top of page

2002.09 – Tàn-Phế-Thải

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 21 min read

Thời sự tháng Bảy và tháng Tám vừa qua là một chuỗi tin loạn lạc. Hải quan bảo kê cho buôn lậu. Công an là trùm mafia. Kiểm lâm thông đồng với lâm tặc. Thẩm phán buôn bán án hình sự. Cửu vạn phá vòng vây. Cướp tấn công trụ sở UBND. Trọng án của trẻ em phạm pháp gia tăng. Trọng án của đảng viên phạm pháp càng gia tăng thành cao trào…


Tháng Tám là mùa hoàn thuế VAT. Không bao lâu nữa sẽ tới mùa động đất Ba Đình.

Vỡ Đê Kinh Tế


Về cán cân ngoại thương, VN đã bị thâm thủng gần 1 tỉ 700 triệu mỹ kim trong 8 tháng đầu năm nay. Ấy là đã có bình luận gia Lý Sinh Sự khuyến cáo rằng “không thể tính cả phần Tây vào doanh số xuất khẩu của Ta làm thành tích ảo đâu đấy”. Lý do? Theo các nhà phân tích kinh tế trong nước thì, với lượng xe con nhập khẩu tăng 35%, hàng vải nhập tăng 370%, có nghĩa rằng đơn giản là “chỉ vì lượng hàng nhập khẩu đã gia tăng đột ngột “! Nghe cứ y như nghèo là chỉ vì xin thiên hạ được quá ít tiền! Về phía xuất khẩu thì tin tức hồ hởi nhất tháng là công ty nhựa Chợ Lớn đã ký xuất qua tiểu bang California 200 chiếc xe gắn máy mang nhãn hiệu Dream VN. Công ty phân phối được nhắm tới là… Toys-R-Us. Tủi hổ biết bao, những Giấc Mơ Việt Nam!



Trong khi đó, lấy điển hình Gia Lai sau 3 năm sắp xếp lại quốc doanh, chỉ có 5-59 doanh nghiệp có hoạt động ổn định, phần còn lại đều bị lỗ vừa hoặc “lỗ lũy kế vượt từ 30 – 70% vốn chủ sở hữu”. Một điển hình khác là Nhà máy Xử lý rác Biên Hòa đang… biến thành rác. Với 5,8 tỷ đồng vốn xây dựng và sau 5 năm khánh thành, nhà máy này được đưa vào sử dụng được tổng cộng… 7 ngày. Tình hình chung? Báo Lao Động số 150-151 đã có bài viết nêu bật một câu hỏi nặng ký: “Khu công nghiệp An Khánh, Hà Tây: Trải thảm hay chông cho nhà đầu tư?”. Về mặt học đòi thì đó là tiến trình trải thảm, trên nghị quyết. Về mặt thói tật thì đó là quán tính cắm chông, trên thực tế. Điểm son trong thời tranh tối tranh sáng của nền kinh tế thị truờng theo định hướng XHCN là ở chỗ đó. Cò nào không béo nhờ nước đục?


Sài Gòn vốn được coi là “đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước”, đang đứng trước tình trạng tăng trưởng thụt lùi ở mức… “rất đáng lo ngại”. Các khu chế xuất, công nghiệp ở Sài Gòn trong 10 năm qua thu hút 1299 triệu USD từ giới đầu tư ngoại quốc, tương đương với lượng tiền Việt kiều gửi về trợ giúp thân nhân trong… nửa năm. Mức tháo chạy của doanh nhân ngoại quốc quá cao so với lượng dự án đầu tư mới được cấp phép. Ngân hàng Mỹ Quốc (BofA) đã đóng cửa toàn bộ các chi nhánh trên toàn cõi VN. Giá đất ở Sài Gòn mắc gấp ba lần Thượng Hải. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ bằng 0,37% GDP. Chính sách Phát hành Trái phiếu ra nước ngoài được tác giả Hồ Xung trong nước đánh giá là một cách “Phát huy ngoại lực đắt, bỏ rơi nội lực rẻ”. Cá ba-sa bị Mỹ kiện bán phá giá. Tới quẹt ga cũng bị Liên Âu kiện bán phá giá. Bộ trưởng Bộ Thương mại CSVN Vũ Khoan khẳng định rằng “tình trạng xuất khẩu sút giảm là một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay”.


Theo Uỷ viên Bộ chính trị CSVN kiêm Bí thư Thành uỷ Nguyễn Minh Triết thì điều rất đáng lo ngại nói trên là do “nguyên nhân chủ quan của chính chúng ta”. Giải pháp tháo gỡ? Theo Triết, “phải chờ chính sách từ trung ương”. Trong lúc dàn lãnh đạo Hà Nội thì đổ ngược lại rằng “trên đã thông mà dưới chưa thoáng”. Có nghĩa là giữa “chúng ta” ở đây và “trung ương” ngoài đó có một khoảng cách tầm xa và chẳng ai chịu ai, chẳng ai màng ai, bất kể cấp nào, bất kể ở đâu. Nói rõ hơn, Triết cho rằng việc cấp bách và cơ bản hàng đầu vẫn là “cần phải thống nhất 2 mảng này lại”. Chưa bàn chuyện ai tháo ai gỡ, theo tựa đề một bài báo kinh tế của Cẩm Thi thì dường như đó là một “Nhiệm Vụ Bất Khả Thi”.


Bởi, trên thực tế, còn rất nhiều mảng khác cũng đang cần thống nhất. Nếu không thì nông dân đã không bị điêu đứng từ đại họa hạn gạo trong khi lụt dưa hấu, lụt vải thiều, lụt nhãn, lụt chôm chôm, lụt dứa, lụt chè, lụt bông, lụt dâu tằm… Tất cả chỉ vì thiên tai trúng mùa? Còn thiên tài rớt giá của đảng? Quyết định 80/QĐ-TTg của Phan Văn Khải về “việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp” từng được tô vẻ là “cú hích” lớn, là “đòn bẩy”, là “thời kỳ mới”… đã bị chính thức xóa sổ trong các tổng kết thực tiễn. Bù vào đó, “nhà nước ta” rầm rộ “Khai trương dự án hỗ trợ Việt Nam giải quyết nợ nước ngoài”, khởi động một thiên tài khác về “Chiến lược quản lý nợ quốc gia”.


Nói chung, theo ngôn ngữ nông dân đồng bằng Bắc Bộ, là vỡ đê kinh tế! Trong đoạn giới thiệu bài “Xót xa thuốc lá”, tay biên tập kinh tế Trần Chinh Đức của tờ Lao Động đã thở dài: “Thế mới biết ở nước ta nông dân dễ bị ‘bắt nạt’ nhất. Và tôi không hiểu các vị quản lý, chỉ đạo nông dân nghĩ gì khi người một nắng hai sương ‘bị hại’ vì đã làm ra quá nhiều sản phẩm? Vừa qua vụ chặt càphê làm củi, nay lại đến thuốc lá phải đốt. Không biết khói thuốc có bay lên đến Ngọc Hoàng không nhỉ?”.


Viết thế là xúc phạm nặng nề tới giới “trồng- chặt-thua-lỗ” vốn là giai cấp cơ bản của XHCN ở nước ta. Viết thế là một xúc phạm nặng nề không kém tới bộ phận toàn quyền quản lý đại khối nông dân VN bằng chính sách bắt nạt. Viết thế cũng thể hiện cả lòng mê tín rằng “đảng ta” đã sai lầm tới mức kêu trời chưa chắc thấu! Viết thế còn là một cách ẩn dụ vẽ đường cho nông dân hiểu rõ cái gì mới thật sự cần chặt, cần đốt, để khỏi kêu trời!

Bão Giông Xã Hội


Hãy thử lược qua một vài con số thống kê được công bố trong mớ tin thời sự tháng qua: Ở giới trẻ vị thành niên, trọng án giết người tăng 50%, trọng án cố ý gây thương tích tăng 108%. Hơn 5000 trẻ em dưới 18 tuổi đã nhiễm HIV, chiếm 10% cả nước.


Theo số liệu của bộ Công An CSVN, sáu tháng đầu năm nay, số đối tượng phạm tội về ma túy bị bắt giữ là 11.945 người với hơn 7.370 vụ, tăng 2,1 % về số đối tượng và 7,2% về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Đắc Lắc, 100% số công trình xây dựng cơ bản được kiểm tra có sai phạm. Trên cả nước, kết quả bước đầu thanh tra ở 427 dự án cấp bộ và tỉnh: “Tất cả các công đoạn đầu tư và xây dựng đều có sai phạm”. Riêng hệ thống cống hộp ở phường 15, quận 10 Sài Gòn: “Trên toàn tuyến dài hơn 2.000 m có tới 2.430 vị trí bị hỏng hoặc thi công không đạt”.


Theo nhà phân tích Xuân Quang trên báo Lao Động, Chương trình 135 nhằm phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa “rốt cuộc chỉ là ‘Chương trình 5-3-1’ (Tiền từ trung ương rót xuống 5, đến địa phương chỉ còn 3, đến người dân chỉ còn 1)”.


Về cao trào gian lận thuế VAT, điển hình: Xí nghiệp chế biến thuộc Cty Ong Trung ương (Bộ NN-PTNT), 3,2 tỉ đồng; Cty XNK nông sản thực phẩm Đà Nẵng, 5 tỉ đồng; Cty Simex, 5,3 tỉ đồng; Cty TNHH sản xuất tinh dầu Hà Nội, 7,2 tỉ đồng; Cty bách hóa điện máy Sài Gòn, 7,5 tỉ đồng; Cty TNHH Hồng Hà (Vĩnh Phúc), 7,73 tỉ đồng; HTX Việt Thắng (Hà Tây), 9,2 tỉ đồng; Cty xuất khẩu thủy-hải sản Hoàng Việt, 10 tỉ đồng; Kỷ lục? Riêng cá nhân Ngô Thị Kim Chung, Giám đốc chi nhánh Cty xuất nhập khẩu-đầu tư-du lịch Hà Nam tại Hà Nội, 20 tỉ đồng;


Về mặt kinh tế, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2002 giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 10,8%. Trong số 31 doanh nghiệp mía đường có báo cáo thì năm nay chỉ có 10 doanh nghiệp làm ăn có lãi, tổng số lãi khoảng 72 tỉ đồng; 21 doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ với tổng số lỗ 1232 tỉ đồng….


Theo Thời Báo Kinh Tế, xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Nhật đã giảm tới 20% trong bốn tháng đầu năm và tình hình được dự báo khó cải thiện trong năm nay. Tổng số đầu tư của Nhật vào VN trong năm 2001 chỉ bằng 1-33 so với Trung Quốc, 1-12 so với Thái Lan, 1.5 so với Nam Dương. Kết quả cuộc khảo sát doanh nghiệp xuất khẩu do Bộ Thương mại CSVN tiến hành cho biết: “90% doanh nghiệp khó khăn về xúc tiến thương mại”. Cũng theo bộ này, “phí nộp ở cảng Sài Gòn cao hơn mức trung bình trong khu vực 146%; cảng Hải Phòng là 64%”.


Theo tờ Econet ở Sài Gòn, “Giá lao động tại Việt Nam trong năm qua đã tăng hơn 25%, trong khi ở các nước khác trong khối ASEAN không tăng, thậm chí còn giảm. Vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam có mức giá cao nhất so với khu vực châu Á . Giá đầu vào trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao. (nếu tính cả tỷ lệ bảo hộ thì giá đường của Việt Nam luôn lớn gấp 2 lần giá đường thế giới). Thế độc quyền vẫn đang thuộc về Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam ở lĩnh vực khai thác các dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng, trừ Internet”.


Về tình hình “an ninh ổn định”, thành quả an toàn giao thông là “trong 6 tháng đầu năm 2002, cả nước đã xảy ra 14.019 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 6.427 người, làm bị thương 16.265 người; tính bình quân một ngày xảy ra 77,8 vụ tai nạn và có 35,7 người chết”, tăng 31% so với năm ngoái.


Theo tờ Thanh Niên, tính đến cuối tháng 4, cả nước còn hơn 2700 hung thủ hình sự bị án phạt tù chưa thi hành án, trong đó hơn 1.200 người đã bỏ trốn, hơn 400 trường hợp công an chưa áp giải. Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tỉnh vẫn còn tới 3927 án dân sự tồn đọng từ năm 2001 chưa giải quyết và “không thể thi hành được”. Mới đây, đã có 2 tên cướp tấn công thẳng vào trụ sở UBND Củ Chi để cướp tài sản. Phó giám đốc Bưu điệnHà Nội bị 4 sát thủ vây chém bằng dao thái dưa, cả 4 đều ở tuổi vị thành niên.


Ở Quảng Nam, 3 giám thị coi thi tại Trường Hoàng Diệu, Điện Bàn, bị hành hung đến mang thương tích sau buổi coi thi Tốt nghiệp THPT cuối cùng vừa qua. Một bản tin khác: “Chiều tối 5-8, trên vùng biển Quảng Ninh, 5 tổ công tác của hải quan, biên phòng đã bị 4 thành viên trên một tàu gỗ tấn công quyết liệt trong hơn 10 tiếng nhằm đánh tháo hàng lậu. Một số chiến sĩ đã bị thương”. Được biết, trong thời gian một tháng rưỡi qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 3 vụ tấn công cán bộ nhà nước: “Hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7, hai cán bộ cấp vụ của Thanh tra Nhà nước đã bị bọn côn đồ ngồi trên xe máy dùng gậy quật bất ngờ. Cho đến nay, hung thủ hai vụ án này vẫn chưa bị phát hiện”.


Ở lãnh vực giáo dục, theo kết quả khảo sát của các chuyên gia thuộc dự án hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo do Cộng đồng châu Âu (EC) tài trợ: “ở các trường tiểu học hiện nay bình quân chỉ có 2,8% tổng kinh phí chi trực tiếp cho hoạt động dạy học”, trong khi tỷ lệ toàn bộ ngân sách giáo dục cả nước trên GDP hiện chiếm tỷ lệ thấp nhất nhì Á châu và có thể là của cả thế giới.


Theo VNExpress, hiện VN có 1.001 dịch vụ ăn theo tuyển sinh 2002: “Chưa bao giờ chợ ‘phao’ Hà Nội đông, nhiều và công khai như mùa thi năm nay. Chỉ một đoạn đường Đại Cồ Việt chưa đầy 100m, đã có đến 50 sạp”. Trong khi đó, Quỹ Tín dụng Đào tạo hiện thiếu 34,5 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau thiếu 1230 giáo viên. Gần 700 sinh viên hệ cao đẳng Trường Thể dục Thể thao trung ương III (TDTT) Đà Nẵng từ khóa 1 đến khóa 11 (1982-1992), thế nhưng đến nay chưa ai được cấp bằng tốt nghiệp.


Cũng ở tỉnh Cà Mau, 4 chánh án cấp huyện đều sử dụng “văn bằng không hợp pháp”. Tại Hà Nội, “tiến sĩ” Trần Hồng Thái bị phát giác là chưa học hết lớp 10 nhưng đã có 3 bằng tốt nghiệp đại học và hậu đại học.


Ở Đắc Lắc đã phát hiện “20 cán bộ, chiến sĩ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để được làm việc trong ngành công an, trong đó 3 người là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên, 7 người là đảng viên”.


Kon Tum có 28 trường hợp sử dụng bằng giả, trong đó có 1 phó hiệu trưởng, 7 công chức và 2 giáo viên. Ở Lộc Ninh có 26 học sinh đầy đủ tiêu chuẩn nhưng bị buộc không được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS để cứu lấy “thành tích” cho Ban giám hiệu Trường THCS Lộc Hiệp. Tại Kiên Giang, công an Võ Thanh Nguyên đã cung cấp trên 1.000 loại giấy tờ, bằng cấp giả. Ở Long An, Trần Văn Hải, “một tay trùm gian lận xổ số kiến thiết mới 17 tuổi” và đã trở thành tỷ phú khi còn là thiếu niên.


Ở lãnh vực y tế, mức “phong bao” theo thoả thuận ngầm mà “người bệnh và người nhà bệnh nhân phải chi cho cán bộ y tế lớn gấp 10 – 20 lần mức phí phải nộp cho bệnh viện, trong đó 8,25% do cán bộ y tế yêu cầu, 18,34% do người khác khuyên và 73,41% cho biết họ tự nguyện”, để được chữa trị. Theo kết luận của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng ngày 08-7-2002 cho biết, qua đợt tổng kiểm tra thực phẩm trên 4 bãi tắm biển lớn của thành phố đã phát hiện 100% số thực phẩm, đặc biệt là ốc hút, bị nhiễm 2 loại vi khuẩn Coliforms và E.Coli (tỉ lệ ốc hút bị nhiễm bẩn từ phân người trên 60%).


Tất cả những con số nói trên đã được xây dựng suốt nửa thế kỷ qua bằng xương máu của những đối tượng được đề cập trong “Pháp lệnh Người có công” ban hành từ 01-01-1995. Họ là ai? Hiện sống ra sao? Theo một bản thống kê khác nhân dịp kỷ niệm lần thứ 55 Ngày Thương binh Liệt sĩ, trên toàn quốc hiện có: 44.000 bà mẹ VN anh hùng, 600.000 thương binh.


Trong số đó đã có gần nửa triệu thương binh đang lê nạng ăn xin hay bán vé số cải thiện cho mức phụ cấp theo chế độ quy định trong pháp lệnh vừa nói. Trong số đó, chính thức vẫn còn 92.000 thương binh, liệt sĩ chưa được hưởng những chế độ phụ cấp nọ. Trường hợp điển hình ông Lê Văn Lạng, sinh năm 1923, quê Quảng Trị, hiện sống lây lất tại Đắc Lắc, cho biết đã đệ đơn đòi hưởng chế độ thương binh từ nửa thế kỷ qua mà vẫn chưa được.


Tiến độ giải quyết chế độ thương binh trên cả nước là 1000 trường hợp mỗi năm, tức là chỉ cần non một thế kỷ nữa thì đứt điểm con số hiện có. Giải pháp tình thế ở Sài Gòn là phát động Phong trào “Tiết kiệm một phần quà sáng” của thiếu niên thành phố. Trong khi đó, tại Quảng Bình, một thống kê về mức kỷ lục cho biết là đã có đám cưới con trai một cán bộ Trưởng Ban cấp huyện được tổ chức cho… 600 thực khách.


Ở Sóc Trăng, Trạm da liễu được xây bằng kinh phí bạc tỷ, nhưng không sử dụng được sau lễ khánh thành vì lý do: “có đến 89,07% kết cấu kiện tường bị hư hỏng”. Theo báo Người Lao Động và Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, “Dự án đường Hồ Chí Minh sai phạm hơn 60 tỷ đồng”. Theo kết quả hội nghị kiểm kê do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 26.6 tại Hà Nội, “số ôtô mà các cơ quan hành chính sự nghiệp đang sử dụng là 15.300 chiếc, chưa kể số tài sản trị giá 15.600 tỉ đồng, nằm ngoài sổ sách kế toán và 49% số đất hoàn toàn không có hồ sơ giấy tờ gì…”. 49% số đất không giấy tờ này có tổng diện tích 1,1 tỷ mét vuông! Riêng nạn ách tắc giao thông ở Sài Gòn và Hà Nội được quyết toán là đã làm “thiệt hại ước khoảng 35.000 tỉ đồng”.

Viện Đào Tạo Tào Man


Trong Giải Bóng đá Thiếu niên toàn quốc 2002, đội Tây Ninh bị loại vì trò gian lận tuổi. Theo Giám đốc Sở TDTT Tây Ninh Nguyễn Văn Cung thì: “Việc ăn gian này đã thành thông lệ ở giải từ thuở nào tới giờ chứ có phải mới đây đâu. Tỉnh nào cũng ăn gian, ai mà ăn gian được thì được nhờ”.


Ăn gian một giải bóng đá thì chuyện được nhờ không chắc lớn. Cái lớn hơn là tập quán ăn gian đó được “triển khai” tối đa ở các lãnh vực khác. Thành quả “được nhờ” chính là biệt thự và xe con khắp nơi. Hệ quả lâu dài của nó không chỉ là lượng đơn khiếu kiện nhà đất. Theo Lý Sinh Sự, điều đáng quan tâm là đám nhi đồng “mới bằng quả ớt mà đã gian lận như… người lớn”. Hãy tạm gác qua bên câu hỏi không lẽ chỉ “người lớn” mới được độc quyền chủ nghĩa Tào Man? Hãy thử lướt qua các bản tin trong tháng để thấy “người lớn” nêu gương gian lận ra sao.


Tại trung tâm y tế huyện Krông Buk, Đắc Lắc, kế toán Hoàng Thị Nguyệt và thủ quỹ Ngô Thị Đạo đã lập chứng từ khống, chiếm đoạt các khoản viện phí, tiền điện thoại, tiền phụ cấp trực, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản… lên tới 205 triệu đồng. Cả hai bị “xử lý hành chính”. Phó giám đốc Ngân hàng Nông nhiệp Phú Yên Đào Tuấn Nguyên bị cảnh cáo vì đã “cùng 2 cán bộ dưới quyền đã có các thủ thuật cho vay trái phép, làm thất thoát hơn 9,3 tỷ đồng”. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam Diệp Thanh Phong đã thông đồng để “lâm tặc khai thác và vận chuyển trái phép gỗ từ vùng Phước Trà, Phước Gia về xuôi”. Phong cũng bị cảnh cáo.


Ngay tại Hà Nội, ban chấp hành Thành Đoàn đã biển thủ hơn 90 triệu đồng. Riêng “trong đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm 1999, có 8 trường đại học, cao đẳng nộp hơn 43 triệu đồng nhưng không được ghi trong sổ hội sinh viên”. Hai cựu bí thư thành đoàn này đã bị kiểm điểm. Trong 18 tháng qua, thẩm phán Lê Văn Ban của TAND tại Sài Gòn đã 4 lần chạy tội thành trắng án cho các bị can buôn bán ma túy và hành hung. Tại Hà Nội, kiểm sát viên Viện KSND Nguyễn Việt Thắng trong 2 năm qua đã “bỏ qua” 11 vụ án hình sự, trong số đó, nhiều vụ đã được đương sự “dìm án” bằng cách “bịa ra những cáo trạng không hề có”. Trong vòng 4 năm, ban “Giám đốc Đa phong cách” của Công ty Lương thực An Giang đã bỏ túi riêng 51,2 tỷ đồng. Giám đốc Trương Thị Thanh Hương đã đào nhiệm.


Tại Cần Thơ, trong suốt 10 năm ròng, những “cộm cán” của thị xã Vị Thanh đã cấu kết với nhau để chia chiếm đất khắp huyện làm của riêng và “cống phần” cho cấp trên, “nhưng đến nay vẫn chưa bị các cơ quan pháp luật sờ gáy”. Ở cấp trung ương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Thương mại Hoàng Khắc Kim đã “đút túi” riêng tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng công quỹ, chưa kể trị giá phong bì và quà tặng đã nhận trong 2 năm tại chức 2000 và 2001….


Quả thật, bản Nội Quy Đảng CSVN, với các mục cảnh cáo và kiểm điểm nói trên chính là một quảng diễn sâu sắc và khích lệ nồng nhiệt:

Nhân dân là chùm khế ngọt

Đảng ta trèo hái suốt ngày


Nhưng, đó chỉ mới là một số tiêu biểu của thói Tào Man đánh lẻ.

Trên Bảo, Dưới Chỉa Ngược AK


Ở diện rộng, nhờ vào thành quả đấu đá nhau trên thượng tầng đảng, dư luận cả nước đã được biết tới những đường dây bảo kê rộng khắp. Vụ Năm Cam đã khui ra mạng lưới bảo tiêu cho mafia để ăn chia của hàng trăm công an và cán bộ cao cấp lên tới hàng ủy viên TƯĐ và cựu thủ tướng nước CHXHCHVN. Vụ Năm Cam có mòi bị đình động về mặt điều tra, căn cứ vào chỉ thị của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm đối với báo chí. Lý do mọi người đều rõ là vì chuyện bứt dây giữa vài phe cánh đã làm động cả rừng.


Trong công đoạn phản pháo vố Năm Cam, vụ Hang Dơi ở Lạng Sơn vừa bùng vỡ thành một bãi chiến mới toanh giữa các phe cánh cấp trung ương. Tang vật tại chỗ gồm 20 tấn hàng và 70 người liên can (không tính cửu vạn). Thành ngữ “Hối lộ là động lực của kinh tế” có nguyên quán tận Liên Xô. Qua chặng Pắc Bó, nó được “triển khai sáng tạo” lên tầm cao mới, trở thành “Ăn chia mới đích thực là động lực kinh tế cấp vĩ mô”. Phóng viên của VNExpress nhận định trong bản tin ngày 24-8 rằng hệ thống tuồn hàng ở Hang Dơi là “mạng lưới buôn lậu qui mô chưa từng thấy tại VN … đã bắt đầu làm ăn từ năm 1989”. Lực lượng chủ yếu là một liên quân gồm bộ đội biên phòng cấu kết với công an và hải quan.


Ký giả Lý Sinh Sự đã theo dõi sát tình hình, cho biết rằng “Hải quan cửa khẩu Lạng Sơn mỗi ngày chia nhau mỗi ông dăm bảy trăm, một triệu thì ghê quá. Nếu không có mấy ông này chắc chắn bọn buôn lậu không thể tồn tại được”. Rồi lại có lời bình luận rằng “sau trận này, quân ta có bị tổn thất một số, trong đó có cả hải quan, biên phòng… can tội bảo kê buôn lậu”. Trong một bài báo phân tích có tựa đề “Ai Bảo Kê Cho Buôn Lậu”, tác giả Công Thắng nêu bật câu hỏi vì sao công an huyện Hữu Lũng đã tăng cường trang bị AK để bao vây tóm gọn Lực lượng Chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 853Trung Ương cùng toàn bộ chiến lợi phẩm và hồ sơ buôn lậu? Lại còn bỏ đói lực lượng chống buôn lậu suốt thời gian “tạm giữ” thì quả thật là cạn tào ráo máng với nhau.


Mới biết, tình hình không chỉ dừng ở chỗ Trên bảo, dưới không nghe. Nó là “Trên bảo, dưới dí AK”.

Trùm Sò Áo Xám


Tiếp theo vụ Hang Dơi là những bức màn bảo kê buôn lậu được vén lên ở Móng Cái, An Giang, Thanh NgheTĩnh, xuống tới Quảng Trị… Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127/T.Ư, tình hình buôn lậu vẫn “diễn biến phức tạp” ở địa bàn một số tỉnh miền trung: Trong sáu tháng đầu năm nay, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đã xử lý 15.413 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hơn 63 tỷ đồng.


Ở Nghệ An, hệ thống buôn lậu có ba mũi tiến công bằng cả đường bộ, đường sắt và đường biển. Mạng lưới này tổ chức đưa hàng nhập lậu vào thị xã Cửa Lò, đồng thời, tổ chức đón hàng lậu từ cửa khẩu Cầu Treo đưa qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên để về thành phố Vinh tiêu thụ. Ở Hà Tĩnh, chung quanh cửa khẩu Cầu Treo có nhiều lối mòn được xây dựng cho việc thồ hàng, chủ yếu là tủ lạnh, máy thu hình, nước giải khát. Bên kia biên giới luôn có hàng chục xe tải cùng nhiều nhà kho chứa đầy hàng sẵn sàng cung cấp cho đội quân cửu vạn “không chỉ hoạt động về đêm mà ngay cả ban ngày”. Ai cũng rõ, đội quân cửu vạn này không tự nó tổ chức thành mạng lưới, có khả năng xây dựng trận đồ chuyển vận và có hoạt động đồng bộ như thế.


Tại Quảng Trị, với 206 km biên giới giáo Lào dọc sông Sê-pôn, được coi là địa bàn thuận lợi nhất cho hoạt động buôn lậu. Trước đây, hàng lậu qua đường sông Sê-pôn nhưng nay được tập kết vào khu thương mại rộng đến hơn 15.000 ha. Từ đây, hàng lậu “ép” sát vào nội địa. Bạn thắc mắc rằng ai cho tập kết và ai chỉ đạo hoạt động khu thương mại Lao Bảo chăng?


Theo lời giới thiệu của Trần Chinh Đức về một phóng sự buôn lậu tại cửa khẩu Lao Bảo, thì “Hình ảnh ‘gợi cảm’ nhất là mấy anh ‘áo xám’ (viên chức nhà nước) đứng ra ‘tổ chức’ buôn lậu, chấm công cho cửu vạn. Điều cần nói là trên báo chí chưa bao giờ xuất hiện những tên ‘trùm sò’ buôn lậu, chỉ có cửu vạn, kể cả cửu vạn áo xám.


Chừng nào các nhà báo chưa phỏng vấn, chụp ảnh được ‘trùm sò’ thì buôn lậu vẫn tồn tại như một… ngành nghề trên đất nước ta”. Viết thế là một thách thức khá lớn cho ký giả phóng viên trong nước để với tới những tay trùm sò của các mạng lưới. Viết thế còn là một thách thức lớn hơn nữa, đối với Nguyễn Khoa Điềm, tay “trùm tư tưởng” trong chính trị bộ mới vừa chỉ đạo “khóa mõm” giới truyền thông trong nước. Viết thế còn là một cách dẫn nhập gợi cảm cho tiến trình rọi đèn vào tới thâm cung cụ tổ của ngành nghề này. Nên lắm thay!

Quy Trình Tàn-Phế-Thải


Theo bài điều tra của Chu Ngữ trên báo Lao Động số 204,thì “Sau vụ buôn lậu ở Hang Dơi (Lạng Sơn) bị phát hiện, tình trạng buôn lậu trên đất liền không mấy thuyên giảm. Và trên biển, buôn lậu cũng ngày càng tinh vi và trắng trợn hơn…”. Một đòn phản công khác giữa các phe cánh cũng ngoạn mục không kém, với số tang vật hàng lậu điện tử trị giá không kém vụ Hang Dơi, được lực lượng biên phòng Đà Nẵng phanh phui trên hải phận Nghệ An, với 21 tàu chuyển vận (ngụy trang thành tàu đánh cá) bị vây bắt cùng lúc. Theo ký giả Chu Ngữ thì đây là “vụ buôn lậu lớn nhất từ trước tới nay trên biển”. Hệ thống này bành trướng rộng và làm ăn lầu bền nhờ đã tạo ra được lắm điều khó:

  • Cái khó thứ nhất là người ta không thể phân biệt tàu cá mực và tàu hàng lậu.

  • Cái khó thứ hai mạng thông tin “nội bộ” báo trước các cuộc tảo thanh.

  • Cái khó thứ ba là cửu vạn biển “sẵn sàng chống trả quyết liệt để chạy trốn hoặc tẩu thoát hàng”.

  • Cái khó thứ tư là nếu bị bắt, không một ai khai tên chủ hàng.

  • Cái khó thứ năm là giới chống buôn lậu đã được “mua đứt”.

Chứng cớ là trong nhiều năm qua, 3 cán bộ Quản Lý Thị Trường tỉnh Nghệ An đã “dùng tàu công vụ để dẫn dắt, che chắn cho tàu buôn lậu cặp bến,… tránh sự kiểm soát rầy rà của các cơ quan khác”. Cái khó sau cùng và trên hết là “phải xử lý những cú điện thoại đầy uy lực”. Chỉ khi nào những nguồn uy lực đó tròng chéo lên nhau thì mới… đổ bể.


Đến lúc đổ bể như vụ Nghệ An này thì kết luận tại chỗ là: “nếu cơ quan điều tra không tìm được chủ hàng, thì vụ này cũng như hơn 70 vụ buôn lậu trên biển bị bắt trong năm 2002 đều không thể xử lý hình sự, chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính”. Tức là phải quay ngược về bản quảng diễn Nội Quy Đảng cực kỳ nhiệt thành nói trên. Kết luận thứ nhì là “trong năm 2002 Biên phòng Đà Nẵng đã bắt 75 vụ buôn lậu, với giá trị hàng hóa hàng chục tỉ đồng. Nhưng điều đó không làm cho nạn buôn lậu giảm mà dường như giúp đối tượng ‘ma quái’ hơn trong việc đối phó”. Tức là đã phải có nỗ lực “đào tạo nội bộ” trong mạng.


Kết luận thứ Ba là “Phức tạp phần lớn do phe ta tạo nên”. Dưới nước chống, nhưng trên bờ tha thì rõ ràng là an ủi các chủ nậu rằng “thua keo này kíp bày keo khác”. Kết luận thứ tư là “hiệu quả chống buôn lậu theo đánh giá chung vẫn khá khiêm tốn – khiêm tốn đến mức đáng ngờ”. Tất nhiên thôi, bởi chỉ khi nào các tay “trùm sò, cán cộm” trong trung ương đảng quật nhau thì mới có một vài tin chống buôn lậu “hiệu quả” trên báo. Rồi đến lúc các đòn quật nhau đó tới hồi hỗn loạn thì trùm sò Nguyễn Khoa Điềm sẽ có ý kiến chỉ đạo ngay, để tình hình tạm quay về mức độ “khiêm tốn” cần thiết đôi ngày.


Nhìn toàn cảnh, cứ như thời sự tháng qua cho thấy: cả nước đã loạn. “Tầm nhìn thiên niên kỷ” của đảng trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã vượt quá cái cày. Sắp sửa đụng đít con trâu. Nhà máy Xử lý rác Biên Hòa đang… biến thành rác. Nhà máy xử lý tham nhũng buôn lậu ở khu Ba Đình lại đang là ổ tham nhũng và trùm buôn lậu. Lại tất tả đi nhờ Thụy Điển nghiên cứu giúp kế hoạch chống tham nhũng! Nước xa khó cứu được lửa gần. Khoan nói tới chuyện cả thế kỷ nữa Thụy Điển vẫn chưa thể biết hết mánh Tào Man của Hà Nội.


Sự cố lún hầm Văn Thánh đã được xác nhận “Do hầm lún cả trần và sàn nên chưa xác định được chính xác độ lún bao nhiêu”. Tình hình đảng CSVN không khác. Hiện tượng loạn lạc xã hội và loạn lạc chính trị không cách nhau xa. Cả Đông Âu, Liên Xô, và ngay cả Nam Dương đã lần lượt chứng minh. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã bảo: “Không còn gì đón phía trước/Không còn gì đợi phía sau”. Tháng Tám, cựu tướng Trần Độ ra đi cũng có phần thanh thản, một khi nắm chắc rằng chế độ độc đảng này đã tàn, đang phế, sắp thải.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page