top of page

2002.01 – Chín Voi Lưng Bát Sáo

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 19 min read

Ngày 10-12-2001, khi cả thế giới kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, thì Hà Nội rầm rộ tổ chức triển lãm hội họa để kỷ niệm “50 năm Ngày Bác Hồ Gửi Thư Cho Các Họa Sĩ”.

Gọi là “dịp để giới mỹ thuật ôn lại những quan tâm sâu sắc của Bác Hồ với các họa sĩ và ý thức hơn nữa trách nhiệm của người nghệ sĩ – chiến sĩ”.


Trên cùng định hướng đó, có hai loại thời sự xảy ra trong nước tháng qua: Loại một bao gồm những tin tức sôi bỏng mà nhân dân không nhất thiết cần quan tâm, vì liên hệ tới dân sinh dân quyền và các thứ tệ nạn tham ô nhũng lạm hay tình hình xã hội phức tạp gia tăng. Loại thứ hai buộc phải loan báo và đánh động rộng rãi bằng nhiều loạt phóng sự cho cả nước chú mục theo dõi, điển hình là vụ di dời đàn voi dữ Bình Thuận về Ðắc Lắc.

Mạng Người Trên Hết


Chuyện xảy ra từ ngày 8-6-2001, ở rừng Tánh Linh, Bình Thuận. Chẳng ai biết rõ chính xác đàn voi dữ gồm bao nhiêu con. Nhiều báo nói từ 15 đến 25. Có báo khẳng định… khoảng 20. Phần thiệt hại do voi dữ gây ra cũng được loan báo khác nhau. Tính đến đêm 23-10, một vài báo trong nước đã đếm được tới nạn nhân thứ 12. So với mức tử vong của tai nạn giao thông lên đến 30 người một ngày trong tháng 10, chính xác ra, trong mười tháng đầu năm 2001, cả nước đã xảy ra 21.812 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.643 người (tăng 33,4%), bị thương 24.282 người… thì đàn voi dữ chưa đáng được gọi kẻ thù của đảng. Chỉ là mối nguy của dân. Tức không đáng kể.


Ðến lúc Tổ Chức Ðộng Thực Vật Quốc Tế (FFI) hứa cho tiền để chận đứng nguy cơ “Voi Ðông Dương trên đường tuyệt chủng”, như tựa đề một bài báo động trên tờ Tuổi Trẻ, thì đàn voi dữ nọ, từ vị trí mối nguy của dân, bỗng trở thành khúc ruột tượng sáng ngời của lãnh đạo. Bộ Nông Nghiệp CSVN cùng bộ Nông Lâm Ngư của CS Kampuchia cùng tổ chức hội nghị song phương về tiến trình bảo tồn loài động vật liên quốc gia, còn được gọi ngắn gọn là voi song tịch. Nghe không khác chuyện ngăn chận nguy cơ dân tộc Khờ-me bị diệt chủng thời 1979.


Tình hình chiến sự ở A Phú Hãn càng lúc càng mờ nhạt trên hệ thống truyền thông của đảng, ngược chiều với tin thắng lợi của liên quân Anh-Mỹ. Các loại tin thời sự khác trong nước, trong nhãn quan của giới phóng viên báo đài, cũng … chẳng có gì đáng quan tâm, kể cả việc Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi lại khu vực khuôn viên của giáo hội tại số 42 phố Nhà Chung, và nhà nước đã tỏ dấu nhượng bộ. Theo tờ Lao Ðộng ngày 26-10-2001, “Ðiều nóng ruột nhất hiện nay của dân là khi nào bắt đàn voi dữ này ?”.


Ngày 31-10-2001, “đàn voi cày nát 1 hecta sắn, chuối, bắp, đậu xanh” và phá tung chòi lá của 3 hộ dân sinh sống trong xã Tân Minh, huyện Hàm Tân. Dù không ai thiệt mạng lần này nhưng đó vẫn là giọt nước làm tràn ly đầy. Nhà nước CHXHCNVN thông báo ngay chủ trương “Sinh mạng con người là trên hết”, và bắt đầu tháo khoán ngân khoản hỗ trợ đợt đầu 45.000USD của FFI. Bấy giờ, tình cảm cũng thay đổi. Theo ký giả Ðặng Quang Thương : “Những con voi đáng giận nhưng cũng đáng thương đang chuẩn bị làm một chuyến ly hương cưỡng bức gần 600 cây số từ Tánh Linh (Bình Thuận) về nơi cư trú mới ở Ðắc Lắc”. May mà đàn voi được “đảng và nhà nước ta” chiếu cố giúp đỡ cho quy trình ly hương đó, y hệt như bí thư tỉnh ủy Nguyễn Minh Triết đã từng hỗ trợ thuyền nhân vượt biển vào những năm cuối thập niên 70 bằng chính sách … bán bãi thu vàng.


Chi phí chuyên chở voi được ấn định ở mức 850 triệu đồng mỗi con. Kế hoạch bắt voi được lên khung. Chuyên gia săn bắt cùng bác sĩ thú y về voi của Mã Lai và Ấn Ðộ được triệu thỉnh. Tính chất quốc tế đã có đủ. Súng bắn thuốc gây mê được đặt mua từ nước ngoài. Xe vận chuyển và dây xích voi được đặt mua trong nước.


Theo ký giả Lý Sinh Sự thì “có báo nói sẽ dùng “hải, lục, không quân” (có cả trực thăng)” trong kế hoạch này. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên phương án khảo sát thực tế địa bàn và quy luật sinh hoạt của đàn voi. Cũng nội ngày 31-10-2001, Shariff, chuyên gia săn voi người Mã Lai đã thân hành từ Ðắc Lắc xuống Phan Thiết để đi khảo cứu khu vực voi dữ. Ðồng thời, bộ chỉ huy hành quân đã chọn mua 2 con voi nhà tại Ðắc Lắc, dự kiến để dùng vào việc áp giải voi rừng đến địa điểm theo tính toán để bắn thuốc gây mê. Ăng-ten phục vụ truyền tin bằng máy bộ đàm được lắp đặt ở trong rừng. Tất cả chiến cụ bắt voi và phương tiện phục vụ đoàn bắt voi được tập kết tại Tánh Linh, sẵn sàng làm tốt hậu cần cho chiến dịch, dự trù khai hỏa vào đầu tháng 11.

Trong Rừng Gì Nặng Bằng Voi ?


Cuối tháng 10, Hội Nghị Báo Chí Toàn Quốc tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Bộ Chính Trị CSVN được ban Tư Tưởng – Văn Hóa Trung Ương tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị ghi nhận : “Tình trạng thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên về phẩm chất, đạo đức của một số nhà báo có xu hướng tăng lên. Bệnh ‘ngôi sao’ tự thỏa mãn đã xuất hiện ở một số cơ quan báo, đài…”. Ký giả các báo, từ đó, dồn nỗ lực vào chiến dịch di dời đàn voi dữ cực kỳ gay cấn, để trám vào lượng tin tức không phù hợp với định hướng thông tin của đảng, bao gồm các tin nóng về tham nhũng và khiếu kiện.


Nói theo chữ của ký giả Chu Thượng, chệch hướng là loại tin về cuộc thi đua “Xâu Xé Tiền Chùa”. Ðiển hình như vụ tham ô trên 4 tỷ đồng ở Mường Tè, hay Cty Thành Công (Hà Nội) “rút ruột” ngân hàng 7,612 tỉ đồng và 110.800 USD. Cho tới bảng giá trên đường dây bán dâm cao cấp người mẫu và diễn viên điện ảnh VN là 1000USD/một “suất”, tức tương đương với tổng sản lượng bình quân của 3 người dân Việt/một năm. Hay, vụ “tiêu cực” đường Liên cảng A5 gây thiệt hại 3,37 tỉ đồng. Cao hơn nữa là vụ tham ô ở Cty Hưng Thịnh thuộc Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, “làm thất thoát” 5,9 triệu USD. Hoặc, kết quả thống kê mới nhất của 55 tỉnh, thành phố: “69% số vụ án bị ‘hình sự hoá’ thuộc nhóm tội ‘lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’…”.


Trên tinh thần đó, kể từ đầu tháng 11, cả nước được cập nhật tối đa về… dấu phân voi. Vụ án cò đất ở Hà Nội xảy ra tương đối khá âm thầm. Theo Lý Sinh Sự, “Nguyễn Song Nhi trở thành kẻ tuẫn tiết đầu tiên trong giới ‘cò đất’. Sau Nhi chắc ít kẻ dám trắng trợn làm liều, nhưng trước Nhi có hàng trăm hàng nghìn kẻ khấp khởi mừng thầm vì chắc tòa không bới chuyện đã rồi ra làm gì”. Cò Nhi chỉ lĩnh huê hồng buôn bán 600m2 đất. Cả con đê Yên Phụ của hai “quan cò đất” Phạm Thế Duyệt và Ngô Xuân Lộc to lớn, phức tạp và … tế nhị hơn nhiều.


Lẽ tất nhiên, dãy đất hàng ngàn cây số vuông dọc theo biên giới Hoa-Việt mà “tổng lái đất” Lê Khả Phiêu dâng hiến cho Tàu lại càng khó thể bàn luận trên dàn báo đảng.


Cũng y vậy, lễ phát động đợt cao điểm “Tập trung toàn dân tham gia phòng chống ma túy” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 02-11-2001 bị chìm sâu dưới lượng tin voi. Các bản tin và phóng sự trong nước được ghi chép và bình luận rất sâu sát về từng chi tiết của cuộc hành quân săn voi, dù các chi tiết ly kỳ đó không giống nhau trên các báo. Ðặc biệt là trọng lượng của voi. Báo nào cũng muốn voi trên báo mình nặng nhất. Lệnh khởi quay bộ phim về Lê Duẩn, với màn phỏng vấn Võ Văn Kiệt mở đầu ngày 10-11-2001, bị đè bẹp dí bên dưới hình ảnh các dấu chân hình hột xoài.


Ngày 08-11-2001, nhiều báo trong nước đăng bài phỏng vấn Osama bin Laden, do ký giả Hamid Mir người Pakistan thực hiện. Bin Laden nói : “Chúng ta sẵn sàng chết. Người Mỹ rất tham sống. Ðó là sự khác biệt rõ ràng của hai phía”. Nghe quen quen. Nhiều nhà báo còn đâm nhớ thời cổ động chiến dịch vét dân vào đốt cháy Trường Sơn. Ngày 12-112001, báo Lao Ðộng đăng bài “Miền Trung làm gì để đối phó với bão số 8 ?”. Cạnh đó là một bài khác dài hơn, về chiến dịch ra quân bắt voi.


Ngày 13-11-2001, tin thắng lợi bước đầu từ tiền tuyến đưa về: Lực lượng liên quân phối hợp VN-Mã Lai-Ấn Ðộ đã đánh mê được 2 voi. Át cả bản tin Phan Văn Khải đánh điện mừng Trung Quốc được chính thức gia nhập WTO và “đánh giá cao việc TQ tuyên bố dành quy chế tối huệ quốc cho VN”. Rồi, “vào lúc 22 giờ đêm 13-11, phóng viên báo Lao Ðộng quay trở lại rừng Tánh Linh đã tiếp nhận và xác minh một nguồn tin quan trọng: Một trong hai con voi bị đánh thuốc mê đã xổng mất. Qua ngày hôm sau thì dân trong vùng phát hiện được cả hai voi bị gây mê đều… thành liệt sĩ”. Tổ chức FFI nói thẳng nói thật là không mấy vui. Chủ trương của nhà nước CHXHCNVN lập tức được đổi mới một chữ, thành: “Sinh mạng voi là trên hết”. Cụ thể ra, phải lập ngay phương án hỏa thiêu xác voi chết. Lực lượng hành quân được lệnh dậm chân tại chỗ để bàn lại kế hoạch, như dạo chuẩn bị ký kết bản thương ước Mỹ Việt hồi năm 1999 tại Tân Tây Lan. Nhằm “bổ xung các biện pháp an toàn cho voi”.


Một tuần sau, “đợt II chiến dịch săn voi chính thức mở màn ngày 22-11”. Kế hoạch hành quân có một điều chỉnh quan trọng: “các lực lượng bảo vệ sẵn sàng tại ‘mặt trận’ nếu bắt được voi sẽ đưa 2 máy phát điện để thắp sáng, bảo vệ 24-24 giờ cho voi”. Cơn bão số 8 vẫn tiếp tục tàn phá miền Trung. Phó chủ tịch quốc hội CSVN Mai Thúc Lân thở dài : “hiện cả nước chỉ có 5 tỉnh, thành phố (Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội) đóng góp ngân sách cho trung ương”, trong khi 20-30% ngân sách cả nước được chi vào việc xây trụ sở và mua ôtô. Tin tức về tai nạn xe cộ vẫn giữ đều nhịp điệu tổn thất 30 người/ngày. Báo Lao Ðộng đăng bên cạnh bản tin giao thông đó một bức ảnh phóng viên Lê Thanh Phong chụp chung với “đội bảo vệ voi”.


Ngày 23-11-2001, mục Nói Hay Ðừng trên báo này nhắc lại lời phân tích của Phan Văn Khải rằng: “có 4 nguyên nhân để tham nhũng phát triển là cơ chế xin-cho; quản lý tài chính lỏng lẻo; thủ tục đầu tư, đấu thầu vừa nhiêu khê vừa dễ lợi dụng; công tác thanh tra, giám sát làm chưa tốt”. Chánh án Tòa án Nhân Dân (TAND) Tối Cao thì nói về truyền thống tham nhũng: “Mặc dù Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng và có những biện pháp kiên quyết nhưng chưa đẩy lùi được”. Còn Viện trưởng Viện KSND Tối Cao cũng bảo: “Tình trạng tham nhũng không giảm”. Không hề chi, chuyện đâu còn đó!


Tin nóng trong ngày 23-11 là lực lượng phóng viên săn voi báo cáo chú voi thứ ba đã bị bắn mê ở xã Suối Kiết, và được chuyển đến Vườn Quốc Gia Yok Ðôn vào chiều ngày 26-11. Các đảng biểu của quốc hội CSVN cũng đã bắt đầu vào phiên họp. Hàng trăm đồng bào từ Nam chí Bắc đã tụ tập về trước cổng trụ sở trung ương đảng CSVN ở số 1 đường Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, để biểu tình đòi giải quyết khiếu kiện và đòi trả lại đất đai vườn ruộng. Có người cho biết đã gửi đi khắp nơi tổng cộng 12 ký-lô đơn khiếu kiện suốt chục năm nay! Tính bình quân cả nước ắt phải gấp ngàn lần trọng lượng đàn voi. Sau đó, đoàn người khiếu kiện kéo về đứng trước cửa biệt thự của tổng bí họ Nông ở số 66 đường Phan Ðình Phùng. Loại tin này được ém kín bưng. Ðoàn săn voi đang chuẩn bị tung ra một đợt hành quân mới.

Não Bộ Thứ Hai


Ngày 26-11, ngay vào lúc Trần Ðức Lương sang thăm hữu nghị nước bạn Kampuchia thì tại Nam Vang đã “ngẫu nhiên” xảy ra 1 vụ hỏa hoạn kinh hoàng trong khu vực người Việt tập trung, với “hơn 1.000 căn nhà đã bị cháy và gần 1.000 căn khác bị hư hại nặng”. Trong buổi hội thảo “Phát huy quyền chủ động của các tổ chức tham gia dự án chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại tiểu vùng Mekong”, do Sở Lao Ðộng – Thương Binh – Xã Hội tổ chức cùng ngày tại Sài Gòn đã kết luận rằng: “70% gái mại dâm Kampuchia là người Việt Nam”. Kế hoạch đợt ba trận tiến công đàn voi cũng vừa được đúc kết phần kinh phí.


Ngày 27-11, Bộ Chính Trị CSVN ban hành “Nghị quyết về Hội nhập Kinh tế Quốc tế”. Ðây cũng là ngày mở đầu đợt III của chiến dịch săn voi, lại trùng vào buổi “chất vấn” của quốc hội. Ðảng biểu Lương Ngọc Toản cảnh báo: “Trong khi nhiều nơi không có trường học thì có nhiều vị cán bộ vẫn đi ôtô có giá cả tỉ đồng. Số tiền một chiếc xe đó đủ để xây dựng được hai trường học”. Ðảng biểu Tô Tử Thanh vừa đặt câu hỏi vừa tự trả lời: “Ai cho phép ‘chạy’ chức, ‘chạy’ quyền? Ðó phải là người có quyền, có chức”. Ðảng biểu Phan Thị Tuyết Mai yêu cầu chính phủ phải “tránh tình trạng nhận thiếu sót chung chung và những tồn tại cứ… tồn tại mãi”. Ðảng biểu Nguyễn Xuân Thiết đề nghị: “Chính phủ phải kiểm điểm kỹ về tình trạng trên bảo dưới không nghe”. Chí lý. Nhưng cả bốn nói chẳng ai nghe.


Bởi, theo lời đánh giá của Phạm Thế Duyệt đăng trên báo Lao Ðộng: “Phần lớn họ đều không phải đại biểu quốc hội chuyên nghiệp”! Cùng lắm là chỉ được cái nết ngoan ngoãn ? Và cũng bởi tối hôm đó, “tổ phóng viên HTV đã ghi lại được hình ảnh đàn voi đang trú ngụ thuộc địa bàn thôn 1 xã Suối Kiết”, lập tức được lệnh trình chiếu cho cả nước chiêm ngưỡng. Giá trị của đoạn phim là ở chỗ điều hướng sự quan tâm của khán giả ra khỏi những pha tranh luận “tiêu hành muối tỏi” sôi động suốt cuộc họp quốc hội, bằng một câu hỏi không ai trả lời chính xác được vào đợt III của cuộc hành quân: Có cả thảy mấy con trong đàn voi dữ ?


Chiều 28-11, quốc hội CSVN biểu quyết thông qua bản thương ước Mỹ – Việt theo đúng hướng chỉ đạo của “trên”, với một số “lưu ý những thách thức khi Hiệp định này có hiệu lực, đặc biệt là vấn đề an ninh kinh tế”. Ðáng ngại nhất là, theo bộ trưởng Tư pháp CSVN Nguyễn Ðình Lộc thì: “Cá nhân và pháp nhân của Mỹ có quyền tiếp cận với tất cả cơ quan tư pháp Việt Nam…. Ðể thực hiện được tính minh bạch và trong sáng của Hiệp định, sẽ động chạm đến cả bộ máy, cơ chế ta đang quen thuộc”. Còn chính thức trên bài xã luận báo Nhân dân thì “Ðó là sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều hàng hóa và loại hình dịch vụ. Ðó là sự hiểu biết còn hạn chế về luật lệ, cơ chế của Hoa Kỳ. Một thách thức lớn nữa là nhiều thế lực ở Hoa Kỳ chưa giã từ thái độ thù địch đối với Việt Nam, mang nặng di chứng chiến tranh, muốn lợi dụng HÐTM để lái đất nước Việt Nam đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa, mất độc lập chủ quyền. Việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua cái gọi là ‘Ðạo luật nhân quyền Việt Nam’ cùng với HÐTM cho thấy rõ mưu toan đó”. Vẫn chưa một ai cả quyết được tổng số voi trong đàn voi dữ ở Tánh Linh.


Sáng ngày 29-11, bàn nội dung giáo dục, vẫn Phó chủ tịch quốc hội Mai Thúc Lân thở dài lần nữa: “Không có nước nào nhiều viện sĩ rởm, tiến sĩ giấy như ở nước ta”. Ðiều này biết rõ hơn số voi. Cùng ngày, lễ kỷ niệm lần thứ 26 Quốc khánh nước Cộng Hòa dân Chủ Nhân Dân Lào được long trọng tổ chức tại Vinh, Nghệ An. Bên cạnh đó, tin tức về hậu quả cơn bão số 8 được mô tả là kinh hoàng trên nhiều tỉnh. Nhưng bù lại, về mặt tích cực, tin các báo loan đi là đã có thêm 1 con voi đực bị gây mê và sẽ được đưa lên Yok Ðôn 2 hôm sau. Báo Lao Ðộng cho biết là tình trạng “sức khỏe rất tốt”.


Trong khi đó, cuộc họp quốc hội đang thảo luận ở tổ theo dự thảo của đảng về việc sửa đổi Hiến pháp VN 1992. Phần lớn đều hoan nghênh quy định về bỏ phiếu tín nhiệm ở quốc hội về thẩm quyền bãi nhiệm các quan chức bên phe chính phủ. Chỉ riêng đảng biểu Vũ Ðình Cự (Lạng Sơn) lại cảm thấy lo lắng cho tình trạng sức khỏe của đảng, vì: “Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của Ðảng, mọi đảng viên phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên, trong đó có quyết định nhân sự của Bộ Chính Trị. Và như vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm có còn ý nghĩa? Hơn nữa… bỏ phiếu tín nhiệm, nếu tổ chức không tốt, còn có thể gây mất ổn định xã hội. Vì các địa phương, kể cả trong Ðảng, cũng sẽ ‘đòi’ làm theo. Ðặc biệt có thể xảy ra nguy cơ mất đoàn kết, kéo bè cánh vận động bỏ phiếu ‘đánh giá’ nhau”.


Ngày 30-11-2001, bộ trưởng tài chính CSVN Nguyễn Sinh Hùng báo cáo: “Số tiền mua ôtô hết 372 tỉ đồng”. Nông Ðức Mạnh bắt đầu chuyến đi triều kiến chính thức để Bắc Kinh hợp thức hóa việc tấn phong. Bản Tuyên Bố Chung Việt-Trung ghi rõ: “Hai bên nhất trí cho rằng, việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000, và các văn kiện chung giữa cấp cao hai Ðảng, hai nước là những sự kiện có ý nghĩa trọng đại, khẳng định quyết tâm của hai Ðảng”. Nhân cuộc phỏng vấn của tạp chí Trung Hoa Anh Tài, Nông Ðức Mạnh đã tuyên bố: “Tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc là tài sản vô giá của hai Ðảng và nhân dân hai nước”.


Phần đầu nhiều. Phần sau rất ít. Ðiều đáng phiền là hình như két sắt chung đang do TQ nắm giữ. Cùng ngày, chính phủ Thụy Ðiển “cam kết” viện trợ cho VN một ngân khoản lên tới gần hai triệu đô la, chính xác là 1 triệu phết 86 mỹ kim! Phan Văn Khải ban hành Chỉ thị 29-2001/CT-TTg về việc “Nghiêm cấm dùng tiền công quỹ để biếu xén trong dịp lễ, tết”. Sở Thương Binh – Lao Ðộng Sóc Trăng thú nhận rằng gần 90% hồ sơ liệt sĩ tại đây là giả, ngay cả “Phó chánh Thanh tra Sở Lê Văn Chức cũng là thương binh giả”. Tính đến hết tháng 11, cả nước có gần 162.000 thuê bao dịch vụ Internet (chiếm 0,2% dân số). Thống kê của bộ công an cho biết lượng án giết người cướp của ở Sài Gòn tăng gần 85%, so với cùng kỳ năm ngoái. Nhân đọc phóng sự về cuộc hành quân săn voi này, nhiều người mới rõ là trong địa bàn tỉnh Bình Thuận có một địa danh thống thiết là núi Trời Ơi ! Không ai biết thêm đó là núi đá hay núi đơn khiếu kiện! Bộ chỉ huy đợt III của chiến dịch săn voi báo cáo chưa có tín hiệu đáng mừng nào mới, chiến thuật cập nhật bấy giờ là “dù chậm nhưng vẫn vội vàng”.


Ðến ngày 03-12-2001, đại sứ Hoa Kỳ Raymond F. Burghardt chính thức nhậm chức tại VN. Cùng ngày, tin chiến thắng vang khắp phố phường: Liên quân quốc tế đã còng được con voi đầu đàn. Nghe cứ như Osama bin Laden bị bắt sống. Nhận chìm tức khắc lời đánh giá của Phan Văn Khải trước quốc hội CSVN về nguyên nhân của những mặt yếu kém: “Cái gốc của các nguyên nhân là công tác tổ chức, cán bộ còn nhiều bất cập… Tuy nhiên, trong các giải pháp lớn của Chính phủ thì công tác cải cách tổ chức, bộ máy lại ở vị trí cuối cùng”. Trường đại học Nghệ Thuật ở Huế xác định có 18 bằng đại học đã được cấp theo diện “đặc cách” và diện “điều kiện lịch sử”.


Cũng mất dấu tăm hơi trong ngày này là mấy dòng tin cho biết Giáo sư Trần Văn Giàu, một “nhà trí thức có công trong kháng chiến miền Nam”, đã góp 1.000 cây vàng để lập ra giải thưởng về công trình nghiên cứu lịch sử. Giải thưởng này mang tên người hiến vàng và sẽ được trao hàng năm cho các tác giả, các công trình nghiên cứu về lịch sử. Ðiều kiện duy nhất là không được viết về kinh Ðốc Vàng và thủ phạm ám hại Ðức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo.


Văn phòng thường trực Phòng Chống Bệnh AIDS (thuộc bộ y tế CSVN) bị tố cáo: “kinh phí viện trợ của hai năm không có chứng từ, hàng chục tỷ đồng mất tích, kế toán viên phản đối thì bị trù dập…”. Hôm sau, liên quân Việt-Ấn-Mã lại tóm thêm được 1 voi cái.


Ngày 06-12-2001, nhân dịp tổng kết 1 tháng thực thi Nghị định 81 nhằm khuyến khích Việt kiều mua nhà ở VN, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ báo cáo là “số Việt kiều mua nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Quan trọng hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Trung Ðông trên cơ sở các Nghị quyết 242 và 338 của Hội Ðồng Bảo An LHQ và nguyên tắc “đất đai đổi lấy hòa bình”. Có lý nào đó là nguyên tắc của cựu tổng bí Khả Phiêu phát minh trong chuyến khấu tấu bên Tàu ?


Cùng ngày 06-12-2001, nông dân Ðồng Tháp kéo ra Hà Nội biểu tình trước khu Ba Ðình, nơi diễn ra cuộc họp quốc hội, đồng thanh kêu gào đòi giải quyết nạn cướp đất giật nhà ở địa phương. Có thể nào dùng lại khẩu hiệu “đất đai đổi lấy hòa bình” vừa nói được chăng ? Trong lúc đó, Hội Gan Mật VN tổ chức lễ phát động chuyên đề “Ðể Việt Nam không còn bệnh viêm gan siêu vi B”, đã công bố số liệu thống kê là “Trên 10 triệu dân VN bị nhiễm viêm gan siêu vi B”. Tuy nhiên, đề tài tranh cãi gay cấn trên các trang nhất là còn lại bao nhiêu voi dữ trong rừng Tánh Linh ?


Ngày 7-12, Lê Huy Ngọ và Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo với quốc hội Hà Nội là “Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ có ba phiên họp để bàn về nông nghiệp và nông thôn”, nội dung chủ yếu nhắm vào vấn đề tiêu thụ nông sản. Không nghe nói mỗi phiên kéo dài mấy chai cô-nhắc. Cùng lúc, Sở Lao Ðộng – Thương Binh tỉnh Phú Yên kêu cứu là hiện “121.630 người của gần 28 nghìn hộ trên địa bàn tỉnh cần được trợ giúp lương thực để giải quyết nguy cơ thiếu đói do hậu quả của cơn bão số 8”. Báo chí trong nước thống nhất với nhau vào dịp này là đã có cả thảy 4 con voi được đưa về trại Yok Ðôn an toàn, có gài máy định vị qua vệ tinh mua của Tân Tây Lan, kèm theo đầy đủ thức ăn và nước uống dự trữ tầm dài.


Ðợt săn voi thứ IV được khởi động vào 9 giờ sáng ngày 8-12. Chính xác hơn hẳn toàn bộ 80.000 vé tàu xuyên Việt S7 trong tháng 1, 2 và 3-2002 bị in nhầm giờ khởi hành. Cục Ðường Sắt đã chỉ thị cho hành khách phải ra ga Sài Gòn để đổi lại vé. Hôm sau, Nguyễn Tấn Dũng khăn gói đi Mỹ.


Ðến ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12, lực lượng hành quân đã bắt thêm 2 con voi, con cuối cùng tẩu thoát mất dạng. Ðồng thời, điều 2 trong chương 1 của bản hiến pháp Hà Nội 1992 được 88,8% đảng biểu thông qua câu bổ sung: “Nhà nước của chúng ta là ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Bộ Thương Binh – Lao Ðộng tung ra thống kê về thành quả các chiến dịch cai nghiện ma túy là “90% tái nghiện”. Nhưng chẳng hề gì. Phóng viên Hồ Tùy Hòa ghi nhận điều đáng quan tâm hơn hẳn là: “Hiện chính quyền và nhân dân địa phương cùng đoàn săn voi rất lo lắng cho số phận của con voi còn lại”.


Ngày 11-12, bộ y tế ra thông báo tăng giá máu người từ 225.000 lên 260.000 đồng một lít. Ngày 12-12, giá lúa ở nước ngoài tăng đột ngột, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lao đao. Còn nông dân thì vẫn giữ nguyên tình trạng xác xơ như cũ. Trên một bài báo ngắn, ký giả Lý Sinh Sự đề nghị biện pháp ngăn chận tham nhũng hữu hiệu là phải có “chủ trương thép, biện pháp gang, quyết tâm kim cương”. Nghe có lý vô cùng. Chỉ rất tiếc là các thứ đó đều hiện nằm trong túi lãnh đạo.


Xưa, vĩ nhân Pasteur bảo: “Ngày nào tôi không làm việc, tôi có cảm tưởng như đã phạm tội ăn cắp”. Bạn đọc VNDC Lê Khuyết Danh ngày nay lại nói ngược: “Ngày nào không ăn cắp, họ tưởng như không làm việc”.


Cùng ngày, tại buổi hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh THCS”, Viện Nghiên Cứu Giáo Dục công bố: tỷ lệ quay cóp ở học sinh lớp 7 là 28% còn ở học sinh lớp 9 là 55%. Báo Thanh Niên bình thêm là “Trên thực tế, con số này còn có thể cao hơn”. Ngày 14-12-2001, dự án cải tạo Công viên Lênin ở Hà Nội được chuẩn bị lắp đặt 20 loại trò chơi, bằng kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Tại khu vực cải tạo mới của đàn voi di dời, người dân Tây Nguyên đồng loạt rộ lên phong trào đốn dọn cà phê để bán trang trại. Nguyên nhân hoàn toàn vì lý do cà phê rớt giá. Ðến ngày 15-12, các chuyên gia Mã Lai và Ấn Ðộ đều lên đường về nước. Con thứ 9 của đàn voi Tánh Linh được ghi nhận là “mất tích”.


Ðến ngày 22-12-2001, nhân dịp lễ “Chào mừng Ngày Thành lập quân đội”, Hội diễn ca múa nhạc mang chủ đề “Hát mãi khúc quân hành” đã được tổ chức tại Cung Văn Hóa -Lao Ðộng ở Sài Gòn. Như một trùng hợp đầy ý nghĩa, tin tức lại đổ dồn về đàn voi di dời bắt đầu vượt trại, quậy phá vùng ven Yok Ðôn, đặc biệt là ở vùng huyện Dak Win. Không ai dám đoan chắc là nên dùng thành ngữ nào đúng nhất để mô tả sự kiện này: bắt voi bỏ dĩa, hay lấy dĩa úp voi? Các máy định vị của Tân Tây Lan được đặt mua với giá khá cao, nhưng trở thành vô dụng, vì lý do “nhân viên ta không biết cách sử dụng, nên không thể biết voi đi đâu”. Giá mà việc sử dụng máy định vị dễ dàng như xe Mercedes thì sẽ có khối “quan chức ta” làu làu kinh nghiệm chăng?


Dù gì đi nữa, thành quả cực kỳ quan trọng sau cùng là báo chí đã hoàn thành nhiệm vụ che khuất được các loại tin nóng khác, theo đúng chủ trương Lấy Voi Lấp Án. Chẳng là chín voi được lưng bát sáo đó sao ? Rồi, nhiệm vụ kế tiếp là phải làm cho cả nước thấy ra chiến dịch săn voi là chính sách thắng lợi của một tổng bí thư gốc là công nhân viên kiểm lâm, gọi cho ngắn gọn là định hướng kiểm lâm.


Ðộc giả C.Belling của tờ Viễn Ðông Kinh Tế gửi về cho mục Câu Chuyện Của Du Khách ngày 02-12-2001 đăng lại bản sao một phát hiện đọc được trên tờ Asian Medical News. Tựa đề của bài nghiên cứu này ghi rõ: “Các bác sĩ đã xác định ruột già là bộ óc thứ hai”. Nhóm bác sĩ đó đã nghiên cứu trên số nhân sự bộ chính trị CSVN chăng ?


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page