2001.10 – Kíp Lo Hậu Sự
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 20 min read

Thời sự sôi động nhất trên mặt báo chí Việt Nam trong tháng qua, trớ trêu thay, lại bắt nguồn từ một chuyện xảy ra ở bên …Mỹ. Đạo Luật về Nhân Quyền ở VN, do Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua với tỷ số 410-1 vào ngày 6.9.2001, quả có rất nhiều “vướng mắc đan chéo” tới việc Hà Nội tiếp nhận nguồn tin phê chuẩn Hiệp Ước Thương Mại Mỹ-Việt, cũng được Hạ Viện Mỹ thông qua sau đó trong cùng ngày. Bên dưới những phản ứng “sôi động cần thiết” ấy, dường như mọi việc khác đều mang tầm vóc thấp bé hơn nhiều trên các trang báo trong nước, ngoại trừ Nghị định ngày 12.9.2001 của Phan Văn Khải….
Nhất Tự Thiên Kim
Hà Nội đã có một số dịp tiếp đón “quốc khách” trong tháng qua. Được thưởng thức món trà Bắc Thái sái nhì là bà Megawati, tân Tổng thống Nam Dương, quốc gia thành viên đông dân nhất ASEAN. Do bởi quá nhiều lý do “tế nhị” từ tình hình xáo trộn chính trị-xã hội trong thời gian qua trên quần đảo Indonesia, không một ai ở Ba Đình muốn thảo luận hay trao đổi với nhau về quyền lực của người dân ở nước đó hoặc của Phi Luật Tân trong cùng khu vực. Kế đến là những quốc khách thuộc diện bộ trưởng Thương mại Á-Âu, tương đối được hưởng quy chế bia bọt chả nem nồng hậu hơn. Cao nhất, và được mô tả như “trọng thị, nồng nhiệt và thân tình” nhất, phải được kể là cuộc tiếp đón vợ chồng Lý Bằng, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng CS Trung Quốc kiêm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Xếp hàng một hay hàng ba để đón tiếp Lý Bằng đã có Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Phan Diễn, Nguyễn Văn An, cộng thêm 2 cựu tổng bí của CSVN là Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu. Hãy tạm gác sự xuất hiện cực kỳ hiếm quý của Phiêu, quang cảnh nồng nhiệt tự nó đã thể hiện khi một ủy viên bộ chính trị TQ được non nửa bộ chính trị VN hầu tiếp, trong đó đã có 3 tổng bí thư của 3 triều đại CSVN liên tiếp, chưa kể một dàn ủy viên trung ương như Vũ Khoan, Vũ Mão, Hồ Tiến Nghị, Mai Thúc Lân v.v….
Tất nhiên, trong toàn cảnh “trọng thị” đó, không thể thiếu phân cảnh lặp lại “phương châm đối ngoại” túm gọn trong 16 chữ vàng của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đã ban cho Phiêu mấy năm trước: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Đó là một điểm son rất khéo trong cách bày tỏ tinh thần nô bộc phục tùng của Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận nhất là, theo báo Nhân Dân ở Hà Nội,
Chủ tịch QH Trung Quốc Lý Bằng hài lòng… “nhận thấy hai nước Trung-Việt có nhiều điểm giống nhau về chính sách phát triển”. Nói cách khác, rất đáng được tuyên dương là sự rập khuôn về lề lối cai trị đang có nhiều chỉ dấu âm thầm chuyển đổi, hai tiến một lùi, cải tạo chậm chắc, từ độc tài đỏ sang …độc tài hường.
Trong phần đáp từ, tổng bí họ Nông cũng đã long trọng và tha thiết nhấn mạnh rằng: “trước sau như một, coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc và sẽ làm hết sức mình để không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó”. Tức là không thể không “ngoan”, mà cũng không thể nào “ngoan” hơn được nữa.
Quảng diễn điều này cho rõ, mục xã luận của báo Nhân Dân Hà Nội ngày 7.9.2001 đã “triển khai” rộng ra là: “Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông… Chúng ta một lần nữa chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Trung Quốc về sự ủng hộ và giúp đỡ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam”. Điểm tài tình là không hề có một chữ hay số nào nhắc tới sự kiện 1979. Ngay cả Trần Đức Lương cũng nghiêm chỉnh “nhận định thuận lợi” rằng “Quan hệ hai nước ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”. Nói cho cùng, ít ai rõ được chiều sâu. Riêng về chiều rộng thì Hiệp Ước Biên Giới Trên Bộ còn chưa kịp ráo mực đó thôi. Chỉ tiếc là nó đã khiến cho Lê Khả Phiêu bị trù dập về thiện chí nhường đất cho kẻ cựu thù bá quyền phương Bắc, đưa tới cái sự cố phải về phục viên khi chưa phục vụ đủ một nhiệm kỳ 5 năm.
Được biết, sau lễ tiễn với đầy đủ nghi thức xúc động ở Hà Nội, cặp uyên ương Lý Bằng-Chu Lâm được đưa đi nghỉ mát và tham quan một “thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam và là di sản văn hóa thế giới”. Nói rõ ra, chương trình hậu đãi được trang trọng kéo dài từ Thăng Long đến Hạ Long. Tại đó, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND Quảng Ninh là Hà Văn Hiền, cùng với Nguyễn Văn Quynh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã nồng nhiệt chiêu đãi cặp quốc khách có 16 chữ vàng leng keng trong túi.
Kết quả cụ thể có ngay 2 ngày sau đó: Phát ngôn viên Chu Bang Tạo của bộ Ngoai giao TQ đã lên tiếng trong một cuộc họp báo rằng “Trung Quốc hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ thông qua hiệp định thương mại (Mỹ-Việt) này. Đồng thời, Trung Quốc cũng tán thành bình luận của phía Việt Nam về việc Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là ‘Đạo luật nhân quyền Việt Nam’. Trung Quốc phản đối việc can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam qua vấn đề nhân quyền”. Đố ai biết được Hà Nội đã chi trả cho câu nói sau cùng đó bằng bao nhiêu “kinh phí chiêu đãi” trích từ ngân sách quốc gia? Nhất tự thiên kim là vậy. May mà “đồng chí Tàu kính yêu” không có thói quen nói dai, nói dại, nói dài như “đồng chí Cuba kính mến”. Ai dám bảo lời nói không mất tiền mua?
Gia Phả Trộn Cám
Chu Bang Tạo, như vừa đề cập, chỉ mới nói phớt qua. Muốn nắm vững thiên “bình luận của phía Việt Nam về việc Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là ‘Đạo luật nhân quyền Việt Nam’”, tất phải đọc/nghe nhiều báo/đài trong nước. Chưa bao giờ chữ can thiệp được gắn liền với chữ thô bạo một cách chặt chẽ và thường trực đến vậy. Trên truyền hình cận ảnh, cũng chưa bao giờ dàn lãnh đạo Hà Nội đỏ mặt tía tai như vậy, ngoại trừ những buổi họp đấu đá cấp trung ương. Đổi ống kính rộng, người ta nhận ra đó không chỉ là một vài phản ứng trên bình diện ngoại giao. Nó là một chiến dịch dồn sức thổi bùng cái “sỉ diện” của lãnh đạo Hà Nội cho thành phong trào “căm thù” của nhân dân Việt Nam, bằng kỹ thuật lường lật tương tự như thời tháng Tám 45.
Khởi đi từ bản tin nhanh của thông tấn xã Hà Nội vào sáng ngày 7.9.2001, với tựa đề lê thê xếp ngược thời gian là “Hạ nghị viện Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ nhưng can thiệp thô bạo công việc nội bộ Việt Nam”. Kế tiếp, tất yếu phải là tiếng nói của Phan Thúy Thanh, đính kèm bằng một bài xã luận trên báo Nhân Dân giảng giải về nội dung của Đạo Luật Nhân Quyền VN là “xuyên tạc tình hình, can thiệp thô bạo công việc nội bộ của Việt Nam,… ngoan cố theo đuổi chính sách nguy hiểm áp đặt các điều kiện chính trị đi kèm những quan hệ kinh tế-thương mại”.
Tổng biên tập Nhân Dân tự nêu bật thành tích “chống mỹ cứu nước” qua lời đe dọa: “Bài học trong quá khứ mãi mãi còn nóng hổi đối với những ai không muốn tiếp tục chuốc lấy thảm bại nhỡn tiền”. Rồi hiệp sức gieo quẻ tiền hung hậu kiết bằng một khẩu hiệu thời Mậu Thân: “Những mưu toan và hành động đen tối nhất định sẽ thảm bại”.
Đó là phản ứng khẩn cấp tự phát. Kịp đến khi bộ chính trị CSVN họp xong, lý luận tiếp viện “có tính chỉ đạo” mới được ban hành, là kể từ giờ, phải khơi gợi lên và gán ghép cho kỳ được những hình ảnh thê thảm nhất trong chiến tranh VN thành những hậu quả hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất của Mỹ (còn Liên Xô cũ đã rã và Trung cộng đang quen nên không cần nhắc tới). Để từ đó, sẽ cùng cất cao giọng cực lực phản đối rằng: Thiếu vắng hoàn toàn tình hữu nghị quốc tế, thì “một nước như vậy có quyền gì ‘bảo ban’ người khác về nhân quyền?”.
Qua Phạm Thế Duyệt và Mặt Trận Tổ Quốc mà đương sự về lãnh đạo từ ngày chia tay chính trị bộ, cái lý luận xương sống vững như Trường Sơn Xẻ Dọc vừa nói đã được lặp lại hàng chục lần trên các văn bản phản đối của chính MTTQ và của “các tổ chức quần chúng nhân dân” dưới trướng của nó, đại loại như: Ủy ban Đối ngoại của QH Hà Nội, Hội Người cao tuổi, Hội nhà văn, Hội luật gia, Liên hiệp các Hội KHKT, Tổng liên đoàn Lao Động…; xuống tới cấp thấp hơn là Công đoàn Giao thông Vận tải hay các Tổ chức Công đoàn cơ sở thuộc các xí nghiệp ở Sài Gòn; hoặc tản ra địa phương như các chi nhánh Hội Cựu chiến binh Quảng Ninh hay Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố và Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TP Đà Nẵng, Hội Phụ nữ TP/HCM v.v… Rồi, may mắn thay, nó được dịp ăn lan và ăn ké ra tới cả cuộc họp Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 106 tại Burkina Faso (?)….
Dù vậy, những văn bản phản đối đó chưa thể gọi là đủ to tiếng, nếu không có những cuộc lùa dân đi dự “mít-tinh trọng thể” để biểu diễn tối đa “lòng căm phẫn” của non 80 triệu người được Đạo Luật của Hạ Viện Mỹ về Nhân Quyền ở VN đòi bảo vệ. Chỉ hai điều sơ hở nhỏ khá đáng tiếc trong chiến dịch huy động quần chúng rềnh rang này:
Một là trong những buổi mít-tinh vừa nói, cán bộ điều động cực kỳ vô tư bày tỏ sự vui mừng khi được tin bọn khủng bố đâm máy bay hàng không dân dụng đã cướp được vào hai cao ốc Trung tâm Mậu dịch Thế giới ở Nữu Ước và tòa nhà Ngũ Giác Đài ở Hoa Thịnh Đốn.
Hai là cơ quan ngôn luận của quân đội CSVN bình luận xách mé rằng ngày Thứ Ba thảm họa 11.9.2001 ở Mỹ chỉ là hậu quả của thái độ thù nghịch của Mỹ đối với thế giới.
Với sự rầm rộ của Hà Nội trong quy trình nâng cấp việc thóa mạ Hoa Kỳ lên mức độ quy mô hơn cả trong suốt 26 năm qua như vậy, những tay quan sát tình hình VN khó thể bỏ qua ít nhất là hai câu hỏi. Thứ nhất là: vì sao? Thứ Hai là: cái gì kế tiếp?
Có kẻ bông lơn bảo rằng VN phải dạy cho Mỹ một bài học thế nào là lễ độ: Tiên sư nhà nó, có cho thì cũng phải nhún người xuống bỏ tiền cho lọt vào mớ mũ cối đặt ngửa xếp hàng kia, chứ có đâu vừa vất đô bố thí lại vừa quát mắng thói ăn dơ ở bẩn của lũ ăn xin như thế, hỏi không gây sao được? Có người nghiêm túc phán rằng: Đấy là bài ca “bánh đúc có xương” mà phe bảo thủ già nua đang hát ru phe cải cách “có văn hóa” trong đảng, ý rằng “Bọn bây trắng mắt ra chưa mà hòng lạy lục xin làm ăn với thằng cựu thù đế quốc mới? Hãy tỉnh mộng hội nhập kinh tế toàn cầu đi nhé các con!”.
Cũng có kẻ nhìn gần, cho rằng vụ nhân quyền là nhỏ, nhưng phải đập Mỹ một trận du kích nhân dân như thế thì nó mới tởn Hỏa Lò, liệu hồn mà sớm phê chuẩn cái lớn là thương ước. Lại có người nhìn xa, e rằng đây là chiêu thức phủ đầu dư luận nhân dân trước khi lãnh đạo Hà Nội chính thức bận rộn đếm đô-la Mỹ vào giai đoạn thực thi thương ước trong một tương lai gần. Còn các tay trung dung thì cho rằng Mỹ đang bận tíu tít với vụ khủng bố, “ta” cứ tha hồ chửi bới, “nó” đâu có nghe gì, và cũng đâu có “hưỡn” để đối phó, mà “mình” thì được cái lợi to đùng là đảng viên lên tinh thần khi thấy “đảng ta” công khai quát Mỹ v.v…. Tất cả nghe đều… đúng ráo, dù ít dù nhiều, góc này hay góc khác.
Lại có lắm kẻ âu lo rằng: Lỡ mà vụ thảm họa Nữu Ước làm chậm tiến trình phê chuẩn thương ước ở Thượng Viện Hoa Kỳ thì “gay” lắm! Chu Thượng đã cảnh giác trên tờ Lao Động số 213 rằng “đùng một cái, tòa tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới sụp đổ, các khách hàng Mỹ vội vả về nước, các hợp đồng đang thương thảo bị bỏ dở, nhiều đơn vị chuẩn bị sẵn container hàng xuất khẩu qua Mỹ bị yêu cầu ngưng lại”. Đến cả Pascal Lamy, Ủy viên Thương mại Âu châu, ngay sau khi hay tin vụ thảm họa Nữu Ước, cũng đã bỏ về Bỉ giữa chừng phiên họp Thương Mại Á-Âu tại Hà Nội.
Phan Văn Khải hẳn phải đồng tình với lời cảnh báo của Chu Thượng. Lại có kẻ thả bong bóng rằng: Nếu Thượng Viện Mỹ thông qua cả Đạo Luật Nhân Quyền VN, thì liệu là “đảng ta” có thu gom đủ can đảm để chỉ thị cho quốc hội Hà Nội xóa sổ việc phê chuẩn Thương Ước Mỹ-Việt cho hả nư không? Có người qui là Đỗ Mười đang cầm sợi chỉ cột chiếc bong bóng đó. Rồi lại có người phê bình rằng: Nói kiểu thời sự thì cách tự sát đó tuyệt vời không thua gì mấy tay Palestine đánh bom cảm tử vào… nhà bố vợ nó. Nói giọng thể thao Sê-Ghêm thì đó hẳn phải là đường banh sấm sét sút thủng lưới… đội nhà. Còn nói nhái Kim Dung thì đó là độc chiêu Vung Đao Tự Hoạn. Lý do?
Nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Á-Âu (AEM-33) tổ chức vào trung tuần tháng 9 tại Hà Nội, Phan Văn Khải đã đọc lời khai mạc, có đoạn: “Việt Nam mong muốn các nước thành viên có trình độ phát triển kinh tế cao sẽ dành cho các nước đang phát triển ở châu Á (cỡ như VN) những ưu đãi cần thiết để thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển”. Cũng trong vận hội bị gậy này, Vũ Khoan đã tiếp kiến các bộ trưởng thương mại Âu châu, “thông báo về tiến trình Việt Nam chuẩn bị vòng đàm phán mới để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nêu rõ những khó khăn Việt Nam đang và sẽ gặp…”.
Ngược lại, theo báo Nhân Dân tường thuật, các trưởng đoàn, bộ trưởng Thương mại châu Âu đã “nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quá trình Việt Nam đàm phán gia nhập WTO”. Mà chìa khóa để mở cửa két bạc WTO là cái tối huệ quốc thường trực của Mỹ. Hà Nội đã đợi quá lâu để Bắc Kinh đạt được kết quả đó hầu liệu thế “nối vòng đuôi lớn”. Có tay nào trong chính trị bộ Hà Nội dám mình đồng da sắt đề nghị sổ toẹt một Hiệp ước Mậu dịch với Mỹ mà quá bán Trung ương đảng đã dày công xây dựng vẫn trầy trật trong tình trạng sứt cán gãy gọng suốt mấy năm nay không? Đường bay của chiếc bong bóng vừa nói nằm trong câu trả lời đó.
Tuy nhiên, gì thì gì, những bình luận đa nguyên hao trà tốn thuốc đó cũng gặp nhau ở một điểm: Đạo Luật của Hạ viện Mỹ về Nhân Quyền ở VN đã chọc đúng và khuấy bung đường nứt phân hóa ở tầng lầu thượng căn hộ Ba Đình. Có kẻ tự xưng là trợ lý thầy tổ Feng-chui chẩn rằng vết nứt đó vắt ngang trán rồng theo hình mã tấu. Nghe đâu phe già sẽ làm khó đám trẻ tới nơi, bằng cách tinh vi hóa các hình thức huy động đảng-đoàn gia tăng chửi Mỹ. Trong truyện ngắn Gia Phả Dòng Họ Trương, tác giả Trần Quốc Cường mô tả nhân vật Lão Tần thật sống động trong một gia đình nhiều chi phái qua một mẩu đối thoại ngắn ngủi với đám con cháu trây lười của chi trưởng: “Phái nhì, phái ba chuẩn bị xây nhà thờ riêng, chúng nó có mưu đồ đã rõ mười mươi. Rủi gia phả bị đánh cắp thì phái nhất của ta có mà ăn cám!”. Nghe mà tội cho Đỗ Mười biết mấy.
Bài Ca Linh Trưởng
Đó là luận về động lực của bộ phim chửi Mỹ nhiều tập. Còn về nội dung? Bài xã luận Nhân Dân (số 890) cả quyết: “Thực tế khẳng định rằng, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm vững chắc và đầy đủ hơn”. Bằng cách nào?
Ngày 2.9.2001, tục gọi là quốc khánh VC, Huynh trưởng Hồ Tấn Anh ở Đà Nẵng đã tự thiêu để soi sáng cho cả thế giới chú mục vào thực tế bảo đảm vững chắc và đầy đủ đó tại VN. Ba hôm sau, ngày 5.9.2001, tức ngay trước ngày Hạ viện Mỹ thông qua Đạo Luật về Nhân Quyền ở VN, công an Huế vây bắt Linh mục Lợi. Còn công an Hà Nội đã tới tận nhà bắt đi các ông Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Lê Chí Quang, Trần Đại Sơn, Trần Bá, Nguyễn Thụ, Nguyễn Đoàn, Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến, Nguyễn Vũ Bình…. Riêng ông Trần Khuê và bà Nguyễn thị Thanh Xuân thì bị “trục xuất” về Nam. Hầu hết điện thoại của họ đều bị cắt khẩn cấp. Vì lý do là các vị này đang trong tiến trình góp ý về việc thảo đơn thành lập các Hội Nhân Dân Hỗ Trợ Đảng Và Nhà Nước Chống Tham Nhũng, gọi tắt là Hội Chống Tham Nhũng.
Ông Nguyễn Thanh Giang cũng bị công an câu lưu cật vấn, như chính lời ông Giang kể lại:
“Họ hỏi: Ông có biết các ông ấy đang thành lập Hội Chống tham nhũng và đã ai đưa giấy mời ông ký tên tham gia chưa ?
Tôi bảo: Có ai đưa thì cũng chẳng bao giờ tôi phải khai với các anh. Các anh cứ đưa tôi ra tòa đi. Ở đó tôi sẽ hết lời biểu dương và ngợi ca cái sứ mệnh thiêng liêng và khẩn thiết của Hội này, ai ngăn trở việc thành lập Hội là chống lại sự nghiệp chống tham nhũng. Ở đó, tôi sẽ tuyên bố rất vinh hạnh nếu được xem là một trong những người sáng lập ra Hội”.
Nghe mà nhớ câu mở đầu trong bài Khách Lộ của Nguyễn Phi Khanh: “Sinh thế na kham tiện trượng phu” (Sống trên đời chịu sao được tiếng trượng phu hèn). Rồi phải chờ đến phần công an tra hỏi ông Lê Chí Quang mới thật sự thưởng ngoạn được hết mức ưu việt của nền văn hóa CNXH:
“Tao tha cho mày vì mày ốm yếu chứ không, tao đã bắt mày rồi. Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà.
– Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không?
– Tao không cần văn bản nào cả
– Vậy là văn bản miệng à?
– Đúng. Miệng tao là pháp luật”.
Cái “Thực tế khẳng định rằng quyền con người ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm vững chắc và đầy đủ hơn”, như báo Nhân Dân cả quyết, đang nằm ngã nghếnh ngay trên mấy cái cửa miệng đó. Nhân quyền được bảo đảm vững chắc và đầy đủ, theo bộ Công An VN, là mọi người khi bị bắt đều… có giấy, như nhau. Để bắt một người mới định tham gia chống tham nhũng và “ốm yếu” như ông Lê Chí Quang, công an Thủ đô đã huy động 30 cán bộ mặc thường phục có trang bị bộ đàm. 20 đứa vây nhà. 10 đứa ập vào nhà đưa giấy triệu tập có chữ ký của trung tá Vũ Công Long hẳn hoi, với lý do “có hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia”. Rõ ràng, nhân quyền cũng được bảo đảm vững chắc và đầy đủ bằng định nghĩa chắc nịch của chính trị bộ: Chống Tham Nhũng tức là Hoạt Động Liên Quan Đến An Ninh Quốc Gia. Kết luận? Theo ông Nguyễn Thanh Giang, “chống tham nhũng đến tận cùng sẽ trở thành chống Đảng”. Có ai còn thắc mắc về nhân quyền vững chắc ở VN nữa không, xin giơ tay! Còng đang mở sẵn!
Vào hạ tuần tháng 9, viện Goeth ở Hà Nội đã tổ chức tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương một buổi trình diễn những tác phẩm của nhạc sĩ Đức Annette Schluenz lấy cảm hứng từ những âm thanh đầy ấn tượng của núi rừng VN. Buổi diễn được ban tổ chức đặt cho một danh xưng cực kỳ ăn khớp với mục xã luận trên báo Nhân Dân. Nó có tên là “Những khúc hát của vượn bạc má”.
Công Trạng Để Đời
Giờ hãy nghiệm tiếp về hệ thống nhân sự làm công việc bảo đảm nhân quyền vững chắc ở VN. Trong bài viết thóa mạ “đế quốc” dưới tựa đề Tù Binh Của Quá Khứ, bình luận gia Chu Thượng của báo Lao Động (số 206) nhấn mạnh rằng: “Cùng với việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, bằng những việc làm thiết thực, Nhà nước Việt Nam còn bảo đảm tốt các quyền dân sự, chính trị của công dân”. Ai làm? Làm cách nào?
Ở tầm cao vĩ mô, Phan Văn Khải vừa ban hành một chỉ thị chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vào ngày 11.9.2001. Theo đó, cán bộ các cấp phải “chấm dứt lợi dụng, lạm dụng thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp”.
Ở diện rộng vi mô, ông Võ Thanh Tùng, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng tại số 279 Bến Chương Dương (quận 1, Sài Gòn), tố cáo “Cảnh sát Giao thông quận 9 (TP HCM) vô cớ đánh nhân viên của doanh nghiệp mình gây thương tích nặng, và phải nằm viện”. Cũng theo bản tin ngày 15.9, đề tựa “Cảnh sát kinh tế Đồng Nai ‘moi’ tiền dân”, thì từ tháng 10 năm ngoái, anh Phạm Thành Tín bị giam xe khách vì chuyển thuốc lá lậu mà không xác định được ai là chủ. “Ngày 8.11.2000, một chiến sĩ Đội 5 (Phòng Cảnh sát Kinh tế) đã gợi ý gia đình Tín lót tiền để sớm nhận xe về, và anh Tín bấm bụng đồng ý. Tối đó, 3 công an gợi ý anh Tín đi nhậu ‘chia vui’ vì hôm sau xe được thả. Anh Phạm Thân, em Tín, thay anh đi mời rượu công an. Do không biết uống rượu nên sau bữa nhậu đó, Thân say xỉn ra xe ngủ trước, còn Tín ngủ trong trụ sở của công an. Đến sáng sau, Tín ra gọi em thì Thân đã chết từ lúc nào. Thân ra đi để lại vợ và 3 con gái nhỏ ở một làng quê nghèo xã Đức Minh, Mộ Đức, Quảng Ngãi”. Sau đó, giới chức quyền vẫn không trả xe cho Tín, lý do, theo một cảnh sát sở tại: “Tiền đưa ít quá không lấy được”. Vẫn chưa hết. “Cho đến nay, gia đình chủ xe vẫn chưa được thông báo về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Thân. Nhưng không chỉ vậy, bởi sau khi xảy ra chết người, một số công an đã tìm cách lừa gạt, đòi ăn hối lộ để lấy tiền của người nhà nạn nhân”.
Khiếu nại ư? Bao giờ mới có người “gợi ý” cho bạn “bấm bụng đồng ý” lót tiền để sớm được nhận đơn? Kiện ra tòa ư? Hãy duyệt qua chân dung dăm ba Bao Công của một TAND. Hãy thử lấy quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội, làm tiêu biểu: Theo báo Tuổi Trẻ thì khóa thi cao học Luật ngày 18.5 vừa qua tại Hà Nội đã “phát hiện thí sinh Hằng đang sử dụng hai máy điện thoại di động, một để trong ngăn bàn, một để trong người có nối với tai nghe trong tình trạng mở sẵn, để người ngoài nhắc bài”.
Thí sinh Nguyễn Thúy Hằng đó đang là thẩm phán của TAND quận Đống Đa nói trên, người có thành tích ký khống 77 biên bản nghị án giấy trắng. Bà Hằng bị kỷ luật ở mức “khiển trách”. Đồng sự với bà Hằng tại TAND này còn có thẩm phán Đào Bá Sơn, với thành tích nổi bật là thường vô tư “để mất tài liệu” trong các vụ án hình sự, đặc biệt là “đã nhận hối lộ 24.500USD để xét xử nhẹ cho 42 bị cáo trong vụ đánh bạc xảy ra ở 65B Quốc Tử Giám, là vụ án lớn, có tổ chức, có người cầm cái, thu hô, vệ sĩ canh gác, có người cầm bản vi… kể cả người làm ‘tín dụng’ cầm đồ, đòi tiền con bạc”. Sơn bị hình thức kỷ luật “phê bình”. Vẫn tại TAND quận Đống Đa, thủ trưởng của bà Hằng và ông Sơn là chánh án Trần Hồng Nhân đã ra lệnh bắt giam và thi hành án trong lúc bị cáo Nguyễn Tiến Quân (ở Ô Chợ Dừa) còn quyền kháng án.
Về phía luật sư, cũng có lắm chuyện “thư dãn đáo tụng đình”: Luật sư H. (thuộc đoàn luật sư tỉnh Q.), lỡ vắng mặt trong lúc thân chủ bị cáo thành khẩn nhận tội hiếp dâm trong một phiên tòa cấp tỉnh. Khi tới nơi, luật sư H. hùng hồn rằng: “Tôi thề danh dự với Hội đồng Xét xử là thân chủ của tôi không phạm tội”! Trong phiên xét xử vụ án hành chính của TAND tỉnh L., chủ tọa phiên tòa cùng luật sư C. và nguyên đơn cùng ngồi quán bí tỷ từ trưa đến gần giờ bắt đầu phiên tòa. Nhờ tửu lượng khá nên tay chủ tọa có vẻ tỉnh táo, còn tay luật sư thì đã “chân thấp đá chân cao”. Đến phần tranh luận, luật sư C. đang thao thao bất tuyệt thì bị đại diện Viện kiểm sát bắt bẻ, buột miệng buông câu: “Đếch được ạ!”. Cũng tại tòa án tỉnh L. này, trong phiên xét xử bị cáo N. về hành vi tạt axit vào hạ bộ của chồng, luật sư B., bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân ở phần bào chữa, đã múa lưỡi: “Đổ đâu không đổ, đổ vào (bỏ 1 chữ) người ta thì còn làm ăn gì nữa?”.
Tờ Pháp Luật gần đây còn liệt kê nhiều thành tích lạ đời khác: Luật sư T.V.V. bào chữa cho 1 nguyên đơn trong vụ án đòi nợ, lại từng bào chữa cho bị đơn trong 1 vụ án khác từ trước, đến lúc gặp nguy cơ đuối lý đã hùng biện rằng: “Bị đơn là người thủ đoạn. Tôi từng bào chữa cho ông ta nên tôi biết mà…”. Lại còn loại “thày cãi hai mang”: Ở Long An có luật sư N.H. chuyên đi đêm với cả hai bên nguyên/bị, sau đó, hoặc là tiết lộ nhược điểm của một bên mà đòi tiền bên kia cao hơn, hoặc là bắt bồ với 1 luật sư khác cãi cho bên kia theo bài bản viết sẵn để mình giành phần thắng bên này.
Tại Gia Rai, 5 nhân viên kiểm lâm bị khởi tố về tội lạm quyền, đã khai trước tòa rằng: “trong quá trình làm việc tại CA, các điều tra viên có thái độ và hình thức ép buộc chúng tôi nhận những nội dung không đúng với thực tế”. Một trong 5 người là anh Đặng Minh Hoàng còn bị công an đẩy xuống trại giam và bị đe dọa “không khai (theo ý họ thì) sẽ giao cho ‘đầu gấu’ xử lý”.
Ngược lại, ở rất nhiều địa bàn trên cả nước, việc áp dụng luật pháp không phải dễ dàng gì. Theo Lý Sinh Sự của tờ Lao Động thì khó nhất là “thi hành luật pháp mà cứ nơm nớp sợ bắt đúng con em… các anh, các chị” ở “tầng trên”. Do vậy mà tự do ở thủ đô Hà Nội mới được liệt vào hàng siêu đẳng. Đến mức “chỉ cần 5 triệu là cột điện che cửa nhà tôi sẽ chuyển sang lấp cửa nhà ông”. Tức là, vẫn theo nhận định của Lý: “Nói tóm lại, ở ta hiện nay chuyện gì cũng có thể làm được. Chúng ta hành động theo phương châm cứ có lợi là làm, làm sai cũng làm, sửa sau. Sai thì được lợi vì chiếm được đất công, đất chùa. Sửa cũng có lợi vì có kinh phí đền bù giải toả”. Cứ dích-dắc như thế thì cần gì thắc mắc bao giờ mới quá độ lên CNXH?
Hệ thống nhân sự đang cật lực “bảo đảm tốt các quyền dân sự, chính trị của công dân” ở VN đều như thế đấy. Có lẽ Phan Văn Khải là người biết rõ nhất bọn. Do đó, trong trận đánh Mỹ kỳ này, ít ai nghe Khải phán điều gì. Cuối bài Thu Dạ của Cổ Sơn Phạm Nhân Khanh có hai câu nghe vô cùng áo nảo: Nhân gian thử cảnh kham trù trướng, Thùy thị bình sinh thiết thạch trường. Trần Lê Sáng dịch là: Người đây cảnh đấy thêm rầu rĩ, Sắt đá lòng đâu giữ được dài.
Cho nên, Khải chỉ lẵng lặng ban hành Nghị Định ngày 12.9.2001 về “Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công viên chức nhà nước”. Theo đó, cấp nào được mai táng ra sao và do tiền quỹ nào thanh toán, kể từ ghế Tổng Bí xuống tới hàng công chức, cán bộ… tất cả đều được quy định minh bạch, công khai.
Phải nói đây là một công trình để đời của Khải. Giá trị cao nhất là tính kịp thời. Nhất định rằng quy chế hậu sự này sẽ được triệt để áp dụng trong thời gian chóng chầy còn lại của đảng CSVN. Có khi là của Đỗ Mười, không chừng!
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments