top of page

2001.12 – Táo Tây Thảo Sớ

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 20 min read

Thời sự tháng qua ở Việt Nam có 3 điều đáng ghi nhận:

Một là Hội nghị BCH/TƯÐ/CSVN khóa 9 lần 4, nhằm quyết định chu tất mọi thứ từ đầu vào tới đầu ra cho chuyện kế là Cuộc họp khoáng đại của bộ phận con dấu thường được gọi là quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước, và sau cùng là Ngày Nhà Giáo Việt Nam.


Còn lại, chuyện Nông Ðức Mạnh triều kiến quan thầy để xin thụ phong, kể cả cơn bão Còng (số 8) phủ chụp miền Trung, hay chuyến Miên du (số 1) của Trần Ðức Lương v.v… đều là chuyện nhỏ.

Triều Ðình Cấp Vụ


Trong bài cổ thi Thôi Ðông Triều châu xuất mộc đầu, nghĩa là Giục dân ở châu Ðông Triều nộp gỗ (để xây trường), tác giả Phạm Nhữ Dực đã nhấn ý chính ở hai câu đầu:

“Học hiệu do lai phong hóa nguyên.

Triều đình cấp vụ thử vi tiên”.

Tạm dịch:

“Xưa nay, trường học vẫn là nguồn gốc của phong hóa.

Trong các việc cần kíp của triều đình thì đây là việc trước hết”.


Ðó là lối suy nghĩ thời phong kiến. Ðến trào cộng sản, sau đận “bài phong-khất thực-bái đế quốc”, lãnh đạo cả nước vốn xuất thân từ giai cấp chuyên chính vô hậu, nên, nói nhại giọng Hà Nội mới, vấn đề giáo dục tất không thể là… cái đinh bù loong gì sất. Nếu mỗi năm chỉ dành một ngày để biểu hiện lòng biết ơn thầy cô dạy dỗ điều hay lẽ phải từ thuở vỡ lòng cho đến khi thành đạt, thì cái ngày hiếm hoi tượng trưng cho tính tôn sư trọng đạo đó cũng chỉ được “đảng và nhà nước ta” gọi khơi khơi theo kiểu đấu tranh giai cấp là Ngày Nhà Giáo VN.


Nghe không khác gì Ngày Cho Người Nghèo, hay Tháng Giao Thông An Toàn… Thậm chí, báo Lao Ðộng số 264 còn đăng một phóng sự mở đầu bằng hàng tựa : “Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11”. Kỷ niệm gì ? Ngày nhà giáo thậm thụt vô bưng chăng ? Hay ngày nhà giáo ào ạt dinh tê ? Hay, cứ thấy “lãnh đạo” lui cui đọc diễn văn thì tất đó phải là dịp kỷ niệm ? Nếu đúng thế thì thật buồn thay : Nguyên cả hàng ngũ “nhà báo mình” lẫn “nhà nước ta” đều có quá ít kỷ niệm với những nhà giáo.


Hàng tựa tiếp theo của thiên phóng sự vừa nói là: “Những cô giáo vùng cao Mèo Vạc”. Tác giả Nguyễn Ðơn Thương của bài báo không hẳn đã “độc mã” lên vùng cực Bắc tỉnh Hà Giang để chỉ quan sát sinh hoạt giáo dục-đào tạo ở đó : “Tà Lủng chỉ có duy nhất một trường cấp một, gồm hai lớp một và một lớp hai. Một mình đảm đương việc dạy dỗ cho ba lớp học sinh người Mông chỉ có duy nhất một giáo viên nữ tên Mai Chi, người ở dưới Vị Xuyên lên. Lớp học thì tuềnh toàng, phòng ở cho giáo viên cũng đơn giản không kém. Phòng của Mai Chi được làm gá với đầu lớp học, vách được thưng bằng những cây bương núi. Phòng không có gì đáng giá ngoài mấy quyển sách, chồng giáo án, chiếc đài bán dẫn cùng một số ảnh diễn viên được cắt ra từ báo đính hờ trên vách, màu đã ố vàng”.


Cô giáo Mai Chi mới qua tuổi 18, đã tốt nghiệp hệ 9+3, cho biết: “Mọi điều kiện tối thiểu cho cái gọi là tinh thần ở đây đều kém cả . Sách báo cho lứa tuổi hay cho ngành đều không có”. Còn cái gọi là vật chất XHCN ? Nhà báo Ðơn Thương nhận xét thẳng thắn về bữa ăn do nhà giáo Mai Chi khoản đãi: “Cơm thì bốc mùi ẩm mốc do gạo để quá lâu, thức ăn chỉ có cải cay xào với trứng”. Ở Tà Lủng, từ tháng 4 đến tháng 9, chỗ lấy nước gần nhất cách trường khoảng bốn cây số. Có nơi ở Mèo Vạc, giáo viên phải đi cách trường khoảng chục cây số để lấy nước. Hệ quả là “vì hiếm hoi nên một chậu nước ở đây thường được sử dụng đến năm lần”, ý chắc là lần lượt cho 5 việc khác nhau chăng? Còn từ tháng 9 trở đi thì “cái lạnh như những mũi dao nhọn thuốn vào da thịt con người”.


Vẫn theo cô giáo Mai Chi ở trường Tà Lủng, hay cô Phượng và cô Hiền ở trường Lủng Pù tâm sự, mọi khó khăn vừa kể không thấm gì so với nỗi cô quạnh ở miền cao. Ðược biết, hiện tại, 77% giáo viên Mèo Vạc đều là nữ giới trong lứa tuổi thanh xuân. Mai Chi là một trong những thầy cô giáo đã lên núi trước cả khi Nghị định số 35-2001/NÐ-CP ra đời, về chính sách “luân chuyển nhà giáo đến công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”. Theo đó, và trên căn bản lý thuyết XHCN, thời hạn luân chuyển là 3 năm đối với giáo viên nữ và 5 năm đối với nam giới… Trên thực tế, cô Phượng đã dạy ở Lủng Pù 9 năm chưa có người thay thế.


Bài báo không đề cập gì đến những bù đắp, hay hy vọng bù đắp có thể “kiến nghị”, cho những khó khăn và cô quạnh của đời sống nhà giáo vùng cao mà chính nó vừa kể ra. Tác giả chỉ lạnh lùng kết thúc thiên phóng sự bằng một nỗi lo ngại máy móc đầy tính XHCN: “Ở đây, giáo viên nữ được coi là may mắn khi được phân dạy ở gần đồn biên phòng. Ở đồn, có lính, có mối giao lưu thì mới có cơ hội để kiếm chồng; bằng không thì cầm chắc cái ế trong tay”. Dường như nỗi lo ngại máy móc đó, ở sáu chữ chót, còn pha trộn đặc tính mất dạy, hiển hiện cả một nền văn hóa vô đạo trong tinh thần Triều Ðình Cấp Vụ ngày nay. Nghe cứ như lời thơ cải biến ca tụng thời thanh niên xung phong đi lắp đường, cõng đạn, tải thương trên dãy Trường Sơn ngóng chờ bộ đội lái xe: Hết măng rồi anh có lấy… em không ?

Thầy Con, Ðảng Mẹ


Giờ, hãy thử quay lại miền văn hóa Phong Châu, bằng một phóng sự khác trên tờ Nhà Báo & Công Luận, số ra ngày 19-11-2001, dưới tựa đề Xóm ổ chuột nằm trong trường học, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội : “Giống như các túp lều thường thấy ở xóm liều, một dãy nhà được dựng bằng những tấm cót ép thủng, mái che bằng giấy dầu. Ðó lại là 5 căn nhà dành cho giáo viên nằm trong trường Tiểu học Ðại La (phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội)… Nếu không thấy chiếc cổng liêu xiêu cùng với một lối mòn ngoằn nghèo, chẳng ai nghĩ ở đây có người đang sống. 5 ngôi nhà nằm dựa vào nhau, lúp xúp dưới đám cỏ dại mọc um tùm cùng những đống gạch lởm chởm… Ðã gần chục năm nay, những người thày, cô giáo sống ở đây vẫn phải sống trong một môi trường tạm bợ, thiếu thốn đủ đường. Cô giáo Lê Thị Oanh cho biết: ‘Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa đến, cả dãy nhà đều chìm trong nước và rác’. Sau mỗi trận mưa, phải mất đến mấy ngày thì nước mới rút đi vì… không có đường thoát nước. Nhà không ra nhà nhưng chẳng ai trong khu dám lên tiếng kêu ca, vì họ biết, có kêu cũng chẳng ai nghe thấy”.


Ðừng để ý đến lỗi chính tả của nhà báo ở chữ “ngoằn nghèo”. Hãy đọc kỹ cách giải thích chữ “dám” trong câu chót để hiểu độ xiết của cái vòng kim cô trên đầu nhà báo : Nếu kêu mà biết trước không ai nghe thì hẳn đã không “muốn” kêu. Còn không “dám” kêu là khi nào đoán trước sẽ bị công an đến còng tay lôi về trụ sở. Việc gì phải sợ khi đoán trước là kêu chẳng ai nghe! Có lý nào, cái “không dám” đó là một ám ảnh riêng của giới “nhà báo ta”, nên bạ đâu cũng viết thế chăng? Xong, đọc lại lần nữa toàn bài phóng sự nhân ngày biểu hiện lòng Tôn Sư Trọng Ðạo trong nước. Ðể thấy rõ hơn tầm cỡ của cái gọi là chiến lược “con người là vốn quý” dưới chế độ cộng sản.


Trong chiến lược đó, từ cấp vỡ lòng, dữ liệu của Tổng cục Thống kê Hà Nội ghi chép khá công phu : “hiện nay có đến 50% giáo viên mầm non ngoài biên chế có thu nhập hàng tháng dưới mức lương tối thiểu 210.000 đồng. Gần 78.000 giáo viên, cán bộ ngoài biên chế ở nông thôn có thu nhập bình quân hàng tháng là 177.900 đồng/người. Nhiều người đã phải bỏ nghề”.


Giải pháp ? Báo Thanh Niên đưa tin là ngày 16-11, Công Ðoàn Giáo Dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo về các phương án cải cách chính sách tiền lương mới: “Theo dự thảo đề án cải cách, mức chênh lệch giữa bậc 1 và 2 của ngạch giáo viên trung học là 16.800 đồng/tháng”. Thời giá là 15.054 đồng = 1USD. Theo nhà báo Bùi Quốc Khải ở Ðồng Tháp, “cái khó hiện nay của địa phương là cơ sở vật chất và giáo viên mẫu giáo hiện tại vừa thiếu vừa yếu”. Thống kê của bộ GD-ÐT còn nhấn mạnh là hiện nay chỉ có 10,3% các trường tiểu học là đạt chuẩn quốc gia, nói gì tới chuẩn quốc tế.


Ở cấp trung học, báo SGGP tường trình cuộc họp báo vừa qua của ngành GD-ÐT nhằm đánh giá, nghiên cứu việc triển khai đại trà sách giáo khoa mới cho năm học 2002-2003 thì “đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng toàn diện, sách giáo khoa, sách hướng dẫn còn nhiều sai sót”. Báo Người Lao Ðộng ngày 30-10-2001 viết về nỗi khó của giáo viên song ngữ : “Chúng tôi phải giảng về những tác phẩm hoặc tác giả rất nổi tiếng trên thế giới như: Victor Hugo, Banzac… Có những tác giả và tác phẩm chúng tôi chỉ biết lướt qua, thậm chí chưa được học”. Về mặt khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, thuộc Hội Vật Lý, đã nêu một thí dụ điển hình : “60 giáo viên mắc một biến trở với nguồn 2 pin nối tiếp mà không xong, cứ tranh luận um lên như chợ vỡ”. Trung bình các trường trung học Kỹ Thuật – Nghiệp Vụ ở Sài Gòn vẫn còn thiếu khoảng 40% số giáo viên.


Từ ngày 17-10-2000, Bộ Chính Trị CSVN đã ra chỉ thị số 58CT/TƯ nhấn mạnh trọng tâm “ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là phương tiện đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước”. Nhưng theo Hiệu Phó Nguyễn Việt Bắc của trường Cao Ðẳng Sư Phạm Sài Gòn: “Hiện chưa có một giáo viên tin học nào được đào tạo chính quy. Sớm nhất cũng phải chờ khóa đầu tiên của Ðại học Sư phạm thành phố ra trường vào năm 2005”.


Lên cấp đại học, theo thống kê của bộ GD-ÐT, hiện cả nước có hơn 24.300 giảng viên đại học, trong đó, “gần 50% giảng viên đại học chỉ có trình độ cử nhân”. Cũng từ báo cáo của bộ GD-ÐT, “kinh phí cho các hoạt động giảng dạy và học tập còn quá thấp, chưa thể đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và chất lượng đào tạo”. Dường như chỉ đủ để bộ GD-ÐT nghiên cứu về một kiểu chữ viết mới cho cả nước áp dụng kể từ năm tới, và tăng cường môn dạy tiếng Hoa ở bậc tiểu học. Trớ trêu nhất là thí điểm dạy thêm tiếng Hoa ở Sài Gòn bắt đầu từ hai trường tiểu học Âu Cơ và Lạc Long Quân ! Thế mới hiểu ra, nghĩa vụ dâng đất cho Tàu chỉ mới là diện nổi của các tay trùm CSVN.


Vấn đề của bộ GD-ÐT không chỉ bởi ít tiền, vấn đề còn bao gồm “việc xây dựng chương trình khung đại học, cao đẳng, chương trình khung và biên soạn giáo trình một số môn văn hóa trung học chuyên nghiệp bị đình trệ do không có hướng dẫn chi tiêu tài chính”. Nói cách khác, trách nhiệm nặng nhất làm trì trệ nền giáo dục cả nước phải thuộc bộ… Tài chính, vừa không chi đủ tiền lại vừa không chỉ cách xài tiền. Mà nói thế là chưa thông cảm cho Bộ Tài Chính đang chuyển ngân 100.000USD và gửi gấp 60.000 tấn gạo cứu trợ nhân dân Cuba khắc phục hậu quả cơn bão Michelle bên đó.


Có người cho đó là biểu hiện thực tế của nền văn minh đánh bùn sang ao phổ biến trong chế độ XHCN. Có người lại bảo rằng đó là hệ quả của một cơ chế xin – cho dính chặt vào óc tủy của dàn lãnh đạo Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua, không loại trừ bộ phận giáo dục-đào tạo. Nghe cũng có lý, nhưng đáng buồn biết bao, khi đọc thêm bài Tâm tư nhà giáo vùng cao của nhà báo Lê Hạnh viết về buổi gặp gỡ giữa bộ GD-ÐT với 141 đại biểu nhà giáo nhân ngày tình nghĩa thầy – trò. Qua đó, thầy Hoàng Quốc Việt, 80 tuổi, đã phát biểu rằng: “con có khóc mẹ mới cho bú. Lần này, các giáo viên miền núi đã có dịp về tận trung ương để đề nghị thì mong rằng những chính sách thỏa đáng sẽ sớm được thực hiện”. Không chỉ buồn. Nó còn là một nỗi nhục. Quốc nhục. Từ bao giờ và trong điều kiện nào thầy đóng vai con, còn đảng biến thành mẹ ?

Ðịnh Nghĩa Chữ Nghèo


Ðó là nói về thầy cô giáo. Tin tức tháng qua trong nước cho biết gì thêm về giới học trò? Trong buổi hội thảo Giáo dục và đào tạo VN hướng tới nền kinh tế tri thức, được tổ chức tại trường Ðại học Kinh tế tại Sài Gòn vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Thị Chỉnh báo động : “năm 1996 tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp là 41%, năm 1999 con số này tăng lên 90%”. Trên thực tế, học sinh trong nước leo hết 17 năm học đó không phải dễ dàng gì, vậy mà cứ trong 10 người ra trường mới có 1 người kiếm được việc làm.


Theo bài phân tích của ký giả Nguyễn Vi Na, “Trong khi cả nước còn có tới 60% số hộ dân có tổng giá trị tài sản dưới 10 triệu đồng thì các khoản chi từ ôn luyện, ăn ở, thực tập, đi về cho một sinh viên năm năm là trên 40 triệu đồng, bằng tổng sản lượng lương thực của một gia đình nông dân trung lưu miền Bắc làm trong 12 năm”. Hãy thử tính xem bao nhiêu năm tổng sản lượng lương thực của người dân Việt Nam đã bốc hơi theo tỷ lệ 90% cử nhân vô dụng của bộ GD-ÐT Hà Nội ?


Tình hình chung là không phải nhà nào trong đại khối 60% dân Việt đó cũng đều có khả năng cho con theo hết bậc tiểu học. Nỗi khó không nằm riêng trong chính sách giáo dục chẳng ra chi của Hà Nội. Nó là một hệ quả tổng hợp mọi chính sách kềm chế xã hội của CSVN. Bài thơ Trong Lớp Học của tác giả Phí Văn Trân có đoạn:

Sáng chờ xong buổi học

Trưa ra đồng bắt cua.

Rau má ngày một xa

Rổ chưa đầy đã tối

Bữa rau ăn còn đói

Tiền đâu mua dầu đèn.

Ðây hai bàn tay em

Mười ngón tay cua cắp

Áo vá rồi lại rách

Chân không dép sưng gai.

Ðâu phải em ham chơi

Ðâu phải em lười học!

“Khi nhà còn đói khát

Em khó làm trò ngoan”…


Mò cua bắt ốc vẫn còn là một hình thức sinh hoạt tương đối lành mạnh và tự trọng ở vùng quê VN. Ở vùng thành thị, chuyện sinh tồn bờ bụi của trẻ em VN còn dàn trải ra một nỗi nhục vĩ đại khác: Du khách ngoại quốc đã bắt đầu dạo phố VN trong lớp áo thun in đậm lời từ chối sẵn ở trước ngực và sau lưng, bằng chữ VN: “Tôi không mua kẹo cao su – Tôi không muốn đánh giày”. Hiện tại và tương lai của một nền văn hiến gần 5000 năm nằm gọn trên những chiếc áo thun in những hàng chữ đỏ quạch đó.


Chưa hết. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 25-11-2001 còn đăng một thiên phóng sự của nhà báo Vũ Toàn về làng chài Phù Vân bên bờ sông Ðáy, thuộc phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ðây là một làng nổi quy tụ 18 thuyền chài kết dính vào nhau, cưu mang hơn 100 người chuyên nghề… bán máu. Hà Nam Ninh là địa danh nổi tiếng với lời tuyên truyền từ sau tháng 4-1975 rằng ngay cổng vào tỉnh đã có bảng cấm hút thuốc to đùng, vì ở đây cứ hễ cắm ống nứa xuống đất là có dầu xăng phụt lên! Thực tế ngày nay là cứ cắm kim tiêm vào mạch là có máu tươi phụt ra.


Một dân làng kể chuyện: “Tôi bán máu đã 24 năm nay để nuôi con ăn học nhưng tụi nó chỉ học đến lớp 4 là dừng vì bố mẹ không kham nổi, vả lại nó đẻ ở đây nhưng không được đăng ký khai sinh, học làm gì ?”. Mẹ của cháu P. chỉ vào con mình nói trong nước mắt với tác giả bài báo rằng: “Con nhỏ này cũng sắp phải đi bán máu đấy! Anh, chị nó ngoài bán máu còn phải nhặt đồng nát hoặc đi làm phụ xây mới trụ được cuộc sống không nghề nghiệp này”.


Công an phường sở tại thống kê rằng hiện “làng nổi” có hai người “hết bán được máu” vì đã trên 70 tuổi, bốn cháu dưới 10 tuổi thì chưa thể đi bán máu được, còn đa số ai cũng lao vào bán máu. Trung bình mỗi người bán được 2 bịch máu/tháng. Giỏi “phá rào” hay đi xa, có khi xuống tận Thanh Hóa, thì bán được 3 bịch. Giá mỗi bịch máu 200ml là 150.000 đồng. “Trừ tiền vào ‘cửa’ cho cai dẫn cửa và cai cửa, rồi tiền cai sếp (ông bầu có dịch vụ điện thoại để giao dịch rồi dẫn người đi bán máu), tiền tàu xe, mỗi lần đi bán máu về họ chỉ còn khoảng 40.000 đồng mua gạo cho con”. Tức chưa bằng 3USD. Chỉ có Ban Tổ Chức trung ương đảng mới biết rõ hệ thống cai cửa và cai sếp đó là những ai. Chị H., 49 tuổi, đã có 12 năm thâm niên trong làng bán máu, là người thường vay nợ ăn đong từng ký gạo để đến tháng bán máu trả nợ.


Về định nghĩa chữ nghèo, chị H. bảo : “Người nghèo là người không bán được máu. Và người nghèo nhất là người không còn máu để bán”. Ðã có bao nhiêu “liệt sĩ” nhuộm đỏ dãy Trường Sơn bằng máu của chính mình để thống nhất đất nước trong định nghĩa vừa dẫn? Hiện có bao nhiêu độc giả Tuổi Trẻ Chủ Nhật còn có ý nghi ngờ thành quả “đổi mới” của một dàn lãnh đạo chuyên làm đổ máu hàng triệu người khác ? Riêng bạn đọc Việt Nam Dân Chủ vẫn còn nguyên đó niềm tự hào là người Việt chứ ?

Còn Lâu Mới Thành Người


Trong niềm phấn khích “Tận dụng thời cơ, phát huy thành tựu, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục tiến lên” đó, như đầu đề bài xã luận trên báo Nhân Dân ngày 13-11-2001, Triều Ðình Cấp Vụ vẫn là… đề ra Nghị Quyết. Theo đó, “Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư Ðảng đã kết thúc thắng lợi. Hội nghị đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn và quyết định về các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và phương hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992…”.


Ðừng quên rằng hiến pháp là văn bản luật cao nhất của quốc gia. Nhưng đã hề gì! Làm chuyện phá sập hai tòa cao ốc Mậu dịch Thế giới như Osama bin Laden mới vất vả chứ việc sửa đổi hiến pháp trong nước thì có gì là khó đối với đảng khủng bố chuyên nghiệp CSVN? Cũng chẳng cần tinh thần cảm tử hay kỹ thuật cao gì sất. Theo bản tin của Thông tấn xã Hà Nội, chỉ cần “Ban Chấp hành (TƯÐ) giao Bộ Chính Trị chỉ đạo Ðảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 hoàn chỉnh đề án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10”, là xong. Ðã bảo đảng là mẹ, cho gì bú nấy mà !


Ưu tiên kế của hội nghị này là chỉ đạo cho quốc hội biểu diễn tính dân chủ lần nữa trong việc thông qua Hiệp ước Mậu dịch với Mỹ, và làm nhẹ chuyện bằng cách “uể oải” di dời nghị trình đến cuối tháng 11, nói theo chữ của Nguyễn Ðình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán thương ước Mỹ-Việt. Còn ưu tiên sau cùng của hội nghị TƯÐ lần thứ tư, tất nhiên, nên bàn sâu thêm về tình hình tham nhũng đã phủ trùm, che khuất mất hàng chục nghị quyết xây dựng đảng: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục tồn tại và phát triển trên nhiều lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ pháp luật…”.


Ở mọi quốc gia tiến bộ, tham nhũng chỉ bị triệt tiêu trong một xã hội pháp trị. Tức phải dùng pháp luật để ngăn chận và trừ khử tham nhũng. Ở xứ sở CHXHCNVN ưu việt, theo nhận định của BCH/TƯ độc đảng cầm quyền CSVN vừa dẫn, thì tham nhũng tiếp tục tồn tại và phát triển trên cả lĩnh vực bảo vệ luật pháp! Ngược lại, cũng ở xứ sở CHXHCNVN ưu việt đó, khi ông Trần Ðộ nhận định tương tự và có đính kèm theo phân tích nguyên nhân và giải pháp khả thi, thì tác giả bị chận xe đoạt bài viết (kiểu cướp cạn) và bị quản thúc tại gia (kiểu khủng bố bắt con tin).


Cũng vậy, khi công dân VN nhận thức ra công việc chống tham nhũng đã vượt quá tầm với của đảng và nhà nước (vào bên trong nội bộ cơ chế), nên tự nguyện đăng ký lập hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng, thì đơn bị bác, còn người đứng đơn thì bị công an câu lưu thẩm vấn. Kể từ năm 1991, với ông Triệu Cung ở phường Mai Ðộng, Hà Nội. Kéo dài cho tới năm 2001, với ông Phạm Quế Dương, cũng ở Hà Nội.


Trong một bài viết hồi giữa tháng, ký giả Lý Sinh Sự có nhắc tới thiên truyện hài của tác giả Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nêxin. Tựa đề tác phẩm là “Còn Lâu Mới Thành Người”. Dành riêng tặng cho dàn lãnh đạo cơ chế ăn chia Hà Nội đó chăng?

Tư Cách Làm Phân


Trong bối cảnh “còn lâu” đó, những báo cáo cuối năm của nhà cầm quyền Hà Nội đều gần như những bản sao, năm này qua năm khác. Bản báo cáo mới nhất của Phan Văn Khải trong phiên họp quốc hội CSVN kỳ này, dưới tựa đề lòng thòng “Những nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2001 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2002”, cũng chỉ nhằm ôn tập cho đại bộ phận kém trí nhớ trong đảng.


Một cách tổng quát, bản sớ Táo Quân trước tết dương lịch của Khải có thể tóm gọn trong đoạn cuối khá lộn xộn của Phần Một, như sau: “Tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn những yếu kém tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được, nay càng bộc lộ rõ hơn, đan xen với những vấn đề mới phát sinh, hạn chế quá trình phát triển, chủ yếu là:

  • Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

  • Cơ cấu sản xuất chuyển dịch chưa kịp với yêu cầu của thị trường, nhất là việc khắc phục kém về chất lượng và giá cả cao;

  • Chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp còn mang nhiều tính tự phát, chưa thật sự chủ động, còn nhiều bấp bênh, rủi ro;

  • Việc quy hoạch, xác định từng sản phẩm để đầu tư, kể cả đầu tư chiều sâu nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong công nghiệp tiến hành còn chậm;

  • Chi phí sản xuất cao và có xu hướng tăng lên;

  • Thiếu thông tin thị trường;

  • Ðóng góp của khoa học công nghệ vào tăng năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm còn ít;

  • Nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ khai thác tài nguyên và nguồn hàng nhập khẩu;

  • Thất thu vẫn còn lớn;

  • Nền tài chính chưa vững chắc.

  • Tiến độ triển khai thực hiện khối lượng đầu tư còn chậm.

  • Tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả còn cao

  • Nợ khó đòi của các ngân hàng còn lớn.

  • Các lĩnh vực xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại:

  • Số người lao động thiếu và không có việc làm còn lớn;

  • Các tệ nạn xã hội bức xúc chậm được giải quyết, có mặt còn tiếp tục trầm trọng thêm;

  • Công tác chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều bất cập;

  • Gian lận thương mại chưa giảm;

  • Tai nạn giao thông nghiêm trọng có xu hướng tiếp tục gia tăng;

  • Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao;

  • Khiếu kiện vẫn còn dai dẳng;

  • Vấn đề dân tộc, tôn giáo ở một số nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn sự mất ổn định ở một số địa bàn…”.


Trong đó, mỗi gạch đầu dòng là một vấn đề to tát đã, đang và còn tiếp tục làm đắm chìm đất nước và dân tộc dưới đáy vực sâu đói nghèo, lạc hậu. Ở đây, nó được Khải trình bày ra như bản liệt kê của một nhân viên World Bank nhìn về một Việt Nam xa xôi đầy tủi nhục. Phần dự kiến cũng không khác lời nhận định của các chuyên gia kinh tế ngoại quốc : “Trên cơ sở dự báo và phân tích bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có thể thấy trước là tình hình nhiều mặt năm 2002 khó khăn hơn năm 2001”. Ðiều đáng phiền là phần dự báo này của Khải đi trước “các giải pháp lớn” cho năm tới. Ðồng nghĩa với một cách rao trước là có được làm hoặc có làm được hay không cũng không hề gì, vì đã nói rồi. Theo kiểu Bưu điện Hà Nội buộc khách hàng gửi thư bảo đảm phải ký trước giấy cam kết không được khiếu nại nếu thư bị thất lạc.


Ðáng quan tâm hơn là một số nhận xét tiêu biểu của người trong nước: Ðộc giả báo Lao Ðộng Ðỗ Tấn Xưa (Bí thư chi bộ A2, đảng bộ phường 6 quận 3 SG) cho rằng : “Nạn tham nhũng hiện nay nghiêm trọng đến mức đe dọa bản chất chế độ… Nguy hiểm hơn, những người lãnh đạo là đảng viên đều biết điều này, thậm chí biết đích danh những kẻ tham nhũng, nhưng không có cách giải quyết triệt để”. Ðại biểu quốc hội Vũ Mạnh Kha nhận xét : “Báo cáo của Chính phủ thiếu những giải pháp cụ thể mà chủ yếu là các chủ trương. Tôi lấy ví dụ, tệ nạn tham nhũng đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa IX, nhân dân cũng rất bức xúc trước quốc nạn này, thế nhưng trong báo cáo của Chính phủ lại mờ nhạt”.


Càng mờ nhạt hơn nữa trong bản báo cáo tình hình và giải pháp của Khải là đời sống của nông dân Việt Nam gần như không được nói tới, còn những núi đơn khiếu kiện chồng chất của mọi tầng lớp nhân dân thì chỉ được đề cập thoáng qua bằng con số. Có người hỏi ngay, thế thì điều gì nổi trội nhất trong lá sớ năm nay? Câu trả lời có đong đếm và phản ảnh nội dung cơ bản rõ rệt nhất là : Bản báo cáo chứa đựng cả thảy 14 chữ tuy nhiên + 2 chữ tuy vậy, 77 chữ còn, 41 chữ khó khăn, 37 chữ chưa, 23 chữ chậm; 14 chữ thấp, 13 chữ kém, 12 chữ cần, và 25 chữ phải.


Trong phiên tòa ngày 11-11-2001 xét xử vụ án Cty 19.8 làm phân bón giả, Chánh án tòa Hải Phòng tuyên phạt Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Cty 19-8 sáu năm tù, với lời phán sau cùng rằng: “Bị cáo không đủ tư cách để làm phân bón”. Ðiều mà người dân chờ đợi là sớm có những phiên tòa có lời tuyên phán sau cùng: “Bị cáo không đủ tư cách để làm lãnh đạo”.

Ðêm Sẽ Qua Thôi


Tổng kết thời sự tháng qua, người ta vẫn thấy một bức tranh có quá nhiều mảng tối. Trong đó, những kẻ lo lắng nhất chính là dàn cầm đầu bộ máy khủng bố cả nước, về một viễn cảnh từ huề tới thua và đang cố giữ cho chậm thua. Ngược lại, nhìn chung, với xu thế từ huề tới thắng, và mong góp sức nhanh chóng tạo động lượng chuyển đổi, người Việt Nam vẫn giữ được ưu thế lạc quan:


Một là phía dân tộc dân chủ vừa có nhận định đúng đắn về nguyên nhân trở lực, vừa có giải pháp khả thi để chận đứng các vấn nạn của đất nước (tài liệu có đăng trên mạng www.lmvntd.org).


Hai là lực lượng dân tộc dân chủ càng ngày càng có thêm những danh tính trẻ và địa chỉ mới trong nước (đặc biệt là những nhân sự trẻ và mới này gọi thảm họa 54-75 là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, tức hoàn toàn vượt thoát ra khỏi vòng rào tuyên truyền về cuộc chiến giành độc lập của CSVN).


Ba là khối dân tộc dân chủ đã vượt qua mọi dị biệt quá khứ hay địa dư, càng ngày càng kết nối lại với nhau và liên hoàn với bên ngoài (Xin đọc thêm một phần danh sách tổng hợp trong bài viết ngày 19-11-2001 của nhà văn Hoàng Tiến, và bài viết của cựu chiến binh Trần Minh Tâm đề ngày 24-11-2001 để giới thiệu bút ký mới nhất của ông Trần Ðộ).


Bốn là khối dân tộc dân chủ càng ngày càng gần gũi nhau hơn trên một hướng quan điểm về Con Ðường Dân Chủ Hóa Việt Nam, bao gồm việc giải quyết các ách tắc cơ chế ngăn trở và khai thông các lãnh vực truyền thông, tôn giáo…. (Xin đọc thêm bài tiểu luận ngày 20-11-2001 của ông Trần Ðộ).


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong nước đã có mấy vần tâm huyết cũng lạc quan không kém:

Hoa quỳnh nở

Hoa quỳnh

Sẽ nở

Ðêm thật dài

Ðêm sẽ qua thôi…


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page