top of page

2002.11 – Văn Hóa Công An (hồi 1)

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 20 min read

Bản “Kết Luận” của bộ Công An CSVN về vụ Năm Cam có bề dày hơn 600 trang, được coi là “đồ sộ nhất trong lịch sử tố tụng VN”. Trong đó, số người bị truy tố được chính thức công bố là 156, với 1-3 là công an, gồm 1 cấp tướng, 22 cấp tá, 26 cấp úy cùng một số thuộc hạ. Can phạm cao cấp nhất trong ngành này chỉ dừng lại ở chức thứ trưởng của bộ. Bản “Kết Luận” này rất xứng đáng được trang trọng ghi chép vào bộ Sử Đảng CSVN toàn tập.


Khoan nói tới hàng ngũ Công-An-Văn-Hóa, nó cũng rất xứng đáng được trang trọng ghi nhận như là văn bản chính thức về một nền văn hóa công an ở nước ta….

Văn Hóa Đại Trà


“Quyền lực chỉ có trên nòng súng”. Hình như Mao đã nói vậy. Quyền lực lại còn được thể chế hóa bằng tấm thẻ đảng viên dưới các chế độ cộng sản. Công an VN tin chắc là đúng vậy, và từng áp dụng triệt để trong gần nửa thế kỷ Kách Mệnh ở VN. Chỉ đáng tiếc là công an VN không còn đủ sức để giữ… độc quyền trước màu xanh đô-la vào giai đoạn Cạnh Tranh Kinh Tế Thị Trường. Kể từ thời Hà Nội bị buộc phải hô hào “đổi mới”, “mở cửa”, rõ ràng là nền văn hóa ứng xử đó đã vượt ra khỏi phạm trù công an và được ưu tiên trải rộng khắp nước:


Cán bộ quản lý thị trường Hà Danh Trí ở Khánh Hòa “đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để hành hung, gây thương tích” công dân cả thảy năm lần, kể cả với đồng nghiệp Lê Thanh Nhàn, kể cả dùng súng đe dọa Phó văn phòng UBND tỉnh là Huỳnh Ngọc Châu, và đại náo Nhà Văn hóa Lao động Nha Trang, mà vẫn tiếp tục ung dung …thu tiền chợ. Nhờ đâu? “Công an thành phố nhận định: chưa xảy ra nghiêm trọng, không đến mức xử phạt hành chính”!


Ở Quảng Trị, ba cán bộ quản giáo Lê Quang Hưng, Hoàng Đình Minh và Nguyễn Quang Thành của Trại Giáo Dục Hoàng Cát đã “khóa tay, dùng dùi cui cao su đánh trại viênc Bùi Bích Sơn đến vong mạng.


Ở Bình Dương, công an quản giáo phân trại K3 Ngô Trường Nam đã đánh gục học viên Võ Ngọc Hùng ngay tại bàn làm việc. Hùng chết trên đường nhập viện “do bị chấn thương, vỡ lá lách, chảy máu trong ổ bụng”. Lý do? nạn nhân không chịu ký nhận có giữ trong người một túi nylon đựng kim chích.


Ở Hải Dương, ngày 26-8-2002, trung úy quản giáo trại giam K1 Nguyễn Trung Kiên đã tát ngã rồi đá vào sườn, ngực và bụng của học viên Nguyễn Tài Long, một bệnh nhân AIDS bị kêu án 7 năm tù về tội sử dụng ma túy. Đại úy quản giáo Nguyễn Văn Mạng đã tiếp tay với trung úy Kiên, dùng gậy tre vụt vào phạm nhân trước khi trói tay nạn nhân đưa vào khu nhà máy xay đá để “thẩm vấn” tiếp. Hôm sau, Long được đưa lên bệnh viện Hải Dương cấp cứu vì “bị cảm nắng”. Ngày 10-9, hai cán bộ quản giáo khác là trung sĩ Bền và thiếu úy Dương của trại giam này đã “đánh đập dã man làm chết phạm nhân Phạm Văn Dũng”. 12 ngày sau, thêm một nạn nhân khác là Dương Văn Thư bị treo cổ trên cây soan bằng dây nylon. Hồi năm ngoái, tại trại giam này cũng đã xảy ra 2 vụ án mạng chết người trong lò vôi của trại, “không rõ nguyên nhân”. Theo ký giả Nghĩa Nhân, một quan chức của VKSND Tối Cao đánh giá rằng “những sự việc xảy ra tại trại Hoàng Tiến cho thấy việc đánh đập, buộc lao động quá sức với các phạm nhân là có hệ thống”.


Ở Vũng Tàu, nhân viên Trạm thu phí cầu Cỏ May đã “lao vào đánh hội đồng” thiếu niên Đặng Hoàng Hải, vì nghi ngờ Hải đánh bạn của họ. Sau đó hăm dọa nạn nhân rằng: “Mày phải giữ kín chuyện này. Nếu thưa kiện hay nói tên, chỉ mặt, thì tao cũng không để yên đâu”. Báo Công An Thành Phố ngày 27-4-2002 nhận định rằng “Đây là một trong những chuyện thường ngày”. Rất chính xác! Hôm sau, toán nhân viên thu phí mặc đồng phục này lại hành hung một một tài xế xe đám cưới trên đường đi rước dâu, vì đương sự không biết điều! Một lần khác, vì thiếu vé qua trạm, “anh Nguyễn Quý Dũng bị nhân viên trạm xách bình chữa cháy phun bọt trắng xóa, phủ đầy người. Mắt cay xè, người bỏng rát, đứng bất động tại chỗ rồi ngã xuống bất tỉnh”. Bài báo Công An nói trên đăng nguyên văn lời giải thích của Trưởng trạm thu phí cầu Cỏ May Nguyễn Văn Hoạch: “Anh vác gậy đánh người ta thì buộc người ta phải tự vệ chứ. Anh đánh tôi tự nhiên như thế, tôi không có quyền đánh anh à?”.

Văn Hóa Côn Đồ


Ở Sài Gòn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức Trần Văn Lý đã thuê côn đồ “dùng cây gỗ đánh vỡ thận, sẩy thai” cô giáo Đinh Thị Cẩm Vân, chỉ vì cô Vân đã gác thi quá nghiêm ngặt! Công an quận cho rằng nội vụ thuộc phạm trù giáo dục đào tạo!


Cũng ở Sài Gòn, tài xế taxi Võ Văn Quyền tố giác nạn bảo kê bến đậu, bị côn đồ rượt chém bằng kiếm. Nội vụ được xác định “2 sĩ quan công an phường Bến Nghé, quận 1, có dấu hiệu ‘đỡ đầu’ cho băng tội phạm này”. Anh Quyền làm đơn kêu cứu, bị đội phó công an quận 1 liên tục yêu cầu anh lên “ngồi chơi” tại trụ sở công an, có hôm ngồi đến 2h sáng mới được về, lại bị chụp ảnh như một đối tượng hình sự. Một cán bộ trong Ban chỉ huy Công an phường Bến Nghé còn đe dọa anh Quyền: “Mày lộn xộn tao bắt mày”.


Ở Hà Nội, ông Nguyễn Đình Năm bị 5 công an mặc thường phục chận xét và bị gán tội xe máy có chứa 1,4gram heroin. Hai trong số năm công an đó (tên Long & Vĩnh) đòi giúp ông Năm thoát nạn bằng giá biểu 2000USD. Nạn nhân bằng lòng chạy tiền để của đi thay người. Giá biểu sau đó tăng lên 3000USD. Ông Năm gọi điện thoại phân trần với công an Vĩnh và ghi âm lại cuộc điện đàm như sau: “-Anh nói cứ ‘cốp’ 2 nghìn xong là xong, thế mà cuối cùng chờ lâu thế?”. “-Mày cứ nói nhiều câu đó thế… Phải chờ sang tuần. Mà đã bảo là đừng nói chuyện này qua điện thoại”.


Cũng ngay tại “thủ đô” Hà Nội, ông Lê Chí Quang bị công an bắt giữ về tội liên hệ với Hội Nhân Dân Ủng Hộ Nhà Nước Chống Tham Nhũng. Khi xét thấy không có bằng chứng vi phạm luật pháp, ông Lê Chí Quang được thả bằng mẫu đối thoại của công an Tâm như sau: “-Tao tha cho mày vì mày ốm yếu, chứ không tao đã bắt mày rồi. Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà”. “-Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không?”. “-Tao không cần văn bản nào cả”. “-Vậy là văn bản miệng à?”. “-Đúng. Miệng tao là pháp luật!”. “-Vậy thì tôi vẫn cứ ra khỏi cứ ra khỏi nhà nếu tôi muốn”. “-Tao sẽ bắt mày ngay nếu mày ra khỏi nhà, mày đừng thách tao!”.

Văn Hóa Mặt Nạ


Trường đại học có truyền thống tuyển sinh gắt gao nhất VN hiện nay là Đại Học Công An, nơi cấp bằng hành sự có giá trị tương đương hoặc “triệu lần hơn” thẻ tín dụng Visa hay MasterCard, tùy nơi hành sự. Đầu tư để vào học trường này, do đó, không thể thấp, và cũng không thể dễ dàng gì, khi mà lực lượng đương nhiệm có khá đông thân nhân. Giải pháp vượt khó? Kỹ thuật hai-tếch là Đi tắt đón đầu!


Ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, Trần Văn Đoài đã nhiều lần vượt đường tắt, bằng cách “tự xưng là công an kinh tế đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở địa phương để… xin kinh phí cho đơn vị”. Có lần, chủ hộ kinh doanh vật liệu xây dựng Trần Thị Hòa bị xin tiền để “phục vụ bầu cử Quốc hội”, bèn đưa 300.000 đồng mua chữ bình an, bị công an dỏm tên Đoài chê ít, phải đưa thêm 200.000 đồng nữa. Thế mới rõ công an VN hoạt động bằng nguồn kinh phí dân doanh, và có mức giá hẳn hoi. Trước đó, Đoài đã giả danh công an kinh tế đến “xin” 5 triệu đồng tại cơ sở sản xuất ắc-quy ở huyện An Hải. Rồi còn nhiều lần tự xưng là cán bộ thi hành công vụ đến bắt người bán số đề, nhưng không lập biên bản mà chỉ tịch thu tiền đề!


Ở Sài Gòn, Nguyễn Minh Phương đã giả danh là công an trại giam Chí Hòa và Cơ quan cảnh sát điều tra của thành phố, đến một số cửa hàng hỏi “mua điện thoại di động cho sếp”. Lần sau cùng Phương đã bỏ túi 4 điện thoại di động đời mới giá 15 triệu đồng mà không tốn xu nào.


Cao hơn nhiều bậc, cũng ở Sài Gòn, Đặng Anh Quân, tự là “Chín Quân” hoặc “Hai Nhỏ”, thường sử dụng danh thiếp ghi rõ chức vụ “trung tướng tình báo Bộ Nội vụ”, “trung tướng – Tổng cục Trưởng tình báo quân đội”, “đặc phái viên của Bộ Chính trị”… để cứu vãn tình hình rắc rối về luật pháp cho rất nhiều doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử giá môi giới tiếp xúc để “làm việc với vụ trưởng Vụ Báo chí tại Hà Nội” là 30 triệu đồng. Đó chỉ mới là giá dỏm của đặc phái viên dỏm của Bộ Chính Trị. Muốn biết giá thiệt của ủy viên thứ thiệt của Bộ Chính Trị, người hỏi bắt buộc phải biết làm toán nhân lũy thừa. Theo báo Lao Động số 277, “Điều đáng quan tâm, nạn nhân kiểu lừa đảo này không chỉ là người dân, doanh nghiệp, mà còn có những cán bộ lãnh đạo muốn ‘chạy tội’, ‘chạy ghế’ v.v…”.


Nói cách khác, công an VN có một nghiệp vụ đặc biệt là làm giao liên giữa vợ của bị can với sếp của chánh án. Bị can thuộc hàng “lãnh đạo” ở cấp càng cao mà cần tháo gỡ vướng mắc thì lại càng cần nhiều uy tín tổng hợp của mấy “anh” trên bộ chính trị. Do vậy mà Hai Nhỏ phải ân cần giới thiệu những giao liên tầm cỡ như ông anh làm tới chức Tổng Cục phó Tổng cục Tình báo Trung ương, và một người quen mới được bổ là Chánh văn phòng Quốc hội… Tất cả đều chỉ nhằm phục vụ sự nghiệp lắp ráp nhịp cầu giao cảm từ phạm nhân tới bộ chính trị. Cũng do vậy mà ngược lại, trong số nạn nhân của Hai Nhỏ có cả “một ‘quan chức’ từng là lãnh đạo một cơ quan tố tụng cấp thành phố”. Rõ ràng là công an các thứ đang ôm trong tay nhiều tủ hồ sơ đen (thuộc loại chìa khóa két sắt) khiến kẻ gian phải sợ tới quấn-ra-đài. Mà trong thời buổi tranh tối tranh sáng này thì thiếu khối gì quan chức gian manh trong đám cướp ngày đang thực hiện “sứ mệnh lịch sử lãnh đạo đất nước”! Chứ không thì mắc mớ gì phải sợ cả mấy cái mặt nạ công an dỏm?

Văn Hóa Dùi Cui


Danh ngôn trong năm được bình bầu đáng nhớ nhất là lời than phiền của công an về chuyện “dùi cui bị gãy vì thiếu chất lượng”. Đây là phản ảnh rõ nhất về nền văn hóa vũ lực của công an VN:

Ở Nghệ An, kế toán viên trường trung học cơ sở Nậm Gai là Nguyễn Hồng Quang bị 6 công an huyện Quế Phong (Lê Minh Đức, Vi Văn Quang, Dương Hồng Tiến, Đậu Huy Hoàng và 2 người nữa cùng đi 2 xe máy chở ba) đạp vào xe cho nạn nhân té ngã rồi áp giải về trụ sở, đẩy vào phòng kín trong vòng 3 giờ, bật tivi hết cỡ, dùng gậy nhựa, ghế gỗ đánh liên tiếp vào người. Nạn nhân kể rằng: “6 người bắt tôi viết lời khai, nhưng tôi chưa hiểu khai cái gì thì họ lại tiếp tục đánh. Lúc sau, họ đưa tôi tờ giấy khai và bắt ký tên”. Lý do? Nạn nhân bị “nhìn nhầm” là kẻ đã va vào 1 trong 6 công an nói trên trong 1 vụ xô xát ngoài quán nhậu trước đó.

Cũng ở Nghệ An, thương binh Trần Đình Kính bị Trưởng công an thị trấn Thái Hòa, huyện Nam Đàn là Hồ Văn Mỹ giễu cợt đôi mắt hỏng của anh Kính. Hai bên lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát. Sau đó, công an Hồ Văn Mỹ dùng gậy đánh vào sườn và mặt cho đến khi anh thương binh gục xuống, động kinh. Nghệ An hội đủ điều kiện tối ưu để chiếm 25% sỉ số công an CSVN!


Ở Vĩnh Phúc, Khổng Văn Thời là một nghi can trong vụ án ném lựu đạn, bị tạm giam tại cơ quan điều tra của tỉnh. Thời đã chết tại phòng giam sau những buổi “thẩm vấn nặng tay” bởi thiếu tá công an Hoàng Hồng Thái và đại úy công an Nguyễn Anh Dũng.


Ở Lâm Đồng, thanh niên Nguyễn Trần Thiện Phú đi ăn cháo vịt, xảy ra vụ giằng co xe máy lúc ra khỏi quán, bị công an phường 10 dẫn về trụ sở. Sau 5 giờ tạm giữ, Phú được thả về để vào bệnh viện giải phẫu cấp cứu trong tình trạng dập lá lách, chấn thương ruột non, cuống bao tử và bàng quang… Nạn nhân kể lại là đã bị 1 công an trẻ “dùng dùi cui quất lên lưng, thọc vào bụng”, còn anh đại úy thì bẻ thanh sắt đang cùm chân nạn nhân để đánh vào ngực và bụng đến mức “ói mửa, tiểu tiện cả ra quần… cho tới lúc không còn biết gì nữa”. Một tuần sau, nạn nhân lại được mổ lần 2, trong tình trạng hôn mê, hy vọng sống rất mong manh.


Ở Hà Nội, hai thanh niên Bùi Thanh Tú và Vương Hoàng Long đi xe máy đến dự tiệc sinh nhật của bạn, đang chạy trên đường Yên Phụ quận Tây Hồ thì bị 1 xe Jeep đuổi theo. Tú kể rằng: “Em thấy mấy chú công an cầm dùi cui nhảy xuống, Long bị ngã xe còn em thì sợ quá bỏ chạy. 15 phút sau quay lại vẫn thấy Long nằm ở đó”. Được biết, nạn nhân bị chết trên đường đưa vào bệnh viện. Còn chiếc xe Jeep gây án mạng là của trung đoàn cảnh sát cơ động do công an Nguyễn Đức Tuấn Anh điều khiển.

Văn Hóa Lừa Đảo


Thiếu tá công an Mai Công Đoàn (quận Bình Thạnh) từng được hội đồng thi đua khen thưởng Công an thành phố đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mới đây, đương sự bị rút về Phòng tham mưu Công an thành phố, “để làm rõ việc sử dụng bằng cấp giả”.


Ở Sài Gòn, Đội phó công an Thi hành án quận 4 Nguyễn Văn Dậu đã giải quyết vụ việc mua bán nhà của bà Đào Thị C ngay tại quán nhậu, với giá đề nghị sơ khởi là 2 triệu đồng và 1 máy điện thoại di động. Công an Dậu còn giải quyết thêm nhiều việc khác theo kiểu đòi bên nguyên đơn bồi dưỡng 20 triệu đồng để thúc hối phía bị đơn sớm thi hành án lệnh kê biên nhà cửa. Mọi việc đâu vẫn y đấy. Dậu vẫn nhậu.


Thường vụ công an Thuận (trong vụ công an Bến Nghé bảo kê cho băng đảng làm tiền tài xế taxi nói trên) đã từng có thành tích một mặt đòi tài xế taxi lo lót 1 triệu đồng để bỏ qua cho chuyện dấu diếm 1 máy vi tính Compaq của hành khách bỏ quên trên xe, mặt khác, tịch thu rồi bán chiếc máy laptop với giá 7 triệu đồng.


Ở Cần Thơ, thiếu tá công an Phòng hậu cần Trương Kim Bình đã lừa đảo để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng từ gia đình của những can phạm đang bị khởi tố hay bị tạm giam “với lời hứa sẽ lo cho tại ngoại hoặc hưởng án treo”.


Ở An Giang, hàng lậu tại cửa khẩu Tịnh Biên được coi là hợp pháp và bày bán công khai trên 100 sạp với giá rẻ bằng phân nửa những nơi khác, sau khi đã được công an sở tại làm “công chứng” bằng cách trích dẫn ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện rằng “cần phải ‘nới tay’ để tạo không khí làm ăn”. Đó là tuyên bố chính thức của hàng ngũ nhân viên công lực, kể từ khi Trưởng công an xã An Phú bị phát hiện “nhận hối lộ, bao che cho buôn lậu”.


Ở Hà Nội, thiếu tá công an Nguyễn Văn Hùng và đại úy công an Nguyễn Văn Hòa thuộc Đội công an Phòng chống ma túy quận Hoàn Kiếm đã bị bắt vì dính líu vào vụ bảo kê, bao che cho một đường dây ma túy quy mô và hoạt động lâu dài tại đây.


Ở Long An, bà Nguyễn Thị Thảo (hơn 70 tuổi) đã bán hết 15.000m2 đất canh tác và 4 con bò, còn vay mượn thêm để chạy án cho cậu con trai út mắc tội buôn lậu đang trốn bên Campuchia, theo sự chỉ dẫn nhiệt thành của 2 sĩ quan công an tỉnh, “bảo đảm rằng Tuấn sẽ chỉ bị án treo”. Bà Thảo cho người gọi con về nước đầu thú. Tuấn bị kết án 11 năm tù.


Ở Trà Vinh, công an Đỗ Thành Tâm được giao thụ lý vụ án tham ô của bị can Nguyễn Xuân Kim đang bị tạm giam. Gia đình bị can được thông báo là cần chuyển tiền và thuốc vào tù cho Kim trị bệnh tiểu đường tái phát. Hơn một năm sau, khi tòa xử cho Kim được tại ngoại hầu tra, gia đình nạn nhân mới vỡ lẽ toàn bộ số tiền 10 triệu đồng và số thuốc tiểu đường đã vào mồm công an Tâm.


Ở Đà Nẵng, tiền sự Nguyễn Văn Trung lừa đảo cô Đặng Thị Thu Kiều, chiếm đoạt 2 xe máy. Trung bị bắt, do công an Lê Văn Huấn thụ lý. Trên đường giải về trại giam, bị can Trung đã lừa được công an Huấn rồi bỏ trốn. Cả phòng công an quận Liên Chiểu đổ xô đi tìm, nhưng vô vọng. Phương án chữa cháy của công an quận là “ép bị hại Đặng Thị Thu Kiều viết đơn bãi nại cho Trung”. Song song, VKSND quận gạch xóa tên bị can Trung trong sổ tạm giam. Mọi việc đều được nhất trí hợp thức hóa.


Ở Bình Dương, Võ Văn Hiếu và Nguyễn Văn Thọ bị liên can vào một vụ án mạng làm chết một chủ quán nhậu. Tội danh của cả hai khi bị khởi tố là “cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản công dân”. Đại úy công an sở tại Từ Hải Thọ đã gợi ý với gia đình hai nghi can là sẽ xếp tên hai người này vào cuối danh sách đề nghị truy tố. Giá sơ khởi là 20 triệu đồng. Kết quả không giống như điều gợi ý ban đầu, cả hai gia đình nạn nhân đã tố cáo đại úy Từ Hải Thọ về chuyện “ăn tiền mà nuốt lời hứa”.


Lại ở Sài Gòn, vụ án heroin nổi tiếng nhất xảy ra tại tại khách sạn Embassy, quận 1. Thiếu tá công an Nguyễn Công Chương thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố, nguyên đội trưởng Đội trọng án, đã phù phép biến hóa cho trùm ma túy Nguyễn Thị Hương “kịp bế con nhỏ trốn thoát khỏi vòng vây công an”, 3 nghi can còn lại trong vụ này “được Cơ quan Cảnh sát điều tra thành phố xác nhận trong bản kết luận điều tra sau đó là vô can, số heroin bị phát hiện tại khách sạn là vô thừa nhận”.


Một vụ án ma túy quy mô khác ở Sài Gòn, với bị cáo là Phùng Phú Thịnh bị bắt quả tang trong tay có 1,4Kg heroin. Thịnh nhờ vả Võ Văn Cự, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an thành phố. Cự lại kéo thêm đồng nghiệp Tạ Kiên Cường vào đường dây chạy án. Thịnh kHai là đã chi tổng cộng 75 triệu đồng, nhưng khi ra tòa lại bị tổng cộng hai tội: vừa mua bán ma túy, vừa đưa tiền hối lộ.


Vẫn ở Sài Gòn, sau giai đoạn làm ăn trót lọt 39 phi vụ trong nhiều năm qua, Võ Ngọc Hưng và Hồ Thị Mỹ Hạnh cùng 13 đối tượng bị bắt về tội thiết lập “đường dây mua bán trẻ em quy mô lớn, hoạt động lâu dài”. Công an thành phố Nguyễn Sĩ Vinh (được phân công thụ lý vụ án) đã trực tiếp đề nghị với Hạnh bảng giá “20 triệu đồng cùng một điện thoại di động để giúp cho hưởng án treo, nếu không sẽ phải nhận 10 năm tù…”, có thu băng ghi âm lúc trao tiền. Các đối tượng còn lại cũng nhận được những đề nghị tương đương. Hồ Thị Mỹ Hạnh bị kêu án 12 năm tù về tội mua bán trẻ em và đưa hối lộ. Các bị cáo còn lại nhận 3-9 năm tù về tội mua bán trẻ em và giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước.

Văn Hóa Bao Che


Ở Sài Gòn, công an cơ động Lê Tiến Hiếu được đồng đội Nguyễn Quốc Hoàng đánh thức dậy để thay ca gác, Hiếu bảo chưa tới giờ, bị Hoàng rút súng K54 bắn liền 2 phát đạn ở tầm kề, xuyên ngực và 2 lá phổi, vong mạng. Lãnh đạo trung đoàn công an cơ động kết luận rằng án mạng xảy ra “do đổi gác, bị cướp cò súng”. Trả lời với gia đình nạn nhân, Ban giám đốc Công an thành phố cho biết ngắn gọn: “Hoàng chỉ dùng súng đùa giỡn gây chết người”. Bố của Hoàng là Nguyễn Văn Giáp, cán bộ Văn phòng Sở Công an thành phố. Chú của Hoàng là Nguyễn Mạnh Trung, thượng tá Phó phòng Cảnh sát điều tra, có liên hệ máu thịt trong vụ bảo kê cho Năm Cam.


Ở Lâm Đồng, ông Trịnh Đắc Sinh gặp rắc rối trong một hợp đồng kinh doanh và phải nhận nợ với bên nguyên cáo tổng cộng 144,5 triệu đồng. Đây là một vụ án dân sự, nhưng lại bị công an huyện Đạ Hoai truy tố sai thẩm quyền thành án hình sự và bắt tạm giam đương sự. TAND huyện Đạ Hoai từ chối thụ lý vụ án vì ra ngoài phạm vi thụ lý dân sự, nhưng Sinh vẫn tiếp tục bị tạm giam. Công an và VKS huyện tìm cách đẩy vụ này sang quận 10, Sài Gòn, là nơi xảy ra vụ rắc rối kinh doanh, nhưng VKS quận 10 không tiếp nhận vì “không đủ yếu tố kết tội”. Cuối cùng, VKS Đạ Hoai xin ý kiến VKS tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh trả lời: “Chưa đủ yếu tố kết tội”. Ông Trịnh Đắc Sinh được tại ngoại sau 5 tháng 12 ngày nếm cơm tù oan ức. Trong lúc được tại ngoại, công an Đạ Hoai vẫn nhiều lần gọi ông Sinh lên làm việc rồi giữ lại không lý do, sau đó, áp giải ông Sinh về Sài Gòn để “xác minh một số vấn đề”. Trên chuyến đi đó, ông Sinh bị thiếu tá Phó trưởng Công an Đạ Hoai là Nguyễn Văn Dũng đánh đập liên tục trong 1 giờ, phải đi bệnh viện cứu cấp và lấy giấy chứng thương. Thiếu tá Dững khẳng định vô can. Còn viện phó VKS Đạ Hoai Nguyễn Văn Du thì khẳng định cách khác: “Anh ta đến viện, được chứng nhận tổn thương, nhưng chưa chắc đã do công an đánh”.


Tại Hòa Bình, bị can Nguyễn Văn Minh (bị truy nã trong một vụ án hiếp dâm cách nay 12 năm) vừa mới bị bắt. Anh của bị can là Nguyễn Văn Lanh đã liên hệ với đại úy Lê Văn Đoàn, Phòng Cảnh sát điều tra tỉnh. Cuộc điện đàm được ghi âm như sau: “-Muốn Minh được tại ngoại, bây giờ phải 4 nhát”. “-Tức 4 triệu hả anh?”. “-Phải thế mới được. Có như thế sẽ dễ dàng. Ra xử phải có 4 người: Toà án, viện kiểm sát, công an hình sự, điều tra, mỗi người một nhát… Mình làm việc trước rồi ra toà rất gọn. Nếu như không có, thằng chủ tọa không quyết, là rách việc. Cho nên mình cứ làm êm đẹp trước đi là nó quyết, những thằng kia phải ủng hộ. Cái gì cũng có giá của nó”. Đoàn đã cho Lanh địa chỉ nhà riêng để tiện liên hệ: “xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, từ cầu Giẽ đi vào 18 km, hỏi vợ là Thu làm ở bệnh viện”. Đúng lúc đại úy Đoàn lúng túng trước những câu hỏi và bằng chứng gia đình Minh đưa ra thì buổi đối chất trước tòa được chỉ đạo cho kết thúc. Kết luận của đại tá Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình là “không có tài liệu nào khẳng định là có thỏa thuận giữa gia đình anh Minh và đồng chí Đoàn là gia đình Minh sẽ đưa bao nhiêu tiền!”.


Ở Hà Nội, Phạm Hồng Quân là con một sĩ quan công an giao thông, tự thuê xe taxi để lái đua, cán chết 2 học sinh lớp 9 là Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư. Được biết, cháu Linh là học sinh giỏi, được Liên Hiệp Quốc chọn làm Sứ Giả Hòa Bình Nhỏ Tuổi, cử đi dự Diễn đàn quốc tế về Quyền trẻ em, tổ chức tại New York vào tháng 5-2002. Biên bản của công an thành phố ghi rằng Quân “không làm chủ tốc độ khi tránh 3 xe máy chạy ngược chiều nên gây ra tai nạn”. Các bạn đi cùng với Linh và Thư thì khai rằng đã chứng kiến cảnh 2 ôtô màu trắng chạy tốc độ rất cao, luôn cố gắng vượt lên nhau. Hai chiếc xe này đã va vào nhau rất nhanh, rồi một chiếc lạng sang lề đường trái, gây tai nạn cho Linh và Thư. “Công an Hà Nội kết luận hoàn toàn trái với những gì chúng cháu đã chứng kiến. Đặc biệt chi tiết có 3 xe máy đi ngược chiều là hoàn toàn không đúng sự thật, vì lúc đó đường rất vắng”.

Văn Hóa Tống Tiền


Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng phòng An ninh điều tra tỉnh là Ngô Chí Đan và Phó phòng Nguyễn Đức Thịnh từng tống tiền công ty Minh Phụng trong một phi vụ làm ăn năm 1996. Mới đây, cả hai lại bị phanh phui “nhiều việc làm trái phép như khám xét, tạm giam quá thời hạn, ngược đãi, bức cung, làm sai lệch hồ sơ… tất cả chỉ nhằm mục đích làm tiền công dân, doanh nghiệp, khi không được thì hãm hại bằng được”. Đan đã cùng với một luật sư quen biết thường xuyên đề nghị các bị can chi tiền để “thoát nạn”. Bị can X từng bị ép phải ký với luật sư này một hợp đồng tư vấn trị giá nhiều tỷ đồng, ứng trước 5000USD. Một người khác từng làm ăn chung với X cũng nhờ Đan cho qua một phi vụ phạm pháp với giá một tỷ đồng, ứng trước 600 triệu.


Phạm Văn Phương, tự Phương Vicarrent, là anh em cột chèo với Ngô Chí Đan vừa nói, cũng chính là quân sư của các vụ tống tiền ngoạn mục nhất VN trong thế kỷ 20. Phương Vicarrent có 1 đệ tử là Nguyễn Thành Sơn, một tình báo viên kinh tế của nhóm. Đơn cử một phi vụ làm bằng: Sơn nói với Phương: “-Thằng H. giám đốc công ty Y từng làm chung với em nên em biết nó có nhiều vấn đề… Anh để em làm thịt nó kiếm một mớ xài chơi”; Phương trả lời: “Mày hù thì chắc thế nào nó cũng chạy qua tao nhờ giúp đỡ. Bởi thằng đó thừa biết Ngô Chí Đan là anh em cột chèo với tao”; Sơn nói với H: “-Tao nghe nói đơn vị mày sẽ bị thanh tra. Vấn đề rất nghiêm trọng. Bên an ninh cũng tham gia”; H. cho người thỉnh ý Đan, nghe Đan khẳng định: “-Có… nhưng Bộ về làm chứ không phải Công an tỉnh. Nên đi tìm Phương nhờ giúp đỡ”; Kết quả? H. trao cho Phương 50.000USD. Một vụ khác liên quan đến đất đai, Phương “Vicarrent” ra giá cả triệu USD, nhưng không thỏa thuận được. Ngô Chí Đan cũng vào cuộc, khởi tố vụ án, ra lệnh bắt tạm giam và khẳng định vụ án này “có liên quan đến chính trị…”, để tống tiền.


Ở Sài Gòn, Việt kiều Cory Phạm từ Mỹ về chơi, đi vũ trường và lỡ lời phê bình không khí ở đó phức tạp, liền bị một toán côn đồ đến gây sự, hành hung. Cả nhà Cory Phạm lên xe bỏ chạy. Sau đó, Cory bị một người đàn ông tên Trường gọi điện thoại đến nhà hăm dọa liên tục và đòi phải gặp nhau tại vũ trường Cheer “để hòa giải”. Khi Cory tới nơi, Trường rút thẻ công an, còng số 8 và súng ngắn ra đe rằng: “-Tao là cảnh sát hình sự quận 1, mày là Việt kiều về quậy, tao bắt mày!”. Trường còng cả Cory lẫn ông chú đi cùng tên là Phạm Văn Lộc, đưa cả 2 ra taxi. Xe dừng lại trước một quán cháo gần cửa vào sân bay Tân Sơn Nhất, đường Trường Sơn. Ông Lộc và Cory bị lôi ra khỏi xe.


Sau một hồi bàn bạc với đồng bọn, Trường bảo: “-Chú cháu mày gọi người nhà mang tiền đến thương lượng”, sau đó, vào quán gọi bia và thức nhắm, chờ gia đình Cory mang tiền đến chuộc…. Trưởng công an quận Tân Bình Hồ Văn Minh khẳng định sự việc trên là có thật, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin, vì “đó là quy định của Công an thành phố”. Trường tên thật là Nguyễn Sơn Đông, trung sĩ công an quận 8, bộ còng số 8 mượn của 1 sĩ quan công an quận 6, còn súng uy hiếp là… súng giả.


Theo báo Pháp Luật, tất cả các cán bộ trong Ban chỉ huy công an quận 8 đều từ chối trả lời báo chí. Một quan chức hứa “sẽ xem xét mức độ vi phạm, xử lý đúng pháp luật với trung sĩ Nguyễn Sơn Đông” là đại tá Thân Thành Huyện, Phó giám đốc Công an Sài Gòn, cũng lại là một đầu mối liên hệ máu thịt với trùm mafia Năm Cam.


(Còn tiếp hồi 2, kỳ tới)


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page