2001.06 – Quyền Rơm, Vạ Đá
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 19 min read

Thời sự tháng qua được ghi nhận là có đính kèm khá nhiều hơi thở dài của đảng CSVN.
Bên trong đảng là một vị thế chông chênh của dàn lãnh đạo mới. Đối nội là một lô báo cáo không mấy sáng sủa về tình hình hậu đại hội 9, bên cạnh những chỉ thị khủng bố thô bỉ và bắt bớ thô bạo của trung ương.
Đối ngoại là vụ Hoa Kỳ đình hoãn phê chuẩn hiệp ước thương mại bên dưới các áp suất nhân quyền, sóng đôi với việc thay đổi đại sứ Mỹ tại Hà Nội trong nay mai.
Ký giả James Borton nhận định khá rõ trên tờ Washington Times, số ra ngày 25.5, về tình trạng khủng hoảng lãnh đạo và tụt dốc niềm tin thê thảm của CSVN khi nó phải đùn đẩy ra một tân tổng bí thư, dựa vào “huyết thống” rơi rớt của cố lãnh tụ để làm chỗ bám cho hy vọng vực dậy cả đảng. Các bàn trà trong nước thì bảo đó là một tay “quyền rơm vạ đá”….
Mũ Cối Nối Nồi Nhựa
Tin tức tràn ngập trang nhất các báo trong nước tháng rồi với nhiều chữ viết tắt MBH, tức mũ bảo hiểm, một loại nón an toàn dành cho người sử dụng xe gắn máy. Báo Lao Động còn có cả một “trang chuyên đề” hàng ngày về mục thời sự sôi động này trong suốt tháng 5, khi mà kỳ hạn áp dụng pháp lệnh dùng MBH được quy định bắt đầu vào ngày 1.6.2001. Trong khi thị trường mũ bảo hiểm đang vào cao điểm sốt và dân chúng tất bật lo toan để tập làm quen với những chiếc “nồi cơm điện” trên đầu, thì “Mấy ngày qua, xung quanh chuyện kiểm định mũ bảo hiểm lại rộ lên nhiều ý kiến khác nhau từ phía các doanh nghiệp, một số cơ quan quản lý nhà nước cũng như phương tiện thông tin đại chúng”.
Theo Cục trưởng Cục đăng kiểm Nguyễn Văn Ban, viện dẫn các quyết định và chỉ thị của Phan Văn Khải và của bộ Giao thông-Vận tải thì: “Chúng tôi làm hoàn toàn đúng chức năng… Gắn tem vào là chúng tôi gắn trách nhiệm của mình với chiếc mũ đó”. Riêng về giá tem kiểm định thì theo Phó Cục trưởng CĐK Đỗ Hữu Đức, “đây là chi phí cho việc kiểm định, là giám sát chất lượng trong quá trình sản xuất….”.
Ngược lại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Hồ Tất Thắng thì cho rằng: “Việt Nam duy nhất chỉ có TCTCĐLCL được Nhà nước giao cho việc đánh giá, công nhận cho các đơn vị, cơ sở có hay không đủ năng lực nói trên, dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế, tập quán quốc tế. Hiện nay phòng kiểm tra, thử nghiệm của Cục đăng kiểm vẫn chưa có được những đánh giá công nhận này. Tôi không thể khẳng định được 100% MBH có dán tem của CĐK là đạt tiêu chuẩn”.
Ở mặt khác, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lê Thế Bảo thì nhận định rằng “Cục đăng kiểm không phải là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật…. Bộ GT-VT cần có quyết định về việc phát hành và sử dụng tem, còn tem của CĐK do ai công nhận, ai in, ai kiểm soát? Việc xử lý mũ giả, mũ không có tem, mũ nhập lậu tiến hành thế nào, theo cách nào, do ai làm, ai chi tiền…?”.
Thế mới biết, cái pháp lệnh bé tí về mũ nhựa đi xe này đã làm lộ rõ ra đến dường nào các chức năng mông lung mơ hồ và việc vận hành tròng chéo phức tạp của cái gọi là chính phủ Hà Nội. Cũng rõ ra, chỉ một pháp lệnh nhỏ đó đã đủ để đưa các giới “hữu quan” tới chỗ đấu đá giành quyền kiểm định và tranh lấy kinh phí nhà nước đến mức kinh hãi ra sao.
Những tròng chéo và đấu đá đó sẽ gây những tác động nào ra ngoài xã hội? Điều chắc chắn là công an giao thông sẽ phải cực kỳ bận rộn ngoắc chận người đi đường. Cục quản lý thị trường sẽ phải vất vả chào đón các chuyến hàng nghi ngờ MBH không tem hay tem giả. Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng và Cục đăng kiểm, sau khi ngã ngũ quyền kiểm định, cũng sẽ phải tất bật hạch hỏi các công ty sản suất MBH.
Theo Giám đốc Hoàng Minh Châu của Cty nhựa Hanel thì “Cán bộ Cục đăng kiểm đến dán tem từng cái một, đứng ở dây chuyền như cán bộ Cục kiểm soát. Rất lâu, làm đọng vốn… Đó là chưa kể doanh nghiệp phải chi phí thêm cho kho, bãi…”.
Ông Nguyễn Hoài Nam thuộc Cty Amoro đồng ý: “Về việc dán tem chất lượng, theo chúng tôi là sai luật, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nếu cho rằng MBH rất cần bảo đảm chất lượng để bảo vệ con người thì tại sao thuốc chữa bệnh lại không cần dán tem?”.
Phó Giám đốc Cty nhựa Tân Tiến Lê Quang Kim còn cho biết là ngay tại cuộc họp giữa bộ giao thông vận tải và các đơn vị sản suất MBH, thì “Chính Cục đăng kiểm cho biết họ cũng không muốn, hay nói đúng hơn là chưa biết kiểm định thế nào vì chưa có chuẩn… Chúng tôi đã lắp ráp, sản xuất từ năm 1994 và đã được cơ quan công an xác nhận chất lượng sản phẩm vào thời điểm đó. Vậy tại sao cũng vẫn lô hàng đó không kiểm tra chất lượng rồi phát luôn tem để chính chúng tôi dán vào mà phải đợi cán bộ của CĐK tới?”. Đấy! Không tới thì lấy ai nhận phong bì?
Lắm người còn nhớ thời chiến tranh, bộ đội chính quy dùng mũ cối, dân công ( gồm nhi đồng cứu quốc, thiếu niên tiền phong & thanh niên xung phong) xài nón tai bèo, du kích để đầu trần hay đội nón lá…. Nay, bộ đội hay dân công vẫn thế, nhưng thường dân đi xe cúp phải chụp nồi nhựa lên đầu! Câu hỏi đặt ra là Tại sao… 2001?
Nếu bảo là vì thống kê tai nạn giao thông của năm 2000, thì… năm nào không có ngần đó nạn nhân? Vả, ngần đó đã thấm gì với số liệt sĩ và thương binh trong hai trận chiến Tây Nam và Chính Bắc năm 1979? Lại có người nghi ngờ chiến dịch MBH này bắt nguồn từ những vận động chiến lược để tạo ra những mối thu nhập có tính phong trào cho cấp trung ương, quả thật khó kiểm định. Do vậy, nhìn chung, có lẽ nên để Trần Tiến, tác giả loạt ca khúc “Ngẫu Hứng” ký pháp lệnh này thay cho Phan Văn Khải là hợp tình hợp lý nhất. Tuy nhiên, cũng phải thấy đây là một công trạng của chính phủ: Tung ra một pháp lệnh nổi cộm và đầy tính bất chợt như thế là đủ để che lấp cho cả nước quên khuấy đi cái “thắng lợi giòn giã” của Đại Hội IX vừa qua. Chỉ đến khi nhân dân xuống đường biểu tình khiếu kiện, đội mũ bảo hiểm để trực diện với công an cơ động, lúc đó Phan Thúy Thanh mới phủ nhận công trạng ấy chăng?
Phản Kích Điên Cuồng?
Trong lúc chờ đợi thì Phan Thúy Thanh hẳn tạm phát ngôn về một số điểm nóng rất đáng phàn nàn: Mỹ ngang nhiên bán vũ khí cho Đài Loan; Liên Hợp Quốc phấn đấu tiếp nhận người Thượng tỵ nạn chính trị ở Kampuchia; Hoa Thịnh Đốn trì hoãn nguồn viện trợ của IMF và WB cho Hà Nội; hoặc, Mỹ cố tình làm đình trệ việc phê chuẩn hiệp ước mậu dịch song phương; hay, khỏa lấp nỗi lo thay đổi ê-kíp ngoại giao của Mỹ bằng lời ca tụng công lao bốn năm bắt cầu hữu nghị của đại sứ Douglas “Pete” Peterson v.v….
Đặc biệt trong vấn đề thương ước Mỹ-Việt, bộ ngoại giao Hà Nội đã cực lực phản đối các cuộc điều trần vừa qua tại quốc hội Hoa Kỳ về nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, long trọng nhấn mạnh rằng đó là những hành động “xen lấn vào nội bộ” đảng trị của Cộng Hòa XHCN Việt Nam. Lại phải lớn tiếng cảnh báo rằng khuynh hướng của Hoa Kỳ nhằm gắn liền thương ước với nhân quyền sẽ “gây tác hại đến mối quan hệ ngoại giao và ngoại thương giữa hai nước”!
Để làm sáng tỏ thêm rằng đảng trị là một nhận định sai lầm, chính trị bộ Hà Nội quyết định minh xác đó chỉ là một nền công an trị, qua việc chỉ thị công an chận bắt khẩn cấp ông Vũ Cao Quận trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng, trong khi lục soát và tịch thu tư sản tài liệu tại nhà riêng của ông. Thêm vụ trục xuất dân biểu Na Uy Lars Rise khi ông viếng thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng đoàn Thừa Thiên và Linh mục Nguyễn Văn Lý. Rồi chỉ vài tuần sau đó, Hà Nội tung 600 công an bao vây thánh đường ở An Truyền, Thừa Thiên, bắt giam Linh mục Nguyễn Văn Lý trong lúc ngài chuẩn bị thánh lễ cho giáo dân tại đây. Câu hỏi cũng được đặt ra như trên là Tại sao… 2001?
Có người giải thích rằng đó là cách đánh dấu… một thế kỷ mới. Có người cho rằng đảng cần con tin chính trị để mặc cả kinh tế với Mỹ như từng “đặc xá” tù nhân để đổi tối huệ quốc trong thời Bill Clinton…. Lại có người bảo vì nhu cầu trấn áp thị uy sau đại hội, để chứng tỏ quyền lực của tân tổng bí. Ngay chính Nông Đức Mạnh, phát biểu nhân dịp chủ tọa Hội nghị Công tác tư tưởng-văn hóa toàn quốc, tổ chức vào ngày 15.5 tại Sài Gòn, thì đó là đối sách của đảng trước “sự phản kích điên cuồng của các thế lực thù địch và lực lượng phản động, cơ hội…”. Mạnh chứng tỏ sự cứng rắn này với ai? Với dàn cố vấn vừa mới làm cuộc đảo chánh hòa bình đặt Mạnh lên ngôi đó chăng? Hay với cựu tổng bí Khả Phiêu vừa mới bị bay chức vì “bất lực, hám quyền, hiếu sắc trong thời gian qua” ? Thực tế, với cả hai, và với cả đám quần thần ngơ ngáo nhân danh tập thể đảng hiện nay, thì đó chỉ là thứ quyền rơm.
Ngược lại, bên kinh đô ánh sáng, ông Chủ tịch Hội Quốc tế Công lý và Tự do Yves Roucaute, trong cuộc biểu tình trước sứ quán Hà Nội tại Paris ngày 17.5.2001, đã phát biểu rằng: “Trong vụ bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý, bằng bạo lực đối với ngài và đối với giáo dân tới dự thánh lễ, theo tôi, đây là chỉ dấu cho thấy chế độ này đang hoảng sợ và họ biết họ không còn tồn tại bao lâu nữa”.
Điều này có vẻ gần gạnh thực tiễn hơn cả. Bởi, trong bài phân tích “Coi trọng và tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ” đăng trên Tạp chí Xây dựng đảng số 11, tác giả ủy viên Bùi Khánh Thụy đã long trọng nhấn mạnh ngay ở đoạn đầu bài rằng: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có quan hệ trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”. Trong lúc ngay cả những người bị bắt cũng đã tự trang bị tinh thần sẵn sàng và lập trường bốn không: “không nói, không viết, không ký và… không sợ”. Khi nhân dân không sợ cái còn sót lại của đảng là bạo lực, thì quả thực, sự sống còn đó của chế độ mới chính là vạ đá. Của tân tổng bí CSVN.
Đánh Lừa Cái Lưỡi?
Ở chiều ngược lại, “sự sống còn của đảng, của chế độ” hiện nằm trong đầu đảng viên và xem ra cũng thập phần hiểm nghèo. Trên tạp chí Cộng Sản số tháng 5, mục Tìm hiểu nội dung một số khái niệm của Văn kiện Đại hội IX đã phân tích lần nữa những nguy cơ của đảng: “Đó là bốn nguy cơ: sự tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tệ quan liêu và nạn tham nhũng; âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đến nay, những nguy cơ này tồn tại và diễn biến phức tạp, đan xen, tác động lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào. Trong đó, nổi lên điều cần nhấn mạnh: tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…”.
Theo đó thì rõ ràng trong 4 nguy cơ sinh tử vừa kể, đảng chỉ còn chút hy vọng khả dĩ “còn nước còn tát” lên nguy cơ thứ Ba là sự suy thoái về tư tưởng chính trị-đạo đức của đảng viên. Hội nghị Công tác Tư tưởng-Văn hóa Toàn quốc được triệu tập trong niềm hy vọng mong manh đó, vào giữa tháng 5 tại Sài Gòn, với sự hiện diện “chỉ đạo” của tân tổng bí họ Nông. Vấn đề không phải chỉ vì cán bộ tư tưởng-văn hóa”chậm trễ trong công tác nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn”. Hay “nhận thức không thống nhất, thiếu sâu sắc, tổ chức thực hiện không nghiêm, không tốt, nói không đi đôi với làm”…. Vấn đề cũng không phải là cách đổ thừa cho triều trước: “Nguyên nhân dẫn tới khuyết điểm, yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII là thuộc về công tác tư tưởng, công tác lý luận, cùng với công tác tổ chức, cán bộ có nhiều yếu kém, bất cập”.
Tầm quan trọng của vấn đề là ở chỗ “cán bộ, đảng viên không trực tiếp tham gia làm công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng như là chức trách của một đảng viên”. Tức là đảng viên cũng đang xa rời đảng không khác gì quần chúng. Mà không thể trách cứ gì được, khi đảng không còn gì để lấp vào lỗ hỗng tư tưởng toang hoác.
Cũng không còn gì khả dĩ làm giảm được đà quay của một nền văn hóa tham ô, khi mà đó là mối nối duy nhất còn sót lại giữa đảng viên với đảng. 24 bài tham luận được đọc trong hội nghị đều cố xoáy vào cái lỗ hỗng mắc toi và cái đà quay chết tiệt đó. Từ bên kia bán cầu, và trong cùng ngày bế mạc hội nghị TT-VH 17.5, ông Yves Roucaute đã tỏ ra am hiểu rất chính xác về sinh hoạt của băng đảng “trong cướp ngoài xin” ở Hà Nội: “Nghèo khốn tinh thần, vâng. Vì chẳng có ai, kể cả ở tầng cấp cao nhất của chế độ, còn tin vào những giáo điều đơn điệu của tư tưởng ‘số không’ đó. Kể cả trên tột đỉnh của đảng, một đảng thối nát, đã từ lâu vứt bỏ chủ nghĩa Mác và đang tìm cách sống còn bằng khủng bố và viện trợ quốc tế”.
Chính trên những nhận thức rõ ràng và tâm trạng thấp thỏm về điều “cốt tử” đó, Nông tổng bí đã lựa dịp Hội Nghị TT-VH này để long trọng năn nỉ toàn đảng: “Ngay sau khi Đại hội IX vừa bế mạc, chúng tôi đã phát biểu rằng, đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, rất quyết liệt, vừa cấp bách, vừa cơ bản, là nhân tố quyết định…, là yếu tố sống còn đối với vận mệnh của Đảng”. Có ai chia xẻ nỗi ưu lo sinh tử này với Nông tổng bí không? Hẳn là ít nhiều cũng phải có, khi điều nhấn mạnh nói trên được phiên dịch thẳng thắn và ngắn gọn ra tiếng Việt là… “Hãy liệu chừng! Còn đảng mới còn ăn. Hết đảng là hết ăn!”. Và khi Thường vụ bộ chính trị khóa VIII đã tập trung trí tuệ sáng tạo ra học vị “cử nhân chuyên ngành Tư tưởng-Văn hóa”, bắt đầu chiêu sinh khóa 1 vào cuối năm nay 2001.
Một ghi nhận nhỏ trong dịp tổng kết Công tác tư tưởng-Văn hóa 2000 này là sự lu mờ của những “cổ thụ tư tưởng” Nguyễn Đức Bình (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội lý luận T.Ư.), cả Hữu Thọ (Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư.), lẫn Đào Duy Quát (Phó Trưởng ban thường trực Ban TTVH T.Ư.), dưới sự vươn lên bất chợt của ngôi sao Nguyễn Khoa Điềm (Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin, tân Ủy viên Chính trị bộ).
Trong bài phát biểu nhân dịp bế mạc hội nghị, Nguyễn Khoa Điềm đã nhấn mạnh rằng đây “là hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội của những người làm công tác tư tưởng”. Vì sao? Theo Điềm, “phải nghiên cứu, học tập sâu mới nắm hết các vấn đề mà Đại hội đặt ra, bởi đó là những tổng kết có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam và là một đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới”….
Trước khi là bộ trưởng, Nguyễn Khoa Điềm từng là một nhà thơ, nổi tiếng qua bài Đất Nước:
“Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh”…
Xem ra, nay thăng tiến lên bộ chính trị, phải chăng chính Điềm đang
“Đánh lừa nhân dân bằng Hồ Chí Minh”?
Ngỡ Mình Đang Bước
Cũng trên tạp chí Cộng Sản tháng rồi, một cựu “cổ thụ tư tưởng” khác là Hoàng Tùng đã viết bài phân tích 10 nhân tố “dù yếu kém nhưng trên đà thuận lợi” của CSVN để chứng minh Đại hội IX vừa qua “đã thành công cả về chính trị lẫn tổ chức”. Quan trọng nhất là “việc chọn người bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng được cân nhắc chín chắn”. Bài viết có tựa đề là “Ngọn cờ chỉ đường của chúng ta đi vào thế kỷ XXI”, với lời kết mô tả mọi người đang “đội ngũ chỉnh tề” sẵn sàng “bước vào cuộc hành trình mới…”.
Đặc tính chỉnh tề được thấy ngay ở kỳ họp “quốc hội” lần 9 khóa 10, bắt đầu vào ngày 22.5 và dự trù kết thúc vào cuối tháng 6, vẫn tại hội trường Ba Đình, dưới sự chủ tọa của… Nông tổng bí! Trong diễn văn khai mạc, tân tổng bí thư CSVN đã nhấn mạnh mục tiêu cuộc họp là nhằm khai triển nghị quyết IX của đại hội vừa qua, với hai nhiệm vụ trọng tâm như thường lệ: “Một là, thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Hai là, xem xét một số báo cáo quan trọng”. Phần một bao gồm việc sửa đổi lại hay tái bổ sung các thứ được gọi là luật, đặc biệt là việc thành lập Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ở phần hai, Nguyễn Tấn Dũng thay mặt cho Phan Văn Khải, đọc báo cáo tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2000 của chính phủ với 1 số nội dung đáng chú ý như sau:
“Một là, …chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế .
Hai là, …khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và việc phát huy nhân tố con người chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là về chất lượng.
Ba là, …vẫn còn một số mặt yếu kém, tiêu cực, không thể chủ quan, xem thường.
Bốn là, …chậm chuyển biến về bộ máy và con người, chưa đẩy lùi được tham nhũng, quan liêu”.
Còn trong mấy tháng đầu 2001 thì: “Những yếu kém và khó khăn mới cũng bộc lộ, nổi lên là khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và một số hàng công nghiệp chế biến; chỉ số giá giảm ở mức thấp nhất từ hàng chục năm nay, đi liền với sự giảm sút thu nhập và sức mua của nông dân; đầu tư trong toàn xã hội, nhất là đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, đạt mức thấp so với kế hoạch…. Nạn tham nhũng và tệ quan liêu, cửa quyền chưa bị đẩy lùi; nhiều nơi còn xẩy ra những vụ, việc nghiêm trọng. Nhiều vụ khiếu kiện của dân còn tồn đọng kéo dài… Hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, còn quan liêu,… không nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của dân… không chỉ ở địa bàn Tây Nguyên mà cả ở những nơi khác”.
Làm một so sánh nhỏ tại chỗ, người ta thấy ra ngay là tình hình 2001 bội phần bi đát hơn 2000. Chưa kể là tình trạng “hứa sẽ giải thích” hay “hứa sẽ giải quyết” của các bộ trưởng bị chất vấn từ kỳ họp quốc hội năm trước đến nay vẫn “bị trôi tuột đi như nước chảy lá khoai”, như nhận xét của ký giả Chu Thượng. Cũng chưa kể là trong giờ giải lao kỳ này, Nguyễn Tấn Dũng còn thú nhận với báo giới về “những vấn đề đang nổi cộm được các đại biểu và cử trí quan tâm”. Ngắn gọn, như tựa đề bài báo, “Có những vấn đề chính phủ chưa lường hết!”. Vấn đề gì?
Theo Dũng:
Một là chính phủ chưa phân biệt được trong điều hành “cái gì là cơ chế thị trường, cái gì là nhà nước can thiệp, quan hệ giữa chúng như thế nào”.
Hai là, “Thực tế, có những quyết định của bộ trưởng nhưng chính phủ không kiểm soát được… Có người hỏi tôi chủ trương đó thế nào, có khi tôi không biết, Thủ tướng cũng không biết. Cả văn phòng Chính phủ cũng không tổng hợp được lĩnh vực đó, bộ đó ban hành như thế nào”.
Ba là, trong điều hành của chính phủ” Hiện không đồng bộ về cơ chế… Có trường hợp luật, nghị định thì nói thế này, nhưng ở dưới lại ‘sáng tác’ kiểu khác”.
Bốn là, trong sự điều hành của chính phủ “có một số việc lúng túng bởi cuộc sống đa dạng phức tạp. Có những vấn đề chính phủ cũng không lường trước được”.
Năm là, việc sản xuất theo “phong trào thì có nhưng chủ trương không phải của chính phủ”.
Những lời trần tình đó khá phù hợp với ý kiến của một số đại biểu “mạnh dạn”: Ông Trần Văn Tấn (Sài Gòn) cho rằng: “Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chủ trương ở tầm vĩ mô, nhưng cụ thể từng việc thì ít thấy bàn sâu, nên khi triển khai cũng lại rơi vào tình trạng chung chung”. Ông Quách Đăng Triều (Sài Gòn) nhận xét: “Các thành viên của chính phủ vẫn còn mạnh ngành nào ngành ấy làm”. Ông Nguyễn Văn Tư (Đồng Nai) bực dọc: “Nếu bộ Thương mại đụng đến cái gì cũng nói không biết thì nên giải tán bộ Thương mại”. Ông Nguyễn Thiết Hùng (Khánh Hòa) gãi đầu: “Năm sau ước tính đạt thấp hơn kết quả năm trước rồi cũng được đánh giá là hoàn thành vượt chỉ tiêu!”. Bà Mùa Thị Mỹ (Lai Châu) bức bối: “Chính phủ không kiểm soát được mình… Kỳ nào cũng đưa ra giải pháp cải cách hành chính nhưng theo kiểu ‘giậm chân tại chỗ’ mãi cũng chán”. Ông Lê Hoàng Quân (Đồng Nai) quả quyết: “Vì Chính phủ chưa đặt ra một chiến lược lâu dài nên mới rơi vào tình trạng ‘ta hại ta’ như vậy”. Nhà thơ Nguyễn Thị Tuyết Mai, dù không là đại biểu, cũng ra sức tóm gọn một câu: “Bị cuốn trôi cứ ngỡ mình đang bước”….
Từ đó, cho dù là Dũng, hay Khải, hay Mạnh, hay bất kỳ ai khác trong guồng máy “ba phim nhập nhằng chiếu chung một suất” giữa đảng, chính phủ và quốc hội đó đọc báo cáo, thì tất yếu, các “giải pháp cần tập trung chỉ đạo” đưa ra cũng không thể nào khác hơn là những mơ ước mông lung phải thế này hay thế khác, mà không một ai cụ thể biết mình cần làm gì và cũng chẳng ai thấy có trách nhiệm gì. Nguyên tắc căn bản trước sau vẫn là… tát bùn sang ao: “Chính phủ đề nghị Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện, động viên nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước với một khí thế mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2001”.
Được Mùa
Nhìn sâu vào cấp thừa hành, “đội ngũ chỉnh tề” và “khí thế mới” của phong trào thi đua sôi động đó ra sao? Theo bài phân tích của Nguyễn Khắc Mai trên tạp chí Dân Vận (3-2001), thì “Thời nào người cầm quyền là hôn quân, hư đốn, xa trí thức, gần gũi lũ xu nịnh dốt nát, chính sách đối với giáo dục, với văn hóa, với kẻ sĩ chỉ đề cao hư danh, đề cao giáo điều, mua bằng, bán chức như một thời dưới triều vua Lê chúa Trịnh thì đất nước loạn ly, nhân dân khổ cực, xã hội suy thoái”.
Hãy thử duyệt qua một số tin tức trong tháng để nắm vững tình hình tiêu biểu ở các địa phương rồi từ đó suy ngược lại tình hình trung ương của triều đại mới:
Trần Tiến Quang có một bài tường thuật về một tình trạng phổ cập là “Phù phép móc tiền Nhà nước”: “Cty kinh doanh và phát triển miền núi Đắc Lắc – doanh nghiệp được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp hàng trợ giá, trợ cước cho đồng bào miền núi không vì đồng bào mà vì hầu bao riêng của mình, họ dùng chính sách làm lá bùa để móc ruột Nhà nước”. Chính xác là móc ruột nhân dân. Số tiền phát hiện được lên tới 1,8 tỷ đồng. Kỹ thuật thực hiện rất đơn giản là… thanh toán khống và quyết toán sai.
Bài phóng sự “Nông dân lãnh đủ” cho biết về tính chất đội ngũ chỉnh tề nói trên là “Điệp khúc ‘trồng, chặt’, ‘được mùa, rớt giá’ là nỗi ám ảnh đối với nông dân đồng bằng sông Cửu Long…. Nhưng, thực tế cũng xảy ra không ít trường hợp các đơn vị ‘giúp nông dân xoá đói giảm nghèo’ lại đẩy bà con vào tình cảnh thêm khốn khó với… những cách làm khó!”.
Tại Tỉnh Bình Phước, qua bài viết “Chiếc hộp đen trong các vụ mua bán tuyển sinh” của Đông-Đức-Hùng người ta còn biết thêm một số hình thái thi đua mới: “cán bộ ngành giáo dục tỉnh đã… ‘vẽ’ ra việc tuyển sinh Cao đẳng Sư phạm hệ B để ‘bán’ cho những ai không đủ điểm xét tuyển vào học hệ chính quy với giá 15 triệu đồng mỗi suất. Hậu quả, những giáo sinh ‘mua’ các suất học này…tiền mất, tật mang!”.
Mục Thư Bạn Đọc trên báo Lao Động điện tử số 86 có đăng ý kiến của cán bộ khoa học Hoàng Phê: “Công chức và cao hơn là quan chức sử dụng bằng giả để lừa dối Nhà nước, lừa dối nhân dân. Do vậy công chức mà sử dụng bằng giả thì phải bị xử phạt nặng hơn dân thường, cấp càng cao thì xử phải càng nặng”.
Theo tác giả Lý Sinh Sự thì cũng trong tinh thần đội ngũ chỉnh tề tạo khí thế mới nói trên, “ở xã Ninh Hà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa có lão chủ tịch xã tên Thận, hễ dân nói chuyện gì là lão cho gô cổ lại tẩn cho một trận”, mới hãi! Huyện phải họp đến 10 lần mới “kết luận là có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, nhiều lần đánh người là vi phạm pháp luật” và sau cùng ra được quyết định… cách chức đương sự.
Hi hữu nhất là trường hợp “một số công nhân ngành giao thông công chính trên công trường thi công đường liên cảng A5 tại phường Tân Thuận Đông, quận 7 Sài Gòn – đã có đơn thư tố cáo công trình (họ làm) không được thi công theo đúng như thiết kế kỹ thuật. Trong thư tố cáo, một số công nhân còn dám đặt tiền cược 5 tỉ đồng nếu như kiểm tra không đúng như họ phát giác và chịu hoàn toàn trách nhiện trước pháp luật”. Kết quả sơ khởi? Chỉ mới qua kiểm tra 1 cống đã phát hiện nền cống, đơn vị thi công không đổ bêtông đá và đóng thiếu cừ tràm.
Còn tinh thần thi đua thì vẫn luôn đứng nhất ở Hà Nội: “Sau ông Nguyễn Danh Hùng – Chủ tịch phường Bách Khoa và ông Nguyễn Xuân Vinh – Phó trưởng Công an phường Kim Mã, lại xuất hiện ông Ngô Quang Hiệp – Phó trưởng Công an phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) – coi thường phép nước, lấn chiếm đất công. Bạo gan hơn, không những lấn chiếm ngõ đi chung, xây nhà 4 tầng trái phép, ông Hiệp còn có những hành vi gây mất đoàn kết với bà con trong ngõ , thậm chí còn đánh cả một bà cụ già đã 72 tuổi thành thương”….
Tại quận Tây Hồ, Hà Nội, sau bài báo “Bắt quả tang một vụ nhận hối lộ” trên tờ Lao Động ngày 16.5, báo này nhận được một số đơn của bà con phường Quảng An “bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi ngang nhiên đòi hối lộ của 2 nhân viên trong đội Quản lý trật tự xây dựng quận, đồng thời, tố cáo thêm những hành vi nhũng nhiễu hạch sách của một số nhân viên khác: Họ tuyên bố ‘Chúng ông thích phá nhà nào thì phá, thích để nhà nào thì để’, đến mức cứ nghe đến đội quy tắc là ai cũng hãi”.
Hãy nghe Chim Trắng làm thơ kết luận tặng Thu Bồn:
“Vâng, đất nước mình nhiều cơn bão quá!
Sâu bọ trồi lên như thể được mùa”.
Vừa nhung nhúc, vừa chỉnh tề!
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments