top of page

2001.11 – Chí Phèo Đời Chót

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 20 min read

Tết Trung Thu vừa qua mang một ý nghĩa trầm kha trong nước. Mùa lũ năm nay cũng lạ lẫm khôn cùng. Chuyến đi ba nước Âu châu của Phan Văn Khải bị chìm mất tăm dưới cơn sóng dữ Bin Laden. Thời sự trong nước sôi động trong khí thế đẩy mạnh phong trào “nói cho nhau nghe” nhằm phản đối một đạo luật nhân quyền từ bên Mỹ. Phong trào dâng cao nhanh hơn mực lũ, và đột ngột cạn khô, khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua bản thương ước song phương Mỹ-Việt. Bấy giờ, cuộc chơi mới bắt đầu…

Bò Gặm Hoàng Hôn

Thiếu nhi xã Hà Cầu, thị xã Hà Đông, đã đồng nhịp vỗ tay tiếp đón Nông Đức Mạnh quàng khăn đỏ về dự Tết Trung Thu. Ngay ở Hà Nội, thiếu nhi quận Cầu Giấy cũng tề tựu nghênh đón Trần Đức Lương dự Tết Nhi Đồng tại Nhà văn hóa phường Mai Dịch. Theo báo Nhân Dân, tại đây, Trần Đức Lương đã “đánh giá cao cố gắng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, các bậc phụ huynh đã thật sự xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong quận”. Điểm nhấn mạnh cần được in đậm trong lời phát biểu trên là 3 chữ “xã hội hóa”. Nói nôm na là dân tự lo.


Với cùng một tinh thần vừa kể, bức thư của Trần Đức Lương gửi nhi đồng toàn quốc có đoạn: “Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các cháu thiếu niên, nhi đồng ngày một tốt hơn là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển con người của đất nước ta”. Thực ra, đoạn này là để nói với những cơ quan quản lý kinh phí lo cho các cháu thiếu nhi. Còn thực sự nói với trẻ thơ, giới lãnh đạo Hà Nội đã nhân dịp Tết Nhi Đồng để trang trọng đăng lại trên cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước CSVN toàn bài Cùng Nhau Đi Hồng Binh: “Đời ta không cần lo. Nhà ta không cần tiếc… Mong thế giới đại đồng. Tiến lên quân hồng!”.


Bước đệm của hồng binh là dân công cõng đạn tải thương, không quy định nam nữ, tuổi tác. Ở Việt Nam, nó được gọi là Nhi Đồng Cứu Quốc, cái rễ sâu gốc vững của Thanh Niên Xung Phong. Không một thống kê nào nói về tổng số những cháu “nhi đồng yêu nước” này đã bỏ xác trên hai mặt và hai đầu Trường Sơn, suốt giai đoạn lắp đường, thồ súng đạn Tiệp Khắc Liên Xô vô “B”. Cũng không một thống kê nào nói về tỷ lệ những cháu “thiếu nhi bác Hồ” đó còn may mắn sống sót sau đận tháng 4.1975.


Chỉ biết, hai mươi bốn năm sau, vào tháng 4.1999, Phan Văn Khải ký Quyết Định 104 “về một số chính sách đối với Thanh Niên Xung Phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến”, yêu cầu phải được thực hiện “trong thời gian ngắn”. Tới tháng 10.2001, nhằm dịp Tết Nhi Đồng đầu thế kỷ, Hội Nghị Sơ Kết về 2 năm thi hành Quyết Định 104 đã được Trung Ương Đoàn báo cáo là đã “triển khai thực hiện được cho 10% đối tượng chính sách”. Theo đó, trong số 820.000 hồ sơ TNXP, đã có kết quả chi tiết: “Xét liệt sĩ được 1%, xét thương binh 20%, trợ cấp thường xuyên 8%”.


Ắt hẳn đó là lý do khiến nhà thơ Nguyễn Đức Mậu buông tiếng thở dài cho lãnh đạo đảng-đoàn trong nước:

Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn…

gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại…


Còn nhà văn Chu Lai thì minh bạch hơn nhiều:”Trong muôn ngàn sự đểu cáng của con người thì sự dối trá và độc ác là đáng lên án hơn cả”.

Trẻ Hóa & Phát Triển


Thế, cái “chiến lược phát triển con người” mà Trần Đức Lương viết trong lá thư Trung Thu nói trên mang ý nghĩa gì và dựa trên căn bản nào?


Tính từ gốc nhi đồng chưa được chào đời, Trung Tâm Nghiên Cứu Thông Tin và Tư Liệu của Ủy Ban Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia Đình, phối hợp với Tổng Cục Thống Kê VN, vừa thông báo kết quả điều tra trong năm 2001, thực hiện trên 340.000 phụ nữ, như sau: “Tỉ lệ nạo phá thai ở phụ nữ từ 15-49 tuổi trên cả nước là 13,3%”. Nghĩa là vẫn đứng đầu thế giới.


Với đám trẻ con vượt qua vòng xoắn, Thứ trưởng bộ Giáo Dục-Đào Tạo CSVN Đặng Huỳnh Mai tiết lộ tại Diễn Đàn Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Thơ tổ chức ngày 4.10 tại Hà Nội rằng: “Tỷ lệ trẻ 0-3 tuổi được đến lớp mầm non đạt 13,4%… Một số vùng nông thôn, số trẻ được đến lớp mẫu giáo rất thấp, chỉ đạt 2-6%”. Lại vẫn đứng đầu thế giới.


Riêng tại Bạc Liêu, theo số liệu điều tra của ngành tư pháp tỉnh này vào giữa tháng 10.2001, số thiếu nhi áng chừng dưới 16 tuổi mà không có giấy khai sinh của tỉnh đã lên tới 38.500 em. Cùng lúc đó, trong số những em có giấy khai sinh trên cả nước và được đến trường thì đã có 1 tỷ lệ đáng quan tâm về tình trạng các em vừa học vừa ngủ gật, vì lý do phải học ca ba giữa trưa, theo bài viết báo động trên báo Lao Động, về trường hợp phổ cập của học sinh Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi.


Theo báo Thanh Niên ngày 11.10.2001, tính riêng trên địa bàn thành phố “mang tên bác”, “mỗi ngày có hàng nghìn trẻ bị các ông chủ đại lý vé số bóc lột sức lao động. Các em phải làm việc vất vả, ăn không đủ no, mỗi ngày đi bộ mấy chục km. Không chỉ bị phạt tiền, bị đánh vì không bán hết vé, nhiều em còn bị lạm dụng tình dục, lôi kéo vào con đường buôn bán ma túy”. Nội dung lời đánh giá cao của Trần Đức Lương về nỗ lực “xã hội hóa công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em” có lẽ đã được bài báo này minh họa bằng chuyện kể của em Nguyễn Văn Hạnh, 12 tuổi, quê ở Tuy Hòa vào Sài Gòn bán vé số, nói về tay chủ đại lý: “Ông thường xách tai và tát vào mặt khi em không bán hết vé, sáng chưa kịp dậy là bị dội nước lên đầu. Có lần khổ quá, em trốn đi, bị ông tìm về nhấn trong hồ nước…”.


“Chiến lược phát triển con người” mà Trần Đức Lương nhấn mạnh như trên có thể nhìn rõ hơn qua một bài phóng sự về huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai: “Ở đây chỉ có 59 hộ gia đình thì có tới 48 hộ thuộc diện đói nghèo. Ví như vợ chồng Phan Văn Trình-Hoàng Thị Chiến chỉ có 400 m2 ruộng, hằng ngày họ đi làm thuê cho những gia đình trong bản, tiền công được 10.000 đồng, đủ đong vài cân gạo. Ngày nào không có người thuê thì đói”. 10 nghìn đồng đó tương đương với với 66 xu Mỹ, tính vào thời điểm Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn thương ước song phương Mỹ-Việt. Cũng tại Than Uyên, cháu Hoàng Thị Mặc bị lừa bán sang Trung Quốc khi mới 15 tuổi. Người ta chỉ có thể đoán ra số phận của cháu để… mừng cho con cháu nhà mình không hẩm hiu đến vậy.


Một bài báo khác, trên tờ Tuổi Trẻ, tựa đề “14 tuổi nuôi cả gia đình”, mô tả cuộc sống của em bé Phan Huỳnh Tiên, học lớp 9, trường Cửu Long, quận Bình Thạnh, Sài Gòn: “Từ ngày học lớp 3, em đã một mình lao động, nuôi sống người mẹ tật nguyền bị bệnh nặng và đứa em nhỏ dại. Những ngày được nghỉ, Tiên cùng mẹ đi bán vé số. Em của Tiên ngồi trên xe lăn với mẹ … Một buổi chiều, trên đường đến trường để đón con, mẹ của Tiên bị xích lô tông bất tỉnh, gãy tay. Kể từ ngày đó, Tiên thay mẹ đi bán vé số buổi sáng, chiều về đi học. Mỗi ngày em đi hàng chục cây số quanh các nẻo đường của thành phố. Tiên thường phải đem theo vở để học lúc nghỉ chân. Khi ba mẹ con chuyển về sống ở phường 22, những thu nhập từ việc đi bán vé số của Tiên không còn đủ để nuôi sống gia đình. Về đây, mẹ em được UBND phường cho chuyển về ở một ngôi nhà cũ vốn là nhà xác”. Năm 2000, bé Phan Huỳnh Tiên được chọn làm đại biểu Đại Hội Chiến Sĩ Thi Đua Yêu Nước lần IV.


Tương lai VN và cái gốc “Chiến lược phát triển con người” của Trần Đức Lương còn được nhìn “sâu sát” hơn qua bản tin của báo Tiền Phong, về vụ nghệ sĩ nhân dân Vương Linh gặp rắc rối trên đường lưu diễn vì đã cùng 3 nghệ sĩ khác mua dâm với các bé gái giang hồ. Khai sinh của nạn nhân Hồ Thị Hoài Hương, tự Hến, ghi ngày sinh là 31.8.1988, tức chưa tròn 13 tuổi vào thời điểm xảy ra cuộc trăng hoa giữa chợ. Đã vậy, cháu Hến còn cho biết thêm là đã vào “nghề” từ hai năm trước!


Báo Tiền Phong còn đăng một phóng sự khác về ngôi “Làng của những gái mại dâm”, ở ngay sau chợ Vinh, Nghệ An, quê “bác”: Làng không có điện, nước, đường, trường và ngay cái tên cũng không. Thế, làng có gì? “Đây là nơi cung cấp trẻ đánh giày, gái mại dâm, xích lô, cửu vạn cho cả khu vực… Trẻ con trong làng không được đi học, bởi đơn giản cái ăn đã thiếu nói gì đến chữ. Chúng phải lao động từ rất sớm, làm đủ thứ nghề kiếm sống. Đứa 3-4 tuổi thì đi ăn mày. Đến khi lên 7-8 thì đi đánh giày, làm thuê, thậm chí trộm cắp. Bọn tội phạm đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các em để lôi kéo vào con đường buôn bán, vận chuyển ma túy. Không ít Tú Bà đã dẫn dắt các em gái mới lớn vào hành nghề mại dâm ở các nhà hàng, quán cà phê”.


Trong bối cảnh đó, kết quả buổi Hội thảo Dự Án Thí Điểm Phòng Chống Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em Tại VN, do Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội VN (thuộc bộ LĐ-TB-XH) và Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội Châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) vừa được tổ chức vào cuối tháng 9 tại Hà Nội, đã đưa ra lời cảnh báo rằng: “Số gái mại dâm đang ngày một ‘trẻ hoá’, nạn lạm dụng tình dục trẻ em đang gia tăng ở VN.”. Theo số liệu của Chi Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội tại thành Hồ, “số gái mại dâm dưới 18 tuổi tại các trung tâm chiếm trên 20% (tăng nhanh so với 8% năm 1995). Có thể dễ dàng nhận diện các cháu ở những tụ điểm trước công viên Văn Hóa, vườn hoa Tân Cảng, đường Trần Xuân Soạn (quận 7)…”. Điều cần nhớ rằng căn bản của “chiến lược phát triển con người” vừa nói chính là con người VN, đang được “trẻ hóa”, đồng hướng và đồng nhịp với lãnh đạo đảng CSVN.

Đường Lên Vô Định


Người dân nghĩ gì về Tết Nhi Đồng và “chiến lược phát triển con người” đó? Độc giả Huyền Chiêm của báo Lao Động (ở số 4 khu B17 Nam Thành Công, Hà Nội), mô tả rằng: “Khoảng dăm ngày trước rằm Trung thu, ở những phố buôn bán sầm uất nhất của Hà Nội liên tục xảy ra hiện tượng: Một nhóm chừng bốn, năm cậu choai choai với một cái đầu sư tử và một cái trống, ập vào các cửa hàng đang mở để xin tiền. Tới mỗi cửa hàng, hai, ba nhóc mang cái đầu sư tử chui tọt vào trong, lắc lắc, quay quay, còn hai nhóc khác đứng ngoài cửa đánh trống ầm ĩ, chẳng ra cái kiểu gì cả. Người bán hàng thì sợ hết vía vì lo chúng va quệt làm đổ, làm hỏng hàng hóa, vội vã cho tiền để chúng đi nơi khác thật nhanh”.


Tựa đề bài báo? “Người Hà Nội nói Trung Thu là Tết xin tiền”! Khung cảnh nhắc nhớ tới những chuyến công du của Phan Văn Khải, gần nhất là chuyến sang Nhật mấy tháng trước và chuyến viếng thăm 3 nước Âu châu mới đây. Hóa ra trẻ em VN đã thực thi đường lối đối ngoại theo nghị quyết trung ương một cách khá nhuần nhuyễn đấy chứ! Có ai bình tâm được không, khi nghe ký giả Sông Lô trong nước, qua bài báo “Lụt Mỗi Năm Nào Riêng Năm Rồng”, đã phê bình thái độ của lãnh đạo chờ lũ để xin nước ngoài viện trợ, rằng: “Tinh thần ăn xin ấy là sự biến dạng của một thói quen nô lệ”?


Người dân nghe thêm gì về Tết Nhi Đồng và “chiến lược phát triển con người” đó? Tổng Cục Thống Kê Hà Nội cho biết tính đến ngày 14.10, tổng số thiệt hại nhân mạng trong mùa lũ năm nay lên tới 266 người, trong đó có 207 trẻ em. Còn về vật chất, có 271.491 căn nhà và 43 trạm y tế bị ngập. Khoan nói tới tỷ lệ giữa tổng số nhà ở với trạm y tế. Hãy nghe ký giả Chu Thượng, trong bài “Sống Êm Đềm Với Lũ”, đã bình luận về bước đầu thắng lợi trong buổi hội thảo chống lũ của lãnh đạo trung ương với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ngày 9.10.2001: “Cái rất mới trong ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này là sự tái khẳng định một mô hình sống bình thản với lũ qua nhiều năm tìm tòi”!


Thì ra, tái khẳng định vẫn là cái rất mới! Tuy nhiên, trong buổi họp sơ kết phòng chống lụt bão vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 4.10, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương Lê Huy Ngọ đã nhấn mạnh: “Các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch hệ thống bờ bao đảm bảo 2 vụ lúa đông-xuân và hè-thu, vùng cây công nghiệp, cây ăn trái; đầu tư và hướng dẫn người dân xây dựng bờ bao theo đúng quy hoạch, vừa bảo vệ sản xuất, đời sống vừa không ảnh hưởng đến các tuyến thoát lũ”. Rõ ra, nhiệm vụ trọng tâm của đồng bào vùng lũ là sống chung bình thản êm đềm với lũ, để phát triển sản xuất!


Lại hỏi thêm: êm đềm và bình thản cách nào? Phóng sự trên báo Tuổi Trẻ đã trực tiếp trả lời câu hỏi đó: “Trần Văn Tý, một cậu bé chừng 13-14 tuổi ở xã Vĩnh Xương (huyện Châu Phú), đã bỏ học, vừa gập người buộc dây xuồng vào gốc bạch đàn, vừa hồn nhiên khoe: Sáng giờ con chở lọt hai bao đường được 4.000 đồng rồi. Những thằng bạn khác cũng được mấy bao”. Bài báo viết tiếp về sinh hoạt vùng lũ: Hàng lậu được vận chuyển ở đây chủ yếu là đường cát, thuốc lá, nước giải khát, mỹ phẩm…. Còn đội quân chuyển hàng lậu thì “bao gồm cả thanh niên, phụ nữ, người già, nhưng đông nhất vẫn là trẻ con, phần lớn các em vẫn còn ít tuổi, nhiều em còn đang đi học”. Thế mới hiểu ra nguyên nhân của tỷ lệ trẻ em quá cao trên tổng số nạn nhân thiệt mạng vì lũ lụt.


Rồi, hãy nghe tiếp lời phát biểu sự vui mừng của Trần Đức Lương nhân dịp kỷ niệm 45 năm “ngày truyền thống vẻ vang” của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam trong tuần qua, vì, theo Lương: “Trước hết, đó là việc giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên không ngừng nâng cao giác ngộ về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, khẳng định lý tưởng phấn đấu của thanh niên ta là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”. Hóa ra, vai trò giáo dục là nhằm đưa thanh niên vào con đường dằn xóc đó cho lãnh đạo giữ ghế. Còn về trí dục, đức dục và thể dục, tin tức tháng qua đề cập điều gì về sinh hoạt giáo dục cấp quốc gia?


Ba ngày đầu tháng 10, Phan Văn Khải, Thủ tướng CSVN kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, chủ trì Hội Nghị Giáo Dục Đại Học, đã nhận định rằng tinh thần quyết tâm thực hiện từ Chính phủ, Bộ Giáo Dục-Đào Tạo, Bộ Tài Chính, Ban Tổ chức cán bộ và các cơ quan liên hệ… hoàn toàn không đi ra khỏi “cố tật chỉ nói, viết và bàn!”.


Trong buổi hội thảo về phân cấp giáo dục này, ông Đặng Công Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Mở bán công ở Sài Gòn nói: “Quyền tự quyết chính là điều mà các trường phải chờ đợi từ quá lâu rồi…”. Ngược lại, một quan chức của Bộ GD-ĐT mà tác giả bài báo thấy không tiện nêu tên, đã phản ứng gay gắt rằng: “phân cấp ‘thoáng’ đến mức cho nhà trường tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo, cũng có nghĩa là phân cấp theo kiểu… thả rông”. Với chức năng điều hành giáo dục cả nước, cấp Bộ đã xem cấp Viện và cấp Khoa ra sao khi dùng chữ thả rông? Không thể nào bình đẳng “gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại…” chăng?


Vẫn trong Hội Nghị Giáo Dục Đại học vừa nói, ông Đoàn Văn Điện, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng nhận xét: “Nếu sinh viên các trường công lập là con đẻ của Nhà nước, của Bộ GD-ĐT, thì sinh viên các trường dân lập lại như một thứ… ‘con rơi’”. Ông Điện nhấn mạnh là “Đã đến lúc phải tạo lập sự bình đẳng giữa các mô hình giáo dục”. Ý niệm đó không có gì đáng bàn thêm. Chỉ phiền cách phát biểu của diễn giả làm động lòng khá nhiều người hiện diện. May mà tổng bí họ Nông không có mặt buổi đó để nghe về tinh thần tự miệt “con rơi” và tình trạng quyền rơm vạ đá. Còn ở những diện khác của giáo dục-đào tạo, không ai thấy có gì mới lạ.


Cũng vẫn liên tục những bài phóng sự nhiều kỳ về thị trường chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Báo Lao Động rao giúp Trung tâm Tin học-Ngoại ngữ Nhuệ Giang (24 Tạ Quang Bửu, Hà Nội) rằng: “Chỉ cần biết đếm được ‘one, two, three’… là có chứng chỉ B tiếng Anh.Chứng chỉ tin học như rau ngoài chợ.Chỉ cần từ 30.000-50.000 đồng đã mua được chứng chỉ tin học B ‘xịn’. Mua chứng chỉ loại nào, bao nhiêu chiếc cũng có. Hôm nay đăng ký, chiều mai lấy”…. Ở một diện khác, theo nhà báo Lý Sinh Sự, ở Vĩnh Long, “ai đời một ông phó giám đốc sở Giao thông Vận tải ký để cho ‘chúng nó’ bán đến 2.000 cái bằng lái xe, tàu”. Chúng nó nào?


Cũng vẫn liên tục những thống kê “120 sinh viên trên một vạn dân”, hay, “gần 50% trường trung học phổ thông có học sinh bỏ học nhiều”. Cũng vẫn những mẩu tin “Phim ‘sex’ áp sát trường học”, đặc biệt là quanh các trường đại học, ký túc xá thuộc khu vực Thủ Đức, Bình Dương, Gò Vấp…. Cũng vẫn những tuyên bố, như của Trương Song Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT thành Hồ: “Đánh giá một cách nghiêm khắc, theo tôi hiện nay chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu suất đào tạo của các trường chưa đồng đều”. Cũng vẫn những nguồn tin tương tự như “Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dễ dàng ẵm gọn 70 triệu đồng”. Hoặc, “hơn 3400 tỷ đồng là số tiền mà lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã làm thất thoát trong hơn 3 năm qua từ nguồn vốn ngân sách”, tức gần gấp năm lần thiệt hại vật chất toàn vụ lũ lụt năm nay.


Và cũng vẫn những lời than “một cuốn sách bằng nửa tháng tiền ăn” của sinh viên. Hay, “tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới, mà tập trung nhiều ở khối lớp 1 và lớp 6, vẫn chưa có hướng giải quyết”. Lại nữa, vẫn “Nhà trường bắt phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản tiền, ngoài ra còn phải đóng góp 2 ngày công lao động, và phát giấy yêu cầu phụ huynh ủng hộ nhà trường tiền hoặc vật chất. Ví dụ: Tiền bán trú, tiền xây dựng trường, học phẩm, học phí….”. Bên cạnh đó vẫn còn vấn đề “Thiếu thiết bị thực hành cho chương trình trung học cơ sở cải cách mới, ước tính cần tới 260 tỷ đồng để trang bị cho gần 9.000 trường cấp II trên cả nước” v.v….


Đừng hỏi ngân sách quốc gia chạy vào đâu. Tin tức trong tháng cho biết: Legend Hotel Saigon là khách sạn thứ 6 đạt tiêu chuẩn “5 sao” và được chấm là sang trọng nhất của thành phố. Chưa hết, “UBND thành phố vừa ban hành quyết định thực hiện 10 giải pháp chống ùn tắc giao thông nội thị, giai đoạn 2001-2005. Tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, được huy động từ ngân sách nhà nước, vay của nước ngoài và sự đóng góp của dân”. Tương đương với 29 nghìn tỷ đồng, tức gấp bốn mươi (40) lần thiệt hại lũ lụt năm nay, chỉ dùng cho việc chống kẹt xe của một thành phố!


Nhà thơ Trinh Đường, vừa mới tạ thế, đã để lại mấy vần thơ tặng lãnh đạo như sau:

Có những con đường mê

tìm lối ra trầy trật

Có những con đường cụt

đành lủi thủi quay về

Có những con đường tắt

muôn dặm còn muôn ly…

Con đường chúng ta đi

đã mở ra vô định

Mưu Lược Tiến Thoái


Trung Thu năm nay còn là mốc điểm so sánh các mặt hàng kinh tế. Chẳng hạn như, theo Lý Sinh Sự, “một tạ cà phê hạt tươi đổi được một hộp bánh Trung Thu”. Trên thực tế, theo báo Lao Động số 231, “Giá bán cà phê chỉ bằng 50% giá thành sản xuất”. Còn theo ký giả Đ.B.T. thì ở Đắc Lắc, “giá cà phê bằng với giá gạo”. Theo bộ Thương Mại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2000.


Nhìn tổng thể, tờ Tuần Báo Kinh Tế phát hành tại Hà Nội tổng kết số liệu kinh tế của tháng 9.2001: “Đây là tháng mà xuất cảng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay… Kim ngạch xuất cảng trong tháng 9 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 250 triệu mỹ kim, giảm 17.8% so với tháng trước”. Cũng theo bài báo này thì tổng kim ngạch xuất cảng/nhập cảng của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2001 bị thâm thủng 220 triệu USD. Nhìn ngược lại, bài báo “Xuất Khẩu Lao Đao” ghi nhận dữ kiện từ sở Thương Mại: “Tất cả những đơn đặt hàng xuất khẩu đang bị cả khách Mỹ lẫn khách Nhật hoãn lại không thời hạn. Trong khi đó, hàng không giao được mùa này, mùa sau có thể không còn phù hợp về mẫu mã, tiền đã chi ra không thu hồi được”.


Còn tình hình doanh nhân đầu tư tại VN ra sao? Kết quả cuộc tọa đàm của Bộ KH&ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng 4.10 cho biết: “Bảy khách sạn 5 sao trên địa bàn Hà Nội đều đang kinh doanh thua lỗ. Đó là các khách sạn Sofitel, Sofitel Plaza, Hilton, Horizon, Melia, Nikko và Daewoo”. Đánh vần ra là Ê sắc Ế. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bảo rằng: “Cái đang tàn thì không thể non tươi”, là vậy.


Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND “thành phố mang tên bác”, đã báo cáo tại Hội nghị lần 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (khóa VII) hồi giữa tháng 10 rằng: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là tăng 10% cho cả năm; chưa có chuyển biến đáng kể trong việc khắc phục một yếu kém đã kéo dài nhiều năm là khu vực dịch vụ tăng trưởng thấp (chỉ tăng 6,3% trong khi chỉ tiêu là 8%); khối lượng xuất khẩu dù có tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm; chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu kém; đầu tư chưa bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và yêu cầu chuyển dịch kinh tế; tình trạng tệ nạn xã hội, nhất là ma túy và mại dâm còn diễn biến phức tạp…”.


Còn ở “thành phố mang xác bác”, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố lần thứ 5, Ủy viên Chính trị bộ VC kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: “Hà Nội còn bộc lộ nhiều khó khăn, yếu kém, đó là: kinh tế tăng trưởng chưa đều; công tác xây dựng, quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa ngăn chặn được hiện tượng lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép; văn hóa xã hội còn một số vấn đề bức xúc, đặc biệt là tệ mại dâm, nghiện hút ma túy…”.


Trên tầm vĩ mô cả nước, tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ chủ trì, sau phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ Hà Nội, Bộ trưởng bộ Kế hoạch-Đầu tư Trần Xuân Giá khẳng định rằng: “Năm 2001 không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5%”. Lý do? Với mức tăng trưởng bình quân 9 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 7% trong khi kinh tế thế giới đang trong đà suy thoái, kinh tế trong nước cũng như xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Như thế, muốn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 7,5% cả năm mà buộc “mức tăng trưởng 3 tháng cuối năm phải đạt 8% là không khả thi”. Trần Xuân Giá nói vậy.


Trong buổi gặp mặt có tên là “Hướng tới thành công” giữa Bộ Công nghiệp và Bộ Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hồi đầu tháng 10, Nguyễn Mạnh Cầm đã yêu cầu các doanh nhân nói thật, nói thẳng. Ông Nak Kil Sung, Tổng Giám đốc Cty LG-Meca Electronics Hải Phòng đã phát biểu là “Chỉ còn cách đóng cửa nhà máy”.


Không thể thật hơn hay thẳng hơn được nữa. Lý do là mức thuế AFTA sắp áp dụng trên các mặt hàng lắp ráp tại VN quá bất lợi. Bức xúc tương tự cũng xảy ra cho Bột ngọt VEDAN, Cty vải Pangrim (Hàn Quốc), Xi măng Nghi Sơn v.v…. Ông Nakajima, Tổng giám đốc Honda VN thì “muốn được cạnh tranh trong một môi trường công bằng và lành mạnh hơn”. Ông Charles Young Lee, Phó tổng giám đốc Mekong Auto than rằng: “Vẫn còn những rào cản không đáng có”. Còn theo bà Phan Thu Lương, Giám đốc Cty Orion-Hanel: “Các chính sách của VN trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài có vấn đề ở 3 mặt: Không phù hợp; không đồng bộ và không kịp thời”…. Bạn đọc VNDC có thấy còn có thể sót mặt nào khác nữa không?


Peter Ryder, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN, cũng có nhận xét khá thật và thẳng về các mặt hàng VN xuất khẩu sang Mỹ: “Xét về chất lượng thì hàng VN không dễ thắng thế…Thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp VN phải đối mặt là việc am hiểu và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế trong công việc kinh doanh…”. Trần Xuân Giá đồng ý: “Doanh nghiệp nước ta chưa chuẩn bị đầy đủ và nghiêm túc cho sự thách đố này”. Trong buổi gặp gỡ 41 Tham tán thương mại VN từ các nước về họp tại Hà Nội hồi cuối tháng 9, Phan Văn Khải đã được báo động tương tự: “Hàng VN vẫn còn gặp nhiều bất lợi về sức cạnh tranh kém”.


Về mặt luật pháp, Bà Phạm Chi Lan, Trưởng Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam bảo là chỉ có 50% doanh nghiệp VN biết về nội dung thương ước Mỹ Việt, số còn lại chưa rõ vì “chưa có điều kiện tiếp cận thông tin”. Cũng theo bà Lan, sẽ có hơn 40 văn bản luật, pháp lệnh cần sửa đổi. Văn bản dưới luật cần sửa lên tới hơn 400. Chưa nói tới tình trạng “Luật mới được hướng dẫn tạm theo nghị định cũ”, theo kiểu luật đất đai mới sửa.


Cái khó nuốt nhất đối với doanh nhân ngoại quốc là “luật ở Việt Nam chủ yếu xây dựng dưới dạng nguyên tắc chung, còn thi hành thì theo các nghị định, thông tư”. Giám đốc Cty Luật Hà Nội Trần Vũ Hải lo lắng: “Nếu sửa đổi luật chậm chạp, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt”, bởi Việt Nam và Mỹ đã cam kết về lộ trình thực hiện bản thương ước, và dù không sửa luật, thương ước đó vẫn mặc nhiên có hiệu lực với công ty, cá nhân Mỹ.


Tất cả đều không vượt qua mối lo lớn nhất là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ vào lúc này tất sẽ kéo theo ảnh hưởng trầm trọng tới cả khu vực. Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc Cty WEC Saigon cho rằng: “Trung Quốc sẽ bị tác động mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay do vậy họ sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn, điều này sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam”. Nói cách khác, không còn cả nước đục cho loại trâu chậm. Và đó chính là vũ khí đấu đá mới giữa các phe cánh trong chính trị bộ Hà Nội.


Trong bối cảnh mù mịt khói sương đó, phát ngôn viên của đảng và nhà nước CSVN đã hồ hởi “hoan nghênh Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ”. Hà Nội vẫn tưởng đâu rằng chính nhờ phong trào phản đối đạo luật HR2833 dữ dội trong nước mà thượng viện Mỹ hoảng hốt thông qua nhanh chóng bản thương ước.

Có lẽ chỉ riêng Lý Sinh Sự là người có tầm nhìn xa nhất nước hiện nay. Trong 3 bài viết riêng rẽ, Sự bảo:

  • Một là phải có dự kiến chính xác: “Không thể vừa tiến lên hiện đại vừa ôm bụng chạy te tua được đâu!”.

  • Hai là, phải có mưu lược tiến thoái: “Nếu XUKHALADO sập tiệm có thể chuyển ngay sang LOLOTICA” (xuất khẩu lao động không xong thì chuyển “trụ sở” đến một con hẻm khác bán lòng lợn tiết canh, cứ thế mà nhân lên cấp vĩ mô!).

  • Ba là, đối với người dân, phải có tính lạc quan, bởi, dự kiến và mưu lược nói trên chính là để dành riêng cho thế hệ “Chí Phèo Đời Chót”.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page