top of page

2001.09 – Lúng Túng Đẻ Lung Tung

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 23 min read

Từ sau đại hội kỳ 9 của đảng CSVN, chính sách sôi nổi rầm rộ nhất và gây tác động mạnh nhất vào người dân Việt Nam chính là quyết định cho người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Phương án được nghiên cứu trình duyệt từng cấp lên tới cấp cao nhất đảng. Kế hoạch được Vụ Dư Luận thăm dò nhiều lần, từ nhiều phía, cả người đội nón, người bán nón và kẻ biên giấy phạt.


Cho dù nó chẳng ăn nhập gì tới Chiến Lược 10 năm của Hà Nội trong đại hội 9, mọi nghi thức rềnh rang trước lúc thực thi đều nhằm biểu lộ cái uy lực của nhà cầm quyền Hà Nội về cái quyền đang cầm trong tay đối với nhân dân Việt Nam. Tiếc thay, chỉ sau 2 tháng áp dụng, chính sách này đã đi vào… quá khứ. Theo chân mũ bảo hiểm còn khá nhiều lúng túng khác của dàn lãnh đạo Hà Nội, phản ảnh qua từng bản tin trong tháng….

Túi Bùn Đùn Túi Rác


Giữa tháng 7, từ ngày 11 đến ngày 14, dàn lãnh đạo Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gồm cả Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương và Nguyễn Văn An, đã luân phiên đình đám hậu đãi vợ chồng Kim Young Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trong dịp này, phái đoàn Bắc Hàn cũng nhận được sự ưu ái chừng mực của Hà Nội qua mấy ngàn tấn gạo cứu đói Bình Nhưỡng, dù không mấy hài lòng về số lượng biểu kiến này của “tình hữu nghị đời đời bền vững”. Đoạn cuối bản “Thông cáo chung Việt Nam – Triều Tiên” còn ghi rõ: “Chủ tịch Kim Yong Nam đã mời Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào thời gian thuận tiện. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời”.


Không ai rõ tiêu chuẩn “thuận tiện” đó được định nghĩa ra sao. Chỉ biết hơn tháng sau, vợ chồng Trần Đức Lương cùng một đoàn tùy tùng non trăm nhân khẩu đã cắp gói sang thăm… Cộng Hòa Hàn Quốc. Tại Hán Thành, Trần Đức Lương cố gắng nhấn mạnh về “kỳ tích sông Hàn” trong bài phát biểu: “Nhân dân Việt Nam biết rất rõ những thành tựu phát triển rực rỡ mà nhân dân Hàn Quốc đã giành được trong mấy chục năm qua”. Hãy thông cảm với tôn chỉ “cướp chính quyền” của cộng sản mà bỏ qua chữ “giành” không đúng chỗ ở đây. Đoạn kế tiếp, tự kiểm duyệt hay bị kiểm duyệt, ắt phải là “Trong khi đất nước chúng tôi, cũng trong mấy chục năm qua, đã hoàn tất kỳ tích sông Bến Hải, thống nhất trên cả nước mức đói nghèo lạc hậu nhất nhì thế giới, không kém gì nửa nước phía Bắc của quý Ngài…”.


Tổng thống Nam Hàn Kim Đại Trung, trong diễn văn đón tiếp, cũng tỏ ra cực kỳ lịch thiệp, ca tụng rằng: “Đất nước Việt Nam thật sự có tiềm năng với nguồn tài nguyên phong phú, lao động cần cù và khéo tay, người Việt Nam có tinh thần tự cường dân tộc cao và lòng hiếu học…”. Nghe qua cũng sướng. Ngẫm lại mới đau. Bởi, nào có khác gì nhau tiềm năng và nguồn tài nguyên giữa hai phần lãnh thổ Nam-Bắc Hàn? Cũng nào có khác gì nhau tính lao động cần cù, tinh thần tự cường dân tộc và lòng hiếu học giữa người dân hai miền Nam-Bắc Hàn? Nó chỉ khác nhau ở cái chế độ chính trị. Rồi, ráp vào lời ca tụng kỳ-tích-sông-Hàn của Trần Đức Lương và đoạn kiểm duyệt nói trên, người ta thấy ngay ra nguyên nhân vì đâu, cho cả Bắc Hàn lẫn Việt Nam.


Báo Lao Động đưa tin lạ là vào ngày 25.7, mố Nam cầu Trìa (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị nứt toác, “vết nứt sâu từ 5 đến 8 mét, rộng từ 60 – 70cm, mái taluy phía đông nam cầu Trìa sụt rời khỏi móng, đẩy phần đất chạy song song bên hành lang đường lên cao tới cả mét”. Truy tìm nguyên nhân, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc điều hành Cienco4 đang chỉ huy thi công đoạn đường này, cho biết rằng: “Do nền đường cũ được đắp cao, sức nặng của đất đá bồi thêm cộng với tải trọng xe đã làm vỡ các ‘túi bùn’ bên dưới gây ra tai họa kỳ lạ trên, đơn giản vậy thôi…”. Kết luận, theo ký giả Chu Thượng ghi ngay ở tựa đề bài viết, là “Chỉ tại cái túi bùn!”. Nhân rộng ra cả nước, Việt Nam thống nhất cả nước xuống mức độ đói nghèo lạc hậu hiện nay là chỉ tại cái túi bùn… Bắc Bộ Phủ.


Nói trắng ra là vì cái chủ nghĩa đốn mạt và một lũ cầm quyền hèn kém đã nhân danh các thứ không tưởng để triền miên vơ vét và làm khổ nhân dân. Ông Vũ Cao Quận ở Hải Phòng tóm gọn cái hạt nhân vĩ đại đó chỉ trong mấy câu:

Cứ bám quyền với mũ áo xênh xang

Cứ tự chia nhau nhà cửa khang trang …

Đảng cứ một bên, nhà nước một bên

Bí thư thành uỷ, Chủ tịch uỷ ban

Hai cỗ máy đè nặng dân khôn kể…

Cứ: sáng đúng chiều sai… mai lại đúng

Chống chân lý bằng lưõi lê và súng…


Tác giả Vũ Cao Quận đúc kết trong lời tựa tập thơ rằng “Cái giá phải trả cho sự ‘thí nghiệm’ một học thuyết trên cơ thể dân tộc Việt Nam đắt quá!”. Không chỉ đắt từ dạo “xẻ dọc Trường Sơn”. Mà đắt nhất là tình trạng “hoang tàn nhân cách” hiện nay. Đặc biệt là nhân cách của những tay trình diễn Quốc Thể bốn ngàn năm văn hiến với người nước ngoài. Từ “đại sứ mò sò” Lê Văn Bàng ở Mỹ tới “lãnh sự sờ mông” Nguyễn Tâm Chiến ở Hương Cảng…. Từ “thủ tướng ngã mũ” Phan Văn Khải tới “chủ tịch ngửa tay” Trần Đức Lương….


Kết quả bị gậy chuyến này? Hãy tạm gác cái thâm tâm coi Nam Hàn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, tức là một kẻ nằm trong phe bại trận. Theo báo Nhân Dân, ngay tại Hán Thành, “hai vị nguyên thủ đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về vay tín dụng ưu đãi cho dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng với số vốn tín dụng gần 20 triệu USD”! Được biết, kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện vào khoảng 2 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam hiện khoảng 3,2 tỷ USD, tức tương đương với lượng tiền kiều bào Việt Nam gửi giúp thân nhân trong nước hàng năm.


Vậy thì cái dự án xử lý rác gần 20 triệu USD này có đáng là bao để mấy trăm tờ báo trong nước phải cùng trịnh trọng rao truyền là “thành quả”? Hóa ra, so với lần Tổng thống Pháp Jaques Chirac ký “Hiệp ước con nuôi” với Lê Khả Phiêu mấy năm trước đây, thì lần này, Tổng thống Kim Đại Trung của Nam Hàn cũng… thâm không kém. Vừa khen người Việt Nam khéo tay, lại vừa giúp cho vay ít tiền… quét rác.


Thế mới hay, thời sự trong nước tháng qua có lỡ rình rang đề cập đến nạn khủng hoảng rác ở Nam Định, ở Bắc Sơn, hay Đông Thạnh, Gò Cát… thì cũng chỉ là …chuyện vặt, so với bãi chất thải Ba Đình. Cho dù UBND ở Sài Gòn đã thông qua 1 chương trình xử lý rác lên tới 3200 tỷ đồng, tức tương đương với tổng thiệt hại của nạn lụt toàn quốc năm 1999.

Nhà Lao Bao Nhà Thổ


Còn những hoang-tàn-nhân-cách trong nước ra sao? Hãy lấy một thí dụ điển hình về trường hợp Đào Duy Quát, con trai của gốc “đại thụ tư tưởng” Đào Duy Tùng. Trong bản Thất trảm sớ của Vũ Minh Ngọc trước đây và trong bài Chân tướng Đào Duy Quát gần đây, tác giả đã xác định có đủ bằng chứng về một con người Hám tiền, hám gái, và say mê đến điên cuồng về quyền lực từng giữ chức Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của đảng CSVN, hiện là chủ nhân ông 3 biệt thự ở đường Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, và đường Đội Cấn, Hà Nội.


Những dẫn chứng có nhiều, và do nhiều người chứng kiến, giữa Quát với các nữ tiếp viên khách sạn ở Hà Nội; với thư ký thư viện trong “chuyến đi nghỉ” ở Trà Cổ; với “bất kỳ chị em nào ở cơ quan”; với ca sĩ Lê Dung ở Liên Xô cũ; với sự cố sờ đùi cô gái da trắng ngồi cạnh trong chuyến đi Mỹ cùng Lê Mai; và với cái tát của một nữ phóng viên báo SGGP tưởng thưởng cho thói sàm sở của đương sự trong chuyến đi thăm Cuba. Không ai nhắc được đương sự một lời của Tào Mạt, qua vai hề Hoạn: “Đã làm quan thì chớ làm hề!”. Để đến nỗi có người than rằng: “Nếu cứ để Đào Duy Quát ở Ban Tư tưởng Văn hóa thì chả bao lâu cả nước này sẽ thành nhà thổ”.


Thực tế, quẻ đoán đó không có cơ sở vững chắc. Bởi dù cho có Quát ở đó hay không, đất nước cũng đang biến thành nhà thổ. Một bản tin ngày 9.8 của VNExpress đã loan báo kết quả sau 4 tháng thực hiện chương trình Ba Giảm (mãi dâm, ma túy, hình sự) của “thành phố mang tên bác” đã đạt kết quả ngược thành “Seven Up” (ba chìm bảy nổi). Bài báo có tựa đề là “Công viên: ‘nhà’ của gái mại dâm, côn đồ…”. Tác giả bài báo còn có đủ can đảm ghi lại cả lời rao giá nhân phẩm tương đương với 33 xu Mỹ: “Chỉ có 5.000 đồng thôi!”.


Không có Quát ở ban Tư tưởng Văn hóa, các nhà thổ Việt Nam hiện nay cũng đã được biến hóa dưới nhiều dạng sáng tạo phong phú. Một bài phóng sự khác trên báo Tuổi Trẻ ngày 26.7 viết về nạn mãi dâm dưới hình thức rửa xe: “Qua đèo Cả (giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), hành khách dễ dàng nhận thấy những điểm rửa xe nằm ngay cạnh một vài túp lều bạt. Bên trong, lúc nào cũng có vài ba cô gái ăn mặc khêu gợi…. Một tiếp viên tên Phương tiết lộ, những điểm rửa xe thật ra là quán mại dâm trá hình….Tại đèo Cả có 4-5 điểm rửa xe thường trực, lúc cao điểm có đến 14-15 điểm. 80% tú bà và các tiếp viên là từ nơi khác đến”.


Báo Tuổi Trẻ ngày 20.7 chi tiết hóa một phóng sự rợn người về hình thái “tắm ôm” ở các bãi biển Vũng Tàu, đặc biệt là bãi Thùy Vân: “Theo các tài xế xe ôm kiêm môi giới các em, suốt đoạn đường gần 1 km nơi đây, như một khu chợ chuyên cung cấp gái mại dâm”. Bài báo mô tả là có quán túc trực những “49 em đang chờ sẵn, cỡ nào cũng có”. Còn trên một bài báo khác của Tuổi Trẻ Chủ Nhật, thì ở bãi biển Nha Trang,” gái mại dâm phấn son loè loẹt ngày càng đông thản nhiên đứng bên vệ đường đón khách…”. Tình hình chiến sự là “ngày càng đông”. Từ ngữ mới rất đủ nghĩa ở đây là “chợ”. Nhiều bài khác viết rõ là “chợ tình”.


Bài báo của 2 ký giả Vi Hùng & Minh Phong trên Lao Động số 154 xác quyết rằng tại “thủ đô ngàn năn văn vật” Hà Nội, “Địa bàn công cộng của thành phố thường xuyên có khoảng 2000 gái mại dâm hoạt động, thậm chí đã xuất hiện các ‘chợ tình’ (Thanh Xuân), các ‘tam giác quỷ’ (Trần Khát Chân-Lò Đúc-Kim Ngưu)”… Bài báo nhấn mạnh 2 điểm:

  • Một là có sự “gia tăng đột biến gần như theo cấp số nhân… (thậm chí có cả gái mại dâm mới 15 tuổi)”.

  • Hai là mức độ đa dạng hóa và tinh vi “Từ đơn lẻ, tự phát đến tập thể, đường dây có tổ chức chặt chẽ, tinh vi và độ chuyên nghiệp cao; Từ trên địa bàn phố phường ‘độc quản’ đến mạng lưới ‘phủ sóng’ toàn thành phố, xuyên tỉnh, xuyên biên giới”.

Đến tận cùng đất nước, cửa sông Ông Đốc thuộc tỉnh Cà Mau cũng nhóm “chợ tình”. Chợ kéo dài từ kinh Thầy Tự qua xóm Cây Mắm. Đại úy Đào Minh Đường, Phó công an thị trấn Sông Đốc cho biết: “Gần đây, nhà trọ phát triển nhiếu, hình thành những ổ chứa có bảo kê, băng nhóm dắt gái và đòi nợ…”. Đố ai biết họ bảo kê cách nào! Điểm đáng nói là qua thống kê của Hà Nội, chỉ có 4,6% hoạt động mại dâm do bị dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc. Còn tuyệt đại “coi mại dâm là một sinh kế để kiếm tiền bình thường”.


Unicef đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội tổ chức một hội thảo về căn bệnh thế kỷ Sida. Hội thảo này công bố con số kiểm được là có đến hơn 2500 trẻ em VN bị nhiễm Hiv/Aids, một số lớn bị nhiễm từ người mẹ. Một hệ quả khác của la liệt “chợ tình” là các “chợ bán con”. Tiêu biểu là khu công trường Quách Thị Trang và công viên Lê Văn Tám, Sài Gòn. Sản phẩm là những đứa bé sắp sinh hay sơ sinh. Báo Sự Kiện&Đời Sống còn ghi cả một bảng giá chi tiết các loại trẻ mới chào đời.


Một dạng thi đua khác là phong trào chiếu phim “tươi mát” suốt đêm trên các chuyến xe đò xuyên Việt, xuất phát từ bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Báo Tiền Phong ngày 28.7 còn cho biết là những phòng văn hóa lưu động đậm đà bản sắc “XXX” này có đủ các hạng mục kim-cổ, Tây-Tàu, Á-Phi-La…. Cũng trong chiều hướng phơi trần những tinh vi mới, báo Thanh Niên ngày 21.7 viết về thể loại “cà phê… bóp”, với sự chủ động ra tay trước của các nữ tiếp viên. Tức là chữ “ôm” đã lùi vào các chủ đề nghiên cứu của Ban Lịch Sử đảng CSVN, nhường chỗ cho các chữ tượng hình và tượng thanh cực kỳ thực tiễn nói trên. Tổng luận trong bài viết “Một Chuyện Bí Mật” trên báo Lao Động ngày 23.8, tác giả Lý Sinh Sự phán rằng: “Mà thôi, nói làm gì, mại dâm, ma túy tội tày đình mà vẫn có bảo kê nữa là ba cái băng đĩa”. Đấy, Bảo Kê mới chính thực là toàn cảnh sinh hoạt đảng ở mọi cấp, trong hiện tại, trên cả nước.


Đó là nói về diện nhà thổ. Còn, trên thực tế, có Quát hay không có Quát ở Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương thì cả nước đã là nhà lao. Nhân Văn-Giai Phẩm đang lùi dần vào cổ tích, so với cách bắt bớ ngày nay. Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên hay Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện mới là những lời chứng mới. Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn có thể được kể bất kỳ giờ phút nào. Ông Vũ Cao Quận bị chận xe và bị bắt giữ trên đường từ Hà Nội về Hải Phòng mà không biết vì đã vi phạm điều luật gì. Ngẫm cho cùng, ông viết:

Ghế “Đảng trị” giữ cho bền, cho vững

Đảng cho xiềng luôn hai chữ “Tự do” …

Ai lớn gan đòi hỏi lẽ công bằng

Đối phó lại, Đảng trị bằng nhiều cách…

Để bắt giam Linh mục Nguyễn Văn Lý, CSVN đã huy động 600 công an. Để ngăn chận Hòa thượng Quảng Độ ra Quảng Ngãi đón Hòa thượng Huyền Quang về Sài Gòn trị bệnh, Hà Nội đã bố trí gần 2 sư đoàn đóng dọc quốc lộ 1. Gần đây nhất, để tịch thu bản hồi ký của cựu tướng Trần Độ, lãnh đạo đảng đã phô diễn mức độ công phu: “Trên đường trở về ngày 12-6-01, tôi bị xe công an bám theo, ép xe tôi vào lề đường, hai người lạ mặt từ hai phía mở cửa bước lên, ép tôi vào giữa, tự xưng là nhân viên an ninh, rồi giống như một vụ bắt cóc, buộc lái xe đưa tôi về trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình”. Đâu khác gì cảnh ép xuồng ông Nguyễn Hộ mấy năm trước trên vùng đất Củ Chi vào thời Nguyễn Văn Linh rục rịch bắt đầu sự nghiệp “đổi mới” cho toàn đảng?


Ông Hoàng Minh Chính định mời cơm nhà thơ Nguyễn Hữu Đang, bị công an nghe trộm điện thoại biết được, tung quân tới chận người lo việc đón khách và phá bữa cơm. Ông Trần Đại Sơn, 54 tuổi đảng, thuộc chi bộ 8, đảng bộ phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã viết thư ngỏ hỏi thẳng Nông Đức Mạnh và dàn Ủy viên Chính trị bộ: “Ai cho phép CA động một tý là triệu tập, hù dọa, hạch sách ?”. Ngay cả những người biết luật cũng không thoát khỏi bàn tay công an. Cử nhân Luật Lê Chí Quang viết bài phân tích về “Hiệp định Thương mại và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”, lập tức bị A25 gọi lên để bắt bẻ, hù dọa không cho đi Trung Quốc chữa bệnh. Không khác gì trường hợp công an nghĩ là có thể khống chế được bà Dương Thu Hương trước đây bằng những đoạn phim quay lén cảnh làm tình. Ông Lê Hồng Hà, nguyên là cán bộ kỳ cựu trong ngành công an, và là bậc thầy của giới công an đương chức, vì thấy việc trái tai gai mắt mà viết thư chất vấn bộ trưởng công an Lê Minh Hương, thì lập tức bị công an xông vào nhà khám xét suốt từ chập tối đến nửa đêm.


Trước khi ông Trần Độ vào thăm con trai ở Sài Gòn thì xế nhà người con bỗng xuất hiện một hiệu cắt tóc mới toanh. Tương tự như chiếc xe nước mía xuất hiện trước nhà ông Nguyễn Hộ trên đường Trần Quốc Thảo hồi giữa thập niên 90. Cả hai ông đều đã quá tuổi 80, thế mà theo ông Độ nhận xét: “cả bộ máy an ninh từ Bắc đến Nam theo dõi tôi chặt chẽ như theo dõi một tên tội phạm nguy hiểm”. Các ông Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… đều có công an riêng canh cửa. Ráp vào cảnh tượng 600 công an bao vây nhà thờ An Truyền, hay 2 sư đoàn đóng dọc quốc lộ 1, không một ai có thể quy trách là do có hay không có Đào Duy Quát ở Ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương.


Ngày nào còn đảng CSVN chễm chệ trên điều 4 hiến pháp thì cho dẫu Nguyễn Khoa Điềm hay bất kỳ tay nào khác về giữ ghế đó, VN cũng sẽ không khác, cũng vẫn nguyên xi một nhà lao bao nhà thổ.


Báo Thanh Niên ngày 1.8 đưa tin: “Mới đây, mưa to kèm dông sét đã làm ngưng trệ hệ thống cân xe tự động trạm Dầu Giây (huyện Thống Nhất Tỉnh Đồng Nai)”. Sau sự cố, giới bình luận hữu quan đã có chung một ước ao: Giá mà “nó” đánh đúng vào hội trường Ba Đình lúc đang họp thì đỡ khổ dân biết mấy!

Nhất Trí Thiếu Thống Nhất


Thống kê của Hà Nội trình cho Liên Hiệp Quốc là tỷ lệ mù chữ của người Việt Nam khá thấp. Tức là hầu hết đều biết đọc biết viết. Họ đã đọc được gì, nói được gì và viết được gì? Họ được đọc gần 500 tờ báo đảng trình bày rặt một loại ngôn ngữ, một thứ lập luận. Ngược lại, cứ hễ trả lời phỏng vấn là bị cắt điện thoại và bị răn đe, hù dọa. Còn, viết được đôi ba bài báo khách quan thì bị trù dập suốt đời và tới cả đời con (Nhân Văn-Giai Phẩm). Viết được vài chục trang nhật ký thì đã bị bắt cóc và tịch thu (Trần Độ). Viết được vài chục trang quan điểm thì bị nhốt kín bưng trên gác ngay trong nhà mình (Nguyễn Hộ). Viết được một bài về tình hình giáo hội thì bị cấm bước chân ra khỏi thiền viện (HT Quảng Độ). Viết được một thư chất vấn thì bị bao vây khám nhà (Lê Hồng Hà). Viết được đôi bài phân tích thì bị giam giữ không bản án (Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang). Viết được dăm bài thơ thì bị quản thúc và hạ nhục (Bùi Minh Quốc). Viết được một quyển sách thì bị công an giả trộm viếng nhà (Nguyễn Văn Trấn). Viết được đôi lời của lương tri thì bị còng tay đưa vào Lao Thừa Phủ (LM Nguyễn Văn Lý). Thậm chí, đi thăm người viết cũng bị công an cật vấn, hay bị chèn xe té ngã giữa đường (LM Chân Tín)….


Tạ Thiên Huân trước đây nổi tiếng với 12 bài tứ tuyệt vịnh hoa Lan. Trong bài thứ ba, câu thơ thứ ba rất đáng để cả bộ công an VN suy ngẫm và áp dụng vào việc bắt bớ những đại diện của lương tri cả nước: “Sừ căm vãng vãng bất sừ hương”. Nghĩa là “chỉ có thể cuốc đứt được rễ, chứ làm sao cuốc bỏ được hương thơm”. Việt Nam hiện nay cũng có khá nhiều từ điển. Có cả “Từ điển về từ điển. Trong đó tác giả đã bỏ công liệt kê được… 680 cuốn từ điển đã xuất bản”. Nói chung là lãnh vực nào cũng có từ điển. Cho xứng với tỷ lệ mù chữ rất thấp trên cả nước. Chỉ phiền ở phần nội dung. Ví dụ như “Hội Đạp Thanh” được diễn giải là “Lễ hội giẫm lên cỏ xanh”! Phiền nhất là từ điển của đảng: Người tâm huyết viết lời lương tri thì được định nghĩa là phản động. Còn lũ dìm đất nước xuống vực sâu nghèo đói thì được phong là yêu nước, độc nhất. Có khi cả nước phải cùng cật lực phản động thì VN mới khá lên được chăng?!

Vậy thì, trở lại với tỷ lệ mù chữ rất thấp đó, những ai được viết? Hiến pháp không ghi rõ, nhưng lưỡi lê và nòng súng bảo rằng đó là đặc quyền của đảng, ưu tiên cho bộ phận Tư tưởng-Văn hóa (từng được những tay trùm “hám tiền, hám gái và mê say quyền lực đến điên cuồng” như Đào Duy Quát lãnh đạo). Công việc chính của nó là gì? Đó là bàn cãi về công việc của chính nó!


Báo Nhân Dân đưa tin: “Ngày 17.7, tại Hà Nội, khai mạc hội nghị tập huấn công tác tư tưởng – văn hóa cho các trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc T.Ư do Ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư phối hợp Ban Khoa giáo T.Ư, Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức”. Đừng để ý tới mặt văn phạm của bản tin, hãy chú tâm vào nội dung của nó: Tại hội nghị kéo dài 5 ngày này, ủy viên chính trị bộ Nguyễn Khoa Điềm đã “nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng – văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trước hết phải góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động”. Nói rõ hơn, trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa đã mạnh dạn kiểm điểm các ủy viên tiền nhiệm rằng: “Công tác tư tưởng, công tác lý luận, công tác tổ chức cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhận thức về đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng chưa thống nhất, chưa thông suốt ở các cấp, các ngành”. Không một ai đoan chắc được Nguyễn Đức Bình và Đào Duy Tùng có nghe rõ chăng.


Chỉ biết, vào ngày 24.7, tại “Lớp Nghiên Cứu Đường Lối” được Ban Bí Thư Trung Ương tổ chức ở Hà Nội cho cán bộ chủ chốt các tỉnh thành và các cơ quan trung ương, với sự hiện diện của bốn ủy viên chính trị bộ, Nông Đức Mạnh cũng dõng dạc “phát biểu ý kiến chỉ đạo” rằng: “Thống nhất nhận thức là vấn đề quan trọng hàng đầu để dẫn tới thống nhất hành động”. Cũng trong dịp này, chính tân tổng bí họ Nông lên lớp toàn thể ủy viên trung ương là phải “lựa chọn đúng những việc cần làm ngay”. Là sao? Là vừa phải “đại đoàn kết toàn dân” lại vừa phải quyết liệt “đấu tranh giai cấp”, trong lúc cơ cấu giai cấp, nội dung, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội đã thay đổi, các mối quan hệ giữa các giai cấp (theo lý thuyết cộng sản) hiện nay cũng đều hoàn toàn biến dạng, có khi mất dạng!


Tức là, cả Mạnh (đứng đầu chính trị bộ) lẫn Điềm (đứng cuối chính trị bộ) đã cùng thống nhất với nhau một điểm cơ bản là nguyên dàn lãnh đạo Ba Đình chưa hề thống nhất với nhau điều gì về cả hai mặt nhận thức và hành động. Nói cách khác, ngoại trừ một Đào Duy Quát hám gái và ham sờ mó dám nhận xét rằng chủ nghĩa xã hội ở VN đã “có da có thịt”, không một ai trả lời được cái đường lối đó là gì, thì lấy gì để làm ngay mà đòi làm đúng? Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, thường nhắc một câu để đời: “Cái ác lấy sự sắp đặt lý trí làm trọng, còn cái thiện lấy sự uẩn súc của tình đời làm trọng”. Đã không biết đường lối đó là gì, lại cứ theo căn bản sắp đặt lý trí làm trọng, gạt bỏ đi cái uẩn súc tình đời thì …không mò sao được!


Tất cả mọi lúng túng đẻ lung tung, từ ấy.

Công Đường Đổi Ghế


Còn nhớ, trong “Hội nghị Tổng kết Công tác Tư tưởng-Văn hóa năm 2000 và bàn Phương hướng Nhiệm vụ Công tác TT-VH năm 2001” tại Hà Nội vào 3 ngày 15-17.5.2001, nhằm chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban TTVH T.Ư Đào Duy Quát đã hồ hởi tuyên bố rằng: “Thời gian tới, lần đầu tiên, VN sẽ đào tạo cử nhân chuyên ngành TTVH; cuối 2001 sẽ chiêu sinh khóa 1; đề án quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ TTVH đã được Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII thông qua”.


Không ai rõ khi nào thì đội ngũ cử nhân TT-VH đó thành hình để giải quyết “6 định hướng chung và 14 nhiệm vụ, hoạt động TT-VH” như hội nghị tổng kết nói trên đã đề ra. Trong khi chờ đợi, cử nhân Luật Lê Chí Quang đã nêu bật một nhận xét về đảng và con đường đảng chọn: “Tất cả chỉ là một mớ hổ lốn chắp vá, khiên cưỡng, ngụy biện và với chỉ một mục đích duy nhất mị Dân, lừa bịp Dân, nhốt Dân vào cái chuồng ý thức hệ để họ tiện bề sai bảo, vắt kiệt mồ hôi sức sống, xương máu của Dân, để duy trì quyền lực, để dùng quyền lực đó vơ vét cho đầy túi tham, ngoài ra không còn mục đích nào hết”. Hãy thử duyệt lại một số ít tin tức thời sự tiêu biểu trong tháng qua, để cùng thấy mức độ trung thực đến tuyệt đối của nhận xét vừa dẫn.


Theo báo Thanh Niên ra ngày 4 tháng 8, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm, cơ quan kiểm sát đã phát hiện tới 1699 văn bản ban hành sai luật, trong đó 561 văn bản bị huỷ bỏ, bao gồm 5 văn bản cấp bộ, 34 văn bản cấp tỉnh. Trong đó có cả Quyết định 3189-2000/QĐ-ĐBVN ngày 28.12.2000 của Cục Đường Bộ về việc đội mũ bảo hiểm mà lẽ ra quyền ban hành thuộc về chính phủ. Điều đáng quan tâm, nguyên nhân của sự kiên trì sai phạm này do bởi “Lộng quyền và trình độ kém, cả làm càn lẫn không hiểu”. Ở cả cấp Bộ.


Theo báo Gia Đình & Xã Hội, trong chương trình “xóa cầu khỉ toàn quốc”, nhiều cầu mới xây xong sắp đưa vào sử dụng đã tự ngã sập. Tiêu biểu là cầu Bùi Văn Giáo ở Mỏ Cày, Bến Tre và cầu Chín Đẩu ở ấp An Hòa, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh An Giang. Về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án xóa cầu khỉ của tỉnh, nói: “Đoàn viên thanh niên có lòng nhiệt tình cao nhưng thi công cầu đường quả là một công việc mới, kinh nghiệm chưa nhiều, còn chưa được tập huấn về kỹ năng, kỹ thuật làm cầu”. Nhân cao lên tới cấp chính trị bộ thì cũng không mấy khác, và vẫn cứ khư khư giữ nguyên truyền thống sai sót.


AIU là tên một đại học “ma” ở Đài Loan, được Bộ Giáo Dục-Đào Tạo VN ưu tiên cấp phép thành lập và hoạt động trên địa bàn Thủ đô từ tháng 6.1995. Đến sáu năm sau cả nước mới khám phá ra đó là “một cú lừa ngoạn mục” của tay thương gia kiêm hiệu trưởng An Young Wang mà báo chí trong nước phiên âm là An Dương Vương.


Lê Tân Cương, Giám đốc Cty Vạn Thiện, ông chủ của dự án có quy mô lớn nhất nước là Thủy cung Thăng Long, vừa cho xuất bản những câu “Thơ Viết Trong Tù” rất đáng ngẫm như sau: “Còn việc chi phí phải nghiêm/Cho các lãnh đạo khi cần có ngay/Mỗi lần nâng bút trên tay/Phê vào văn bản, sếp cần gì đây…”. Ra tòa, Cương khai đã lo lót cho hơn 40 cán bộ cao cấp. Phiên tòa được kết thúc ngay chỗ đó. Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc vẫn tiếp tục giữ ghế trong nội các chính phủ CSVN.


Viết về nữ hoàng buôn lậu “Phượng lai”, báo Lao Động cho biết: Để sinh tồn trong cuộc chiến “đẫm máu” giữa các phe trùm buôn lậu từng chia nhau thị trường, “Các bên không từ thủ đoạn nào và đều phải dựa vào đàn anh trong lực lượng chống buôn lậu. Mỹ Phượng cũng vậy và tiếp tay cho thị là vòng tay âu yếm của Cục trưởng Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, Nguyễn Hữu Bát, hiện vẫn ngoài vòng pháp luật”. Nhân dịp Hà Nội lấy ý kiến tu chính hiến pháp, có nên đề nghị chính thức đổi tên các cơ quan đó thành những Cục Bảo Kê cho đúng chức năng của nó?


Chương trình ca nhạc “Tôi Yêu Việt Nam” bị hủy bỏ vào giờ chót. Bà Lê Minh Tâm, giám đốc công ty TNHH Sinh Nam thuộc ban tổ chức than rằng: “Chúng tôi là nạn nhân của một cơ chế tròng chéo không có cơ quan thẩm quyền thật sự”. Thiếu bảo kê hay chỉ vì lót tay các cấp không đều? Điều chắc chắn là bà Tâm chưa có dịp đọc “Ngục Trung Thư” của Lê Tân Cương.

Trong vụ án ma túy Thanh Hóa gây chấn động cả nước, nhiều bị cáo khai rằng đã “chạy” công an hàng trăm triệu đồng để thoát tội, căn cứ vào bản tin ngày 8.8. Trong đó, bị can chính là Nguyễn Văn Tám (không họ hàng gì với Nguyễn Văn Mười Hai), thì nhất mực trước tòa rằng: “Tôi nhận tội nhưng không ai cho tôi nhận tội. Các cơ quan chức năng cứ cho rằng tôi ngoan cố, không thành khẩn”. Thế có nghĩa là Tám đã bị cơ quan chức năng đầu tiên ghép tội sơ cấp là không muốn “chạy”.


Theo báo Pháp Luật ngày 6.8: Ông Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND thành phố, cho biết riêng Sài Gòn còn tồn đọng một số vụ oan sai mà sắp tới phải chuẩn bị ít nhất 100 triệu đồng để bồi thường. “Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng dẫn tới oan sai này, ngoài những người trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử thì tất cả thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra hay viện trưởng, phó viện trưởng, chánh án, phó chánh án đều ít nhiều chỉ đạo giải quyết án, do đó tất cả đều “dính”. Vậy chia trách nhiệm ra sao giữa người này với người kia? Lấy tiền ở đâu đề bồi hoàn?”. Tăng thuế nhân dân được chăng?


Chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn Văn Kết đã dùng bản sao bằng đại học giả của đại học Kinh Tế-Kế Hoạch để được miễn thi đầu vào khóa học tại chức đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn.


Bản tin ngày 7.8.2001 báo động tình trạng Khủng bố qua nhắn tin trên điện thoại di động:”Đêm nay, ông sẽ phải trả giá cho việc dám tố cáo tiêu cực ở công ty…!”. Bản tin cho biết thêm: “Hành vi này bị coi là một loại tội phạm mới và đang xuất hiện ngày một nhiều”. Bản tin chỉ không ghi ai làm và ở cấp nào.


Trực tiếp hơn, người tố cáo vụ tiêu cực ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã bị chính thức thanh toán. Không một báo nào dám đề cập sâu vào các chi tiết thuộc “tầng trên”.


Theo báo Pháp Luật ngày 6.8, chị Mai Ngân Yến đã bị cán bộ tên Tèo, công an phường 1, quận 6, Sài Gòn, bẻ quặt tay, tống lên xe Jeep chở đi. Vì lý do công an Tèo đã hẹn miệng với con gái chị Yến là phải bảo mẹ lên đồn trình diện, nhưng chị Yến bận việc, quá giờ hẹn mà chưa kịp lên đồn. Rất hiếm khi đảng viên muốn giữ hẹn, và đó chỉ là giá phải trả.


Trưởng công an xã Đức Tân (Tân Trụ, Long An) tên là Nguyễn Văn Phận, “uống rượu, mặc quần đùi trong khi làm nhiệm vụ, lại còn bắt giữ, đánh người”. Nạn nhân quay mắt sang cầu cứu hàng xóm thì Trưởng công an Phận hét to: “Mày muốn tìm nhân chứng để thưa tao hả, tao đánh cho mày hết thưa”. Giấy xuất viện của nạn nhân ghi: “Bệnh nhân bị đa chấn thương”.


Theo báo Lao Động, Tại Bệnh viện Gia Định (TP HCM), một nhóm nhân viên bệnh viện, người trông coi nhà xác và công an quận có cách làm tiền rất sáng tạo là “ép các thân nhân phải trả 300.000 đồng cho việc ‘báo tử’, hoặc phải ký ngay hợp đồng mai táng 16 triệu đồng, nếu không, tử thi sẽ bị… mổ banh”. Ai bảo chết là yên… với đảng?


Theo báo Người Lao Động ngày 31.7, việc kiểm tra đường Liên Cảng số 5 đã đạt tới kết luận: “Việc bớt xén vật tư là phổ biến: Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy ở đoạn cống nào cũng có sự gian dối trong thi công”. Được biết, đường lên Xã Hội Chủ Nghĩa còn dài gấp triệu lần đường Liên Cảng số 5! Muốn tha hồ bớt xén thì phải canh giữ cho đúng định hướng, từ bây giờ!


Cục Thuế tỉnh Cần Thơ bị quan tòa Trương Ngọc Lê của TAND tỉnh xử thua trong vụ Cty Á Châu khiếu kiện xử phạt hành chính. Sau đó, Cục Thuế này đã gửi hồ sơ kháng cáo lên TAND Tối Cao, tố cáo ông Lê nợ tiền thuế xây dựng, gần 7,7 triệu đồng. Mới rõ mọi phe đều nhẵn mặt nhau trong đảng.


Sau cùng, gây chấn động cả nước là bản tin bà nông dân Phùng Thị Tùng, 50 tuổi, ở thôn Linh Tổ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, đã thảo một lá đơn ghi ngày 1 tháng 8, gửi đến Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, yêu cầu cho bà mượn tạm ghế chủ tịch UBND huyện trong vòng 2 tháng để giải quyết núi đơn khiếu kiện của dân. Bài phỏng vấn của báo Nông Nghiệp đã đưa bà Tùng lên vị trí anh thư của cả nước: “Khi người ta chẳng ‘vướng bận’ gì, lại có dân ủng hộ, thì sẽ làm được tất!”


Chỉ một câu ngắn gọn, bà Tùng đã tát nảy lửa cả đảng, từ Nông Đức Mạnh xuống tới cán bộ xã. Vần điệu hơn một tí, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang đã viết:

Muốn về đọc lại Bình Ngô sách

Sách ở lòng dân vạn đại thôi.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page