top of page

2001.07 – Trăm Năm Ép Lại Đôi Ngày

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 18 min read

Thời sự có dáng vẻ sôi nổi nhất trong tháng là tuồng hát kéo dài ròng rả hơn tháng và chưa chấm dứt tại hội trường Ba Đình. Xin được đề cập trên số báo tới, sau khi gánh hát quốc hội tuyên bố vãn tuồng.


Trong thời gian qua ở VN cũng có lắm ngày được gắn tên hiệu. Ngày gia đình. Ngày ma túy. Ngày báo chí v.v… Hãy thử lượt qua một đôi ngày trong tháng…

Chỉ Biết Xin Thôi, Chả Biết Gì!

Tin tức đối ngoại tháng qua trong nước đặc biệt rầm rộ tán thưởng chuyến công du Nhật Bản của Phan Văn Khải và chuyến công du Liên bang Nga của Nguyễn Dy Niên.


Tại Đông Kinh, cuộc hội thảo “Vì Tương Lai Châu Á” được tổ chức bởi tờ Nihun Keizai Shimbun, với sự hỗ trợ kỹ thuật của bộ Ngoại giao Nhật. Tức là chỉ ở 1 tầm vóc nhỏ, không một tờ báo nào khác ở Nhật đăng tải về cuộc họp này. Thế mà đã có đại diện chính phủ quân phiệt Miến Điện, thủ tướng CS Cao Miên và CS Việt Nam sang dự. Không phải đợi hỏi, người ta đều biết ngay rằng đây là cơ hội… ngửa mũ. Ngày Quốc gia Hành khất là tên hiệu mới chăng?


Quả y như rằng, Phan Văn Khải đã tận dụng dịp này để kỳ kèo xin gặp thủ tướng Nhật. Do thì giờ thù tiếp của ông Ko-izumi quá giới hạn, nên Khải đã phải nhập đề trực khởi về số tiền “cam kết viện trợ không hoàn lại” ODA. Thoạt đầu, ông Ko-izumi khá ngạc nhiên, nhưng ít giây sau thì hiểu ra ngay, và đã lịch sự trả lời với Khải rằng… Rất tiếc, Nhật không thể cho tiền mặt, lý do là từ nhiều tháng trước, Nhật đã thông báo thay đổi cách viện trợ ODA dưới hình thức trực tiếp trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện chuyên viên, với một nhấn mạnh trong thông báo là “để việc viện trợ đạt hiệu quả hơn”.


Đó là ngôn ngữ ngoại giao. Hãy thử chuyển ngữ sang tiếng Việt cho dễ nắm bắt: Một, thông báo về cách viện trợ mới đó xác định là ODA không hề nhằm “xây nhà lầu, tậu xe con” cho giới quan chức VN như đã từng liên tục xảy ra trong nhiều thập niên qua. Hai, mục tiêu hội thảo “Vì tương lai châu Á” nhằm tạo ý thức về trách nhiệm chung của các quốc gia trong khu vực chứ không thể coi là cuộc họp tróc nã bổn phận cho tiền của Nhật. Ba, cuộc hội thảo này không hẳn dành cho quan chức đứng đầu các chính phủ, mà người tranh thủ đi dự ở cấp thủ tướng lại không nắm được hai điểm trên thì chẳng hóa ra… chỉ biết xin thôi, cóc biết gì? Cứ y như phải gục đầu cúi mặt xuống mà nghe.


Càng rõ hơn lời nhận định của ông Yves Roucaute về một băng đảng trong-cướp-ngoài-xin ở Ba Đình. Lại càng rõ nghĩa ra lời trần tình của ủy viên chính trị bộ kiêm phó thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp quốc hội của Hà Nội vừa qua: “Có người hỏi chủ trương đó thế nào, có khi tôi không biết, thủ tướng cũng không biết, cả văn phòng chính phủ cũng không tổng hợp được lĩnh vực đó…”, nên, “có những vấn đề chính phủ cũng không lường trước được”. Không ai dám đoan chắc về tương lai châu Á. Nhưng, ngày nào còn đó đám lãnh đạo cóc-biết-gì vừa nói thì tương lai VN vẫn cầm chắc ở vị trí… đội sổ, trên bảng sắp hạng của thế giới. Suốt một phần tư thế kỷ qua, cả nước VN đã từng có quanh năm 365 Ngày Đội Sổ.


Rồi, trong một cuộc họp báo tiếp sau đó, Khải long trọng nhấn mạnh là Hà Nội “không hề chủ trương cho nước ngoài thuê lãnh thổ VN để hoạt động quân sự”. Một ký giả Nhật đặt ngược câu hỏi là Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã thuê quân cảng Cam Ranh và phi trường quân sự Đà Nẵng từ năm 1979 đến năm 2004 là để làm “cơ sở hậu cần kỹ thuật” cho hạm đội Nga là nhằm mục tiêu gì, thì Khải xin …chuyển sang đề tài khác.


Trong cùng lúc đó, bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Dy Niên công du tại Mác-xcơva, đã tha thiết đề nghị chính phủ Nga tiếp tục thuê bao tô giới Cam Ranh sau năm 2004 và xin thanh toán tiền thuê. Câu trả lời? Theo tờ Sankei Shimbun ở Đông Kinh thì thứ trưởng Ngoại giao Nga Su-kốp đã không mấy nhẹ nhàng trách cứ rằng: Chúng tôi đã từng viện trợ quân sự và kinh tế cho Hà Nội trong nhiều thập niên dài, mới đây lại vừa xóa nợ cho Hà Nội. Nay, Hà Nội lại yêu cầu Nga tiếp tục thuê bao quân cảng Cam Ranh và đòi thanh toán tiền thuê thì (nguyên văn) “các anh là thứ đồ gì “? Đồ nhà khó, mà tham, chăng? Lại phải gục đầu cúi mặt xuống mà nghe!

Chuyện Thường Ngày Ở Huyện


Nhân dịp bế mạc Hội nghị lần thứ hai khóa IX Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Nông Đức Mạnh đã lớn tiếng báo động cho cả đảng về tình trạng “xuất hiện thêm những khó khăn mới tác động không thuận đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm nay và các năm sau…. Dự báo trong những tháng sắp tới, những khó khăn, những nhân tố không thuận có thể còn gay gắt hơn”. Kết luận? Mạnh đề ra một khẩu hiệu digital hiện đại nhảy vọt: “Chủ trương một, biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai mươi”.


Có nhiều cách lý giải khác nhau. Trong bài báo “Học như tây” trên Lao Động số 140, tác giả Lý Sinh Sự viết: “Thế là rõ rồi. Ở ta mà nói ‘quyết tâm’ với ‘kiên quyết’, ‘dứt điểm’ thì có nghĩa là từ từ”. Phía bên chính phủ, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đã dặn dò từ cuối tháng 5 là: “cần tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn bộ máy hành chính Nhà nước cho trong sạch, có năng lực và hoạt động có hiệu quả, đề ra được những giải pháp thiết thực khắc phục tình trạng tiêu cực trì trệ trong bộ máy, kết hợp với đấu tranh chống tham nhũng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, có năng lực…”. Kết quả, đội ngũ cán bộ đó ra sao với biện-pháp-10 và quyết-tâm-20 nói trên?


Theo kết quả ban đầu của Đoàn kiểm tra văn bằng, chứng chỉ tại 27 đơn vị của riêng tỉnh Bắc Kạn, “có 538 trường hợp cán bộ, công chức thiếu văn bằng chứng chỉ…. Trong số văn bằng không hợp lệ, đã có những trường hợp mua bằng để ‘leo’ đến chức Trưởng phòng mới bị phát hiện”.


Theo tường trình của phóng viên Lê Thanh Phong từ vườn điều trại Z30D: “Ngày 26.4.2001, một vụ việc gây chấn động tỉnh Bình Thuận: Một em gái tố cáo cán bộ công an Phùng Chí Tâm còng tay em vào gốc cây điều để cưỡng hiếp…”.


Theo thông tin mới nhất về vụ án mạng ở Trung tâm Giáo dục Lao động-Tạo việc làm ở Bình Phước, “Hội đồng Pháp y trung ương đã có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nguyễn Hữu Thuận. Trong đó, công nhận Nguyễn Hữu Thuận bị chết bởi ‘tác động từ bên ngoài’… do bị đánh đập một cách dã man từ cán bộ quản giáo và một số học viên ‘đại bàng’ của Trung tâm”.


Theo phản ảnh của các doanh nghiệp trong Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2001-2004, của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN trong hai ngày 11-12.6 tại Sài Gòn: “Phí tiêu cực tại một số cảng dường như đã thành lệ. Hiện nay, muốn xuất khẩu hàng nhanh chóng, không bị gây khó dễ, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp phải chi bồi dưỡng cho nhân viên kiểm hóa và cán bộ làm hồ sơ. Mỗi container 40” phải chi bồi dưỡng với mức 400.000 đồng, container 20” là 230.000 đồng”.


Theo kết quả điều tra tại Công ty Tiếp thị và Đầu tư Nông nghiệp, một doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ NN&PTNT, Giám đốc Lã Thị Kim Oanh và Kế toán trưởng Đỗ Đức Thuần “đã cấu kết thực hiện hành vi bán tài sản thế chấp cho các ngân hàng và lập khống chứng từ vay vốn rút tiền công quỹ để chiếm đoạt… Số tiền thất thoát lớn nhất từ trước tới nay, có thể xác định gấp 3-4 lần vụ án Dệt Nam Định trước đây”. Khoảng gần 70 tỉ đồng.


Một vụ tham ô tầm cỡ khác đã xảy ra trong lãnh vực huyện nghèo Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ: “Trong số hơn 11 tỉ đồng của Nhà nước bị thất thoát, các quan tham huyện Ô Môn đã dùng hơn 5,1 tỉ đồng để tiệc tùng tiếp khách, quà cáp biếu xén ‘tình cảm’ với quan trên và chi cho các ‘quan’ huyện ‘đi công tác, tham quan học hỏi kinh nghiệm tại Singapore’…, dùng tiền ngân sách thuê 17ha đất lập ‘vườn nghỉ mát cho cán bộ cách mạng lão thành’ tại Bảo Lộc (Lâm Đồng)”. Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cần Thơ Lư văn Điền đã xác nhận lãnh đạo huyện Ô Môn còn “gây mất dân chủ nội bộ, trù dập người đấu tranh chống tiêu cực”. Dù vậy, “nhiều cán bộ có sai phạm đã được làm rõ nhưng vẫn an tọa ở các cương vị lãnh đạo, chỉ huy mà không phải nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào”. Quyết tâm đến như 2 trường hợp vừa kể ắt phải được bình chấm trên 20 rất xa!


Theo kết quả phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty liên doanh nước khoáng Kim Bôi và Nhà máy xi-măng Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình, “trong 6,3 tỉ đồng tiền ngân sách nhà nước bị thất thoát, nay chỉ thu lại được 9,5 triệu đồng, số còn lại đã được ‘hóa bùn’, trong túi một số cá nhân”. Đáng chú ý nhất là cựu Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá là Nguyễn Văn Thanh và cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Nguyễn Xuân Thu đều đã tài tình lọt sổ. Đặc biệt, “Sáng ngày 8.6, trước khi tòa tuyên án, 3 bị cáo tại ngoại là Nguyễn Đỗ Ân, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Tài Tửu ngồi trên ghế bị cáo chụm đầu vào nhau nói chuyện và cười vui vẻ như ở … nhà mình”.


Theo thống kê, lượng xe bị quá tải bị xử phạt trên quốc lộ 9 ở Quảng Trị gia tăng gấp 4 lần thời kỳ Trạm trưởng trạm cân xe Hoàng Đức Vinh và 6 nhân viên thuộc quyền chưa bị bắt về tội tiêu cực. Mới hay, cái quyết-tâm-20 trong thập niên qua đã giúp Vinh và thuộc hạ đã “hòa hợp hòa giải” được 75% lượng tiền phạt.


Cũng theo thống kê, tính đến ngày 5.6.2001, vụ tham nhũng trong ngành cao su có nhiều cán bộ quyết tâm nhất được bình bầu cho Công ty cao su Chư Păh (TCty Cao su VN; Gia Lai): “Trong số người bị khởi tố có nguyên Giám đốc Phan Ngọc Thanh; Kế toán trưởng Dương Đình Khoát; hai Phó Giám đốc: Phan Lộc và Võ Văn Bình; giám đốc của ba nông trường trực thuộc và một số cán bộ lãnh đạo các phòng ban khác”.


Theo tin VNExpress ngày 26.6, tại Xí nghiệp Vật tư Chế biến Hàng xuất nhập khẩu 1, thuộc Trung ương (Bộ NN&PTNT), chỉ trong vòng quý chót của năm ngoái, “Giám đốc Lê Minh Sơn đã cùng ‘cộng sự’ làm chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế giả cho lô hàng 295,17 tấn cá mực khô, trị giá gần 46 tỷ đồng, tham ô hơn 2,2 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng”.


Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, chủ tịch UBND Trần Công Thành, phó chủ tịch UBND Lê Công Đẳng, bí thư Huyện ủy Bùi Bình Đông đã quyết tâm “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn để giúp cho Nguyễn Quang Mỹ, giám đốc một doanh nghiệp địa phương, trốn thuế và làm thất thoát hơn 1,1 tỷ đồng”.


Ngày 26.6, tại thành phố Vinh, gần quê hương “bác”, bị cáo Lê Văn Luân – sinh năm 1957, trung tá Phó phòng Tình báo Công an Nghệ An (PV11), bị bắt về tội mua bán ma túy.

Ở Huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, 2 hiệu trưởng và 4 giáo viên bị phát hiện” có hành vi gian dối trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vào cuối tháng 5 vừa qua”.


Ngay tại Sài Gòn, “Trải ba đời giám đốc, với bề dày nhiều “thành tích”, cho đến nay, Fafilm VN trở thành nơi mưu lợi của một nhóm người. Biến tiền công thành tiền tư. Làm thất thoát hàng chục tỉ đồng”. Trong sinh hoạt nội bộ, biện-pháp-phải-10 của Fafilm là “đối với CBCNV thì công ty lấy 5% quỹ tiền lương của họ để đi biếu xén các quan chức, với lý do là ‘sống nhờ độc quyền nên phải biếu xén’!”.


Còn ở thủ đô Hà Nội, nhóm PV thời sự báo Lao Động đã làm sáng tỏ quyết-tâm-20 “thiếu minh bạch” của các cơ quan hữu trách cấp trung ương trong việc xét thầu xây dựng sân vận động Trung tâm Quốc gia (chuẩn bị cho Seagame 2003). Theo đó, “khi ‘quyền lực’ mạnh hơn quy chế” trong chính quyền, thì nhà thầu Trung Quốc HISG, dù “không vượt qua được bước sơ tuyển, nhưng vẫn được chọn trúng thầu”. Nhờ vào “hàng loạt sự ưu ái bất thường của Cty tư vấn VNCC và Ủy ban thể dục thể thao”.


Ở mặt xót xa của quyết-tâm-20, đã có bị cáo Lê Thị Thúy Loan uống thuốc trừ sâu tự tử giữa tòa án Ninh Thuận ngày 11.6 để phản đối sự bức hại có hệ thống. Lại có kỹ sư Hứa Thị Lan, khi giám sát công trình xây dựng chợ Đồng Xuân, đã bị chuyển sang quy chế thôi việc, do bởi không đồng ý cách quyết toán khống của lãnh đạo chênh lệnh gấp 4 lần so với thực tế. Bài báo này có tựa đề là “Chống tiêu cực, con đường ngắn nhất: Mất việc!”.


Ngược lại, ở mặt “thư dãn” của biện-pháp-10 và quyết-tâm-20 nói trên, tại tỉnh Phú Yên, “Bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình Nguyễn Thị Bích Thuỷ đã dùng nhiều chứng từ giả ‘rút ruột’ ngân sách hơn 45 triệu đồng. Tuy đã có quyết định yêu cầu hoàn trả số tiền trên, nhưng bà Thuỷ vẫn chưa trả, do còn ‘bận đi công tác’”.


Chưa hết, báo Thanh Niên ngày 27.6 còn đưa tin về phiên tòa ngày 26.6 tại Đà Nẵng nhằm “xét xử 3 tên Lê Đức Ba, Nguyễn Quốc Bảo, Ngô Tấn Đại vì tội cướp tài sản công dân. Khi tòa chất vấn về nguyên nhân dẫn đến hành vi cướp của, cả nhóm đồng loạt trình bày: ‘Cướp để… nộp phạt cho công an giao thông’”. Trước đó là 1 bản tin quyết-tâm-cao-độ tại huyện Đắc Min (Đắc Lắc): “Lâm tặc tước súng của kiểm lâm và bắt kiểm lâm chuộc 2 triệu đồng”.


Chuyện vui vẫn còn dài: “Khá nổi cộm ở cấp huyện là vụ Bí thư Huyện ủy Tam Nông Nguyễn Văn Nghinh lợi dụng chức quyền vay trong dân bạc tỉ đi buôn lậu… hàng kim khí điện máy, bị ngành chức năng tỉnh tịch thu hàng. Mất trắng hơn tỉ bạc, ông Nghinh bị bắt và vỡ nợ, lĩnh kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng”. Theo phóng viên Trọng Khiêm, đoạn kết nhân hậu của câu chuyện là… “Vì tình nghĩa, sau đó, Văn phòng Huyện ủy Tam Nông phải đứng ra trả nợ thay ông Nghinh”. Chẳng đáng gì, chỉ là chuyện thường ngày ở huyện. Vẫn quanh năm 365 Ngày Tiêu Cực.

Nguồn Sống Của Công An


Tháng 6 tất yếu là tháng bận rộn. Quyết định số 93-2001/QĐ-TTg vừa nêu đích danh tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy”. Trong đó, ngày 26.6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”. Nhân dịp này, Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cùng UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống ma túy và Ngày Toàn dân phòng chống ma túy tại Nhà thi đấu thể thao Hà Nội. Bộ trưởng Công an CSVN Lê Minh Hương cùng bộ trưởng Y tế CSVN Đỗ Nguyên Phương đã đến tham dự.


Trong cùng thời gian hai bộ trưởng nói trên đọc diễn văn hưởng ứng, công an Lai Châu đã phát hiện “2 vụ vận chuyển thuốc phiện trái phép trong 5 giờ”: Lúc 6h5’ ngày 26.6, tại km43 quốc lộ 12 (xã Mường Mươn, huyện Mường Lay), một tổ công tác đã phát hiện 7,7 kg thuốc phiện trên xe ôtô 27H-1142 của Công ty xe khách Lai Châu. Đến 11h3’ cùng ngày, cũng tổ công tác nói trên đã phát hiện thêm 6,50kg thuốc phiện dấu trên xe ôtô 27H-1162.


Được biết trên địa bàn thủ đô là nơi phát động lễ hưởng ứng, nội trong tháng 5 đã phát hiện 120 vụ án về ma túy, bắt giữ 180 đối tượng phạm tội về ma túy, khám phá 82 chuyên án, tăng 3 chuyên án so với cùng thời điểm tháng 4.


Sau đó, chỉ trong 18 ngày đầu tháng 6 tại Hà Nội, các lực lượng điềm chỉ đã khám phá 761 vụ, báo công an bắt giữ 1189 đối tượng buôn bán ma túy; thu 2,89kg heroin, 25kg thuốc phiện, 4211 liều gói, 1620 ống gây nghiện, 528 viên ma túy tổng hợp…


Thứ trưởng bộ Công an CSVN Lê Thế Tiệm cho biết: “Chưa bao giờ ma túy lại bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Lượng ma túy nhiều, thành phẩm được chế biến tinh vi, nhiều chủng loại và theo đó, con người bị kéo theo bởi tệ nạn này ngày càng đông”.


Chỉ riêng tối 18.6, nhân viên cửa khẩu Mộc Bài đã phát hiện 28.000 ống tân dược propan (chất ma túy dạng lỏng) được vận chuyển vào địa phận Tây Ninh. Trước đó 1 tuần, 24.000 ống tân dược propan khác và 12kg cần sa, 41 tép heroin đã được phát hiện tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Trên bảng thống kê, hiện toàn tỉnh Tây Ninh “có 720 đối tượng liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 287 đối tượng so với năm 2000”.


Tại TP.Hồ Chí Minh, riêng phường Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1, trong 6 ngày đầu tháng 6 “đã bắt thêm 419 đối tượng liên quan đến ma túy”, nâng tổng số lên 2571 đối tượng, “tịch thu 290 tép heroin và 17 viên tân dược có chất gây nghiện”.


Theo phóng viên Trần Phan thì chương trình 3-giảm tại TP.Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, khiến “hiệu quả vẫn còn hạn chế”. Lý do? Các tội phạm hình sự-ma túy-mãi dâm ở đây đã áp dụng chiến thuật đổi mới: “Động nơi này chạy nơi khác”. Bến Chương Dương, khoảng 11-12 giờ trưa, là nơi tụ tập “rất đông con nghiện hút chích tập thể công khai như chỗ không người”. Trước cổng công viên Lê Thị Riêng, “con nghiện vứt kim chích bừa bãi khiến cho người dân đến tập thể dục vào mỗi buổi sáng không khỏi rùng mình”. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần Bệnh viện Từ Dũ), khách chờ xe buýt phải nhường chỗ cho con nghiện có nơi ngồi tiêm chích.


Trên đường Lê Duẩn và Xô Viết Nghệ Tĩnh, “gái mãi dâm vẫn thường xuyên đứng ‘chốt’ mời vẫy gọi khách và được ngụy trang dưới nhiều hình thức, hoạt động thâu đêm suốt sáng… có hôm các cô gái đứng mời gọi khách chỉ cách xe jeep của công an phường khoảng 300-400m”. Có chủ quan lắm không khi “gốc cổ thụ bị đốn” Phạm Thế Duyệt lớn tiếng báo động tình hình dân xa rời đảng?


Tác giả bài báo kết luận sơ sài rằng tệ nạn hình sự-ma túy-mãi dâm ở thành phố mang tên “bác” xem ra không đơn giản. Tuy nhiên, nhìn chung, qua cuộc đổi đời khóa 9 vừa rồi, nhân sự bộ Công an CSVN được ghi nhận là vững như bàn thạch trong suốt đận đảo-chính-hòa-bình, từ chính trị bộ ra tới trung ương đảng, so với bên quốc phòng hay công nghiệp, thể thao… Còn ở mặt kinh phí, bộ Công an CSVN là nơi nhận liên tục các món viện trợ không hoàn lại nhằm “phòng chống ma túy, mại dâm, AIDS…”.


Ngày nào xã hội còn ma túy mại dâm là ngày đó công an còn nguyên vai trò chính trị lẫn địa bàn kinh tế. Theo nhận định của Lê Thế Tiệm là ma túy mãi dâm càng chống càng tăng, người ta không hẳn đã vô lý khi bảo là vì chủ trương chống-một-nuôi-mười. Thí dụ cụ thể “như băng Nguyễn Văn Tám ở Nam Định, buôn bán tới 264 kg hê-rô-in, tầm cỡ quốc tế”. Trên cơ sở đó, tháng 6, nếu có vinh danh là Tháng Công An, nghe vẫn hữu tình hữu lý như thường! Đừng ai nông cạn nghĩ rằng, Một Ngày Như Mọi Ngày, ma túy mãi dâm là lẽ sống của công an CSVN.

Nhiệm Vụ Của Chúng Em


Một bài báo dạng điện tử của nhóm VNExpress vừa loan báo về sự yếu kém của học sinh Mỹ: “Theo một cuộc điều tra được tổ chức gần đây, 80% không biết Ấn Độ là nước dân chủ lớn nhất thế giới. Họ cũng không biết Mao Trạch Đông là chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 2-3 cho rằng Việt Nam là một đảo quốc”. Khoan bàn về khả năng hiểu biết địa dư của học trò xứ Mỹ. Hãy để ý đến đoạn “Ấn Độ là nước dân chủ lớn nhất thế giới”, ngay kế trước đoạn nói về Trung Quốc của Mao. Nhận định về Ấn Độ như trên là một thực tế, một sự thật. Tuy nhiên, việc khẳng định và so sánh vượt mặt quan thầy ngay trên mặt báo như thế xưa nay hiếm trong vòng rào kẽm gai truyền thông của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN.


Nhất là trong khoảng thời gian kỷ niệm 20 tháng 6 đánh dấu “76 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”. Nhân dịp này, Nguyễn Khoa Điềm – cựu bộ trưởng Văn hóa Thông tin, tân Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư – “đã có cuộc gặp gỡ thân mật lãnh đạo các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương”. Trong phần ban huấn từ, Điềm đã nhấn mạnh: “Hành trang lớn nhất của báo chí cách mạng VN để tiếp tục đi tiếp chặng đường cách mạng mới trong thế kỷ 21 là truyền thống đấu tranh cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng – đó là nền móng tốt nhất bảo đảm sự vững vàng của báo chí VN trước mọi khó khăn”.


Chỉ tiếc rằng đó không là điều gì mới mẽ. Điềm đã phát biểu như thế hàng chục lần trong những năm qua, đại loại là chỉ có sự trung thành đó mới “tạo nên phẩm cách của nhà báo, của cơ quan báo chí”.


Một nhận định khác cũng được Điềm thoải mái lập lại nhiều lần là: “Vẫn còn hiện tượng thương mại hóa trong báo chí. Nhiều người lo lắng khi tiếp xúc với báo chí. Cần thấy rõ có người lo lắng vì sợ bị báo chí phanh phui những tiêu cực của họ, nhưng không ít người lo lắng vì một việc bình thường nào đó có thể báo chí làm cho phức tạp”.


Về vấn đề tiêu cực, ký giả Lý Sinh Sự đã ghi rõ đặc tính của loa-đài nhà nước như sau: “Cũng có đưa những trường hợp tự ý tiêu cực. Còn các trường hợp tiêu cực được bao che, được phạt cho tồn tại, muốn đưa phải có sự kiểm duyệt của lãnh đạo… Nhiệm vụ của chúng em là phục vụ chủ trương lãnh đạo, có vậy thôi”.


Theo Phạm Thế Duyệt, nhân danh Chủ tịch Đoàn Chủ tịch MTTQ, phát biểu tại tòa soạn báo Nhân Dân trong ngày kỷ niệm trọng đại này, thì nhiệm vụ đó “có vai trò là ngọn cờ chính trị tư tưởng trên mặt trận báo chí”. Vấn đề là việc thực thi ra sao?


Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp vừa trở thành một đề tài lớn cho cả nước trong thời gian qua. Giám đốc Mai Văn Huy đã bị dèm pha trên diện rộng về nhiều hành vi tham ô và những phi vụ tầm cao. Chính thức về mặt luật pháp, Huy bị thuộc hạ Bùi Thanh Sơn tố cáo từ vụ đào mương thau chua rửa mặn ở Củ Chi. Phản ứng tức thời của Huy là rửa tiếng bằng… báo chí.


Nhóm đầu tiên của chiến dịch “đánh bóng” gồm có phóng viên Lê Phương Dung, tạp chí Thương Mại (bộ Thương mại), cùng Nguyễn Quốc Toán (báo Thông Tin Tuyên Truyền), Đỗ Bình (báo Văn Hóa). Nhóm này được Huy trả công 26 triệu đồng cho bài phóng sự “Ai là kẻ chiếm đoạt trên 130 triệu đồng của Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp”.


Kế tiếp là nhóm phóng viên Nguyễn Minh Tiến cùng Nguyễn Quân Bảo (thuộc đài Truyền hình Việt Nam), được Huy trao cho 60 triệu đồng để làm phim quảng cáo cho Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp. Sau đó, hai phóng viên khác cũng của đài Truyền hình Việt Nam là Trần Hoan và Hà Toàn Thắng được cử đi làm một số bài điều tra theo thư bạn đọc. Cả hai tự ý đổi kế hoạch, làm thiên phóng sự “Sự thật nằm hầm chống tiêu cực ở Vĩnh Long”. Đoạn phim ca ngợi Công ty Thương mại Dầu khí được phát sóng ngay đêm Giám đốc Mai Văn Huy bị bắt, 9-8-2000.


Nhóm thứ ba trong chiến dịch đánh phấn cho Huy gồm có Khúc Nga, Tổng Biên tập Tuổi Trẻ Thủ Đô. Bà Khúc Nga nhận 4 triệu đồng từ Huy để viết về Bùi Thanh Sơn trong bài “Phiên tòa xét xử kẻ tham ô và vu khống ở Đồng Tháp”. Bà Nga còn tư vấn, khuyên Huy giải trình, đề nghị Tỉnh ủy, UBND Đồng Tháp làm công văn gửi các cơ quan báo chí…


Nhóm sau cùng, nhận 23 triệu đồng từ Huy, là Dương Thanh Long, nhân viên tạp chí Nghiên Cứu Châu Âu và là “trợ lý” báo chí của Huy….


Ở mặt ngược lại, tháng 5 là tháng bôi bẩn cha Lý, tháng 6 là tháng tô đen thầy Quảng Độ. Tất cả đều được trả tiền và được cung cấp dữ kiện giả thật từ bộ Công an.


Mới hay, ngọn-cờ-chính-trị-tư-tưởng đã được giương cao bằng những bàn tay đậm đà phẩm-cách-phục-vụ-lãnh-đạo như thế. Đọc ngược lời nhận định sát sườn của Lý Sinh Sự, người ta mới nhận diện ra được hàng loạt “chủ trương của lãnh đạo”. Mới thấy quý những bài viết hiếm hoi biết kiếm cớ trình bày một phần sự thật theo kiểu VNExpress nói trên. Và mới hiểu vì đâu rất nhiều bài viết chỉ có thể thể xuất hiện dưới dạng báo chui trong giai đoạn này.


Kết luận? Hãy cùng nhau hưởng ứng phong trào vận động cho một Ngày Tự Do Báo Chí VN.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

コメント


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page