2002.05 – Thối Da Rữa Thịt
- LVMỹ-K24
- Feb 25, 2022
- 19 min read

Trận đấu nội địa cực kỳ sôi động giữa cửu vạn buôn lậu và công an hải quan Hà Tĩnh đã kết thúc với tỷ số 300-13. Kết quả trận đấu quốc tế giữa hai đội TQ và VN tại cửa khẩu Tam Thanh là 700 xe dưa hấu lên men. Riêng phần thời sự nóng bỏng nhất tháng được dành cho hai khu rừng nguyên sinh U Minh Thượng và U Minh Hạ…
Chống Lửa Cứu Rừng
“Không thấy ai đang ngồi khóc, mong rừng tràm đổ mưa…”. Có người đã “cải tạo” nhạc Trịnh Công Sơn như thế khi mô tả tình trạng bất lực của “đảng và nhà nước ta” trong trận đánh “giặc lửa” ngoan cố tàn phá khu Vườn Quốc Gia U Minh, Kiên Giang.
Theo các nhà nghiên cứu trong nước, đây là loại rừng nguyên sinh nuôi một hệ sinh thái đa đạng với tầng than bùn sâu 1-1,5m, lớp thực bì dày 0,5 đến 1m, có nhiệm vụ “giữ nước, bồi đất, khử chua, chống mặn” cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, nay đã bị giảm diện tích gần 1-3, từ 142.520 hecta còn khoảng 100.000 hecta, phần lớn là do nạn cháy rừng. Nếu phân loại người dân VN theo kiểu Hà Nội là “thiếu đói, đói và đói gay gắt”, thì rừng VN đã bị cháy xém, cháy cục bộ, cháy qui mô, cháy vững chắc, cháy xuyên suốt và …cháy rụi. Riêng năm 1988, rừng U Minh Hạ bị cháy rụi 20.000 hecta. Năm 1998 đã xảy ra trên 100 vụ cháy các kiểu. Năm nay, e rằng ông Bình Nguyên Lộc, nếu còn sống, hẳn đã viết thêm truyện ngắn Rừng Tràm Biển Lửa.
Rừng U Minh Thượng phát cháy đợt một vào ngày 22-01-2002, ở khu vực cạnh hồ Hoa Mai, thiệt hại ghi nhận khoảng 24 hecta. Tiếp theo là đợt hai, vào ngày 24-3, được tạm dập tắt qua đêm. Hôm sau, ngọn lửa bùng trở lại, đến 27-3, đám cháy lây lan sang nhiều ô rừng bên cạnh. Lực lượng dân quân địa phương được huy động chữa cháy. Lãnh đạo tỉnh đã bàn đến phương pháp chống lửa bằng máy bay và thuốc nổ nhưng không khả thi. Phương án chống lửa được khẩn cấp đưa lên nghị quyết là “cưa ngang thân tràm” và “thủ công đào con lạch rộng 5m chạy bao quanh”. Ngày 1-4, mục Câu Hỏi Hôm Nay của báo Lao Động đăng bài phân tích “Có cứu được rừng U Minh Thượng?”. Qua đó, Cục phó Cục Kiểm lâm Hà Công Tuấn đã trả lời gián tiếp: “tôi cho rằng đây là vụ cháy rừng lớn nhất nước ta thời gian qua, chắc chắn sẽ khó khắc phục trong thời gian ngắn, phải mất từ mười, thậm chí vài chục năm mới có thể bù đắp lại phần nào những thiệt hại đó”.
Theo Lý Sinh Sự, “Lại có tin rừng cháy 3 ngày sau tỉnh mới biết, 7 ngày sau trung ương mới phát lệnh quốc gia”: Ngày 02-4, Phan Văn Khải nhập cuộc, gửi công điện số 355/CP-NN tới chủ tịch UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ Quốc phòng, Nông nghiệp, Công an, Tài chính, Công nghệ&Môi trường, với yêu cầu:
Thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (mỗi bộ cử một thứ trưởng).
Bộ Quốc phòng, bộ Công an thành lập một Uỷ ban Tìm kiếm Cứu nạn.
Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với bộ CN&MT kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính.
Bộ Tài chính tạm ứng ngân sách để tỉnh chữa cháy.
Chủ tịch UBND tỉnh phải tổ chức các lực lượng thường trực tuần tra.
Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng phải thường xuyên báo cáo kết quả.
Trong tinh thần “triển khai” thành đề án xin tiền nước ngoài vừa nói, báo cáo ngày 10-4 của tỉnh cho biết “ngọn lửa cơ bản được khống chế”. Sáng 11-4, giặc lửa lật ngược tình thế, tấn công luôn cả những “khu vực đã được phòng thủ chặt trước đó”. Ngày 15-4, tin tức cho biết là song song với đám cháy U Minh Thượng, 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tứ giác Long Xuyên tại khu vực kinh KH9 đã bị cháy rụi. Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ tuyên bố “bằng mọi giá, phải giữ cho được rừng nguyên sinh còn lại ở U Minh Thượng”.
Chiến lược mới là bỏ rừng già, cứu lấy rừng non. Chiến lược mới tiếp theo là bỏ luôn rừng non, cứu lấy lực lượng chữa cháy. Theo báo Tiền Phong, “việc chữa cháy rừng tràm dường như đã có giải pháp đúng nhưng việc tiến hành chưa đồng bộ và chậm chạp. Có lẽ, từ nay rừng tràm U Minh Thượng sẽ chỉ còn lại trong ký ức của mọi người mà thôi”.
Đến chiều ngày 16-4, báo cáo của tỉnh là giặc lửa đã đại thắng mùa Xuân, giải phóng toàn bộ khu Vườn Quốc Gia U Minh Thượng. Mọi ưu tư được báo chí trong nước chuyển hướng về nguy cơ cháy rừng ở các tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt là địa bàn 40.000 hecta rừng Tây Ninh. Được biết, nhân dịp này, các tỉnh đều lên tiếng đòi kinh phí, với lý do tiêu biểu chẳng hạn: “Đối với một dự án quản lý trên 14.000ha rừng như Lò Gò – Sa Mát, lực lượng bảo vệ rừng chỉ được trang bị 1 xe bồn chứa 1.000 lít nước, 16 bình xịt khí CO2 loại 8 lít, 4 máy xịt có động cơ loại 16 lít và một số cuốc, xẻng”.
Về phía U Minh Hạ, lâm ngư trường Trần Văn Thời bị cháy 60% vào ngày 20-2. Đến 6-3, có ba đám cháy lớn ở các lâm ngư trường Sông Trẹm, U Minh II và rừng đặc dụng Vồ Dơi. Ngày 19-3, giặc lửa tiến sang khu vực Trại Giam K1, Trung tâm Giáo dưỡng và lâm ngư trường U Minh III. Tù cải tạo được huy động ra đánh lửa cứu rừng. Tổn thất sơ kết là 254 hecta. Tuần cuối tháng 3 có 8 vụ cháy trong khu vực này. Đến tuần đầu tháng 4 xảy thêm 19 vụ cháy trong vùng, thiệt hại 1200 hecta. Ngày 15-4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Võ Thanh Bình cho biết: “Tình thế này bắt buộc ta phải chấp nhận hy sinh rừng của Lâm trường U Minh 3 để bảo vệ rừng tràm các lâm ngư trường khác và Khu rừng đặc dụng Vồ Dơi. Cháy hết khu rừng này thật uổng, song không còn cách nào khác”.
Ngày 13-4, Phan Văn Khải lại ký thêm 1 công điện khẩn tương tự như trên để chỉ đạo cho tỉnh ủy Cà Mau cứu rừng U Minh Hạ, với điểm khác biệt là “UBND tỉnh Cà Mau và các bộ chủ động sử dụng kinh phí của mình phục vụ kịp thời các hoạt động trên. Bộ Tài chính tính toán hỗ trợ sau”. Ngay sau đó, đích thân Phan Văn Khải đi thị sát khu rừng đã cháy xong. Theo báo Nhân Dân, Phan Văn Khải đã tuyên bố tại Kiên Giang rằng để xảy ra vụ cháy rừng U Minh Thượng là hết sức đau xót, là “có tội với nước, với dân”, vì “cái mất mát lớn nhất là đã để mất đi một vùng rừng lịch sử gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”!
Bấy giờ, mọi lỗi lầm được trút cho nhau và …cho rừng. Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN Đỗ Trung Dương bảo rằng: “Giá như người ta thông báo cho chúng tôi sớm hơn thì hậu quả có thể sẽ không lớn như bây giờ”. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trương Quốc Tuấn phân trần: “Lực lượng và con người quá thiếu…”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Hồng My nhận định: “Có những tổ, nhóm thiếu nhiệt tình…”. Cục phó Cục Kiểm lâm Hà Công Tuấn đúc kết thực tiễn đám cháy hàng chục ngàn hecta rừng là: “vừa cháy lớp biểu bì thực vật, lại vừa cháy lớp than bùn ngấm sâu trong lòng đất”, nên hết chữa!
Còn ý kiến người dân?
Thứ nhất, khẩu hiệu “tay không đánh giặc” không áp dụng được ở lãnh vực này.
Thứ nhì, giao khoán cho rừng tràm làm nhiệm vụ khử phèn chống mặn thì còn tạm được chứ không thể nào “giữ nước bồi đất”, khi mà ải Nam Quan và thác Bản Giốc còn chạy sang xứ khác.
Thứ ba, Ải xưa đã dâng thì sá gì Rừng xưa bốc cháy!
Thứ tư, phải thắng “giặc dốt” và “giặc tham”, ngay ở thượng tầng đảng, trước khi giao chiến với mọi loại giặc khác.
Thứ năm, các điểm nóng toàn quốc cần “thu hoạch tốt” chiến lược liên hoàn của “giặc lửa” U Minh.
Thiên Triều Vạn Tuế!
Hai tuần sau khi đọc bài diễn văn “Khép lại một nhiệm kỳ Quốc hội”, vợ chồng Nguyễn Văn An đã mở ra một chuyến tham quan Bắc Kinh vào giữa tháng 4. Tại đây, chủ tịch quốc hội Hà Nội đã triều kiến ra mắt Lý Bằng. Thông tấn xã Hà Nội tường thuật rằng: “Hai Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự hài lòng sâu sắc trước những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu trong quan hệ hai Đảng”. Điều này lột tả đến tận cùng chiều sâu quan hệ nô bộc giữa quốc hội với đảng, cả hai bên, và chiều sâu quan hệ nô bộc giữa hai đảng, một bên.
Phát biểu tại Đại sảnh đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, An đã long trọng kính chúc “Đại hội lần thứ 16 của Đảng CS Trung Quốc tiến hành trong năm nay thành công tốt đẹp, vạch ra đường lối lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiếp tục giành được những thắng lợi mới to lớn hơn nữa”.
Thắng lợi “cũ” là ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hàng chục ngàn cây số vuông trên vịnh Bắc Việt. Thắng lợi ngay vào thời điểm khấu tấu của Nguyễn Văn An có thể tạm liệt kê sơ lược bằng mấy mẩu tin thời sự trong tháng:
Một là, tình trạng “lụt dưa hấu” ở Việt Nam, với khoảng 700 xe tải dưa hấu bị ùn tắc mỗi ngày ở cửa khẩu Tam Thanh, Lạng Sơn: Chỉ cần một “điều chỉnh” rất nhỏ về hạn ngạch biên mậu hoa quả tươi nhập khẩu của Tàu là dưa hấu Việt bị giảm giá xuống 1000đ/trái5ký (1,3xu Mỹ-1 ký), khiến nông dân trồng dưa trên cả nước phải dở sống dở chết.
Hai là, mùa nhãn và vải thiều đang tới, với năng suất cao hơn năm ngoái, có thể cũng sẽ đi chung xuồng với dưa hấu hiện giờ. Bên cạnh đó, theo báo Nông Thôn Ngày Nay, TQ lại mới điều chỉnh hạn ngạch biên mậu nhập khẩu cao su VN. Khu vực nhập khẩu cao su VN là các bến sông Lục Lầm ở phía TQ cũng đã bị xóa sổ.
Ba là, còn nhớ cách đây 2 năm, Bộ trưởng Nông nhiệp Lê Huy Ngọ đệ trình đề án “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông thôn”. Đề án này đánh dấu bước chuyển đổi từ “làm ra để ăn” đến “làm ra để bán”. Nay, theo báo Người Lao Động, nông dân phải trút bỏ xuống mương rạch hàng ngàn tấn dưa hấu kém chất lượng hoặc không tiêu thụ được và vô tình nuôi dưỡng đám ốc bưu vàng “sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt”. Đây là loại “kẻ thù hung hiểm” của hoa màu VN, và cũng từng được Hà Nội hồ hởi nhập khẩu từ TQ.
Bốn là, theo tờ Thế Giới Mới, đại nạn kế tiếp ốc bưu vàng là chuột hải ly, “Myocastor coypus, có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới”, hiện cũng đang được nhập khẩu từ TQ.
Năm là, vật liệu xây dựng TQ đang chiếm lĩnh thị trường VN bằng vũ khí giá rẻ. Theo báo Econet, kính xây dựng Trung Quốc chiếm tới 65-70% thị trường kính xây dựng ở VN. Giá gạch ốp lát của TQ chỉ bằng 60% giá gạch nội địa. Thiết bị nội thất, như đèn chùm, đèn trang trí, sơn bả tường, cửa nhựa, trần nhựa và một số loại vật liệu xây dựng bằng nhựa của Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường VN, với “chủng loại phong phú và giá rẻ hơn 3-5 lần so với hàng cùng loại nhập từ Đài Loan”.
Sáu là, ngày 4-4, Thanh tra Nhà nước quyết định thanh tra hãng Honda VN. Một tuần sau, các cửa hàng kinh doanh xe gắn máy ở quận 9, Thủ Đức, Tân Bình, Phú Nhuận (Sài Gòn) bày bán các loại xe Honda Wave Alpha nhưng có xuất xứ từ TQ. Theo báo Thương Mại, “Wave Alpha TQ mẫu mã, màu sắc giống hệt xe của hãng Honda VN, nhưng có giá bán rẻ hơn nhiều”.
Bảy là, đoàn đại biểu các quân khu biên giới TQ do Trung tướng Trương Quốc Sơ, Phó chính ủy quân khu Quảng Châu làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam từ ngày 3 đến 8-4. Theo bài tường thuật trên báo QĐNDVN, “Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Lê Văn Dũng hoan nghênh và chúc chuyến thăm của đoàn thu nhiều kết quả, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, xây dựng biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc hữu nghị, láng giềng thân thiện”.
Tám là, ngược lại, Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã sang Hải Nam tham dự Diễn đàn Châu Á tổ chức vào ngày 14-4 ở thành phố Bác Ngao. Tại đây, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông là Trung Khởi Quyền đã nêu yêu cầu “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Quảng Đông đang hoạt động tại Việt Nam”. Đó cũng là toát yếu nội dung Hiệp định Hợp tác Nghề cá giữa hai nước trên vịnh Bắc Việt.
Chín là, nhân dịp Festival Huế 2002, Nhà Văn hóa TP.Huế đã thừa chỉ thị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tưng bừng khai mạc triển lãm 110 tác phẩm ảnh kinh kịch và di sản văn hóa Trung Quốc, dự trù kéo dài từ 25-4 đến 15-5.
Mười là, trong chuyến công du Hoa Kỳ cuối tháng 4, Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố chận đầu rằng TQ cực lực chống đối các hình thức nước lớn bắt nạt nước bé, vừa nhằm tấn công Hoa Thịnh Đốn, vừa tạo vòng rào phòng thủ sẵn cho Hoa Lục.
Dựa vào bản sơ kết đó, mời bạn đọc VNDC mường tượng ra tiếp những “thắng lợi mới to lớn hơn nữa” mà Nguyễn Văn An đã nhiệt tình chúc tụng thiên triều.
Ngoài chương trình viếng thăm Vạn Lý Trường Thành và Cố Cung, trước khi tham dự phiên họp thứ 3 Hiệp hội Nghị viện Châu Á vì Hòa bình (AAPP) tại Trùng Khánh, Nguyễn Văn An cũng dành chút thì giờ gặp gỡ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị CSTQ kiêm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Lam Thanh, bày tỏ mong muốn Trung Quốc giúp đỡ “thúc đẩy tiến độ các dự án trồng rừng và chế biến bột gỗ”. Cần nói rõ: Các dự án trồng rừng này hoàn toàn không dính líu gì tới vụ cháy rụi hàng chục ngàn hecta tràm U Minh.
Được biết thêm, kỳ họp AAPP lần này tập trung vào 3 vấn đề lớn là: “Đa cực hóa vì hòa bình thế giới, toàn cầu hóa ở các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác quốc tế và thiết lập một trật tự chính trị và kinh tế mới”. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch đương nhiệm AAPP Lý Bằng, Nguyễn Văn An cam kết rằng Hà Nội “sẽ làm hết sức mình góp phần tạo dựng một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế mới”. Còn làm thế nào để trật tự đó đậm đà màu sắc TQ thì theo lời phát biểu của An trong bữa dạ tiệc khoản đãi của vợ chồng Lý Bằng vào tối 15-4, “Việt Nam mong muốn được đón các vị lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Việt Nam bất cứ dưới hình thức nào và bất cứ lúc nào”. Xem ra, chuyến đi tắm biển “Nam Hải” của Giang Trạch Dân tháng trước đã có ngay kết quả. Thiên triều vạn vạn tuế?
Tắt Bớt Một Ngọn Đèn
Về mặt đối ngoại, những bản tin trên cho thấy Hà Nội ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc TQ. Chính sách chung vẫn là dựa lưng vào mô thức sinh tồn của đảng CSTQ, đối phó từng đợt với các bản phúc trình vi phạm nhân quyền, ngửa tay xin tiền các nước dân chủ Tây phương và chi viện chút ít cho các “bầu bạn” tí hon như Cuba, Miên, Lào…
Về mặt đối nội, khả năng vận hành cấp quốc gia của CSVN bộc lộ khá rõ sự yếu kém, không chỉ qua những sự kiện thời sự “tầm cỡ” gần đây trên mặt báo như vụ di dời đàn voi Tánh Linh hay cứu rừng U Minh. Nó còn hiển hiện trên các chính sách kinh tế lớn như “Công nghiệp Phục vụ Nông nghiệp: Phát triển 4 cây 1 con” (cây thuốc lá, cây lấy dầu, cây bông vải, cây nguyên liệu giấy và con bò sữa). Bên cạnh đó là các chính sách xã hội “Vì môi trường và sức khoẻ cho nông thôn” được khai triển thành pháp lệnh “Cấm trẻ em 16 tuổi vào nhặt rác” tại các bãi rác tập trung. Hoặc, xiết chặt sự kiểm soát vùng Tây Nguyên bằng quyết định tăng cường cán bộ đảng viên với đặc lợi 1 triệu đồng tiền thưởng cộng thêm 400.000 đồng phụ trội ngoài tiền lương….
Một điểm son đáng ghi nhận là cách đặt tựa của giới làm tin trong nước ngày càng rõ ràng. Người đọc chỉ cần lướt qua những tựa bài là có thể hình dung được toàn cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, chẳng hạn như một số tin trong tháng:
“Người làm, kẻ phá, Nhà nước thiệt”, “Các cơ quan nhà nước vi phạm Luật Đất đai, người dân chịu khổ”, “Hàn Quốc sẽ tăng cường viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam”, “Thành lập phòng thông tin Festival tại sân bay Phú Bài để… đóng cửa”, “Mỗi ngày, có 35 tấn chất thải nguy hại bao vây TP.HCM”, “Công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh: Chưa sử dụng đã xuống cấp”, “Công trình thủy điện (Quảng Nam) thắp sáng… 4 nhà”, “Sau 10 năm phát triển Miền núi vẫn là ‘miền núi’“, “Đoàn Hà Nội đứng đầu cúp bắn súng và cúp bắn cung quốc gia”, “Phố mại dâm ở TP HCM”, “Đại dịch AIDS vẫn gia tăng”, “Vào viện chữa bệnh dễ mắc thêm bệnh”, “Xung quanh 1.360.000 liều vaccine DPT không đảm bảo tiêu chuẩn”, “Ba ngày (22-24-4) phá ba vụ án ma túy”, “Phương pháp phá thai bằng thuốc mifepriston – misoprostol”, “Hai năm (2000-2001), hơn 3200 băng nhóm hình sự bị phát hiện”….
“Vụ án Ngân hàng Việt Hoa: Phát hiện gian dối từ đầu nhưng không ai giải quyết”, “Vụ án Ngân hàng Việt Hoa: Các bị cáo khai vì trình độ thấp nên ký đại”, “Việt Hoa: 233 khế ước tham ô và đảo nợ gần 578 tỉ đồng”,”TP.HCM: Xét xử vụ án Việt Hoa tham ô, lừa đảo trên 1.500 tỷ đồng”, “Đồng Tháp: Cần 4,5 tỉ đồng kinh phí bơm tưới chống hạn”, “Nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Minh Hải bị kiện ‘lừa tình’“, “Giám đốc Công ty Lương thực An Giang tham ô”, “Giám đốc Cty Hà Nam lập hồ sơ khống chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng”, “Thanh Hóa: Giám đốc Cty DVTM gây thất thoát hơn 61 tỷ đồng”, “Tỷ lệ hội viên đói nghèo Hội Cựu chiến binh Việt Nam giảm còn 9%”, “6 giám đốc rút tiền của Việt Hoa không phải hầu tòa”, “Cải cách pháp luật ở Việt Nam: Bắt đầu từ… đào tạo lại”, “Vụ Năm Cam: Có những quyết định đình chỉ rất không bình thường”, “2 sĩ quan Tổng cục Cảnh sát từng bảo lãnh cho Hoàng ‘nổ’ (Vũng Tàu)”….
“Về cái gọi là ‘Lớp y sĩ đa khoa’ tại miền Trung: 300 học sinh bị ‘sập bẫy’“, “Thêm một vụ lừa học sinh: bán hồ sơ tuyển sinh Trường Đào tạo nghề Dung Quất”, “Cải cách giáo dục lần 2: Băn khoăn trước giờ khởi động”, “Thuốc an thần (Nói hay đừng)”, “TBT Nông Đức Mạnh: Cần có các giải pháp đột phá, khả thi để làm chủ và vận dụng tri thức khoa học hiện đại”, “Dùi cui gẫy vì chất lượng kém!”, “Thủ tướng Phan Văn Khải: Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần tiến hành nghiêm túc, cẩn trọng”, “Nhiều năm day dứt một điều”, “Gái mại dâm, đĩa sex ‘bao vây’ các trường đại học”, “Ngành GD&ĐT sơ kết học kỳ 1 năm học 2001-2002: Học lực HS THPT – THCS giảm sút”, “Tỷ lệ học sinh nghiện ma túy ngày càng tăng”, “Vụ án vận chuyển gần 1 tạ thuốc phiện qua Hà Nội”, “TP.HCM: Phá một đường dây ma túy, thu gần 20kg heroin”, “An Giang phá đường dây ma túy lớn”, “Đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2002: Lúng túng và Bất an”, “Thay sách lớp I: Mảng tối sẽ tối hơn”….
“Muốn được hoàn thuế, phải… chi”, “Tồn đọng 21.700 tấn giấy do nhập khẩu ồ ạt”, “Nhập xăng dầu, Petrolimex lỗ 40 tỷ đồng”, “Pha màu xăng dầu để chống gian lận thương mại”, “TP HCM: ‘Luật ngầm’ ở cảng Lotus” , “107 dự án Đầu Tư Nước Ngoài ngừng hoạt động”, “Đầu tư nước ngoài vào các KCN-KCX giảm”, “Nhật có thể ngưng lắp ráp hàng điện tử ở VN”, “Giá nhân công tại Việt Nam tăng 25%”, “Thị trường bất động sản: Ngựa không cương”, “Vốn đầu tư trong ngành công nghiệp chỉ đạt 11% kế hoạch”, “Buôn lậu vẫn tung hoành”, “Chi cục QLTT Nghệ An bảo kê cho buôn lậu”, “Làm sao cấm được?”, “Chống buôn lậu ở chi cục Quản Lý Thị Trường Nghệ An: Thích thì mới chống”, “Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam không có ý định ép giá nông dân”, “Trúng mùa, được giá, nhưng xuất khẩu ngưng trệ”, “Xuất khẩu gạo: Nông dân và doanh nghiệp ‘đá’ nhau”, “DN xuất khẩu gạo đang ‘buôn chuyến, đánh quả’“, “Doanh nghiệp chưa ‘mặn mà’ thuê đất trong khu công nghiệp”, “Mới lấp đầy 19,1% diện tích các Khu Công Nghiệp vừa và nhỏ”, “Sức mua hàng tiêu dùng giảm mạnh”, “Xuất khẩu quý I-2002: Thiệt hại khoảng 450 triệu USD”, “Khắc phục tình trạng doanh nghiệp ỷ lại Nhà nước”….
Riêng những mẩu tin “Chủ tịch xã biến thành… ‘sùng’ đất”, “Cầu Tân Đệ bị ‘mất cắp’“, “Vụ án ‘Bán quốc lộ 9’ tại Quảng Trị”, hay “Vụ án cò đất Nguyễn Văn Bá”… đều có bản án đi kèm. Lý do? Chuyện nhỏ, chuyện dưới luật! Phải tầm cỡ như bán ải Nam Quan hay thác Bản Giốc thì mới thuộc phạm trù “Quy định về thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật quốc gia”.
Một bản tin khác có tựa đề cũng khá gợi cảm: “Hà Nội thành lập đội chuyên trách chống hàng giả”. Trên thực tế, món hàng giả cần triệt ngay chính là chủ nghĩa xã hội. Cũng vậy, nhân mùa cúp điện sắp đến, ký giả Chu Thượng viết bài kêu gọi mọi người “Hãy tắt bớt một ngọn đèn”. Đại khối người Việt đều hết lòng hưởng ứng và đang cố gắng vặn tắt trước tiên “ngọn hải đăng” Mác-Lê-Mao. Sẽ tiết kiệm được rất nhiều thứ, kể cả xương máu nhân dân và tài nguyên đất nước.
Cưa Đứt Đục Suốt
Qua bức tranh VN nói trên, tay Lý Sinh Sự tóm gọn trong một câu bình luận là “Sống ngày một khó!”. Phân tích nghiêm túc hơn (thông qua một đề tài về giáo dục trên báo Lao Động), tác giả Nguyễn Minh đã gửi gắm lời nhận định tổng thể về thực trạng VN và khả năng của tập đoàn chuyên chính Hà Nội: “rối như canh hẹ”, kèm theo một dự kiến: “mảng sáng sẽ mờ nhạt đi và thu hẹp lại, mảng tối sẽ tối hơn và loang rộng ra”. Hóa ra, “lún đâu chống đó” không phải chỉ là biện pháp dành riêng cho đường hầm chui Văn Thánh hay Thị Nghè. Còn chiến lược “Có lũ chống lũ, có cháy chống cháy, có dịch dập dịch” cũng chưa phải là giải pháp cất cánh.
Bế tắc của mọi bế tắc không thuộc lãnh vực đối nội trong nước, mà là đối nội trong đảng. Tại Hội nghị công tác khoa giáo toàn quốc hồi tháng 3, Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm đã nhận định: “Vẫn tồn tại nhiều mặt yếu kém trong các cơ quan nhà nước, trong đó, có những yếu kém đã được chỉ ra trong nhiều năm nhưng cho đến nay chưa khắc phục nổi…. Những biểu hiện thương mại hóa, sự sa sút về trách nhiệm, tự do vô kỷ luật trong các hoạt động liên quan đến nhân tố con người đã bị xã hội phàn nàn, chê trách, cho đến nay vẫn chưa giải quyết nổi. Bên cạnh đó là những yếu kém về tổ chức bộ máy, về con người cũng xử lý rất chậm”.
Đến bản báo cáo giữa tháng 4 của Hồng Vinh, phó trưởng ban thường trực tư tưởng văn hóa trung ương kiêm trợ lý của Nông Đức Mạnh, tại Hội nghị công tác tư tưởng-văn hóa toàn quốc về “Tình hình tư tưởng của cán bộ đảng viên và nhân dân ta hiện nay”, đa phần thuộc các khuynh hướng sau: “Khuynh hướng tự do tư sản – Khuynh hướng cơ hội chính trị, hữu khuynh – Chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cục bộ địa phương – Bệnh hình thức, chạy chọt diễn ra ở nhiều nơi – Tình trạng quan liêu, mất dân chủ, xa rời dân xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành”. Từ đó nảy sinh ra phong trào “công khai hoặc ngấm ngầm hoạt động truyền bá quan điểm sai trái, xuyên tạc chống đối đường lối, chính sách của Đảng”.
Tại Hội nghị công tác khoa giáo toàn quốc vừa kể, Nguyễn Khoa Điềm còn nói rõ hơn: “Nếu Đảng không lãnh đạo được trí thức thì trí thức sẽ nằm trong tay người khác… Nếu chúng ta để họ rơi vào tay người khác chi phối thì bài học thất bại của Liên Xô khiến chúng ta phải suy nghĩ”.
Trong bài phân tích “Đôi điều về cuộc đấu tranh tư tưởng-lý luận” trên Tạp Chí Cộng Sản tháng 4-02, Trung tướng CSVN Trần Xuân Trường thú nhận: “quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình phát triển có nhiều mâu thuẫn, biểu hiện ra trên bề mặt các hiện tượng những nghịch lý khó cắt nghĩa theo tư duy lô-gíc thông thường”. Hệ quả của nó? Theo Trường, “Ngày nay, chủ nghĩa chống cộng thế giới và những đại biểu bản xứ của nó ở Việt Nam thẳng thừng bác bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin chứ chẳng cần núp bóng để bác bỏ như chủ nghĩa xét lại đã làm… Một số người tuy không bác bỏ, nhưng đã không còn lòng tin như trước vào những giá trị tư tưởng và lý luận Mác – Lê-nin”. Câu hỏi kế tiếp mà tác giả đặt ra là “liệu chúng ta có lập được một trật tự kỷ cương mới hay không, hay là chúng ta sẽ bị tình trạng vô chính phủ nhấn chìm ?”.
Cùng một nỗi âu lo sinh tử đó, Phó chủ tịch quốc hội Hà Nội Mai Thúc Lân tuyên bố trong kỳ họp chót vừa qua: “Xã hội ta có nhiều lộn xộn hơn trước…. Cần phải rất tích cực chống lại sự tha hóa của cán bộ, chống lại sự xuống cấp về đạo đức. Đồng tiền đang chi phối sâu vào cách ứng xử của con người, mọi lĩnh vực xã hội…. Nguy cơ đó có thể dẫn đến khả năng mình tiêu diệt mình”.
Hóa ra, “Sống một ngày một khó” không phải là lời than của dân, mà là của đảng, trước tình hình thối da rữa thịt hiện nay. Thực tế xã hội góp ý thế nào về điều đó? Dân không chỉ xa đảng. Dân không còn sợ đảng. Thanh niên Nguyệt Biều đã nói rõ chủ trương 4 không: không nói, không viết, không khai và không sợ. Dân làng Kim Nỗ đã từng bắt công an nhận giếng. Dân làng Thọ Đà từng bắt công an làm con tin. Dân huyện Vũ Thư từng trói chủ tịch xã….
Riêng thời sự tháng qua còn có tin “Công an Mỹ Đình (Từ Liêm) bó tay với thương binh”, rồi “Phó công an xã Thọ Sơn bị đánh mìn ngay tại nhà”. Nổi bật và mới nhất là vụ công an hải quan Hà Tĩnh lên phương án “đón lõng” giới buôn lậu, bị 300 cửu vạn vây chặt, “dùng đá hộc trên núi lăn xuống rồi xông ra huyết chiến với hải quan”. Tức là có kế hoạch và có quyết tâm đánh hạ. Báo Lao Động tường thuật kết quả cuộc chiến đã “gây nên tổn thất sức khoẻ 4 cán bộ hải quan cửa khẩu Cầu Treo”. Với đà này, những tường thuật kế tiếp không phải là tỷ lệ 300-13, mà là 78 triệu-2 triệu.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, chuyên viên cấp cao ngành xây dựng, sau khi khảo sát thực địa đường hầm chui Văn Thánh 2 cho biết: “Hiện tượng lún đã xuất hiện vào cuối tháng 1-2002, lên tới 1,1m, tức một ngày lún 1,5cm – tốc độ lún như vậy là quá lớn…. Do vậy, khoảng 6 tháng nữa đồ thị lún không dẫn đến ổn định mà vượt quá khả năng cho phép thì hầm sẽ sập”. Nghe đâu mọi chuẩn bị cho đề án thiết kế đường hầm dài nhất VN đang được đình động để điều nghiên lại. Hầm chui này nối liền Ba Đình với ải Nam Quan.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comentários