2002.12 – Văn Hóa Công An (hồi 2)
- LVMỹ-K24
- Feb 25, 2022
- 24 min read

Việt Nam hiện có những cuộc thi độc đáo nhất trên thế giới: Thi công an giỏi. Thanh Hóa là thí điểm, tổ chức “lần đầu tiên thi công an xã giỏi” vào cuối tháng 10 vừa qua, có giải thưởng hẳn hoi. Cùng lúc với cuộc thi, giám đốc công an tỉnh Yên Báy tẩu tán 61 trang hồ sơ một vụ án ma túy để giúp một đối tượng thoát tội; công an Hiền ở Thái Nguyên bóp cổ tài xế Khúc Ngọc Hải vì anh này không chịu nộp tiền hối lộ; công an Lê Trung Hưng ở Thái Nguyên tổ chức đường dây buôn ma túy và nhập lậu hàng mà vẫn được thăng chức liên tục, nhờ là con nuôi của Bùi Quốc Huy; công an Phan Văn Thành ở Bà Rịa nổi tiếng như cồn về khoa đánh người, đánh luôn đồng đội, vô cớ giam phụ nữ mang thai và trẻ vị thành niên. Để biết rõ độ giỏi của công an VN, mời bạn đọc cùng ghi nhận tiếp những nét tổng thể về một nền văn hóa công an ở nước ta….
Văn Hóa Bất Lực
Ngày 01-10-2002 vừa qua, hơn 10 thanh niên, đi 3 xe máy, đã vô cớ ập vào đánh đập dã man 6 em trông xe tại tầng trệt chung cư 86-1 Phan Văn Hân, Bình Thạnh, Sài Gòn. Nạn nhân đều là những thanh thiếu niên làm việc ban đêm tại đây. Người bị hại hoàn toàn bất ngờ nên chống cự yếu ớt. Đám du đảng còn lấy xẻng để gần đó phang loạn xạ vào những người trong nhà xe và đập phá làm hư hại nặng một số xe máy… 15 phút sau, nhóm này quay lại kéo theo 5-6 thanh niên khác, dùng gậy gỗ đánh túi bụi vào mấy em trông xe lúc đó. Nhân chứng cho biết: “tôi đã gọi điện cho công an phường, nhưng không thấy các anh đâu. Sau đó, thấy các em bị đánh đau quá, tôi phải gọi lại mấy lần các anh mới xuống. Mà trụ sở công an ngay gần đó”.
Cửa hàng số 8 Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, Sài Gòn, bị công an quận 1 tịch thu toàn bộ hàng hóa trị giá hơn nửa tỷ đồng, chỉ vì bị nghi ngờ đã bán một chiếc máy ảnh không xuất hóa đơn… Chủ tiệm cho biết: “Chúng tôi không được nghe lệnh khám xét. Cửa hàng bị lục soát từ 10h đến 18h. Một nữ công an còn đập bàn quát tháo khi gia đình đề nghị được đối chất với khách hàng”. Ngược lại, Khách sạn An Đông (phường 9, quận 5, Sài Gòn) có 107 phòng với 400 nữ tiếp viên, hoạt động gần 7 năm qua, với độ an toàn rất cao. Theo báo Lao Động, “Các tiếp viên đeo số trên ngực và đứng xếp hàng cho khách lựa chọn… Hoạt động mại dâm ngang nhiên như vậy kéo dài gần 7 năm nay nhưng không hề bị phát hiện…nhờ những thế lực đứng sau, bảo kê cho hoạt động mại dâm ở An Đông”.
Thống kê của bộ Công an cho biết trong năm trước, tệ nạn hiếp dâm trẻ em gia tăng 53,4%. Tình hình trẻ em phạm pháp mang tính chất nghiêm trọng cũng gia tăng, như giết người tăng 13,3%, cướp tăng 24,4%, hiếp dâm tăng 7,5%. Đại tá công an Nguyễn Mạnh Tề, cục Hình sự bộ Công an, cho biết tệ nạn mại dâm đang tiếp tục gia tăng nhất là tại các thành phố lớn. Phương thức phổ biến vẫn là lợi dụng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, massage… để hoạt động. Đặc biệt, “Hình thức gái gọi đang phát triển,theo đó các chủ chứa, môi giới không trực tiếp quản lý gái mại dâm, mà khi khách có nhu cầu thì gọi điện thoại cho gái đến phục vụ. Gái gọi thường trẻ đẹp, nhiều trường hợp là người mẫu. Ngoài việc tổ chức đưa gái mại dâm sang Trung Quốc và Campuchia, năm vừa rồi cũng đã xuất hiện đường dây đưa gái đi Đài Loan, Hồng Kông bằng đường du lịch”.
Theo thống kê của công an Hà Nội, công an hình sự chỉ xử lý được khoảng 33% các vụ trộm cắp xe máy, chưa phá được các ổ nhóm chuyên nghiệp và tiêu thụ liên tỉnh. Tuy nhiên, bộ Công an đã nỗ lực khuyến cáo các chủ xe phải đề phòng cẩn thận, bởi “Thời gian mất xe chủ yếu là buổi trưa và chiều”.
Ở Lâm Đồng, chỉ vì một lời khai vu vơ của một cặp tình nhân đang vi phạm thuần phong mỹ tục trên đồi Đinh Văn, công an tỉnh vội vàng đến quán Anh Hùng, lập “biên bản phạm pháp” rồi bắt tạm giam chủ quán Trịnh Thị Út về tội hoạt động môi giới mua bán dâm, mặc dù chị không ký vào biên bản và cũng không có tang chứng. Hơn 15 tháng sau, chị Út ra khỏi trại tạm giam nhưng vẫn bị tiếp tục quản lý bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để chờ ngày truy tố. Khi ra tòa, tất cả tình tiết của người khai đều không ăn khớp với hoạt động kinh doanh của chị Út. Nhà hàng của chị buộc phải đóng cửa sau 15 tháng vắng chủ.
Theo báo Gia Đình & Xã Hội, công an tỉnh “vẫn cứ xem như chuyện bắt nhầm, giam oan là một việc bình thường nên chẳng hề xin lỗi, bồi thường danh dự và thiệt hại về kinh tế”. Trong khi đó, ở Long An, án tham nhũng gia tăng 75%, điển hình là vụ kế toán Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thủ Thừa gian lận 600 triệu đồng. Đặc biệt, có 86 bị can chưa thi hành án phạt tù, trong đó có 49 phạm nhân đã bỏ trốn, 37 chưa bị áp giải.
Ở Mỹ Tho, trong số 106 án hình sự sơ thẩm do tòa tỉnh xét xử được TAND Tối cao xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, có 20,7% bản án bị sửa. Riêng án sơ thẩm do tòa các huyện xét xử, TAND tỉnh đã có 30,8% án phúc thẩm phải sửa, 12,7% án phải hủy. Lý do bởi công an bắt oan, hồ sơ công an điều tra sai, nhưng “nguyên nhân chủ yếu do tòa cấp huyện vi phạm thủ tục tố tụng, áp dụng luật sai, bỏ lọt tội”.
Ở Sài Gòn, nội dung kế hoạch công tác của ngành Kiểm Sát là “sẽ kiểm sát chặt chẽ việc bắt, tạm giam, tạm giữ người… nghiêm cấm cán bộ, kiểm sát viên lợi dụng quyền hạn can thiệp vào quá trình điều tra, truy tố xét xử, thi hành án nhằm bao che người phạm tội”. Cùng lúc, tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ông Vũ Trung Tuyến bị chết trong nhà tạm giữ Công an huyện. Theo kết luận pháp y, sau khi bị tạm giam 17 tiếng đồng hồ, Tuyến đã thắt cổ chết. Nhưng lại không thấy vết tích thắt cổ trên thi thể nạn nhân.
Theo biên bản khám nghiệm hồi 16h30 cùng ngày thì tử thi “mắt nhắm, miệng ngậm hờ”. Và hơn 20 tấm ảnh chụp kèm theo đều cho thấy không có hiện tượng phù vùng mặt. Còn ở Kontum, đại tá Giám đốc Công an tỉnh là Võ Sáu “phạm phải nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, trong đó có việc sử dụng đối tượng đang có lệnh truy nã vào các quan hệ làm ăn với ngành công an Kon Tum”. Biện pháp? Đương sự phải đi nghỉ chữa bệnh và thôi chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ,
Tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, một vụ xô xát cá nhân xảy ra ở xã Vĩnh Yên. Công an Phạm Văn Hiền nghe báo, đến bắt ông Đoàn Khắc Vịnh. Trên đường bị áp giải lên uỷ ban xã, Vịnh lớn tiếng chửi bới mọi người và dùng chân đá anh Hiền. “Anh Hiền giơ tay gạt nên Vịnh mất thăng bằng, ngã té và chết tối hôm đó”, bởi nhiều vết thương tụ máu ở đầu, trán, thái dương, bán cầu đại não trái tụ máu dài 3 cm. Biên bản khám nghiệm tử thi: trên mặt, tay của nạn nhân có 9 vết thương, rách và bầm tím.
Ở thôn Phúc Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ bị gia đình thương binh Nguyễn Ngọc Hoa đập phá tài sản, ném đá vỡ mái nhà, dùng hàn điện hàn khóa cửa ra vào, chăng điện quanh nhà… hòng ép họ chuyển đi nơi khác. Theo báo Pháp luật, “Công an xã chịu bó tay”, chỉ đến lập biên bản, ghi lời khai các bên. Công an xã nói đã chuyển hồ sơ lên công an huyện, huyện lại khẳng định không nhận được. Trưởng công an xã thừa nhận “nếu đối tượng vi phạm là người khác thì công an đã xử lý rồi”.
Tại Đà Nẵng, công an Hoàng Minh Công có trách nhiệm điều tra vụ án Công ty Hợp doanh Xây lắp Kinh doanh Nhà. Công đã cắt xén tài liệu và dùng thủ đoạn dụ cung, mớm cung, hướng dẫn bị can khai báo làm thay đổi nội dung, mục đích, động cơ của việc đưa 300 triệu đồng cho một lãnh đạo cao cấp của UBND thành phố Đà Nẵng, để nhờ đòi nợ giúp 9 tỷ đồng từ Nhà máy Xi măng Hải Vân.
Ở Cần Thơ, hoạt động sôi nổi nhất của “cán bộ, chiến sĩ công an giao thông” là cung cấp các biển số xe theo yêu cầu. Giá để có biển số đẹp là 200-400 nghìn đồng, tùy theo 7-9 nút, tứ quý, hay tiến lên…. Ở Hà Nội, hai hung thủ bắn chết chủ tiệm, đoạt 30 lượng vàng của tiệm vàng Thanh Học là Trần Văn Dũng (sinh 1983), con một cán bộ công an thành phố và Nguyễn Anh Tú (sinh 1984), con một cán bộ cấp phòng thuộc Đại học Công an.
Tại Vũng Tàu, 76 người có án tù không bị giam. “Ngành tòa án tỉnh hiện còn tồn đọng 369 vụ án, trong đó án hình sự, dân sự bị cải sửa, hủy, đình chỉ xét xử còn nhiều. Ngành công an còn một số sai phạm về trình tự, thủ tục đưa người vào trại giam; các lệnh bắt, tạm giam, tạm giữ chưa đảm bảo tính pháp lý. Ngành kiểm sát cũng để xảy ra một số sai sót không đáng có”. Theo báo Thanh Niên, “Đáng lưu ý là cả 3 cơ quan nói trên đổ lỗi cho nhau, và không ai chịu trách nhiệm chính về 76 trường hợp trên (trong đó 64 bị cáo đã đi khỏi địa phương)”.
Ở Ninh Bình, đội công an quản lý thị trường đã nâng quy trình làm luật lên hàng công nghệ. Tùy theo giá trị của từng lô hàng, đội này ra luật trung bình là 10 triệu đồng. Cần mặc cả ư? Phạm Ngọc Hùng, Đội trưởng Đội QLTT số 1, kiên quyết: “Không xin xỏ gì nữa. Hàng đã vào kho, lập biên bản rồi. Phải nộp phạt 10 triệu đồng thì mới lấy hàng về… Mấy chú không chịu lo sớm, bây giờ thì gay rồi. Nhưng có gì thì cứ mạnh dạn đề xuất để bọn này xem xét cho”. Không thì bị giữ cả xe, trung bình là trên 1 tháng mới chạy nổi. Qua điều tra riêng của phóng viên, sở dĩ đội phải làm vậy là vì mỗi giấy đề xuất khám xe để được phía công an tỉnh đồng ý thì phải chi ít nhất 500.000 đồng, rồi lại thêm ngần đó cho lực lượng công an giao thông trực tiếp chặn xe…. Theo báo Pháp Luật, đó là “Chuyện thường ngày ở… đội”.
Ở Quảng Trị, từ cuối tháng 8-2002, các lực lượng công an địa phương đã đồng loạt tiến hành các biện pháp chống buôn lậu ở cả tuyến biên giới lẫn trong nội địa. Đây là “đợt ra quân quy mô nhất, quyết liệt nhất” từ mười năm nay, với 100 công an biên phòng phối hợp cùng công an hải quan chốt chặn dọc 11km bờ sông Sê Pôn suốt 24-24 giờ mỗi ngày. Thế nhưng, “tính đến ngày 10-10 vẫn chưa bắt được bọn đầu nậu cũng như bọn bảo kê cho buôn lậu do chúng hoạt động quá tinh vi”. Ngược lại, lực lượng này đã gánh chịu nhiều tổn thất, vì “bọn buôn lậu đã tổ chức từng nhóm, từ ba đến bốn chục người, đồng loạt ném đá vào những nơi nghi có lực lượng chống buôn lậu đang ém quân mật phục”.
Theo nhận định của đại tá công an Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự bộ Công an, nội Sài Gòn đã có hơn 300 đối tượng bị truy nã đang trốn tránh trong các khu dân cư. “Nguyên nhân khách quan là công tác quản lý nhân khẩu còn bất cập và lơ là… Nguyên nhân chủ quan là cảnh sát khu vực, công an phường không nắm rõ người tại chỗ, người vãng lai”. Quan trọng nhất, chính Quắc khẳng định: “Lực lượng công an không phải ai cũng trong sạch”.
Điều đó lý giải một khẳng định khác của thiếu tướng công an Trương Hữu Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát CSVN: Việt Nam đã xuất hiện tội phạm có tổ chức ở trình độ cao: “Điểm chung của tội phạm có tổ chức là có sự móc nối với các cơ quan hành pháp, ngân hàng… nhằm che giấu, ô dù cho hoạt động phạm pháp; có người chủ mưu; có người tham mưu; tổ chức hành động; dùng bạo lực; và các thành viên trong nhóm có chung lợi ích kinh tế. Hoạt động mafia thì có thêm đặc trưng là tổ chức xuyên quốc gia, có móc nối với các cơ quan cấp cao trong chính quyền và sử dụng bạo lực với mọi loại đối tượng để đạt mục đích”.
Văn Hóa Ăn Chia
Ai chủ mưu? Ai tham mưu? Ai tổ chức hành động? Ai dùng bạo lực? Và các thành viên nào trong nhóm có chung lợi ích kinh tế? Mấy ai biết chắc từng đứa, chỉ thấy trên tổng thể đó là những đường dây công an nối liền lên tới bộ chính trị CSVN. Trước khi Ủy viên thứ 15 của bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm ra lệnh cho báo chí dừng lại, người ta được biết thêm là khi vụ Năm Cam bị một bên khui ra thì bên kia trả đũa bằng vụ Hang Dơi, rồi ngay tiếp theo đó là vụ Cầu Treo.
Trong vụ Năm Cam, Trung tá Lê Minh Hùng (Đội trưởng công an hình sự quận 8) được chia mỗi tuần một triệu đồng tiền thù lao bảo kê sòng bài. Trần Văn Chính và Vũ Quốc Đạt (Đội phó) mỗi người được chia 500.000 đồng/tuần; Thành và Phương (cán bộ Đội công an hình sự) mỗi người 300.000 đồng; cả tập thể Đội hình sự (15 người) 1,5 triệu đồng/tuần; Nguyễn Văn Móng (Trưởng công an phường 13) dù đang đi học tại Thủ Đức, vẫn được chia 500.000 đồng/tuần. Đại tá Phó giám đốc Công an Sài Gòn Thân Thành Huyện đã nhận của Năm Cam 30.000USD để đi mổ tim ở nước ngoài. Có lần, sòng bạc trên đường Trần Nguyên Hãn bị phục kích, 31 con bạc bị câu lưu với số tiền tang vật hơn một tỷ đồng, nhưng chỉ vài ngày sau, con số trong biên bản tụt xuống còn vài trăm triệu. Trong thời gian giữ chức phó Phòng công an hình sự Sài Gòn, phụ trách phòng chống tệ nạn xã hội, trung tá Quang Hữu Dũng đã bao che kỹ đến mức “không một sòng bài hoạt động với quy mô lớn nào của băng nhóm tội phạm do Năm Cam cầm đầu bị lộ”.
Lãnh đạo của những tên tuổi vừa kể, thiếu tướng Bùi Quốc Huy, thứ trưởng bộ Công an, cùng Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đã bắt tay với Năm Cam như thế nào? Chiến đã nhiều lần nhận những phong bì 3000USD từ Thuyết-buôn-vua trước khi đệ đạt kiến nghị cho bộ Nội Vụ thời đó thả Năm Cam ra khỏi tù cải tạo. Về phần Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh, Thuyết-buôn-vua từng đính kèm phong bì 1000USD vào đơn kêu oan cho chồng là Năm Cam của Phan Thị Trúc, nhờ ông Hạnh đăng báo cho rộng đường dư luận. Bức thư cảm tạ được mang đến tận văn phòng của ông Hạnh với 1 phong bì 3000USD và chiếc đồng hồ Rolex trị giá 5000USD. Sau đó, một phong bì 10.000USD khác cộng thêm 1 dàn tivi-CD âm thanh xoay cũng được trao tận tay Hạnh nhân dịp ông này sửa nhà.
Lúc làm giám đốc công an tỉnh An Giang, Bùi Quốc Huy đã chủ trương kinh doanh địa ốc, Công ty Thành Công bị thất bại, thiệt hại ngân sách 2-3 tỷ đồng và 2000 cây vàng. Huy chiếm dụng trên 7 ha đất của quần chúng, kéo theo một số cán bộ hậu cần của công an để kết cấu tham ô, “gây thiệt hại lớn về cán bộ”. Một số người đã bị tù 9-16 năm, phó giám đốc công an Phạm Thanh Sơn đã tự sát. Nguyên giám đốc Công an An Giang Huỳnh Thanh Việt cho biết thêm: Huy lúc đó còn chủ trương buôn lậu nhiều ôtô từ Campuchia về Việt Nam và thành lập Xí nghiệp Thành Lợi. Vì vậy có dư luận là biệt thự vĩ đại của Huy ở phường Bình Đức, thị xã Long Xuyên, xuất phát từ các khoản tài chính của Thành Công và Thành Lợi. Chính Mai Chí Thọ, nguyên bộ trưởng bộ Nội Vụ thời bấy giờ, đã hỏi Huỳnh Thanh Việt: “Đồng chí đi mới có mấy tháng mà Năm Huy cất nhà bằng hội trường A, hội trường B của Tỉnh ủy, đồng chí có biết không?”. Ém tội cho Huy từ thời đó chính là Phạm Sĩ Chiến, phó viện trưởng VKSND Tối cao. Năm 1994, Huy được thăng chức Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Đến 1996, Huy được phong hàm thiếu tướng công an.
Đến thời làm Giám đốc Công an Sài Gòn, Bùi Quốc Huy đã chọn Hồ Việt Sử (đàn em Năm Cam vừa mới ra tù) làm đối tác cho Cty Sông Pha, một đơn vị kinh tế của Sở Công an Sài Gòn. Sau đó ít lâu, Huy ký lệnh đổi tên Cty Sông Pha thành Cty Song Tiến, cho con trai là Bùi Minh Tấn làm giám đốc, và giao cho Hồ Việt Sử làm Chủ tịch HĐQT. Bù lại, Hồ Việt Sử “mua giúp” cho Huy 2 xe ôtô và 1 xe tải, lại “mua giúp” cho thế tử Tấn 1 xe Toyota Camry, mọi thủ tục đăng ký từ khi xuất hóa đơn bán tới lúc có biển số chỉ mất 2 ngày. Vợ Huy còn được vợ Sử biếu 22.000USD đi du lịch Singapore, rồi lại nhận thêm 15,000USD để đi Tàu chữa bệnh. Bùi Quốc Huy được thăng hàm trung tướng và thăng chức Thứ trưởng bộ Nội Vụ sau đó. Thời đó, lãnh đạo bộ Nội Vụ là Bùi Thiện Ngộ, cánh tay mặt của tể tướng Võ Văn Kiệt. Những phong bì cho Ngộ và Kiệt không thể mỏng.
Đến lúc vụ Năm Cam đổ bể, nhánh công an Tiền Giang được huy động bất ngờ về Sài Gòn để vây bắt đương sự và thuộc hạ, không khác một cuộc đảo chánh. Thiếu tướng công an Nguyễn Việt Thành tiết lộ: “Chuyên án đang bước vào giai đoạn quyết liệt, có sự phản công dữ dội của bọn tội phạm liên quan hoặc che chở Năm Cam”. Phe nào phản công dữ dội để che chở cho tay trùm mafia này? Thành còn cho biết phía gia đình Năm Cam đã dùng 20.000USD để “mua” ban chuyên án.
Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn, khẳng định: “Năm Cam và đồng bọn lộng hành trong thời gian dài, làm mưa làm gió được vì ngay trong nội bộ cơ quan bảo vệ pháp luật đã có những suy thoái nghiêm trọng cả ở cấp thấp và cấp cao… Chính Năm Huy, lúc đó là giám đốc Công an TP HCM phải chịu trách nhiệm. Tôi đã nhiều lần kêu lên nhắc nhở, nhưng anh ta viện lý do này nọ, để rồi trở thành… đối lập với tôi”. Ra vậy, hệ thống ăn chia bị tắc ở đâu thì nơi đó trở thành chỗ đối nghịch.
Võ Trần Chí, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn, phân trần: “Tôi đã hết sức bàng hoàng vì quá nhiều cán bộ, chiến sĩ công an ‘dính’ vào Năm Cam. Thật sự, lúc đó tôi rơi vào tình trạng lúng túng, không biết phải chỉ đạo, triển khai thế nào để xử lý trường hợp này”. Không thể nào Chí bàng hoàng nếu chỉ có 1 vài công an cắc ké dính líu tới nội vụ. Và ở vị trí đó, Chí cũng không thể lúng túng chỉ đạo nếu báo cáo không đề tên cỡ như Bùi Thiện Ngộ & Võ Văn Kiệt, hoặc bản báo cáo không có ý kiến cố vấn chỉ đạo của Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu. Võ Trần Chí bảo rằng: “Khi xã hội đen thâm nhập được vào nội bộ thì tình hình đã rất nguy hiểm”. Nếu nội bộ chỉ ở cấp quận thì có gì đáng lo? Và đáng gì đến phải khiến Chí “nghi ngờ ngay trong Thường vụ Thành ủy, nên không dám hé môi về bản báo cáo trên, sợ chúng phát hiện rồi đối phó trước khi mình làm thì chết “? Năm Cam không đủ bề dày để đối phó khiến Võ Trần Chí lo chết.
Lúc hoạt động, Nam Cam được bao che. Lúc đổ bể, việc khởi tố Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến cùng 22 cấp tá, 26 cấp úy của cánh công an miền Nam đã “gặp lực cản”, theo nội dung bài phỏng vấn của Vương Hà. Lực nào bao che? Lực nào cản ở trên cấp thứ trưởng bộ nội vụ?
Lực này cản tới đâu thì biến thành thế công trong việc phanh phui vụ buôn lậu Hang Dơi? Báo Nông Thôn Ngày Nay đánh giá đây là “vụ buôn lậu lớn nhất miền Bắc” có “sự tiếp tay, làm ‘luật’ của một số cán bộ thi hành công vụ ở trạm liên ngành Dốc Quýt nằm trên tuyến đường từ cửa khẩu Tân Thanh, Cống Trắng, Hữu Nghị về thị xã Lạng Sơn”. Hầu hết chủ hàng đã thỏa thuận trước với nhân viên trạm này nên khi đi qua xe không bị kiểm tra. Mỗi chuyến ôtô qua trạm Dốc Quýt đều phải nộp “tiền tươi”. Thậm chí, có trường hợp nhân viên trạm còn nhắc tài xế xếp lại hàng cho “gọn” rồi mới được đi. Trong chuyến tảo thanh tối 21-6, lực lượng tấn công đã tịch thu 100 tấn hàng trị giá gần 20 tỷ đồng cùng 23 ôtô. Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Sen được báo cáo mất tích đột xuất sau đêm đó. Đường dây buôn lậu vĩ đại ở mạn Bắc này được bảo kê hoạt động an toàn suốt chục năm qua, tới sau vụ Năm Cam mới đổ bể. Còn ai nghi ngờ về lằn ranh phân hóa Bắc-Nam (cả địa dư lẫn quyền lợi) trong bộ chính trị CSVN nữa không?
Trong mục Bàn Góp Sự Đời trên báo Nhân Dân, tác giả Nhân Nghĩa trích lời một người bạn thân lâu ngày gặp nhau bàn về lãnh đạo: “Ông nào cũng đưa chủ trương, chính sách ra ‘chụp’ nhau… Xét cho cùng thì cũng là ‘tranh nhau quyền, tranh nhau lợi’. Rồi anh nói: ‘Trên mải tranh nhau, dưới mải vơ vét. Xót thật’”.
Văn Hóa Đối Đầu
Đảng viên thiếu phần thấy xót. Dân thì không. Từ những khung sườn văn hóa công an nói trên, phản ứng của người dân đã đặt toàn ngành công lực CSVN vào thế đối đầu trước bối cảnh loạn lạc toàn phương vị. Nhẹ nhất, theo một bài phỏng vấn Đội công an 113 (xử lý đường dây nóng) trên báo Lao Động mới đây, là nhằm đối phó với “những trường hợp dùng điện thoại báo tin giả, quấy rối cơ quan an ninh”.
Cao hơn một bậc là đối đầu với quy trình “vô hiệu hóa công an”. Không chỉ ở hạng ruồi là giới công an giao thông. Được phơi ra ánh sáng dư luận tới nay, ở cấp thượng tá công an hình sự bị mua đứt đã có Dương Minh Ngọc và Nguyễn Mạnh Trung. Cấp tướng có Bùi Quốc Huy. Trong buổi trao đổi với báo giới, Giám đốc Công an TP Sài Gòn Nguyễn Chí Dũng đã cố phân trần: “Tôi khẳng định rằng không phải toàn bộ đội ngũ cảnh sát hình sự bị vô hiệu hóa”. Nghĩa là ít ra cũng có vài đứa … móm! Có nhà báo hỏi tiếp rằng khi nào thì bộ phận công an bị vô hiệu hóa đó được xử lý? Câu trả lời của quan giám đốc là “Chúng tôi đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong ngành, ai có liên quan đến Năm Cam thì tự giác báo cáo với tổ chức để chịu mức xử lý kỷ luật thích hợp. Tôi tin vào sự trung thực của anh em “! Nghe in hệt như trong phim truyện thời Nghiêu Thuấn bên Tàu.
Đối đầu với bối cảnh loạn lạc thứ Ba là tình trạng “chống người thi hành công vụ” xảy ra đều khắp. Tại Sài Gòn, Trần Phạm Đỉnh Chi và Trần Quang Vinh bị tạm giữ xe do vi phạm luật giao thông. Cả hai xin về nhà lấy giấy xe, khi trở lại đã kéo theo 4 người khác tới đánh công an giao thông để cướp lại 2 xe máy. Lại ở Sài Gòn, Lê Trí Mẫn và Lê Bá Thường bị công an giao thông chận bắt cũng do vi phạm luật giao thông. Mẫn và Thường đã “lao vào đánh” tay công an lập biên bản. Vẫn ở Sài Gòn, đội tuần tra giao thông phát hiện một xe máy chở hai người lạng lách, đánh võng trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), liền yêu cầu họ dừng lại để kiểm tra. “Hai thanh niên làm ngơ, lao đi với thái độ khiêu khích. Khi bị đuổi chạy đến nhà 119 đường Thái Phiên (quận 11) thì chúng vào nhà lấy ống pô xe máy ra đánh người thi hành công vụ. Chỉ khi cảnh sát giao thông nổ súng cảnh cáo, chúng mới bỏ vào nhà”. Ngày trước đó, hai công an giao thông Nguyễn Văn Thương và Đặng Quốc Bảo, đang làm nhiệm vụ điều tiết xe trên cầu Chữ Y, cũng bị 3 tên côn đồ hành hung.
Tại Bình Dương, đại úy công an giao thông Nguyễn Văn Nghĩa, trong lúc áp giải chiếc xe chở gỗ lậu về trụ sở, đã bị tài xế cùng chủ xe hành hung, đạp xuống đường. Tại Lạng Sơn, 2 công an Hà Văn Trọng và Đàm Thanh áp tải xe hàng lậu về trụ sở CA ở Cốc Nam. Tài xế xe hàng “đã cố tình lái nhanh về một địa điểm khác không theo chỉ dẫn của công an, và dọa sẽ cho xe gây tai nạn…”, sau đó rút dao ra chiến đấu. Trong lúc đó, “nhiều phần tử xấu đã lợi dụng trong lúc hỗn loạn xông đến cướp hết số hàng lậu”. Theo báo Tiền Phong, “Cuộc chiến buôn lậu ở Lạng Sơn gần đây trở nên hết sức phức tạp. Tỉnh càng cương quyết làm mạnh thì chúng càng hung hãn và mạnh động”.
Theo một thống kê nhỏ vào trung tuần tháng 10, Hà Nội là địa phương xảy ra nhiều vụ chống lại công an nhất, tiếp theo là TP HCM. Đã có lúc xảy ra 8 vụ chống người thi hành công vụ trong một tuần, “làm 8 cán bộ chiến sĩ công an bị thương”. Theo thông báo chính thức của bộ CA ngày 8-10-2002: “số vụ chống người thi hành công vụ thời gian gần đây gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng”.
Ở Hà Nội, một tổ trinh sát hình sự phát hiện 3 đối tượng phá khóa ca-bin xe ôtô lấy trộm một cặp số đựng 50 triệu đồng. “Khi bị bắt giữ, các đối tượng đã dùng dao chống trả quyết liệt và lao xe máy vào lực lượng chức năng làm một cảnh sát bị thương”. Vẫn ở Hà Nội, tài xế taxi Hoàng Hải Anh bị công an Bùi Khắc Xiêm chận phạt, bèn lao thẳng xe vào công an Xiêm. Tại quận Đống Đa, Dương Thành Lam, Cao Hoàng Hải, Trần Minh Tuấn, Phạm Hữu Dương và Cao Huy Hoàng (19-24 tuổi, là cán bộ doanh nghiệp nhà nước, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải và nghiên cứu viên của Viện Khoa học Việt Nam), đã hành hung hội đồng hai công an phường Láng Thượng đến ngất xỉu 30 phút vì bị “vỡ xương hàm, đa chấn thương vùng đầu, ngực”. Khi bị áp tải về đồn công an thì nhóm này được một toán thanh niên khác đi xe Honda@ ào đến giải cứu. Lúc bị bắt giữ tại đồn công an, cả 5 vẫn tiếp tục “dọa sẽ lấy súng bắn chết từng người, bắn chết cả vợ, con công an”. Điều trớ trêu là, theo báo Tiền Phong, “Chúng tự xưng là con quan chức lớn ở bộ Công an và trung ương. Có tên còn tiểu tiện ngay tại phòng trực ban của Công an phường Láng Thượng”.
Ở Sài Gòn, Nguyễn Thành Công, công an phường 1, quận 5, chỉ huy xử lý vụ ẩu đả tại vũ trường Monaco (nơi có vốn góp của Năm Cam) đã kể lại trên giường bệnh viện như sau: “Tôi xông vào một đồng bọn của Sơn để tước kiếm và còng tay đưa lên xe. Thấy vậy, Sơn lao vào đánh tôi để giải vây. Hắn đoạt được cây kiếm từ tay tôi. Cùng lúc, có 4 xe máy chở 12 tên xuất hiện, dùng mã tấu đánh trả công an, dân phòng. Sơn chém thẳng vào đầu tôi. Tôi lấy tay đỡ thì bị đứt gân. Một công an đi cùng tôi bị thương phải bỏ chạy…. Đối tượng bị còng tay được đồng bọn giải thoát trước khi công an phường tăng cường lực lượng”. Công bị thương tật 22%.
Ở Bắc Giang, Đỗ Văn Tính, trong lúc bị truy nã về tội giết người đã dùng súng K54 và lựu đạn chống trả làm hai công an bị thương. Tại Vĩnh Phúc, ba anh em Khổng Đức Thuận, Khổng Văn Thời, Khổng Văn Tiến bị nghi ngờ đã ném lựu đạn vào nhà trưởng công an xã Cao Phong, huyện Lập Thạch. Ba em bị bắt. Công an trả thù trong khi thẩm vấn để xác định xem quả lựu đạn mà cơ quan điều tra tìm thấy trong một hang chuột ngoài đồng liên quan gì đến 3 nghi can, và có phải họ ném lựu đạn không. Khổng Văn Thời bị chết sau khi từ buồng hỏi cung về buồng giam. Khám nghiệm cho thấy, bị can chết do bị đánh.
Tối 16-7-2002, đại úy Nguyễn Văn Điều, phó công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức, cùng 4 dân phòng đến truy bắt một bọn cướp xe gắn máy. Bất chấp 3 phát súng cảnh cáo của Điều, “6 tên cướp vẫn lao vào, dùng dao, rựa chém nhiều nhát vào đầu, vai đương sự cùng các dân phòng rồi bỏ đi”, để lại đại úy công an Điều bất tỉnh giữa đường và 1 dân phòng trọng thương.
Tại Lai Châu, trung úy công an Phạm Văn Cường huy động công an tỉnh phục kích một vụ mua bán ma túy số lượng lớn. Cường đóng vai người tìm mua ma túy, không ngờ bị bên bán nhận diện. Lý A-Say hô lớn: “Công an đấy, bắn đi!”, Lý A-Va lập tức nhả đạn AK. Cường chết thảm. Theo báo Lao Động, “Lý A Say sau đó giật túi tiền trong tay Cường, trong đó có 50 triệu đồng Việt Nam và 1997 USD. Trước khi rút chạy, bọn chúng còn ném thêm một quả mìn với ý định xoá sạch dấu vết hiện trường”. Bà Phan Thị Lan, mẹ của công an Phạm Văn Cường, tỏ ý ngờ vực có sự rò rỉ thông tin từ phía công an trong vụ việc này. Công an bán đứng công an chăng?
Tại xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện ra lệnh cưỡng chế trái phép ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Huế, cả cơ ngơi trị giá gần 100 triệu đồng bị phá bỏ tan hoang. Ông Huế quá uất ức, đã ngăn cản và quyết liệt đánh trả Trưởng công an kiêm Chủ tịch xã Nguyễn Doãn Sơn. Sau đó, ông Huế đâm đơn kiện chủ tịch xã với kết quả thắng kiện.
Tại xã Kim Trung, Kim Sơn, Ninh Bình, một vụ va quệt xe đạp biến thành ẩu đả giữa 4 em bé đã khiến 20 người lớn trong xã xách gậy gộc đến nhà đối phương hỏi tội kẻ đánh con mình. Sau đó, ông Phạm Minh Cổn bắt giữ đối phương dẫn lên đồn, ép công an xã phải lập biên bản công nhận việc xô xát hôm đó là do bố trí của người xã Kim Trung. Sau khi lấy biên bản, đám đông giải tán, dự tính sáng mai sẽ bắt chủ tịch xã và đưa cán bộ công an huyện xuống giải quyết. Hôm sau, công an Ninh Bình huy động lực lượng xuống bắt ông Cổn về tội gây rối trật tự, dù được trang bị vũ khí cùng chó nghiệp vụ, vẫn gặp phải sự chống đối quyết liệt. Em trai ông Cổn là Phạm Văn Duyệt đã chém trọng thương công an Phạm Hữu Tý.
Tại phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, vào sáng 14-10, đã xảy ra vụ ẩu đả nghiêm trọng giữa hàng trăm người dân và lực lượng công an do bất đồng về việc giải tỏa đất gia cư theo giá đất công điền. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thăm thừa nhận “công văn 112 đã sai sót”. Hậu quả là “vụ xô xát đã làm bị thương 10 người dân và một số chiến sĩ công an tỉnh, trong đó chiến sĩ công an cơ động Vũ Đình Thi bị thương nặng”.
Tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, khi lực lượng công an đến tịch thu đất của dân làng để xây dựng một cơ sở công nghệ, đã đụng phải phản ứng dữ dội của 800 gia đình nông dân ở đây. Dân làng đã dùng gạch đá chống lại công an, khiến 10 nhân viên công lực phải vào viện cấp cứu. 9 cư dân địa phương đã bị bắt giữ với tội cố tình gây rối trật tự công cộng, nhưng sau đó đã được thả về.
Tại bản Xa Lông, xã Huổi Lèng, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu, dân bản đã tấn công và bắt giữ cán bộ kiểm lâm Nguyễn Minh Đức làm con tin, đồng thời yêu cầu tổ công tác trả lại 1,7m3 gỗ đang bị tạm giữ. Công an huyện Mường Lay điều một tổ công tác cơ động gồm 4 người do đại úy Trần Đình Khái chỉ huy, tới hiện trường để ứng cứu. Lực lượng phối hợp trên đã bị dân bản tấn công dữ dội bằng gậy gộc, đá và dao nhọn. “Hậu quả là cả 4 chiến sĩ công an và 2 cán bộ kiểm lâm đã bị thương, được sơ cứu tạm thời tại Trung tâm Y tế huyện Mường Lay trong khi chờ chuyển viện”. Tại huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận, một nhóm thanh niên khoảng 7-8 người đã vây đánh công an cơ động Lê Trung Tân, khi Tân áp giải hơn 2m3 gỗ lậu cùng phương tiện vận chuyển về trạm kiểm soát lâm sản Tân Nghĩa. Tân bị thương nặng ở đầu và mặt, phải đưa vào viện cấp cứu.
Tại Sài Gòn, Phan Văn Thượng, đại úy công an phường 15, quận 11, khi cùng đồng đội ngăn cản 60-80 xe máy đang phóng như bay tại khu vực đường Tô Hiến Thành vào đêm 11-5. Thượng đứng sát lề đường giơ gậy yêu cầu dừng xe. Một tên trong đoàn đua đã tông thẳng xe vào người đương sự. Thượng bị vỡ sọ, giập não. Tay đua này là một học sinh lớp 11 trường Trần Phú
Không chỉ thanh niên chống lại công an. Ở Sài Gòn, công an Bình Thạnh đến “thực thi quyết định cưỡng chế, giải toả” căn nhà của ông Đoàn văn Tài (72 tuổi) tại đường Bình Quới. Ông Tài đã tưới 4 lít xăng pha nhớt ra nền nhà, dọa tự thiêu để phản đối việc cưỡng chế. Hai công an Trần Ngọc Phước Lộc và Nguyễn Gia Cang nhảy vào giằng co, chủ nhà bật quẹt. Cang chết cháy. Lộc trọng thương. Cụ Tài ra tòa.
Quả là một tình trạng loạn lạc toàn phương vị, khắp địa bàn.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments