top of page

2002.04 – Gấp Triệu Lần Hơn

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 20 min read

Thời sự tháng qua được các báo trong nước bình bầu thứ tự ưu tiên đúng theo lô-gích đỏ: Đứng đầu là Hội nghị lần thứ 5 (khóa 9) Trung ương đảng CSVN, chủ yếu nhằm nối dài những khoảng trống cần nhấn mạnh và gắn liền những báo động mới nâng cấp. Kế đến là chuyến đi tắm biển hữu nghị của vợ chồng Đại gia Giang Trạch Dân “vô vàn kính yêu”. Nội dung?


Đừng vội lo, mọi phán quyết của “Người” sẽ “phản ánh” trên các nghị quyết trung ương sắp tới. Rồi tới kỳ họp cuối khóa 10 của bộ phận chuyên ngành lễ tân của đảng, đang cố làm tốt công tác tuyển mộ lớp gia nô kế thừa. Sau rốt là mớ thời sự tạp nhạp lưu cửu thành truyền thống mà tay Lý Sinh Sự vẫn bảo là “cho khối báo chí có việc”….

Vái Mấy Ngài Chăn Trâu


Để làm tựa bài tường thuật, báo Lao Động số 43-2002 trích dẫn lời kêu gọi thống thiết nhất của tổng bí họ Nông trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị lần 5 khóa 9 BCH/TƯ là hãy: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Điểm thiếu sót cốt lõi là “toàn bộ sự thật”. Bởi, nếu chỉ lấp lửng một phần nhỏ của sự thật thì vấn đề vẫn y nguyên đấy. Trên căn bản thiếu sót đó, bản thân họ Nông và bộ hạ đã nói gì về một bộ phận của sự thật trong hội nghị 5 vừa qua?


Trước tiên, sự thật đó là một khẳng định khá đau lòng: “Hội nghị Trung ương lần này có nhiệm vụ tổng kết tình hình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, chủ yếu tập trung vào giai đoạn 1996-2000, đánh giá đúng thực trạng tình hình và các nguyên nhân”. Nói cách khác, đây là khâu yếu nhất của thực tiễn, nhưng chỉ chực giang tay đập thẳng cánh vào mớ lý thuyết hổ lốn làm nền tảng cho XHCN. Hệ thống tem phiếu XHCN, vang danh qua tiếng thơ Xuân Diệu, đã quá vãng từ lâu.


Cũng từ lâu, hệ thống hợp tác xã XHCN đã “mại bản” thành những trung tâm chia chác cấp thấp của đảng và là ngòi nổ của các vùng nóng, từ Quỳnh Lưu sang Giao Thủy. Cùng một “tình hình” và một loại “nguyên nhân” là hoạt động của hệ thống kinh tế quốc doanh đang trên đường được “xử lý” trong thời gian tới. Xem ra, sự thật là mọi thứ đá tảng của XHCN nay đã thành bùn. Một phần nhân loại đã can đảm vất bỏ nó để nhẹ nhàng bước tới. Một phần rất nhỏ còn lại vẫn mải mê “đánh giá tình hình” khô/ướt của bùn để tiếp tục nhào nắn tượng thờ.


Kế tiếp, sự thật còn là một thú nhận rất muộn màng rằng “Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta”. Bản thân của việc thú nhận nhất định không phải là một sự sám hối nào sau những đợt cải tạo tư sản mại bản do đảng vung tay phát động từng khiến bao nhiêu triệu người VN khánh tận và nhận chìm nền kinh tế cả nước xuống đáy vực đói nghèo từ thế kỷ trước tới nay. “Vấn đề chiến lược lâu dài” mà họ Nông vừa nói tới chính là (và chỉ là) phương cách hợp thức hóa chủ trương cho phép đảng viên được chính thức “bóc lột dài lâu” các giai cấp nhân dân qua mọi hình thức kinh doanh tư bản.


Mới hay, hội nghị lần 5 khóa 9 này có một tầm quan trọng đặc biệt:

  • Một là phơi bày trần truồng hết cả mọi hướng độ bế tắc của dàn lãnh đạo Hà Nội trước các quyết định buốt xương phải cởi bỏ lớp áo quần XHCN bằng giấy vàng mã có tên kinh tế chỉ huy tập trung, và thay vào đó bằng loại hàng xịn từng lỡ bị dán nhãn mác kinh tế tư bản bóc lột.

  • Hai là phải trình bày cho toàn đảng cùng nắm vững rằng sự chọn lựa thay thế đó là một thứ chiến lược lâu dài, và cùng chấp nhận rằng cho dù điều đó đi ngược lại tất cả những gì họ được nhồi nhét trước đây về CNXH, nó vẫn là sự chọn lựa có lợi cho bản thân và gia đình của từng đảng viên trong giai đoạn có nhiều chuyển đổi khôn lường trước mặt.

  • Ba là, để biến ước mơ vừa nói thành hiện thực, hội nghị lần 5 khóa 9 này còn một nghị quyết quan trọng không kém là “xem xét một cách toàn diện tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng, lý luận của đảng trong thời gian qua”, rà soát lại “khả năng dẫn dắt và định hướng của công tác tư tưởng, lý luận”, rồi buộc Hội đồng tư tưởng-lý luận và Ban văn hóa-tư tưởng Trung ương phải khắc phục mọi lúng túng đẻ lung tung mà tìm cho ra phương cách bẻ cong bằng được cái định hướng XHCN từng khẳng định từ mấy khóa trước.

Có người nhận định: “chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất (và ngập xác người) đi từ tư bản tới tư bản”. Hội nghị 5 đang vẽ tiếp bản lộ đồ mịt mù mông lung đó. Nhà thơ Hoàng Cầm, từ rặng vải bên kia sông Đuống, cũng nhân tiện sắp vần phụ họa mấy câu:

Một chân mây xa

sinh bao triết thuyết

Những gì ta biết

đến từ hư không

Nẻo đường ta bước

đi tới vô cùng…

Những gì có được

tan vào thinh không…


Dù biết vậy, loanh quanh loay hoay vốn dĩ vẫn là những việc “cơ bản và cấp bách” của lãnh đạo CSVN, mà theo lời Nông Đức mạnh trong diễn văn bế mạc là nhằm tháo gỡ “những vướng mắc trong nhận thức và hành động lâu nay” của bộ chính trị và trung ương đảng. Còn đối với hàng ngũ đảng viên trung và hạ tầng thì bấy lâu nay vẫn vậy, qua các hội nghị BCH/TƯ, điều nắm bắt vững vàng nhất là:

  1. Muốn biết có bao nhiêu khâu yếu nhất của đảng thì hãy đếm những khâu mà hội nghị trung ương đánh giá từ quan trọng tới cực kỳ quan trọng.

  2. Muốn quán triệt tính rời rã rạc rài của các bộ phận đảng ở mọi cấp thì hãy đếm ngay những chữ “gắn liền” được hùng hồn phát biểu trong hội nghị và sau đó trang trọng ghi vào nghị quyết.

  3. Muốn ôn tập đầy đủ mớ từ ngữ phô diễn mọi tính chất cần thiết và cấp bách phải có của các hướng công tác của đảng và nhà nước thì chịu khó đọc suốt nghị quyết. Nó chỉ bỏ qua mỗi thứ duy nhất là bản thân của các công tác đó.


Để tỏ lòng ngưỡng phục tác giả những nghị quyết hoa mỹ sao chép từ khóa này sang khóa khác, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nghiêm chỉnh gieo vần, nhìn thẳng và nói rõ toàn bộ sự thật:

Tôi cúi đầu kính cẩn

Vái mấy ngài chăn trâu…

Dân Vận Như Từ Mẫu


Trong diễn văn bế mạc, Nông Đức Mạnh nhấn mạnh rằng dân chủ cơ sở là “một khâu quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị từ trên xuống dưới, nhưng lâu nay vẫn còn là khâu yếu”. Đã bảo, cứ nhằm các khâu quan trọng mà lại hè nhau yếu cả! Để nguyên nào! Hệ thống chính trị quan trọng đó sinh hoạt thế nào và yếu ra sao cái đã?


Trên tạp chí Tư tưởng-Văn hóa 11/01, Ủy viên phân viện báo chí & tuyên truyền Trần Nam Cường đã tường thuật hoạt động tiêu biểu phổ cập của một chi bộ đảng, qua lời phát biểu của một đảng viên thẳng thắn, như sau: “Tư cách với gương mẫu cái gì?! Một chi bộ có 15 đảng viên mà lại nghỉ sinh hoạt đến 8. Tôi cho đây là điều bất thường. Đảng viên tuổi không cao, sức khỏe không yếu mà lại xin nghỉ sinh hoạt. Ông E. ông T. vẫn đi làm đồng, đi chăn bò bình thường. Làng có đám vẫn uống được dăm bảy chén rượu, còn khỏe lắm, chẳng qua là các ông ấy muốn tự do. Tôi hỏi ông H. ông vẫn giữ cương vị là Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, còn hăng hái sao ông lại xin nghỉ sinh hoạt (chi bộ). Hay là ông thấy đi sinh hoạt (chi bộ) không được lợi lộc gì, còn làm Chủ tịch Hội thì ông lại có phụ cấp?”. Mới hay, cái thế cá đối bằng đầu ở hạ tầng cơ sở đã tạo ra phản ứng kèn cựa nhau về chức tước và gay gắt nhau về bổng lộc, thường trực. Còn công tác thì chẳng ai màng rớ tới. Bài phân tích sâu sắc này mang một tựa đề có tính khát khao là “Đảng viên tự do”!


Cũng trên cùng số báo vừa nói, Trần Trọng Tân, một cây đa tróc gốc trong làng lý luận Hà Nội, đã ghi nhận trong bài viết “Về bản lĩnh và uy tín trong sự lãnh đạo của đảng”, rằng: “để trong Đảng có tình trạng sợ nhau là điều đáng báo động về nguy cơ Đảng bị thoái hóa”. Tức là, ngược lại với tình hình chi bộ các đảng viên chăn bò nói trên, cũng cái thế cá đối bằng đầu đó lại sinh ra phản ứng nghi kỵ nhau kịch liệt ở giới cựu chăn trâu trên thượng tầng: Mỗi ủy viên chính trị bộ đều có trong tay đầy đủ hồ sơ tiêu cực (tình&tiền) của 14 tay kia.


Tất cả đều ghìm nhau vào thế thỏa hiệp tương nhượng bằng những tập hồ sơ đen đó. Một ủy viên lỡ bị ốm nằm viện, phải ít nhất 2 ủy viên khác cùng rủ nhau đến thăm mới là đúng quy luật. Một mình tới thăm người ốm, tất yếu là sẽ bị nghi ngờ âm mưu thủ thỉ kết bè riêng, khiến chính kẻ ốm cũng không dám tiếp! Cái nguy cơ mà Trần Trọng Tân lo lắng chính là sự ghìm giữ để dính liền biểu kiến với nhau bằng những quyển sổ đen như thế không thể nào bền được. Mà cấp lãnh đạo đỉnh chóp đã thế, làm sao trung và hạ tầng có thể gắn bó với nhau và với “trên”?


Nỗi lo của Trần Trọng Tân là điều có thật. Và không chỉ dừng ở đó. Trên tạp chí Dân Vận tháng 11/01, chính Phạm Thế Duyệt còn nhìn thẳng và nói rõ hơn, sau khi bị đá văng ra khỏi chính trị bộ, về sự thật nhân dân oán ghét đảng mà tác giả không muốn các ủy viên đương nhiệm có thể chối cãi: “Do đội ngũ cán bộ mắc sai phạm quan liêu, tham nhũng mà dân rất oán ghét, phản đối, như ‘Sự kiện Thái Bình; sự kiện Giao Thuỷ; sự kiện Tây Nguyên và các vụ khiếu kiện gay gắt kéo dài…’ đã chứng minh điều đó”.


Ở cương vị Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc, Duyệt bảo rằng không chỉ đảng viên xa rời lãnh đạo. Hẳn rồi! Nhưng mà dân còn đứng xa hơn nữa, tận bên kia lằn ranh mà dân tự vạch. Có nghĩa là đã có một tương lai thấy trước cho cả đảng, và nếu có ngày nào phải đối diện với nó thì đừng trách là bộ phận dân giận không báo trước! Trách nhiệm của Duyệt chỉ ngần đó. Còn lại là của… Mạnh.


Thế, Mạnh nói sao? Tại Hội nghị do bộ chính trị CSVN tổ chức cho cơ sở địa phương về học tập Quy Chế Dân Chủ hồi đầu tháng 3/02, tổng bí họ Nông đã nhắc lời họ Hồ rằng: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Rồi mới thủng thẳng “thưa các đồng chí” rằng phải nhớ nghị quyết trung ương lần 3 khóa 8: “Tiếp tục phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước”. Rõ rồi nhé: mục tiêu của dân chủ là để bảo vệ nhà nước!


Thế, còn đảng làm gì? Huấn từ của Mạnh đề cập khá rõ: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn bộ xã hội. Muốn phát huy dân chủ xã hội, Đảng phải nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ”. Nêu gương thế nào? Theo ý kiến chỉ đạo của Mạnh, nhất định “Không thể chấp nhận được tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’, ‘phép vua thua lệ làng’ như đã từng xảy ra”. Còn theo Ủy viên bộ chính trị Trương Quang Được, thì cũng không thể chấp nhận tình trạng đảng viên cho rằng “đây là ‘vấn đề cũ’, ‘nói mãi rồi’, mà không thấy hết ý nghĩa sâu sắc, tính cấp bách trong tình hình hiện nay”.


Hóa ra, Hội nghị về Quy chế Dân chủ không nhằm bàn thảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, mà là để vạch tội bọn địa phương rắn đầu cứng cổ. Tức là, vẫn quay về hai sự thật đáng ngại (ở trong/ngoài đảng) và khá “cấp bách trong tình hình hiện nay” mà Trần Trọng Tân cùng Phạm Thế Duyệt đã hè nhau nhìn thẳng và nói rõ bên trên.


Kết luận? Trưởng ban Dân Vận Trung ương Trương Quang Được cho rằng bằng mọi giá, phải tìm ngay chiếc chìa khóa vạn năng, “bảo đảm quy chế dân chủ được thực hiện thường xuyên như nhu cầu tồn tại của một cơ thể sống”. Đừng ai xấu mồm bảo rằng Được đang nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ toàn bộ sự thật là cái cơ thể đó hiện nay đang trong tình hình… Sống Chung Với AIDS! Chuyển ngữ theo lối y học là… liệt kháng. Còn nói kiểu bình dân là… hết đỡ! Bảo rằng tình hình Dân Giận Là Từ Mẫu thì có …bỏ mẹ không nào?

Thế Đại Tương Truyền


Trong bối cảnh bỏ bu đó, Tổng cục Du lịch VN vừa liên hoan ăn mừng một thành tích mới: Tổ chức đón tiếp “trọng thị và chu đáo” một phái đoàn “du lịch đầu thế kỷ” đến từ Bắc Kinh. Dẫn đầu phái đoàn là vợ chồng Giang Trạch Dân-Vương Gia Bình cùng vợ chồng Tiền Kỳ Thâm-Chu Hàn Quỳnh và một đám tùy tùng hùng hậu. Tất nhiên là không thể thiếu quan “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền” Tề Kiến Quốc.


Chưa bao giờ tiểu sử của một cựu Phó giám đốc Nhà máy Xà phòng Thượng Hải được trang trọng đăng trên trang nhất báo Nhân Dân ở Hà Nội như lần này. Cũng chưa bao giờ báo chí trong nước chen nhau tường thuật tỉ mỉ các dấu chân, kể từ sau vụ di dời đàn voi dữ ở rừng Tánh Linh. Khẩu hiệu của Tổng cục Du lịch VN cũng được cải tạo thành “Điểm hẹn thế kỷ: Hội An”, cho phù hợp với ý muốn của đoàn du khách Tàu Hoa Lục, một tuần sau lễ đón đoàn du khách Tây Ban Nha của Hoàng hậu Sofia de Grecia. Về phía VN, “chủ trì lễ đón” phái đoàn xường xám (nhiệt liệt chào mừng từ sân bay Nội Bài trở đi) là nhiệm vụ của hai cặp vợ chồng Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương, cùng với một đoàn lâu la không kém phần đông đảo và ồn ào, với sự tham dự của cả hai tổng bí phục viên Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu.


So với lần thăm viếng Hà Nội của Bill Clinton hai năm trước thì chuyến du lịch của Giang Trạch Dân kỳ này có một số điểm khác biệt đáng ghi nhận:

  • Một là bài diễn văn đón tiếp của Nông Đức Mạnh mềm mỏng êm dịu hơn đòn đấm gục “đánh cho Mỹ cút” rồi trải thảm mời về mà Lê Khả Phiêu dài dòng phân tích kỳ trước, bởi cái “sứ mạng lịch sử” năm 1979 không hề được đụng tới lần này.

  • Hai là Bill Clinton không thể huơ bút Mont Blanc thành 16 chữ vàng theo kiểu thư pháp của Giang Trạch Dân để dàn lãnh đạo Hà Nội ghi tâm khắc cốt. Lại nữa, làm gì tổng thống Mỹ có thể nhận định sâu sắc như họ Giang, rằng “Hiện nay, kinh tế của hai nước vẫn chưa phát triển, mức sống của nhân dân vẫn chưa cao, chế độ XHCN còn phải không ngừng phát triển và hoàn thiện”?

  • Ba là lần này, cả hai bên đều “bày tỏ hài lòng sâu sắc trước những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu trong quan hệ giữa hai Đảng”, cái mà đảng Dân Chủ của Bill Clinton và Pete Peterson không thể có (thì làm quái gì có thể hy vọng thêm rằng sẽ “đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi”). Dù rằng lần trước dân chúng VN tự động đổ xô đi coi mặt “bác Bill” đông hơn (kết quả thăm dò ý kiến của tờ Tuổi Trẻ về sự ái mộ bác Bill đứng trên chú Khải nó đã khiến Tổng biên tập Lê Văn Nuôi bay chức).

  • Bốn là Bill Clinton không thể yêu cầu Hà Nội hiệu đính toàn bộ sách sử VN như Giang Trạch Dân chỉ thị, để “giáo dục thế hệ trẻ hai nước về truyền thống hợp tác hữu nghị giữa hai nước” suốt mấy ngàn năm qua, đặc biệt là tinh thần hữu nghị gỡ mìn/cắm mốc ở Cao-Bắc-Lạng sau cuộc chinh phạt “giáo trừng” năm 1979.

  • Năm là Mỹ Quốc không đáng được các tổng bí VN ca tụng như lần này “Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu rực rỡ mà nhân dân Trung Quốc đã giành được trên tất cả các lĩnh vực”, kể cả lĩnh vực đất đai và lãnh hải Trung Quốc đã được CSVN cúc cung tận tụy ra sức đắp bồi.

  • Sáu là ngoài mớ đô-la xanh, Hoa Kỳ không có gì quý hơn để “giao lưu tình cảm” khiến “Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì truyền thống gặp gỡ cấp cao dưới các hình thức đa dạng, phong phú”, như Trung Quốc, nhất là khi TQ vừa được Mỹ chấp thuận cho gia nhập tổ chức WTO.

  • Bảy là duy nhất chỉ tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh mới hội đủ điều kiện ấn ký vào biên bản đàm phán với Hà Nội là “không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực”, nhất định chỉ “bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh trên tinh thần xây dựng”.

  • Tám là Hoa Kỳ không có khả năng tạo được điều kiện cần thiết như TQ để “Từ năm 1991 đến 2001, kim ngạch thương mại song phương tăng lên 90 lần”, tính từ số không, và chưa kể lượng hàng lậu ồ ạt băng qua các cửa hữu nghị Mèo Vạc-Móng Cái-Đồng Đăng.

  • Chín là quan hệ của Mỹ với ASEAN không thể được đánh giá “tiến triển vượt bực” như trường hợp TQ, nhờ vào công lao gạch nối của Hà Nội (ở cương vị Chủ tịch Luân phiên ASEAN).

  • Mười là, chỉ vợ chồng Giang Trạch Dân mới xứng đáng được tắm rửa ở China Beach và mới có ý nghĩa trên những bước chân dạo chơi khu phố minh hương ở Hội An.


Còn điểm tương đồng? Khi trò chuyện với tập thể sinh viên Đại học Hà Nội, Bill Clinton đã nhẹ nhàng nhắn nhủ rằng “Tương lai đất nước đang nằm trong tay của các bạn”. Lần này, Giang Trạch Dân đọc một bài diễn văn cũng trước tập thể sinh viên đó, có phần đồng ý với Bill Clinton, rằng “Tương lai tươi đẹp phải do thanh niên tạo ra”. Chỉ mong các cháu ngoan đừng vặn hỏi tương lai tươi đẹp của ai, và cũng đừng tìm hiểu nhiều về một thế hệ sinh viên của Bắc Kinh nhầy nhụa máu thịt lẫn tương lai dưới xích chiến xa tại quảng trường Thiên An Môn, sau lần Gorbachev thăm viếng vào tháng 6 năm 1989.


Lại có người hỏi về chuyện bên lề? Đáng ghi nhận nhất ắt phải kể về một sự bất thường có phương án sẵn: Gần 500 cơ quan ngôn luận trong nước cật lực tường trình mọi cuộc trao đổi giữa Giang Trạch Dân với Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, và cả hàng cắc ké cỡ thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đức Hạt, hay tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng… Chỉ thiếu phần tường thuật dù khái quát lấy lệ giữa Giang Trạch Dân với Phan Văn Khải. Vì sao? Người ta chỉ có thể phỏng đoán là bởi Khải tỏ ra cần Mỹ hơn thân Tàu, rồi dự đoán rằng sự mờ nhạt đó phản ảnh vị trí khá bấp bênh của Khải trong thời gian tới (khó qua con trăng tháng 6-2002), tương tự như sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Mạnh Cầm đi ngược chiều với “tầm cao mới của tình hữu nghị truyền thống VN-TQ” trước đây.


Một chuyện bên lề khác là chỉ non mấy tuần sau chuyến du lịch tắm biển “Nam Hải” của vợ chồng Giang Trạch Dân, nhất là sau khi đọc lời bình bóng gió của tay Phó chủ tịch Citibank (Mỹ) Stanley Fischer trên tờ Viễn Đông Kinh Tế rằng: “có một người hàng xóm thịnh vượng vẫn có lợi cho ta hơn!”, Đại tướng cựu Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng của quân đội CSVN (kiêm Bộ trưởng Quốc phòng thời 1980) đã thổ huyết mãn phần. Coi như một đóng góp muộn màng chút máu xương với hàng chục ngàn bộ đội đã vùi thây dưới chân ải Nam Quan, cho họ Giang có dịp đề chữ lưu niệm “Trung-Việt hữu nghị thế đại tương truyền”.

Sự Nghiệp Nghệ Thuật


Tiết mục kế tiếp trên sân khấu thời sự tháng qua là phần trình diễn của bộ phận quốc hội Hà Nội, trong khóa họp chót nhằm kiểm điểm hoạt động của nhiệm kỳ khóa 10. Thuộc hoạt động lập pháp, bản kiểm điểm bao gồm một lô các con số tổng kết mớ dự luật và pháp lệnh “chất lượng chưa cao” được thông qua trên giấy suốt 5 năm qua, không có gì là ầm ĩ, như phần kiểm điểm về mặt giám sát đã nhấn mạnh “là khâu yếu, thiếu đồng bộ”.


Về mặt giải quyết kiến nghị của cử tri, Chủ tịch quốc hội Hà Nội Nguyễn Văn An đã báo cáo rõ “Đơn thư của công dân được giải quyết trung bình hàng năm là 20-30%”, rồi tự đưa ra nhận định là “công tác dân nguyện vẫn còn nhiều hạn chế”, tức không có gì mới lạ. Điểm quan trọng trong hoạt động của quốc hội là các “quyết định những vấn đề lớn của đất nước…”, gồm 3 phần:


Một là quyết định thực hiện các dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng; Nhà máy khí điện đạm ở Bà Rịa-Vũng Tàu; Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; Nhà máy thủy điện Sơn La”. Cũng không có gì đáng nói, vì chẳng ai biết gì nhiều về mặt kỹ thuật và hiệu quả (hay hệ quả) kinh tế, để nói.


Hai là quyết định “Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Phần này thì tất yếu là không được cả nghe lẫn nói, chỉ được coi là Quyết Định Khống, vì thuộc về phạm trù “bí mật quốc gia”, như “trên” đã chỉ thị phải giữ vững tầm cao hữu nghị mới với người láng giềng thịnh vượng bằng mọi giá, kể cả giá đất đang vọt cao ngang bằng giá máu của “bộ đội anh hùng”.


Ba là kiểm điểm việc “Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại”. Đây là một thắng lợi cực kỳ to lớn của đảng, nên cần được quảng cáo rộng rãi. Thắng lợi to lớn nhất là qua gần mười vòng đàm phán suốt 5 năm dài, “đảng ta” đã gài được vào hiệp ước với “thằng địch” một câu khẳng định tối quan trọng: “VN là một nước đang phát triển ở tầm thấp”.


Gói gọn mọi kiểm điểm vào 1 câu ngắn, Nguyễn Văn An đánh giá tổng kết: “các đại biểu Quốc hội chưa thực sự làm tròn trách nhiệm trước nhân dân”. Tất yếu thôi, bởi, ngày nào các dân biểu còn vo tròn tư cách đảng biểu trước đảng thì ngày ấy vẫn còn treo lơ lửng đâu đó bản tội trạng phản bội trước nhân dân. Gần nhất là tội Phê Chuẩn Khống bản “Hiệp ước biên giới trên đất liền” thành văn kiện mật giúp Hà Nội hợp thức hóa việc dâng đất của Tổ Tiên cho Bắc Kinh. Công bằng mà nói, các đại biểu đều thừa biết rằng họ đang bị đảng còng tay cùm óc bằng những phong bì. Phải giúp đại khối cử tri giúp họ tháo gỡ mớ cùm ô nhục đó thôi.


Ngay cả cựu ứng viên Tổng bí thư khóa 9 Nguyễn Văn An cũng nhận chân điều đó, và nhẹ nhàng phát biểu bằng ngôn ngữ đảng qua kiến nghị xin “Ban chấp hành trung ương Đảng và Bộ Chính trị nghiên cứu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội”. Các đại biểu đều thấy chứ? Điều ô nhục vĩ đại nhất nằm chình ình ở ngay thái độ cúi đầu chấp nhận đó: đảng lãnh đạo quốc hội. Điều ô nhục vĩ đại kế tiếp là xin bộ chính trị lãnh đạo quốc hội cách khác. Phải chấm dứt mớ ô nhục nội bộ đó thì mới họa may ngăn chận được sự ô nhục đối ngoại là hùa đảng dâng đất cho Tàu.


Có lý nào tiếp tục bôi mặt như Phó chủ tịch quốc hội Trương Mỹ Hoa, cứ suốt đời cúi đầu vén váy để được trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp nghệ thuật múa VN”, như trong lễ tiếp nhận ngày 12-3-2002, ngay trước kỳ họp quốc hội vừa qua tại Hà Nội? Những tràng pháo tay vang dội không ngớt trong lễ trao tặng này không phải dành cho cá nhân người được trao giải, mà là sự cổ vũ nhiệt liệt về trình độ diễn đạt của Hội Nghệ Sĩ Múa Việt Nam. Thâm lắm thay, cả người tặng lẫn người coi!

vantiendung@maidich.com.vn


Được chứng thực rõ ràng nhất bằng hàng loạt bản tin thời sự là phần Báo Cáo (được mặc nhiên coi là cuối cùng) của thủ tướng đương nhiệm CSVN trước diễn đàn quốc hội khóa 10. Theo đó, Hội họa sĩ trong nước đánh giá là tay Đại Họa sư Phan Văn Khải ngày càng thăng tiến sở trường sử dụng những gam màu đen và xám trên bức tranh tổng thể VN: “nền kinh tế còn kém hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững; chất lượng các hoạt động giáo dục, khoa học- công nghệ, y tế, văn hóa còn thấp; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Đặc biệt là hệ thống hành chính nhà nước còn kém hiệu lực, chưa đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng…”. Lý do? Dựa sát vào chức năng chỉ đạo, điều hành của chính phủ, tác giả phân tích những thiếu sót, bất cập chủ yếu đó sinh ra do bởi:


Một là: “Chưa có chính sách đồng bộ tạo môi trường thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh”. Quan yếu là thiếu biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước được bao cấp quá nhiều, dẫn tới ỷ lại, trì trệ. Nói rõ ra là do định hướng của đảng: Ngày nào mà CSVN vẫn ngồi ỳ đó chăm lo quyền lợi của đảng trên hết thì mọi lý do nêu ra đều chỉ là hệ quả của nó.


Hai là: “Chậm đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa-xã hội”. Văn hóa không phải là phạm trù hoạt động của đám thổ phỉ chuyên nghề đốt đuốc cho sáng đình làng. Xã hội cũng không thể tiến bộ khi nằm trong tay của đồng bọn Năm Cam. Thế thì, chậm đổi mới không phải là lý do. Muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt cả nước, trước tiên phải dẹp bỏ cái cơ chế quản lý vô học và vô hậu đó. CSVN có thể tha hồ nghiên cứu về bất kỳ thứ chủ nghĩa nào, nhưng không được áp đặt sự kềm tỏa xã hội bằng bạo lực nhân danh chủ nghĩa xã hội. Phải để người dân tự chọn lấy thể chế chính trị theo nguyện vọng đa số.


Ba là: “Cải cách hành chính tiến hành chậm, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, chưa đẩy lùi được quan liêu, tham nhũng”. Nhìn chung, “hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở còn nhiều yếu kém”, thậm chí địa phương còn ra quy định trái luật! Bên cạnh đó, “Nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí đã được nói nhiều, song chưa được giải quyết có hiệu quả. Nguyên nhân là chưa chú trọng giải quyết những vấn đề gốc rễ phát sinh tham nhũng, phát hiện được thì xử lý thiếu nghiêm minh, còn nể nang, né tránh”.


Gốc rễ của nó là đảng CSVN đã xây dựng và nuôi dưỡng một cỗ máy ký sinh sống nhờ tham nhũng. Không dám nói ra điều đó và triệt tiêu điểm xuất phát đó thì có phân tích mấy về hiện tượng tham nhũng cũng bằng thừa. Không để cho người khác nói ra điều đó và thực hiện các giải pháp Tự Dân nhằm chấm dứt quốc nạn này chính là về hùa với bọn lãnh đạo vô lại để bao che tiếp máu cho tham nhũng. Đừng chờ đợi lượng nước mưa dột từ nóc xuống sẽ làm mục thêm và làm sập căn nhà, bởi đó là nhà Việt Nam chứ không phải là nhà CSVN. Cũng vậy, hy vọng đám dương xỉ sẽ tự hủy sau khi hút kiệt nhựa nguyên nhựa luyện của gốc đại thụ là một lối lập luận hèn nhát và là một hành động tích cực chuẩn bị lễ phát tang cho cả dân tộc.


Giải pháp? Nghe đâu, từ miền “an nghĩ cuối cùng”, Văn Tiến Dũng có email về đại bản doanh Ba Đình, khoe rằng dưới đó còn rộng gấp triệu lần khu Thủy Cung Thăng Long, đủ chỗ cho cả đảng hạ cánh an toàn. Phấn đấu nhanh lên nào!


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page