top of page

2002.06 – Quýt Làm Cam Chịu

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 21 min read

Thời sự VN tháng qua bao gồm dăm ba nỗi nhục ở tầm cao quốc thể. Từ chuyến công du của Trần Đức Lương cho tới cuộc bầu cử QH và vụ án Năm Cam.

Hạt Nhân Thân Hạt Gạo


Đầu tháng 5-2002, Chủ tịch nước CHXHCNVN Trần Đức Lương đã rầm rộ phát động một chiến dịch chia nghèo sẻ đói ở tầm quốc tế, bằng chuyến công du lần lượt 2 nước Bắc Triều Tiên và Miến Điện.


Còn nhớ từ tháng 7 năm ngoái, 2001, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Kim Young Nam “kính yêu” của Bình Nhưỡng đã sang Hà Nội xin gạo cứu đói, và cho dù không dấu nỗi thất vọng về tình hữu nghị khá nhạt của CSVN, cũng đã lịch sự mời Trần Đức Lương sang du lịch xứ sở bí mật nhất thế giới hiện nay.


Đến tháng 8-2001, để bày tỏ ý chí “khinh nghĩa trọng đô”, Lương đã sang thăm… Nam Hàn. Tại Hán Thành, Lương hết lời ca tụng “kỳ tích sông Hàn” của nửa nước phía Nam Bàn Môn Điếm: “Nhân dân Việt Nam biết rất rõ những thành tựu phát triển rực rỡ mà nhân dân Hàn Quốc đã giành được trong mấy chục năm qua”. Nói cách khác, biết rất rõ khả năng “xách dép” của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Triều Tiên.


Nay mới tới lượt chi tiêu tình cảm, và là lần đầu tiên trong bốn thập niên, một chức sắc cao cấp thuộc hàng nhất nhì VN làm chuyến “viếng thăm lịch sử” một bầu bạn quốc tế còn sót lại ở miệt Đông Băc Á. Mục tiêu là phần nào hòa hợp hòa giải nỗi phẫn hận của Bình Nhưỡng khi Hà Nội chính thức bang giao với Hán Thành từ năm 1992, bằng một ít gạo nát, cộng thêm lời ca tụng đãi bôi trong bữa tiệc khoản đãi của Kim Young Nam, về “đất nước Triều Tiên tươi đẹp và giàu lòng mến khách”. Chấm hết! Bất khả vụ lợi! Do đó, ngoài vụ Trần Đức Lương đến Cung Tưởng Niệm viếng lăng Kim Nhật Thành, báo chí trong nước thấy rất rõ là chẳng cần loan báo gì thêm về thằng ăn hại cạy đứa ăn mày.

Lẵng Cúc Tặng Hue


Xem ra, Miến Điện còn có một tí tiềm năng trao đổi, ngoài ma túy. Ít nhất là quan hệ mậu dịch song phương Việt-Miến hồi năm ngoái còn đạt được mức tổng cộng 10 triệu USD (tương đương với lượng tiền người Việt hải ngoại trợ giúp thân nhân ở quốc nội trong… hai ngày!). Hoặc, ít nhất Ngưỡng Quảng còn có một quan hệ chính trị nhóm với Hà Nội trong khối ASEAN, dù đó là nhóm “quốc gia hành khất”, bao gồm bốn nước “sặc gạch” là Việt, Lào, Miên, Miến. Mọi sự sẽ diễn biến cực kỳ tốt đẹp theo chương trình đón tiếp trọng thị của Thống tướng Than-Xuề, như thông tấn xã Hà Nội đưa tin, nếu không có hai sự kiện “phản động” xảy ra vào cùng thời điểm.


Một là, vào sáng ngày 06 tháng 5, theo đài phát thanh VOV, Trần Đức Lương có buổi hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia Liên bang Myanmar Than-Xuề. Ngay lúc đó, cuộc bầu cử tổng thống Pháp lại có kết quả. Trần Đức Lương đã nhanh chóng đánh một công điện nhiệt liệt chúc mừng Ngài Tổng thống Jacques Chirac.


Được biết, vào vòng một của cuộc bầu cử ở Pháp ngày 21-4-2002, lãnh tụ cực hữu Jean-Marie Le Pen của đảng Front National, dù từng bị truất quyền dân biểu Liên Âu, lại được cử tri Pháp bầu vào cuộc tranh cử chung kết, gây một chấn động chính trị cho cả Pháp với Âu châu nói riêng và thế giới nói chung.


Đến vòng hai, đương kim Tổng thống Chirac tái đắc cử, được coi là một cuộc dồn phiếu ngoạn mục của cử tri Pháp để né tránh tai họa có một lãnh tụ nổi tiếng kỳ thị, cực đoan và hiếu chiến. Chưa bao giờ dàn truyền thông Pháp, vốn thuộc cánh tả, lại tự nguyện ngưng tức khắc và vô điều kiện mọi chỉ trích vị tổng thống thuộc cánh hữu như trong hạ tuần tháng Tư vừa qua. Cũng chưa bao giờ người Pháp trong hai đảng Xã Hội và Cộng Sản lại tích cực vận động dồn phiếu cho một ứng viên ở ngoài đảng như lần này.


Báo Pháp bình luận rằng đây không phải là sự đoàn kết để đánh bại đảng cực hữu của Le Pen. Đúng thôi! Bởi, sự thất bại cay đắng nhất, qua sự kiện cực hữu Le Pen, trớ trêu thay, lại thuộc về cánh tả của Pháp, đứng đầu là đảng Xã Hội và đảng Cộng Sản. Lãnh tụ đảng Xã Hội là cựu Thủ tướng Lionel Jospin được coi như thân bại danh liệt sau kết quả thua Le Pen đến 200.000 phiếu ở vòng một.


Còn đảng CS Pháp (mà cậu nhóc Nguyễn Tất Thành từng hân hoan dừng bước giang hồ để trở thành một đảng viên từ đại hội Tours) có thời đã chiếm đến trên 20% số phiếu của cử tri Pháp. Sau chính biến Đông Âu và Liên Xô cũ, đảng CS Pháp đã hai lần cải tổ tư tưởng và chỉnh đốn tư cách. Lần đầu, cách đây khoảng sáu năm, là quyết định từ bỏ “đấu tranh giai cấp”. Lần sau, mới năm ngoái, là quyết định vất bỏ huy hiệu búa liềm. Thế mà tổng số phiếu năm nay vẫn tụt xuống mức xấp xỉ 3,37%, thua cả một đối thủ mờ nhạt là nhân viên bưu điện Oliver Besancenot.


Về mặt uy tín, đó là bằng chứng phá sản. Về mặt tài chánh, có nghĩa là phải hoàn trả chi phí tranh cử mà nhà nước Pháp ứng trước, trong khi quỹ đảng đã tụt xuống số âm từ lâu. Lý do là vì đảng viên ngày một già, một hiếm. Dù vậy, đảng CS Pháp vẫn còn giữ được sự tự trọng, so với các đảng CS khác nhất định xài tiền thuế của dân cho sinh hoạt đảng. Nghe đâu, đính kèm theo điện chúc mừng Ngài Tổng thống Jacques Chirac, Trần Đức Lương đã tỏ ra điệu nghệ, kín đáo gửi tặng Ngài Tổng bí thư đảng CS Pháp Robert Hue một lẵng hoa an ủi.


Chỉ tiếc là Lương gửi nhầm một giỏ cúc hồng đại đóa, tự động biến thành một tràng hoa phân ưu về số phiếu thu hoạch của đảng CS Pháp trên toàn quốc còn khiêm nhường hơn cả những điểm cần tránh dẫm phải trên hè phố Paris. Lại nghe đâu Ngài Robert Hue thêm bực mình, vì thứ đang cần là chút tình hữu nghị đếm được chứ không cần mùi!

Xách Dép Bưng Bô


Hai là, cũng ngay vào lúc Trần Đức Lương sang thăm Ngưỡng Quảng thì dưới áp suất của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Nhân Quyền, giới lãnh đạo độc tài sở tại đã chấm dứt lệnh quản thúc vị lãnh tụ Liên minh Dân tộc Dân chủ đối lập kiên cường của dân tộc Miến. Ngoại trừ dàn loa Hà Nội, hầu hết các hãng thông tấn trên thế giới đều chú mục vào việc loan báo tức khắc tin vui nóng hổi này với một số nhận định phấn khởi chừng mực và tiếp tục thách thức chế độ độc tài quân phiệt Miến. Hậu quả là dư luận quốc tế chẳng màng quan tâm tới chuyến tham quan của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại đây.


Xem ra, chẳng cần tới giải Nobel Hòa Bình, đóa hoa cài tóc và nụ cười tự tin khả ái của bà Aung San Suu Kyi đã chinh phục được cả thế giới, mặc nhiên chiếm lĩnh trang nhất báo chí quốc tế trong ngày, và nhận chìm hết thảy mọi thứ bình luận lẩm cẩm theo kiểu “quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar thời gian qua đã có những bước phát triển”, hoặc, “khẳng định quyết tâm nâng cấp sự hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới” v.v….


Sau đó, dường như thấy có điều không ổn, báo Nhân Dân mới loan một tin vắn về bà Suu Kyi, kèm theo một “thông điệp” hù dọa độc giả báo này rằng: Việc chấm dứt quản thúc các nhân vật bất đồng chính kiến ở Miến Điện là do “chính quyền xét thấy không gây tổn hại cho cộng đồng, không đe dọa hòa bình, ổn định và thống nhất dân tộc của Myanmar”!


Cứ y như là cái tác phẩm bóng ma “diễn biến hòa bình” của Hà Nội đã vươn vai ra khắp nơi trên thế giới. Với định kiến đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN Phan Thúy Thanh đã trang trọng vuốt mặt cho đảng: “VN ủng hộ nỗ lực của Chính phủ LB Myanmar theo hướng hòa giải dân tộc, ổn định chính trị, tăng cường hợp tác, xây dựng và phát triển đất nước. Theo tinh thần đó, chúng tôi tôn trọng mọi quyết định mang tính nội bộ của Myanmar”. Hàm ý rằng nếu lỡ Myanmar có bị tự do dân chủ thật sự thì… rán chịu đấy nhá!


Gì thì gì. Ở ngay tại Ngưỡng Quảng, đúng vào thời điểm đó, Trần Đức Lương vẫn …câm như hến. Nghĩ cho cùng, biết nói gì khi nhân loại đánh giá tình trạng phản văn minh, phi nhân tính trên các văn bản đại loại kiểu Nghị Định 31/CP. Lại biết nói gì, khi mà ngay giữa cuộc thăm viếng hữu nghị được báo chí trong nước đề cao rằng có tính lịch sử này, chính phủ quân phiệt Miến lại tát vào mặt quốc khách bằng cả tuyên bố lẫn hành động khẳng định rằng “Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi sẽ được tự do đi lại trên khắp đất nước”.


Hãy nghe thật rõ những chữ Lãnh Đạo Đối Lập Aung San Suu Kyi! Phát ngôn viên quân sự Hla Min còn nói rõ hơn nữa là bà Aung San Suu Kyi “được tự do tiến hành mọi hoạt động, trong đó có cả những hoạt động chính trị của đảng mình”.


CSVN, với cái định hướng XHCN, đã lê la “xách dép” cho các tiểu hổ châu Á về mặt kinh tế trong nửa thế kỷ qua. Nay lại thấy ra, với cái nghị định 31/CP còn đó, quả chỉ đáng “bưng bô” cho một xứ Tây Vực về mặt chính trị xã hội. Riêng độc giả VNDC, sau khi nghe qua ngẫm lại lời tuyên bố của 2 người phát ngôn vừa kể, các bạn sẽ cho rằng giữa độc đảng chuyên chính VN và độc tài quân phiệt Miến Điện, đâu mới thực sự là tập đoàn “man ri mọi rợ” đối với dân tộc họ?

Thẻ Trúng Cử


Tháng 5, ngành nghệ thuật ca diễn trong nước bình bầu vở hài quy mô và đắt giá nhất nước có tựa đề là “Nghĩa vụ và Quyền lợi Công dân”. Hạch toán chi tiêu riêng cho phần dàn dựng không thua kém là bao so với sở hụi quay cuốn phim Titanic của Mỹ. Bắt đầu từ công đoạn họp hành ban đạo diễn có tên là Bộ chính trị, tràn xuống khối diễn viên kiêm nhiệm phần chiêng trống là Trung ương đảng, ăn lan ra bộ phận tay chân phèng la chập chả là Mặt trận Tổ quốc, rồi mới chảy dọc theo các cánh gà địa phương, xuống tận sàn sân khấu là các tổ dân phố.


Ngày 6 tháng 5, trong lúc ứng cử viên QH Trần Đức Lương mắc chứng á khẩu bên Ngưỡng Quảng, thì ở nhà, ngay giữa phân cảnh “kê khai tài sản ứng cử viên”, Chủ tịch QH Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Trung ương Nguyễn Văn An tuyên bố với cử tri cả nước rằng cần phải “suy tôn các đại biểu Quốc hội làm giàu chính đáng”.


Để giải thích rõ hơn, An phân tích rằng: “Từ những khóa đầu tiên, Quốc hội ta nói đến vấn đề kê khai tài sản của các đại biểu, nhưng sau đó là thời kỳ chiến tranh trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, không làm tiếp vì không có tài sản mà kê khai. Bây giờ, Nghị quyết quy định ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải kê khai tài sản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong 2 điều kiện mới…”.


Rõ lắm! Lúc đầu, việc kê khai tài sản có được “nói đến”, nhưng rồi bỏ qua vì bận đẩy dân đi “xẻ dọc Trường Sơn”. Giai đoạn kế không phải kê khai vì “không có gì quý hơn độc lập”. Còn bây giờ? Từ chỗ vô sản “không có gì” đó, hằng hà biệt thự, xe con và Cty trách nhiệm hữu hạn của vợ con đảng viên và đảng biểu từ đâu ra mà cả guồng máy biến thành một giai cấp tư bản đỏ?


Từ đâu chui ra bọn người đi xe hơi và uống bia ôm đòi độc quyền cai trị hàng bảy chục triệu dân đen đi xe ôm và uống bia hơi?


Từ đâu đẻ ra cái tập quán “nhứt biết nhì quen” biến thành truyền thống làm giàu nhanh chóng bằng chữ ký và con dấu?


Không giết người cướp của, chỉ đuổi dân đi “kinh tế mới” để chiếm nhà, rồi “đánh tư sản mại bản”, “đổi tiền”, “bán bãi”… đều là những chính sách làm giàu chính đáng? Rồi tiếp tục làm giàu bằng cách ra giá phong bì, “rút ruột ngân sách”, bán đề thi, bán bằng giả, dựng dự án ma, bòn rút phụ cấp thương binh liệt sĩ, ký khống quỹ đen, chạy án, ăn chận viện trợ, quy hoạch nhà đất… cũng là chính đáng? Bảo kê cho buôn lậu, ma túy, mãi dâm và các băng đảng hình sự… vẫn là cách làm giàu chính đáng? Và cần được suy tôn? Ai đề bạt ứng cử viên? Ứng viên đã kê khai tài sản với ai? Ai kiểm nghiệm sự khai báo đầy đủ và yếu tố chính đáng? Ai duyệt xét tiêu chuẩn ứng viên? Ai bảo đảm những chặng đề bạt, kiểm nghiệm và ký duyệt đó không phải là những đường dây làm giàu cao cấp? Ai bảo đảm rằng những kẻ được chức sau đó sẽ không hành tội dân đen để “gỡ vốn” và “kiếm lời”?…


Những câu hỏi không lời đáp đó cứ chồng chất trong những phút lặng của vở hài. Người ta chỉ biết các con số. Theo Phó chủ tịch đương nhiệm của QH Hà Nội kiêm Trưởng ban Tuyên truyền Hội đồng Bầu cử QH khóa XI Mai Thúc Lân, cho đến sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba thì bộ chính trị quyết định còn lại 762 người ứng cử tại 188 đơn vị bầu cử trong cả nước, trong đó có 161 người do “trung ương đề bạt”, gồm cả 14 UV bộ chính trị, 4 bí thư TƯ, 17 tỉnh/thành ủy, 9 phó bí thư tỉnh/thành ủy, 16 chủ tịch HĐND cấp tỉnh, 13 chủ tịch UBND cấp tỉnh….


Sau đó mới tới 601 người do địa phương “giới thiệu”. Tất nhiên là không hề có tên ứng cử viên Phạm Quế Dương. Sau cùng là thống kê về học hàm học vị (chưa biết thật giả và không có nghĩa là trình độ kiến thức): 11.4% dưới đại học, 69,99% đại học, 18,64% trên đại học.


Tiếp theo là tiến trình “tiếp xúc đại diện cử tri”. Tại sao lại là đại diện cử tri? Lý do thứ nhất là bởi các ứng cử viên …không có nhiều thì giờ. Chỉ còn 2 tuần trước ngày bầu cử, mà đây lại là dịp để ứng cử viên “được nghe đại diện UBND thành phố trình bày tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội của thành phố năm 2001, tình hình kinh tế quý I năm 2002; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 2001-2005; các giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội năm 2002,… để từ đó làm cơ sở xây dựng cho mình chương trình hành động cụ thể”. Đồng nghĩa với một khóa diễn tập cấp tốc và tại chỗ cho các đảng biểu tương lai? Lý do thứ hai, chính yếu hơn, là vì ứng cử viên không thể (có khả năng và quyền hạn) trả lời mọi thắc mắc của toàn thể cử tri, và “trung ương” cũng không muốn tất cả cử tri đều giáp mặt ứng cử viên để nêu ra hết những câu hỏi nhức đầu cho đảng. Giải pháp dân chủ kỹ thuật?


Đại diện cử tri sẽ do chi bộ đảng địa phương tuyển chọn theo trình độ ngoan ngoản, “đảm bảo” là trong phân cảnh gặp gỡ ứng cử viên sẽ không nêu bất kỳ câu hỏi hay ý kiến nào ra ngoài những điều được dạy sẵn. Sau đó, đại diện cử tri sẽ trở về phường xóm để “tổng kết thực tiễn” cho toàn thể cử tri sở tại là nên bỏ phiếu cho ai, theo đúng danh sách mà chi bộ đảng đã chọn sẵn theo chỉ thị của “trên”. Tóm lại, ở tầng một, đảng chọn người trúng cử rồi từ đó chọn ứng cử viên cho “hợp hiến pháp”. Tầng hai, đảng chọn đại biểu cử tri gặp gỡ ứng cử viên. Tầng ba, đại diện cử tri sẽ dạy dân cách bỏ phiếu theo danh sách đảng chọn sẵn người trúng cử. Ông Vũ Đức Hải (75 tuổi), cử tri tổ 8, khối 3B, từng phục vụ ở Quân khu tả ngạn, phát biểu: “Tôi tin rằng tất cả ứng cử viên đã được lựa chọn rất kỹ từ đầu”. Ở tuổi đó, chắc cử tri Hải không cần phải nói lấy lòng. Ông biết rõ như thế và tin chắc như thế.


Chỉ một trục trặc nhỏ, không đáng kể: Đến phút thứ 89, bộ chính trị quyết định xóa tên một vài ứng cử viên, vì có thư tố cáo các đương sự (ở cấp trung ương) có liên hệ tới vụ Năm Cam, gồm: Trần Mai Hạnh, Lê Công Minh và Trần Trung Am. Con số 500 người trúng cử, do vậy, cũng bị tụt xuống còn 498 cho phù hợp tình thế. Hội đồng bầu cử theo đó thi hành và báo chí lập tức theo đó loan tin thắng lợi.


Cho tới một sáng tinh mơ giữa tháng Năm thì cử tri cả nước được lùa ra sân diễn, bằng loa phóng thanh đầu ngõ, bằng tiếng kẽng sắt cuối phường, bằng dùi cui dộng cửa, bằng tiếng quát nạt của tổ trưởng dân phố, và bằng tiếng nằn nì của con trẻ trong nhà (để sau đó chúng khỏi bị hạch sách khó dễ ở trường về trách nhiệm động viên cha mẹ)….


Các báo tường thuật rằng “đa số cử tri đi bỏ phiếu theo từng nhóm nên việc tiến hành bầu cử diễn ra trật tự”. Các bài báo không nói rõ mỗi nhóm mấy công an. Chỉ biết, theo báo Nhân Dân: “Danh sách cử tri niêm yết công khai và được điểm danh theo giờ”. Thế thì không ai có thể “phản động” bằng cách nằm nhà. Kết quả? Sau chỉ 1 giờ mở cửa, mới “8h sáng 19.5, điểm bầu cử số 4 phường Hà Lầm, TP.Hạ Long đã có hơn 80% tổng số cử tri đi bầu”. Riêng Cao Bằng là tỉnh đạt tiêu chuẩn 100%. Tổng kết cả nước, “Số cử tri đi bầu (99,73%) và số phiếu hợp lệ (99,35%) đều đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay”. Cả thế giới hãy lấy đó làm gương!


Đúng như chỉ thị của câu lạc bộ chính trị số 07/CT/TƯ “lãnh đạo tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử”, tất cả ứng cử viên của câu lạc bộ này và của “trung ương” đều thắng cử vẻ vang. Nói chung là danh sách trúng cử soạn sẵn không khác là mấy với kết quả kiểm phiếu. Phó chủ tịch QH Hà Nội Mai Thúc Lân khẳng định: “Những người trúng cử có đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đảm bảo cơ cấu hợp lý”. Tức đúng theo tỷ lệ các thành phần giai cấp do bộ chính trị ấn định.


Trong những ngày tới, tất cả tân đảng biểu đều sẽ được bộ chính trị cấp phát “Thẻ Trúng Cử”, nếu Năm Cam không có những “thành khẩn khai báo” nào khác, hoặc, nếu mọi người đều thuộc lòng những bài học kiểu Trần Dụ Châu (đại tá cục trưởng quân nhu, lợi dụng chức vụ, bớt xén phần cơm áo vốn đã rất thiếu thốn của bộ đội để sống phè phỡn, trụy lạc) từ năm 1946, nhưng bài học tiếp tục kéo dài suốt nửa thế kỷ qua trong lịch sử đảng CSVN. Thắng lợi to lớn nhất và sau cùng của vở hài này là gì? Tờ Nhân Dân nên đóng cửa và cần chính thức sang nhượng lại khẩu hiệu chức năng, vì Quốc Hội mới đích thực là “Cơ quan Trung ương của Đảng CSVN-Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân VN”.

Hãy Dẹp Cả Hai


Nhân dịp bầu cử, báo chí trong nước đổ xô nhau đi phỏng vấn, mong “lãnh đạo” ban cho đôi lời vàng ngọc nhân lúc bỏ phiếu vào thùng, nói theo nhà thơ Hữu Thỉnh là tạo điều kiện cho “những con sên ngấp nghé lên trời”. Nông Đức Mạnh nói: “Dù trúng cử hay không cũng phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết”. Khá lắm! Không hổ danh con nòi dòng mị, dù con nòi rơi! Hễ phán ra thì phải là lời dạy các quan nhưng cốt để …đăng báo. Đồng ý trên nguyên tắc là thế, song trúng cử vẫn có nhiều khả năng ăn nhậu với Năm Cam hơn chứ?


Trần Đức Lương bảo: “Phải lựa chọn những đại biểu xứng đáng”. Xoàng thôi! Ai lại chẳng biết dạy bảo dân cách sống dân chủ như thế! Nguyễn Văn An bảo: “Đại biểu Quốc hội phải là những người trong sạch”. Dưới mức xoàng! Bởi ai chẳng biết thế! Và ai chẳng biết rằng cứ do đảng chọn thì lấy gì được thế? Vả, nếu quả có đại biểu xứng đáng và trong sạch để dân chọn thì làm quái gì Trợ lý Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dám bố láo: “Mafia không thể tồn tại nếu không thò được chân vào hàng ngũ bộ máy của chúng ta”, hàm ý rằng nếu đảng không ra tay bảo kê thì từ đâu chui ra những Sáu Quýt với Năm Cam?


Cứ theo đà đấu đá ở thượng tầng hiện nay thì càng lúc, vụ việc Năm Cam càng nở phình ra và chứng tỏ bọn Mafia đã thò thụt nguyên xi hết cả mọi thứ chúng có vào “hàng ngủ đảng ta”. Thoạt đầu, lũ dê tế thần dự trù chỉ lên tới cỡ thượng tá công an quận 4 Trần Hữu Ánh làm bản kiểm điểm trước khi về hưu là dứt chuyện. Giải pháp cắc bùm Năm Cam tưởng đâu càng sớm càng êm. Nay xem ra vấn đề không đơn giản.


Khi tán tàn của nó che rợp từ Miền Tây ra tận Quảng Ninh thì rễ cái rễ con của nó ăn luồn cũng không phải trong diện hẹp. Lý Sinh Sự đã làm đúc kết: “xưa nay maphia đều dựa vào quan chức tham nhũng, biến chất để tồn tại. Vậy thì mỗi vụ án bao giờ cũng có rất nhiều người liên can, hoặc là bao che, ăn hối lộ, bảo kê, nặng hơn (nữa) là tiếp tay (cho chúng)”. Trong tầm ảnh hưởng tỏa rộng chui sâu đó, bất kỳ những bất bình ăn chia không đều nào mà một đứa phải cắn răng chịu đựng đứa khác từ thuở một ngàn chín trăm hồi đó, nay đều là cơ hội ngàn vàng để danh chính ngôn thuận tố cáo đồng sự hay thượng cấp ăn bẩn, chơi gác.


Không chỉ đồng sự cấp thấp. Thượng tá Trần Đình Bá, phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, gửi thư ngỏ tố cáo “Ông Trần Mai Hạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu quốc hội khóa X, ứng cử viên đại biểu quốc hội khóa XI, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đã hết lòng bênh vực bảo vệ Năm Cam”. Cụ thể là cứu Năm Cam ra khỏi tù cải tạo năm 1996, bằng 2 công văn gửi cho Phó Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Phạm Sĩ Chiến thời đó, đính kèm theo 2 bài viết đăng trên tờ Nhà báo và Công luận vào thời điểm ông Hạnh làm Tổng biên tập.


Nguyễn Văn An, qua lời vàng ngọc ban cho báo chí ngày 19-5, có tự tát tay chính mình không, khi mà tư cách đảng biểu là như thế đó! Mà không phải chỉ nhà báo Trương Mai Hạnh. Ký giả Hoàng Linh cũng đã thành khẩn khai báo nhận tiền của mafia: “70 triệu đồng và 8 chỉ vàng của Năm Cam; nhận của giám đốc Công ty Epco 150 triệu đồng; nhận của Tamexco do Phạm Huy Phước làm giám đốc (đã tử hình) 40 triệu đồng”.


Nhìn chung, nhà báo nặn chữ để cứu gỡ phạm nhân (trường hợp Trương Mai Hạnh) hay tống tiền nghi can (Hoàng Linh) là bởi cung cách đưa tin của bộ phận thông tin trong nước thường xuyên lấn sân tư pháp, với những đề nghị án phạt nặng/nhẹ ở cuối bản tin. Thoạt đầu tưởng là do “thiên chức” răn đe dư luận quần chúng để phục vụ đảng. Về sau nó trở thành một loại bổng lộc dạng “mềm” bên ngoài mức lương cứng hàng tháng.


Đến ngày 2 tháng 5, số can phạm trong vụ án Năm Cam đã tăng lên tới mức 103. “Số tài sản bị tịch biên gồm 13 căn nhà, 4 ôtô, 10.000 m2 đất, 84.000 USD, 134 lượng vàng và nhiều vũ khí các loại”. Đó là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là mỗi can phạm có mấy đường dây bảo kê trong suốt ngần ấy năm hoạt động? Tất cả số nhà, đất, vàng, đô, và súng vừa nói, cộng thêm tài sản riêng của Trần Văn Thuyết, gồm “1 ôtô Mercedes ánh bạc bị thu giữ ngay tại Đà Lạt; căn nhà trị giá hơn 1.000 cây vàng tại 31 Hàng Chuối; 2 chiếc ôtô sang trọng khác, trong đó có một Mercedes”… vẫn không đáng quan tâm bằng 500 trang “tài liệu nhạy cảm” tịch thu được ở nhà Thuyết. “Trong số giấy tờ thu giữ, có nhiều địa chỉ cá nhân, một vài kiểu ảnh của các quan chức đang công tác tại cơ quan công quyền chụp chung với Thuyết”. Ngay trước khi tra tay vào còng, Thuyết còn nằn nì xin gọi điện thoại di động cho một “đàn anh”. Các quan chức đó là ai? Tên gì? Cấp nào?


Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát CSVN thời 1995 cho biết là ngay sau khi Năm Cam bị bắt đi tù cải tạo lần trước, đã “có rất nhiều người ‘chạy’ cho y”. Nỗi ấm ức của Thiệp là: “Đúng vào lúc vụ án đang ở giai đoạn quyết liệt thì tôi có quyết định về hưu”. Có nghĩa rằng ô dù của Năm Cam phải ở cấp tối cao thời đó. Thiệp xin lưu dụng thêm 2 tháng để giải quyết dứt điểm vụ án, nhưng không được anh Ba Ngộ (Bùi Thiện Ngộ), bộ trưởng công an thời đó, chấp thuận.


Còn theo Thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc, người thực hiện lệnh bắt Năm Cam hồi 1995 kể lại rằng: “Khi bắt Năm Cam, một số cơ quan và báo chí quan tâm ‘đặc biệt’ tới việc này… Họ không hỏi thẳng chúng tôi mà can thiệp bằng cách đưa lên báo, mà theo tôi hiểu là dùng công luận để gây sức ép với chúng tôi. Năm Cam và đàn em đã chạy rất nhiều cửa, đến rất nhiều báo. Theo tôi, bằng cách này, cách nọ, họ muốn làm tôi chán và ‘buông’ vụ này. Nhưng tính tôi đã làm thì phải làm cho ra nhẽ. Tôi rất yên tâm vì được thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp ủng hộ. Nhưng vụ án đang được tiếp tục điều tra thì ông Thiệp lại nhận quyết định nghỉ hưu. Còn tôi là người tổ chức thực hiện thì bị chuyển sang nhiệm vụ khác”…. Bùi Thiện Ngộ, sau đó lại đổ thừa cho người kế nhiệm là Lê Minh Hương (UV bộ chính trị đương nhiệm). Các báo không đăng lời tuyên bố nào của Hương. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết thay các nhà báo:

Những con bồ câu đã hết thời son trẻ

Ngớ ngẩn mổ nhau rụng những chiếc lông cùn


Không phải chỉ cấp bộ trưởng phía hành pháp. Cả bên lập pháp cũng bị Năm Cam “mua đứt”, theo lời kể của Trịnh Thanh Thiệp: “Cải tạo mới 2 năm rưỡi người ta đã thả hắn ra rồi. Như vậy là trái luật. Bởi lúc ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới bàn việc rút ngắn thời gian tập trung cải tạo chứ chưa chính thức quyết định rút ngắn, nhưng Năm Cam đã được ‘chiếu cố’ thực hiện trước điều mà Ủy ban Thường vụ dự kiến. Đây là sự ‘chiếu cố’ không bình thường”. Phía công an dồn hết trách nhiệm sang bên Kiểm sát Tối cao.


Cụ thể là Phó Viện trưởng Phạm Sĩ Chiến, với một số tài sản “không minh bạch” có được sau khi ký công văn 1333/KSỊT-TA ngày 18-9-1996 “Kiến nghị Bộ Nội vụ hủy bỏ quyết định tập trung cải tạo đối với Trương Văn Cam”, gồm một khu biệt thự sang trọng, hiện đại, cao hơn 4 tầng, nằm trong một khuôn viên ở đầu ngõ 603, đường Lạc Long Quân, ngay cạnh Hồ Tây (tính theo thời giá riêng miếng đất đã hơn 1.000 lượng vàng). Chưa kể 50.000m2 đất ở Quảng Ninh và các lô đất ở bãi An Dương (Hà Nội).


Còn về phía đảng, UV bộ chính trị Trương Tấn Sang (nguyên Bí thư thành uỷ, từng là Chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn) cũng đã lên tiếng, lôi cả Võ Trần Chí, Võ Viết Thanh và Trần Văn Tạo vào cuộc, với kết luận rằng: “Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Công an đã không thống nhất với nhau về chứng cứ phạm tội của Năm Cam”. Tới đây thì vụ chiếu cố xổng tù cải tạo Trương Văn Cam có liên quan tới cả anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt).


Khi được hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý Năm Cam hồi đó”? Kiệt trả lời rằng: “Chúng ta đang trong quá trình xây dựng pháp quyền nên không thể tránh khỏi việc luật pháp còn có kẽ hở, hay có những điều không còn phù hợp. Nhưng áp dụng luật phải uyển chuyển”. Cũng bằng sự uyển chuyển vừa đẩy vừa kéo đó, Kiệt chối là không biết gì về công văn của bộ Nội vụ gửi Văn phòng Chính phủ khi thả Năm Cam, nhưng cho biết là có bàn thảo việc này với Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Đó là ba tay đầu rau thời đó. Có nghĩa là Năm Cam đã mua tới cấp bộ “Thái Thượng Hoàng” ngày nay. Mua cách nào?


Khi bị bắt tại khách sạn Empress ở Đà Lạt, chiếc điện thoại di động của Trần Văn Thuyết bị công an thu giữ còn lưu khá nhiều số máy của các VIP. Ban chuyên án nhận định bước đầu đã có những bằng chứng về đường dây “chạy án” liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng mà Thuyết đã móc nối trong nhiều năm qua: “Thuyết đã tổ chức một đường dây cung cấp gái đẹp phục vụ những VIP này. Thuyết còn góp tiền xây nhà cho một số nhân vật đặc biệt, tặng họ những món quà đắt tiền. Có người được Thuyết biếu cả dàn âm thanh trị giá hàng chục nghìn đôla”. Thảo nào tay này có biệt danh là Thuyết “buôn vua”. Và chỉ mới là bộ hạ của Năm Cam.


Đừng chờ đợi gì nhiều về kết quả vụ án. Hãy tự rút lấy cho mình một kết luận. Năm Cam có lắm tội hoạt động xã hội đen, nhưng kể ra cũng có công rọi đèn vào một ổ dòi vẫn xưng xưng là cách mạng. Và kể ra cả đời Nguyễn Thị Bình cũng có được một câu nói đúng: Không có đảng bào kê thì làm gì có mafia! Đảng CSVN đặt kỳ vọng hoạt động tốt đẹp trên tư cách đạo đức tốt đẹp của từng cá nhân đảng viên, nay chỉ riêng một băng đảng giang hồ Năm Cam đã lật tẩy hết cả loạt tư cách thối nát lên tận chóp bu của một băng đảng chính trị kềm kẹp xã hội Việt Nam đã sản sinh ra cái xã hội đen nói trên. Quýt làm Cam chịu là đây chăng? Hãy dẹp cả hai thôi!


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Kommentare


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page