2002.07 – Chữ A Còng
- LVMỹ-K24
- Feb 25, 2022
- 19 min read

Tháng 5 được đảng và nhà nước đặt tên là tháng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời sự tháng 5 là hàng loạt tin ngộ độc.
Tháng 6 được gọi là tháng hành động vì trẻ em. Thời sự nổi bật tháng 6 là những đường dây bán trinh nhi đồng. Ở mặt đối ngoại, tháng 6 có 1 phái đoàn tầm cỡ của Hà Nội đi Mỹ để “trao đổi thông tin về nhân quyền”, và những lời phản đối suông vụ Trung cộng tập trận giả bắn đạn thật trên biển Đông….
Hãy Tự Cứu Mình
Bài xã luận “Ngộ độc không địa chỉ” của tác giả Chu Thượng trên báo Lao Động ngày 5 tháng 6 mở đầu bằng câu “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm của Hà Nội coi như đã kết thúc thắng lợi”. Tại sao lại “coi như”? Phải chăng chỉ vì thực tế xã hội lắc đầu về sự đánh giá của lãnh đạo đảng? Thực tế bảo sao?
18 em học sinh học ở trường trung học cơ sở Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định phải đi bệnh viện vì có chung một triệu chứng: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, “nguyên nhân căn bệnh trên vẫn chưa được làm sáng tỏ”…. Rồi 9 người thuộc 2 gia đình ở Hà Nội bị ngộ độc cá nóc. Ở Bắc Giang, 6 người bị ngộ độc vì thuốc diệt chuột nhập lậu từ TQ. Bác sĩ Phạm Duệ – Phó Trưởng khoa Chống độc – cho biết: “Các loại thuốc độc phổ biến ở dạng hạt gạo, dạng nước hoặc bột, không có hướng dẫn sử dụng rõ ràng nên đã nhiều người tưởng nhầm là các loại gia vị, nên cho vào thức ăn”.
Ở Đồng Nai, 68 người bị ngộ độc thức ăn trong một tiệc kỷ niệm ngày cưới. Ở Hà Nội, 18 người bị ngộ độc vì ăn rau muống, dù đã ngâm nước muối. Ở Trung tâm huấn luyện Hoàng Gia, Hải Phòng, 20 người ngộ độc “vì ăn rau cải xanh bị phun hóa chất bảo vệ thực vật”. Ở Hà Giang, trong 1 tuần có 22 người chết vì ăn bánh trôi ngô có nấm mốc.
Ở Đồng Nai, 206 công nhân hãng Dong Yang bị ngộ độc sau bữa cơm tập thể vì “chỉ số vi khuẩn E.Coli, Colifrom, S.Aureus vượt mức cho phép”. Lại ở Hà Nội, thêm 15 người ngộ độc vì ăn rau muống. Ở Đắc Lắc, 8 người ngộ độc vì ăn cá bị nhiễm cyanua. Lại ở Bắc Giang, thêm 46 người ngộ độc sau một bữa ăn giỗ có món đậu côve bị phun thuốc trừ sâu và cá mực bị ôi. Ở đảo Cát Bà, hơn 90 khách du lịch phải nhập viện, trong đó có 10 trường hợp nguy kịch, vì được đãi ăn các món rau muống, rau sống, cá mực tại nhà hàng Viễn Dương…
Trong 3 tháng đầu năm, con số thống kê chính xác được là đã xảy ra gần (?) 40 vụ ngộ độc thực phẩm, với 779 nạn nhân (tăng 250 trường hợp), 26 người chết (tăng gần (?) gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái). Ông Trần Đáng – Cục phó Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm – cho biết: “Thực phẩm bị ô nhiễm đang càng ngày càng nặng nề,… Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang đứng trước những nguy cơ thách thức rất lớn”. Riêng thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi cho biết: “Có đến 80% hàng quán không đảm bảo vệ sinh, 100% số mẫu chả, giò, nem ở nông thôn còn sử dụng hàn the hoặc bột urê thay chất hàn the”.
Ở Sài Gòn, hàng ngày có ít nhất 40 tấn thịt tung ra thị trường không qua kiểm nghiệm. Qua điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tại đây thì chưa đến 20% cơ sở sản xuất nước đá đạt chuẩn vệ sinh. “Nghiêm trọng hơn là mặt hàng kem có đến 96,7% mẫu kem ký và 83,35% mẫu kem que bị nhiễm E.coli”.
Ở Cần Thơ, chỉ trong quý 1 đã có trên 9.300 trường hợp nhập viện vì bệnh tiêu chảy, tăng trên 24% so với cùng kỳ năm trước. Tại An Giang, “bệnh này cũng đang gia tăng, trong đó có hàng chục trường hợp mất nước cấp tính dạng tả”. Ký giả Lý Sinh Sự cho rằng: “Địa phương nào cũng nói đến ‘nghệ thuật ẩm thực’, có cả hội ẩm thực, tạp chí ẩm thực, khu phố ẩm thực, cả các nhà ẩm thực học cũng đang viết báo, viết sách về ăn uống. Phần nhiều ta chỉ nói tới ăn ngon, ăn bổ, ít nói cách ăn sạch”.
Bản tổng kết thực tiễn cấp trung ương báo cáo: “Kiểm tra gần 8.000 trong số chừng 13.000 hộ tham gia dịch vụ thức ăn đường phố, tình hình chung cho thấy vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều. Vẫn thấy cảnh rất phổ biến dùng tay bốc thức ăn chín; 69,1% trong tổng số 1.114 mẫu thực phẩm được kiểm tra có hàn the; 1-3 số mẫu bia hơi nhiễm vi sinh vật; gần 50% số mẫu bánh phở không đạt tiêu chuẩn lý, hoá; 100% các mẫu tương ớt nhiễm vi sinh vật và có nhiều men mốc… Và điều này cũng đáng nói, chỉ có khoảng trên 20% số người được khám sức khỏe trước khi được cấp phép kinh doanh, cũng có nghĩa là gần 80% những người tham gia dịch vụ thức ăn đường phố chẳng rõ có mắc bệnh truyền nhiễm hay không…”. Ở Quảng Ninh, có tình trạng lợn chết hóa thành lợn quay, patê, xúc xích, “có con đã chôn dưới đất còn được đào lên đem bán”.
Theo ký giả Chu Thượng, nguyên nhân ngộ độc tràn lan là vì tình hình sai phạm “không địa chỉ”. Tình hình trách nhiệm của các nhà lãnh đạo vô địch cũng thế. Được hỏi tại sao thực phẩm hiện nay lại không được kiểm soát từ gốc mà các ngành chỉ giải quyết những việc đã rồi, Cục phó Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn Thực phẩm cho biết: “Vấn đề này ngoài tầm tay của ngành y tế”.
Đó chính là nội dung lời tuyên bố “kết thúc thắng lợi” theo báo cáo của chính phủ nước CHXHCNVN. Những nạn nhân ban đầu bị nhập viện vì ngộ độc đã đành. Hàng ngàn nạn nhân sau đó, năm này qua năm khác, bị chết hoặc suýt chết là do bởi những kết thúc thắng lợi vừa nói của đảng và nhà nước. Nhóm phóng viên Lao Động đã gióng tiếng kêu gọi độc giả hãy tự cứu mình chứ đừng ngồi chờ các “tháng hành động” kết thúc thắng lợi! Hãy dẹp ngay đám tác giả của những báo cáo và chính sách thượng thổ hạ tả đó. Chí lý thay!
Cho Trái Tim Trẻ Thơ Tỏa Sáng
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1-6 được tổ chức rầm rộ khắp nước, khởi động cho “Tháng Hành Động Vì Trẻ Em”, dự trù cũng sẽ kết thúc thắng lợi nay mai. Ở Sài Gòn có buổi liên hoan “Măng non sẵn sàng vì thành phố Bác” nhắc nhở một thời trẻ thơ rầm rập đi vào chiến trường “B”, chiến trường Tây Nam và Biên Giới Bắc. Biên Giới Bắc giờ đã được đảng vẽ lại theo ý quan thầy TQ. Nhưng trẻ em ta thì vẫn thế.
Đắc Lắc là một tỉnh “đang phát triển” với tỷ lệ số hộ đói lên tới 26%, tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm là 6,8%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 45,3%, cao nhất nước. Năm 1998, kinh phí của chương trình quốc gia cấp cho công tác phòng chống trẻ em suy dinh dưỡng tại đây là 645 triệu đồng, ngân sách địa phương còn hỗ trợ thêm được 200 triệu, nhưng sang năm 1999 nguồn kinh phí trung ương cấp chỉ còn 362 triệu, thì địa phương cũng nhân đó “cắt” luôn. Nguyên nhân? Chưa được làm sáng tỏ! Giải pháp? Chính phủ CHXHCNVN đã ra chỉ tiêu là đến năm 2005, tỷ số trẻ em suy dinh dưỡng của tỉnh chỉ được phép còn lại 34%!
Theo cơ quan Unicef của Liên Hiệp Quốc, 51,7% dân số VN mắc những bệnh liên quan trực tiếp do môi trường xấu (ký sinh trùng, bệnh ngoài da, mắt, nhiễm khuẩn hô hấp, tả…). Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất đặc biệt các bệnh tiêu chảy và ký sinh trùng do chất lượng nước quá tồi và thiếu thiết bị vệ sinh. Chỉ 1-3 dân số VN được hưởng các phương tiện vệ sinh đầy đủ và chỉ có 17% trong số đó biết cách sử dụng các thiết bị đó một cách hợp vệ sinh. Ở những khu vực khác, tỷ lệ đó còn thấp hơn nhiều. Theo bản tổng kết này, bệnh tiêu chảy và suy dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến 1-3 trẻ em dưới 5 tuổi mà nguyên nhân quan trọng cũng do tác động xấu của môi trường…
Ở Khánh Hoà, tỉ lệ học sinh đã tốt nghiệp và còn đang học trung học cơ sở chỉ mới đạt 63,77% so với số dân trong độ tuổi phải phổ cập giiáo dục (94.172 HS-148.528 người). “Hằng năm Khánh Hòa có khoảng 2.000 HS tốt nghiệp tiểu học nhưng không thể theo học tiếp THCS, cùng khoảng 6.000 HS THCS phải bỏ học giữa chừng…”. Nhân bình quân lên 61 tỉnh cả nước, hàng năm có gần nửa triệu học sinh bỏ học sau bậc tiểu học. Theo điều tra của phóng viên Phan Sông Ngân, nguyên nhân là bởi phụ huynh không kham nổi tiền học phí, tiền xây dựng trường, bảo hiểm y tế, đồng phục, sách vở, quĩ hội phụ huynh và “những khoản phí ‘tự nguyện’ bắt buộc” khác.
Ở Sơn La, chỉ riêng trường trung học cơ sở Thuận Châu đã có tới 52 giáo viên và 154 học sinh đếm được là đã sử dụng ma túy. Tại thị xã Điện Biên và huyện Sìn Lồ cũng có 20 giáo viên và 31 học sinh nghiện ngập.
Bài phóng sự của Hân Hương trên báo Lao Động số 140 cho biết: Ước tính hiện nước ta có gần 28 triệu trẻ em ở độ tuổi dưới 14. Với tỉ lệ trên 25% dân số sống trong các đô thị, chúng ta có chừng trên 7 triệu trẻ ở đô thị. Riêng Hà Nội có khoảng hơn 13 nghìn phòng học “được coi là hợp lý với kiểu dạy học thuộc lòng”. Tức là chừng 50 học sinh-1 lớp, 1 tuần chịu đựng khoảng 30 tiết học bằng “phương tiện duy nhất là bảng đen phấn trắng và vài giáo cụ thô sơ”… Các lớp được nối với nhau bằng hành lang giao thông dài (1,8-2,4m). “Đây là hệ thống đóng kín, học sinh bắt buộc phải qua tất cả các giờ học tại chỗ ngồi của mình.
Có thể nói đã qua nửa thế kỷ ngành giáo dục Việt Nam vẫn xây dựng trường, lớp kiểu như vậy, mặc dù nó khá giống cái nhà kho”. Ấy là còn chưa kể đến các trường, lớp mẫu giáo tư thục chật chội vì vốn là nhà dân ở, nhan nhản trong các ngõ ngách, nằm kề các quán karaoke, chợ búa, hàng rửa xe v.v…. “Và biện pháp để lũ trẻ rất hiếu động khỏi ‘cựa quậy’ là dỗ chúng kiên trì… ‘ngồi bô ‘. Tất nhiên nền sư phạm nào thì đẻ ra kiểu trường, lớp ấy”.
Còn các Cung Văn Hóa Thiếu Nhi? Cũng theo tác giả Hân Hương: “ta khai thác các nhà VHTN theo lối phục vụ người lớn. Nghĩa là chia nhỏ nó ra cho thuê hàng quán, làm nơi …tập giảm béo bụng đàn ông, chỉnh chân cong đàn bà; hoặc ở Hà Nội, có rạp chiếu phim dành riêng cho thiếu nhi, sau khi phá xong nay đã biến thành… bãi bia”. Câu hỏi đặt ra là, vậy, không gian thường xuyên của trẻ em ở đâu? Ông Trần Bình Tám ở Hà Nội phát biểu: “Tôi rất ngán trông thấy cảnh học sinh phải tận dụng hè đường làm chỗ tập thể dục”. Theo ông Nguyễn Văn Chính ở Đà Nẵng: “Sân trường là những trang ký ức đẹp nhất của tuổi thơ. Với trẻ em VN thì đó là những trang ký ức bằng bê tông”.
Chính thức, theo ông Huỳnh Công Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sài Gòn -thì: “Đất không sinh sôi, thậm chí còn bị ‘xẻo bớt’, trong khi số học sinh mỗi năm một tăng”. Đó là lý do khiến học sinh trốn học để la cà ở các quán càphê, bida.. Giải pháp? Bộ Xây dựng đã quy định mỗi học sinh phải có khoảng 20m2 đất, còn Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng nêu tiêu chuẩn là với mỗi học sinh nội thành được khoảng từ 6 đến 8m2, học sinh ngoại thành từ 12 đến 15m2 sân chơi…. Đối với học trò, 20 thước vuông đó bao gồm các “vỉa hè gập ghềnh long lở và dày đặc hàng quán…, lòng đường là một dòng sông xe cộ gầm rú bất tận”. Đối với đảng và nhà nước, đó là những sân chơi được tô nhiều màu… trên giấy.
Theo báo cáo của Phó thủ tường CSVN Phạm Gia Khiêm trong hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc & Giáo dục Trẻ em vào ngày 6-6, “Với những quyền được quy định, kết hợp với truyền thống yêu trẻ của dân tộc ta, trong 10 năm thi hành Luật BVCSGDTE, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, giúp cho trẻ em Việt Nam có được quyền, môi trường, sự quan tâm để phát triển…”.
Cũng trong hội nghị đó, Thứ trưởng bộ Tư pháp CSVN Uông Chu Lưu lại không đồng ý: “Các văn bản pháp luật, kể cả Luật BVCSGDTE mới chỉ dừng lại ở những quy định chung nhất, xác định nguyên tắc mà chưa được cụ thể hóa và kịp thời. Luật cũng chưa đầy đủ mà mới mang được nội dung quyền, nghĩa vụ, các nhu cầu của trẻ chứ chưa xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách để thực thi”. Báo Nhân Dân tường thuật nội dung hội nghị này dưới tựa đề “Hầu hết trẻ em Việt Nam đã được hưởng những quyền cơ bản”!
Trước đó 3 ngày, cũng trên báo Nhân Dân, người ta đọc được một bản tin thắng lợi to lớn: “Phát hiện đường dây kinh doanh trinh tiết trẻ mới lớn”. Bản doanh là thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn mở rộng là các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ… Bảng giá ghi rõ: 5 triệu đồng lần đầu tiên, 200.000 đồng mỗi lần sau đó. Đó là hiện tại của tuổi thơ VN.
Còn tương lai ra sao cho những “Măng non sẵn sàng vì thành phố Bác”? Tờ Tuổi Trẻ đăng một bài phóng sự ngợi ca gương sáng của lão ông Phạm Quang Giáng ở đường Hoàng Hoa Thám, thủ đô Hà Nội, “đã 98 tuổi, được xem là người đạp xích lô cao tuổi nhất Việt Nam”. Thành tích nổi bật của cụ Giáng là: “Trong khi mỗi chiếc xế bình thường chỉ chở được tối đa 3 ‘bom’ bia, mỗi ‘bom’ 100 lít, thì cụ thầu luôn 4 ‘bom’...”.
Tất cả đã quá đủ để Nhà Văn Hóa Thanh Niên Hồ Chí Minh “kết thúc thắng lợi” một chương trình ca nhạc chào mừng ngày thiếu nhi quốc tế, dưới chủ đề “Cho Trái Tim Trẻ Thơ Tỏa Sáng”.
Một Cúp, Hai Bằng Khen
Tháng 6 ở Hà Nội rôm rả kỷ niệm 77 năm “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”. Chỉ vắng mặt những ký giả dính líu tới các đường dây mafia, đặc biệt là băng đảng Năm Cam. Tất nhiên, Trần Mai Hạnh không có lý do gì để tham dự. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồng Vinh đã long trọng tuyên dương “sự nghiệp đổi mới báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới…” của đảng.
Trong dịp này, Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc nhở các cơ quan báo chí phải “có tính chiến đấu cao để không có những thông tin sai lệch, thiếu sót”. Phan Văn Khải, nhân cuộc thăm viếng đài VOV (mà Trần Mai Hạnh từng là giám đốc), đã nhắn nhủ rằng: “Hơn ai hết, các nhà báo phải tắm mình trong cuộc sống,… kiên quyết phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng, trái pháp luật”.
Trên đà truyền thống vẻ vang đó, cũng trong tháng 6, bộ Văn hóa-Thông tin CSVN đã ký quyết định cấm lưu hành hai bộ phim Video hài hước do trung tâm Vân Sơn, một nhóm ca nhạc hài hước ở Hoa Kỳ về Việt Nam thực hiện hồi năm ngoái. Sau đó là 3 quyết định có tầm vĩ mô ở cấp chính phủ:
Một là, kẻ khuyến khích nhà báo tắm mình trong cuộc sống đã ra chỉ thị cấm khán giả theo dõi các chương trình truyền hình phát sóng từ vệ tinh, ngoại trừ “một số giới chức lãnh đạo đảng và chính phủ”;
Hai là, chính Nguyễn Khoa Điềm, vừa mới nhắc nhở giới truyền thông không được loan tin thiếu sót, đã lập tức ra chỉ thị cấm báo chí thông tin quá mức cho phép về vụ án Năm Cam, không được loan tải thêm về những chân dung bảo kê chuyên nghiệp ở tầm cao, nhằm chận đứng “tình trạng lợi dụng cơ hội khai thác quá mức, tiết lộ bí mật của đảng và nhà nước, gây khủng hoảng trong nội bộ đảng và tạo hoang mang trong quần chúng nhân dân”;
Ba là, cũng bộ Văn hóa-Thông tin, đã quyết định theo dõi chặt chẽ hơn những người lui tới các quán caféNet, hầu ngăn chận tình hình gia tăng lượng truy cập các trang Web “có nội dung chống đối nhà nước”.
Hóa ra, thay vì giải quyết tình trạng đảng làm bảo kê cho mafia, Hà Nội lại ra sức cấm cản thông tin về hoạt động bảo kê. Nhưng, dường như đã quá trễ. Theo Lý Sinh Sự thì vụ việc đã “lộ rõ tính toàn quốc rồi!”. Người dân không cần phải suy đoán gì sất để phải hoang mang. Tất cả đều thấy rõ như nhau về nạn tham nhũng “là cả một lối làm việc chứ không đơn giản là mấy sai lầm cụ thể của những người dính vụ này”. Đấy cũng là đặc tính thống nhất duy nhất của cả guồng máy. 109 kẻ dính líu sơ bộ, kể cả 7 tướng công an, 1 viện trưởng kiểm sát tối cao, 2 thẩm phán, 1 giám đốc đài phát thanh quốc gia, 1 thứ trưởng, 1 cựu thủ tướng… chỉ mới là phần nổi nhấp nhô của tảng băng sơn va quệt phải con tàu Titanic Ba Đình.
Cũng đã quá trễ để ngăn cấm người dân kháo nhau về những bộ phận thượng tầng đang chặt tay chặt chân lẫn nhau qua vụ việc Năm Cam: “Những thông tin mới làm ta hiểu ra, để có tiền tài, địa vị, đôi khi con người ta phải leo bằng những nấc thang không sạch sẽ. Còn vì sao họ đi đường bẩn thế mà không lê dép bẩn vào nhà khiến ta không ngửi thấy mùi thì cũng là một thông tin cũ: Quẳng dép bẩn ngoài bờ rào, đi giày mới vào lâu đài. Mà trong lâu đài thì đang có vũ hội giả trang”. Vẫn Lý Sinh Sự nói thế, nhân một buổi xỉa răng tập thể ở chung cư.
Tại Liên hoan Múa rối Quốc tế 2002 diễn ra vào đầu tháng 6 tại Prague, thủ đô Cộng hòa Czech, đoàn múa rối Hà Nội đã đoạt giải nhất, được tặng cúp và hai bằng khen của Ban tổ chức. Không một ai tỏ vẻ ngạc nhiên hay nghi ngờ gì cả.
Ra Đi Tìm Đường Bán Nước
Nhìn vào bên trong VN, tin tức tháng qua hầu hết cũng thuộc loại tin cũ về lượng tai nạn giao thông kỷ lục, ma túy lan tràn, mãi dâm đầy khắp, tham nhũng như rươi…. Riêng chỉ có vài điểm đáng quan tâm:
Một là Phó thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt nhà cầm quyền Hà Nội, chính thức thú nhận rằng tình hình biến động tại Tây Nguyên vừa qua là do những thiếu sót và sai lầm của giới lãnh đạo trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh cũng như trong việc thực hiện các chính sách tôn giáo và dân tộc của nhà nước. Đây không phải là những thiếu sót hay sai lầm đầu tiên của đảng CSVN. Về mặt đối nội, đã có người nêu câu hỏi: Thế thì “đảng ta” quản lý tốt cái gì? Câu trả lời của Sáu Vọng Cổ trên tờ Lao Động là: Nước mưa và nước thải. “Cái này ta quản lý tốt đến nỗi nó chỉ trôi ngập mênh mông trong các ngõ ngách đường phố ở đô thị, chứ không thể chảy ra sông ra biển được”. Lại có người bảo rằng: Cái còng. Đến con chữ dấu @ trong địa chỉ email mà còn được gọi là chữ “A còng” nữa là!
Hai là vụ xử án Mai Văn Huy được đánh giá là ngang tầm sóng đôi với lượng tin bắt thêm ngày một nhiều những tay chân của Năm Cam nằm trên cấp thứ trưởng. Riêng vụ án của Huy, độc giả các báo chú tâm nhiều vào các tiểu tựa: Tỉnh Đồng Tháp cho lập công ty khống để rút ruột DNNN; Mai Văn Huy khai nhận đã hối lộ các quan chức Đồng Tháp; Sử dụng tiền nhà nước như tiền nhà; Có ăn chia nhưng lẩn tránh trách nhiệm; Đó là chủ trương của tỉnh. Tỉnh chỉ đạo thì tôi phải làm; Chồng của một thẩm phán (đang xử án) từng nhận tiền của Mai Văn Huy… Những con số chục tỷ tới trăm tỷ trong vụ án này tuy nhiều nhưng không đáng kể, so với lời phê của tay Lý Sinh Sự: “tất cả các vụ lớn nhỏ xưa nay phần lớn những người liên can đều… vô can”. Trừ khi các băng bảo tiêu của chúng nó tận tình triệt hạ nhau chăng?
Ba là, Ủy viên chính trị bộ kiêm Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa trung ương Nguyễn Khoa Điềm vừa ra lệnh xiết báo chí, nhưng vẫn đang tiếp tục loay hoay đạo diễn bộ phim dài nhiều tập về sự nghiệp đi tìm một “Phương pháp đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống nhằm xây dựng con người VN trong thời kỳ Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa”. Có người hỏi khó: Thế, Mai Văn Huy, trình độ lớp ba mà đã trở thành giám đốc Cty cấp tỉnh và có khả năng biển lận hàng trăm tỷ đồng, không phải đã nhờ thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?
Lại có kẻ lật ngược vấn đề: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, còn ai hơn bộ chính trị và ban chấp hành trung ương tiền nhiệm và đương nhiệm? Thế thì tư tưởng Hồ Chí Minh, được coi là “kim chỉ nam hành động”, hẳn đã bao gồm cả giải pháp dâng biển, hiến đất cho Tàu? Từ Phạm Văn Đồng tới Lê Khả Phiêu… nhan nhản “con người mới” đầy đường ra đấy, cần gì phải xây dựng? Xin mách nhỏ một khe hở mà Nguyễn Khoa Điềm cần cấp tốc lấp ngay: Từ nay không nên chọn tháng 6 làm tháng kỷ niệm “ngày bác ra đi tìm đường cứu nước”. Bởi nếu cứ thế, mọi người sẽ cứ bảo rằng “rõ ràng đó là con đường nằm ngoài VN và chỉ làm khổ dân VN”. Hay đó là đường nhượng cảng cho Nga, dâng đảo cho Tàu?
Trận Giả, Đạn Thật
Đó là mặt đối nội, trong đảng và trong nước. Phần đối ngoại tháng qua ra sao?
Thứ nhất, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản vừa công bố 1 bản phúc trình đánh giá thấp môi trường kinh doanh VN: Trình độ quản lý thấp; Thông tin không được rõ ràng, đầy đủ và nhanh chóng.
Thứ nhì, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư CSVN, lượng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào VN trong 5 tháng đầu năm chưa đạt được mức đăng ký 400 triệu USD, tức giảm tới 26,1% so với cùng kỳ 2001. Các dự án mới vẫn tập trung chủ yếu tại phía Nam, càng làm gia tăng khoảng cách mất quân bình địa bàn nhận đầu tư trong nước.
Thứ ba, suốt 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới chỉ đạt 5,885 tỉ USD, tương đương 35,5% kế hoạch 2002, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2001. Dầu thô (-18%); thủy sản (-5%); gạo (-12%); càphê (-45%); rau quả (-39%); hàng điện tử-linh kiện máy tính (-31%)… Số liệu nêu trên đang dự báo khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10-13% mà Hà Nội đề ra cho năm 2002. Ngược lại, tỷ trọng nhập siêu sau 5 tháng đã lên tới 16,3%, trong khi tỉ lệ này ở năm 2001 chỉ ở mức 1,5%. Theo Trần Xuân Giá, chỉ tiêu xuất khẩu 1,6 tỷ USD/tháng là một ảo vọng trong những tháng tới.
Thứ tư, lần đầu tiên, đảng và nhà nước CSVN đã phải huy động một phái đoàn hùng hậu những “đại diện” các giáo hội quốc doanh sang Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn để “tạo sự thông hiểu về tình hình tôn giáo tại VN” và “đề nghị các đối tác Mỹ cùng góp sức để ngăn chặn khả năng thông qua Đạo luật nhân quyền Việt Nam của Thượng nghị viện Mỹ”. Mới hay, nỗ lực vận động đúng chỗ đúng lúc của người Việt hải ngoại trong thời gian qua đã biến thành loại áp lực cực mạnh đè lên dàn lãnh đạo Hà Nội. Chính chuyến công du vừa nói đã chứng thực áp suất đó và làm gia tăng sức vận động của các cộng đồng hải ngoại đối với dư luận và chính giới ngoại quốc. Nghe đâu đã có những dân biểu Mỹ đang lên chương trình mời một số nhân sĩ VN ra điều trần trước Hạ Viện Hoa Kỳ trong tháng 7 này, cũng về vấn đề quyền phát biểu và nhân quyền tại VN.
Thứ năm, công an CSVN đã phục kích một toán công an Trung Quốc thuộc huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, khi toán này truy kích một nhóm buôn súng lậu chạy sang Lào Cai. Phía TQ có 1 công an tử thương và 1 bị thương trầm trọng. Giới bình luận gia quán nước cho rằng công an VN chỉ có thể phục kích được công an TQ khi ăn thông được với nhóm buôn súng lậu. Bộ ngoại giao CSVN cho biết nội vụ “đã được giải quyết ổn thỏa”.
Thứ sáu, Bắc Kinh ra lệnh cấm ngư phủ VN đánh cá ngoài khơi biển Đông từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 1 tháng 8, 2002. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao CSVN đã có lời định nghĩa với báo chí như sau:”…bất kỳ một hành động nào của một nước khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự chấp thuận của Hà Nội đều là vi phạm chủ quyền Việt Nam”. Chấm hết. Nếu không thì phải lật lại những công hàm cũ của Phạm Văn Đồng.
Thứ bảy, để trả lời, đài phát thanh Quảng Châu, TQ, đã nhẹ nhàng thông báo: Từ 0 giờ ngày 8-6-2002 đến 17 giờ ngày 13-6-2002, Trung Quốc sẽ tiến hành thao dượt quân sự và bắn đạn thật ở vùng Tây-Nam đảo Hải Nam, thuộc khu vực Vịnh Bắc Bộ. Lần này, người phát ngôn bộ NG/CSVN đã phát biểu dài hơn: “Chúng tôi hết sức quan tâm và lo ngại về tin trên… Việc Trung Quốc cấm biển để tiến hành bắn đạn thật ở khu vực này đe dọa quyền tự do hàng hải của tàu thuyền các nước qua lại khu vực này cũng như vi phạm an toàn hàng hải đối với các tàu ra vào các cảng phía bắc và miền trung ở Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”; và “Bất cứ việc làm nào của một nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền và các quyền chủ quyền của Việt Nam”. Hồi âm cho lời phản đối đó là những tiếng nổ trong khoảng tọa độ mà TQ đã thông báo.
Chưa ai quên phản ứng của Phi Luật Tân đã cho phi cơ bay đuổi tàu chiến của TQ trên vùng biển tranh chấp Trường Sa mấy năm trước, nên không một ai là chẳng thấy ra sự yếu hèn đớn mạt của CSVN lần này. Còn ở mặt đối nội, một câu hỏi của ký giả Nam Bằng trong bài báo về đường hầm Văn Thánh trên tờ Lao Động quả rất đáng cho mọi người suy ngẫm: “Người Việt nghĩ gì khi việc xây dựng một hầm chui băng qua đường trở thành vấn đề của cả nước?”.
Cả hai mặt đối ngoại hèn yếu và đối nội bất lực đó chứng tỏ nhu cầu thách thức và thay thế đảng CSVN trong việc quản trị đất nước. Ông Nguyễn Vũ Bình trong nước đã dũng cảm gióng tiếng về một đảng đối trọng với CSVN. Bạn đọc VNDC, nếu đồng ý, xin hãy tiếp lời trên diễn đàn chung này của chúng ta.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Kommentare