bới. Theo kiểu lá thư ngày16.2.2001 của một Lê Trọng Văn nào đó bảo là ở San Diego, Hoa Kỳ: “Chúng tôi được biết hôm thứ hai (12-2-2001) ủy ban các ngài tiến hành cuộc ‘điều trần về các vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam’ tại Thượng viện đáp ứng yêu cầu của cái gọi là một nhóm người đại diện nhiều tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tôi muốn giải thích rằng chủ đề đó là sai trái, nhất là khi được đặt trong một thời điểm sai trái…. Những người nói trên mang nặng tinh thần nô lệ làm thuê, mất gốc và người Việt Nam có thể gọi họ là ‘kẻ tôi tớ cho ngoại quốc’…”.
Đã có thời chính trị bộ Hà Nội nêu quan điểm cho toàn đảng học tập về bộ phận người Việt sống ở nước ngoài gồm các thành phần lưu manh, đĩ điếm. Nay, đang cần moi tiền “khúc ruột tượng xa ngàn dặm”, không tiện ra chỉ thị học tập, đành phải dùng kỹ thuật low-tech qua dạng thư chửi đổng như trên. Đừng hỏi ai cực đoan. Đừng hỏi ai nổi khùng vì vấn đề chạm tới quyết định phê chuẩn của quốc hội Hoa Kỳ về hiệp ước mậu dịch với VN (vào thời điểm sai trái!).
Trên tạp chí Tư Tưởng-Văn Hóa tháng 2.2001, tác giả Trần Văn Lang còn lớn tiếng báo động: “Chủ nghĩa đế quốc vẫn không từ bỏ âm mưu thôn tính nước ta… Sự thách thức lớn nhất của ‘diễn biến hòa bình’ là ‘chiến lược giành dân’, trong đó trước hết là thông qua phương tiện nghe nhìn… Trung bình mỗi tháng chúng đưa vào Việt Nam 1500 tài liệu các loại có nội dung cực kỳ phản động với các chiến dịch ‘Chuyển lửa về quê hương’, ‘Đốt nến trên quê nhà’, ‘Tự do dân chủ cho Việt Nam’, ‘Ủng hộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng của đồng bào ở Thái Bình’ …”. Kết luận? Theo Lang, “Những nguy cơ ‘ngoại xâm’ trong văn hóa chỉ có thể thành hiện thực khi nó có sự phối hợp của nguy cơ ‘nội xâm’ nảy sinh từ văn hóa dân tộc”. Ra thế! Đã nội mà còn xâm thì hẳn chỉ có thể:
Một là lãnh đạo từ bên trong và bên trên đã ăn bã chủ nghĩa đế quốc;
Hai là văn hóa dân tộc đã chối bỏ thứ văn hóa lưỡi gỗ lừa mị dân tộc;
Ba là phương tiện nghe nhìn ngày nay ngay từ bên trong đã vượt qua các kỹ thuật bưng bít lỗi thời vô hiệu của đảng.
Có khi là cả ba cùng lúc cũng nên. Cảm ơn Trung tá Lang đã bàn sâu về góc nhìn văn hóa của diễn biến hòa bình. Hóa ra chiến lược giành dân vừa nói đã quy tụ được đại khối dân xa rời đảng từ lâu đó chăng? Ngay cả Bùi Xuân Sơn, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính kiêm Trưởng ban tu chính Luật đất đai cũng phân tích lý do sửa luật trên báo Lao Động tháng qua: “Chúng ta chưa lường hết được sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội trong nước…”. Thế thì… không run sao được? Không run sao lại hè nhau phát động chiến dịch “Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân”, nhằm “đáp ứng yêu cầu và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống”!
Mỗi Ngày Tôi Đi Qua
Về lượng thời sự đối nội trong tháng, nhìn chung là phần “tổng kết thực tiễn” vẫn có nhiều chỉ dấu… thở ra. Bài phóng sự “Đợi Chờ” của ủy viên Vũ Phòng trên tạp chí TT-VH tháng 2.2001 ghi nhận tình trạng nghe ngóng ở các cơ sở đảng: “Vừa xong tự phê bình và phê bình, giờ tiến vào chuẩn bị nhân sự đại hội các cấp, nên mọi ý tưởng, mọi kế hoạch, mọi dự án đều rất khó triển khai. Vì đã triển kHai là đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải ‘quyết’. Mà ‘quyết’ phải hỏi ý kiến cấp này cấp kia, người này người kia. Người chuẩn bị thôi cấp uỷ thì ậm ừ, người còn có khả năng tái cử cấp uỷ thì lại sợ, nhỡ quyết sai thì ‘mất ghế’ … tình trạng này có cả ở cấp xã, phường, lên đến huyện và tỉnh”. Mới hay, mức độ xáo trộn nhân sự mỗi kỳ đại hội không chỉ dừng lại ở thượng tầng trung ương đảng. Hệ quả đình động kéo dài xuống tận xã. Rồi sau đó là một chuỗi chấn chỉnh cơ quan sao cho phù hợp với lãnh đạo mới. Và tiếp tục giải thích nghị quyết theo chiều hướng có lợi nhất cho thủ trưởng…
Chính từ đó, thời sự trong nước vẫn (và sẽ) đều đặn xảy ra như xưa nay, có chăng chỉ khác nhau về mức độ thường xuyên hơn:
Tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức Nhà nước Năm 2001 tổ chức trong tháng qua, Phan Văn Khải đã nhận định: “bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng”. 15 năm trước, từ thời làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng dưới trào Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cũng từng nhận xét tương tự.
Trong buổi Tổng kết công tác dân vận năm 2000, Phạm Gia Khiêm nhận định rằng phần “nhận thức và triển khai còn bất cập”. Phạm Thế Duyệt, ủy viên thường vụ, thường trực bộ chính trị, chủ tịch đoàn chủ tịch ủy ban trung ương MTTQ hoàn toàn đồng ý: “Công tác dân vận trong tình hình mới có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này, làm cho mối quan hệ dân – Đảng, dân – chính quyền các cấp, dân – công chức Nhà nước, hội viên, đoàn viên – Mặt trận và các đoàn thể,… thật sự gắn bó”. Qua đó, cả Khiêm và Duyệt đã tất yếu thừa nhận cái chiến lược giành dân của các thế lực thù địch nước ngoài mà Trần Văn Lang báo động bên trên là điều có thật?
Theo Báo cáo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2001-2005: “Có 7-8 chương trình kinh tế – xã hội do Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XV đề ra đều không đạt chỉ tiêu. Chỉ có 1 chương trình vượt chỉ tiêu là giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,4% (chỉ tiêu là 1,8%). Đáng chú ý là bình quân thu nhập trong 5 năm qua của mỗi người dân chỉ đạt 192USD/năm (chỉ tiêu là 350 USD)”. Tức 16USD/tháng suốt 5 năm qua, gần tương đương với giá hai tô phở ở Paris. Nhân rộng ra cả nước sẽ thấy ngay hệ quả xã hội trên 7-8 chính sách quốc gia bất đạt.
Về mặt xã hội, phóng sự của Trần Đăng về làng Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cho biết có “200 con nghiện ma túy và chỉ mới xét nghiệm 28 con nghiện đã có 25 người nhiễm HIV”. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Viện Chiến lược Phát triển VN báo động là trong 5 năm tới, số thanh niên VN bước vào tuổi lao động (15 tuổi) bình quân trên 1,8 triệu người/năm. Trong lúc số người ra khỏi tuổi lao động khoảng 400 nghìn/năm. Tức sẽ có một đội quân chờ việc đông tới 1, 4 triệu người/năm. Chưa nói tới tình hình nông thôn hiện nay, “29% thời gian của thanh niên vẫn là nhàn rỗi”.
Kết luận? “Nhiều chuyên gia cho rằng trong 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2001 của Quốc hội, chỉ tiêu tạo ra 1,4 triệu chỗ làm việc mới là khó thực hiện nhất”. Theo thống kê do Lý Sinh Sự trích dẫn, ngay vào tháng 3.2001, trong nước có cả thảy “1.060 người dùng thẻ tín dụng mà đã có 2.000 điểm thanh toán”, thì phải hay số người tới sở ngồi chơi đông dường nào. Một điển hình ngược lại: “Theo số liệu của Sở Y tế Sóc Trăng cho biết, đến năm 2001, tỉnh Sóc Trăng đào tạo được 14 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ trong toàn tỉnh lên 304, chiếm tỉ lệ 2,53 bác sĩ trên 10.000 dân”. Mới rõ các mức cung-cầu trong nước chênh lệch trên từng lãnh vực ra sao. Tỷ lệ bất đạt vừa nói bên trên, trong thời gian sắp tới sẽ đổi mới thành 10-11 chăng?
Về mặt luật pháp lại có một số tỷ lệ đáng nói khác. Ví dụ như trong số 3197 văn bằng giả phát hiện, chỉ có 193 công chức được mời thôi việc. Hoặc giả, qua tác giả Lý Sinh Sự thì theo “tin của Sở Xây dựng: Mỗi tháng Hà Nội có 1.000 vụ xây nhà trái phép như ông Chủ tịch phường Bách Khoa. So với số liệu đó thì ông này chỉ là một người lính trong trung đoàn trái phép đó thôi. Mà ông có biết kết quả giải quyết ra sao không? Chỉ có 10% bị cưỡng chế, phá dỡ; 30% bị phạt tiền; còn 60% không xử lý được”. Nhân ra cả nước, và trong suốt 50 năm qua, đã có bao nhiêu trung đoàn trái phép kiểu đó? Liệu có tương đương với con số đảng viên CS không?
Trong bài viết về Những cái sai buồn cười, Lý Sinh Sự nêu bật ra tình trạng: “ở cơ quan thường chỉ có mấy anh tham nhũng lén lút vụng trộm. Còn ở phường, ở xã, mọi tệ nạn diễn ra công khai”. Chữ lén lút vụng trộm ở đây chỉ có nghĩa là kín đáo hay bán công khai. Rồi tới bài Cao hơn khuyến học, họ Lý lại khẳng định rõ hơn: “Tham nhũng không phải thói hư tật xấu của nhân dân. Đó là bệnh của quan”.
Trong bối cảnh đó, bộ chính trị Ba Đình đã ra văn thư hướng dẫn toàn đảng sử dụng 9 khẩu hiệu vào dịp đại hội IX. Trong đó, khẩu hiệu số 2 hô hào: “Vững bước tiến vào thế kỷ 21 dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội!”. Còn khẩu hiệu số 6 viết rằng: “Đảng là niềm tin, là trí tuệ dẫn dắt toàn dân tộc vững bước tiến vào thế kỷ 21!”.
Bạn nghĩ sao?
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bảo rằng
”Buồn đến nỗi nỗi buồn như chẳng có”.
Thi sĩ Vũ Thị Tú Anh tự hỏi:
“Bao giờ đến được ngày xưa”?
Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm đang được nhắc nhở đến nhiều về mấy câu thơ
“Những bài hát không ai hát nữa…
Những con đường không ai trở lại…”.
Hội Điện ảnh VN vừa trao giải thưởng Điện ảnh 2000 cho 2 tác phẩm vidéo “Những Người Dớ Dẩn” và “Điệu Múa Cổ”, nhằm chào mừng đại hội IX? Riêng ký giả họ Lý của mục Nói hay Đừng trên báo Lao Động đã quyết định Nói, trong bài Vòng Vo Tháng Hai: “Có tới 98% gen người giống gen khỉ. – Giống khỉ là đúng, vì nhiều trò con người diễn cũng khó coi như xem khỉ diễn”.
Lại có tác giả chuyện diễu đã bày trò phỏng vấn một nhà vô địch bơi lặn:
“- Xin anh cho biết bí quyết nín thở lâu?
– Hằng ngày đi làm, tôi phải đi ngang qua khu Ba Đình”.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments