2003.02 – Chợ Đổi Mới (hồi 2)
- LVMỹ-K24
- Feb 25, 2022
- 17 min read

Lỗ Tấn nói: “Kỳ thực trên thế gian này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi”.
Chu Thượng nói leo theo: “Về chợ cũng thế, không có người đến bán mua thì sao thành chợ?”.
Quả vậy! Chính nhờ hàng hàng lớp lớp 38,3% cán bộ viên chức nhà nước (gồm cả cán bộ cấp bộ, cơ quan bảo vệ pháp luật…) tham gia phát triển cật lực, mà nhà thơ Tạ Hữu Yên mới lột tả được toàn cảnh Chợ Tình chỉ trong hai câu:
“Đêm xuống chợ tình đông hơn hội…
Tay xiết vòng tay hổn hển ôm…”.
Hãy thử thả bộ quanh một số các chợ khác ở VN, nhân dịp Hà Nội long trọng kỷ niệm 35 năm Tết Mậu Thân, để cùng ngẫm thêm về Mùa Loạn Toàn Quốc, trên quê hương ta, thời đổi mới.
Từ Đĩa Lậu Tới Sex Đực
Ngay giữa trung tâm thành phố mang tên xác ướp, băng đĩa in lậu có mức độ mua bán sầm uất nhất tập trung tại các chợ Huỳnh Thúc Kháng (quận 1), chợ Nhật Tảo (quận 10), dọc theo lề đường quanh thương xá Rex, ở những điểm nóng Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Tô Hiến Thành, Nguyễn Công Trứ, Phó Đức Chính… và ngay cả tầng trệt của các khu chung cư trên toàn thành phố. Giá cả rất “bèo”: đĩa nhạc3000đ, đĩa phim VCD 4000đ, CD phần mềm vi tính Microsoft: 7000đ, mua 1 tặng 1 (tương đương 20-28 xu Mỹ). Các phim mới phát hành từ Hollywood đều được lồng tiếng Việt, với đoạn đầu là mẩu quảng cáo đặt hàng đại trà, có số điện thoại hẳn hoi.
Theo báo Lao Động, “Điều này càng chứng tỏ về một mạng lưới cung cấp băng đĩa lậu xuyên quốc gia đang hoạt động công khai”. Muốn đặt mua số lượng lớn vài chục ngàn đĩa? Hãy đến 415 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh). Trong một cuộc “truy quét” mới nhất vào đầu năm dương lịch, “lực lượng chức năng đã thu giữ 70.000 đĩa lậu”, dù tin bố ráp đã được mọi người biết trước. Chứng cớ, như tờ Lao Động nhận định, là giới chủ nhân các cửa hàng băng đĩa lậu “không hề tỏ ra lo lắng khi lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm!”. Các chợ băng đĩa lậu ở ngoại thành Sài Gòn cũng nhộn nhịp không kém. Riêng hai xã Tân Xuân và Tân Thới của huyện Hóc Môn đã có 7 cơ sở sản xuất đại trà băng đĩa khiêu dâm và bạo lực.
Tại Hà Nội, Vương Lê Hùng (24 tuổi, sinh viên năm thứ 5 khoa Tin Học, Đại học Mở) bị công an khám nhà và tịch thu hơn 10.000 băng đĩa sex, 4 ổ cứng in sao đĩa hình, 2 máy in tem nhãn. Quách Trung Kiên (sinh viên năm thứ 4, bí thư chi đoàn của Khoa Công nghệ Môi trường Hà Nội) cũng bị xét nhà tịch thu 1.200 đĩa VCD khiêu dâm, 2 máy in vỏ đĩa và một dàn máy vi tính. Tìm chợ đĩa lậu thủ đô? Hãy tạt qua 48 Hàng Bạc, 78A Hàng Bồ và 55 Lý Nam Đế, hoặc hỏi công an khu vực 36 phố phường.
Phó sản đi kèm theo băng đĩa lậu là “lịch khoả thân, gạch men, bài tây, ly uống rượu có hình sex, chủ yếu là hàng của Trung Quốc”. Theo bản tường trình của ký giả Thanh Phong, báo Tuổi Trẻ, “Một cuốn lịch khoả thân có giá từ 190.000 đến 320.000 đồng, một bộ bài tây (có hình 36 kiểu dâm ô) giá từ 60.000 đến 135.000 đồng. Đặc biệt, bộ ly bốn chiếc của Trung Quốc có hình cô gái khoả thân nổi lên khi rót rượu vào đang được ‘dân chơi’ chuộng nhất có giá 500.000 đồng”.
Bản tin của ký giả Phạm Hiếu, báo Lao Động, cho biết chỉ nội ngày 17-12-2002, lực lượng kiểm tra đã thu giữ trên một tỷ đồng trị giá hàng lậu. Nguồn gốc? Một trong những cửa ngỏ nhập lậu chủ yếu phía Nam là qua đường dây Phạm Bích Liễu ở Gò Dầu, Tây Ninh. Liễu là con dâu của Trần Văn Ga, Phó giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh. Nhờ cột trụ bảo kê gắn liền với Bộ, tổ chức này đã nhập lậu hàng (chủ yếu là rượu ngoại, đầu máy CD, VCD, băng đĩa) trị giá hàng trăm tỷ đồng từ Campuchia đưa về tiêu thụ tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. “Riêng lượng phim ảnh trong 10 tháng đầu năm 2002 đã lên tới 20 tỷ đồng”.
Phó sản cấp hai của làn sóng băng đĩa lậu là những điểm trình chiếu khắp nơi. Từ chòi lá cà phê cuối hẽm tới quán nhậu mặt tiền. Ngay cả Trung Tâm Chăm Sóc Thể Hình (phường 1 quận Gò Vấp) cũng là nơi “trình chiếu và bán phim tươi mát”. Kinh khiếp hơn nữa, đây là một động Mãi Dâm Nam. Tương tự, một chợ “sex đực” và buôn bán băng đĩa lậu khác đã “bị phát hiện ở đường Hòa Hưng, phường 2, quận 10”.
Bạc Giả Toàn Tập
Trung Quốc không chỉ tuồn sang VN băng đĩa lậu. Xuyên qua hàng cột mốc vừa cắm lại, TQ tuồn sang VN hàng năm biết bao cam táo, đường mía, vải vóc, xi măng, phân bón, bia rượu… và bạc giả. Tại Nam Định, N.T.Hiền bị bắt giữ như “đối tượng thứ 10 trong đường dây mua bán, vận chuyển, lưu hành,… tiêu thụ tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay với số tiền lên tới hàng tỷ đồng”. Chốt “tiền tiêu” của đường dây này được lắp đặt tại số 65 đường Bắc Sơn, thị xã Lạng Sơn. Chủ chốt là một con buôn “có máu mặt”, quen biết tới cấp Bộ! Mặt hàng là những gói tiền mệnh giá 100.000đ, 50.000đ và 20.000đ. Phương tiện vận chuyển là những “quần đùi ‘đặc chủng’ 3 ngăn tự thiết kế” có khả năng chứa được trên 100 triệu đồng. Hệ thống này đã hoạt động hữu hiệu trong nhiều năm qua. Thù lao cho các chủ chợ phân phối bạc giả, còn được gọi là hoa hồng, lên đến 55%. Phương cách tiêu thụ ở cuối đường dây là dùng tiền có mệnh giá lớn mua hàng có giá trị nhỏ để lấy nhiều tiền thật thối trả lại.
Ở Thanh Hóa, một đường dây tiêu thụ khác cũng nhận tiền giả từ cửa khẩu Lạng Sơn, giá bán mỗi chuyến 80 triệu tiền giả lấy 38 triệu tiền thật. Tại Quảng Nam, tổ chức lưu hành bạc giả sở tại được điều động bởi T.T.M.Hà. Một trong những đại lý gốc là T.V.Minh, 18 tuổi, mỗi chuyến chuyển đổi một tỷ đồng. Chốt thu mua của đường dây này được thiết kế tại số 34 khu tập thể Công ty xây dựng số 2, phường Tam Thanh, thị xã Lạng Sơn. Thầu cung cấp tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam là A Lin, trú quán tại TP.Hạ Long, cũng “máu mặt” không kém. Tỷ lệ hoa hồng ở ngọn là 20%, ở gốc là 60% (giao bằng đường chuyển phát nhanh của bưu điện, ngân hàng hoặc giao trực tiếp tại nhà riêng của Hà). Nhiều xác suất đây là nguồn cung cấp cho Kế toán lương T.T.Loan ở Buôn Hô, Đắc Lắc, để phát 31 triệu đồng tiền lương bằng bạc giả cho công nhân Nông trường Cao su Cư K’pô, huyện Krông Buk, hồi giữa tháng 7 vừa qua.
Tại tỉnh nghèo nhất nước là Quảng Bình, một số đối tượng thuộc huyện Minh Hóa cũng ra sức chỉ đạo một đường dây dây vận chuyển, tiêu thụ tiền giả từ Trung Quốc về Việt Nam: “họ khai đã nhiều lần sang Trung Quốc mua tổng cộng 20 triệu đồng tiền giả (loại 100.000 đồng) với giá 2,4 triệu đồng (tiền thật)”. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trung tâm tiêu thụ tiền giả là chợ Long Hải, huyện Long Đất.
Tại Sài Gòn, đường dây lưu hành tiền giả lớn nhất từ năm 2000 bị đổ bể là do B.T.Ngoan cầm đầu, với số bạc giả bị phát hiện trong người lên tới 45 triệu đồng. Vẫn ở Sài Gòn, cầm đầu một đường dây lưu hành tiền giả khác là N.T.N.Thuận, lúc bị bắt cũng chỉ mới vừa 18 tuổi. Lẻ tẻ thì có B.N.Hoàng (Gò Vấp) tàng trữ 1.305.000đ tiền giả; N.T.T.Linh (quận 12) đang xài 7.000.000đ tiền giả. Một số đại lý tiền giả khác bị phát hiện ở khách sạn Lan Lan (quận 1) và khách sạn Bình Minh (quận Bình Thạnh), với số bạc giả tổng cộng là 2000 tờ 100.000đ. Đường dây này ăn thông xuống tận Cà Mau.
Một hình thái khác là các chi phiếu du lịch VISA giả lần lượt xuất hiện ở VN với khối lượng lớn trong năm qua. Chính xác hơn, đây là loại chi phiếu du lịch thật, ghi rõ ngân hàng phát hành là DBS Bank, có mệnh giá 50USD được “cải tạo” thành 500USD. Chỉ những người đổi loại chi phiếu này thành tiền là sử dụng hộ chiếu giả.
Riêng tập đoàn chơi bạc giả nhà nghề, giỏi nhất nước, quyết định các mối quan hệ mọi mặt với TQ, vẫn trú đóng tại khu chợ trời Ba Đình, Hà Nội.
Lùa Gái Đồng Xanh
Ngược lại, cũng xuyên qua hàng cột mốc biên giới mới tinh, TQ nhập các mặt hàng nào từ VN? Chợ móng chân trâu đã đóng cửa, sau đận nông dân miền Bắc tự è cổ ra thay trâu cày ruộng. Chợ mèo, chợ rắn vẫn om sòm như các chiến dịch săn bắt chuột đồng ỏm tỏi khắp VN. Gần đây nhất, chợ dưa hấu Tam Thanh trở thành bãi rác khổng lồ khi TQ biến chiêu phá giá hàng nhập khẩu. Tiếp theo, cùng một số phận bi đát ở dọc đường biên giới là các chợ vải thiều, chôm chôm, nhãn hạt tiêu….
Sầm uất nhất có lẽ chỉ có thể kể đến… chợ gái, nhóm dọc suốt từ Móng Cái, Đồng Văn, Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh); qua Đồng Đăng, Nam Quan, Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn); vượt Tà Lùng, Sóc Giang (Cao Bằng); lên tới Thanh Thủy, Mèo Vạc (Hà Giang). Từ đó lan sang Mường Thương (Lào Cai); Tây Trang, Ma Lu Tháng (Lai Châu); Pa Háng, Chiếng Thương (Sơn La); Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); xuống tận Bờ-Y (Kontum); Mộc Bài (Tây Ninh); Tịnh Biên (An Giang); Hà Tiên (Kiên Giang)….
Chỉ đạo các tổ chức đưa gái đường xa này gồm nhiều loại. Có nhánh được xếp đặt từ bên kia cột mốc biên giới, ăn thông và ăn chia với đầu nậu ở bên này VN. Có nhánh chủ động từ phía đất nhà, xong cho trinh sát xông qua đất khách tìm mối. Có nhánh làm ăn kín đáo theo kiểu gia đình. Tờ Phụ Nữ ở Sài Gòn nêu một điển hình là, khởi nghiệp từ tháng 3 năm 2001, gia đình N.T.Thu, N.T.Nguyên và N.T.Thơm ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, đã tổ chức dụ dỗ và bán gái VN cho khách Tàu, với giá đồng hạng 3000 nhân dân tệ.
Ở Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, N.V.Hồng đã tổ chức một đường dây chuyên đưa phụ nữ từ VN sang TQ để bán. Điều kinh khiếp là, theo báo Tuổi Trẻ: “Không chỉ dừng lại ở việc mua bán người dưng, Hồng còn bán cả vợ và con gái mình. Khi bị công an phát giác, N.V.Hồng đã bỏ trốn, sau đó cải dạng rồi tìm đến Lộc Ninh, huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, hành nghề bán thịt chó”.
Ở thành Hồ, trên đường Phan Đăng Lưu, phường 13, Phú Nhuận, căn nhà thuê của N.N.H.Trang nuôi một lúc 10 thiếu nữ, trong đó có 3 bé gái 14 tuổi, theo báo Phụ Nữ, là nhằm “để tổ chức bán dâm. Một nạn nhân 14 tuổi cho biết vừa bị Trang ép bán trinh với giá 5 triệu đồng”. Không chỉ ở trung tâm thành phố, những phóng sự trên báo Tuổi Trẻ cho biết nhiều chi tiết “sâu sát” về các “đường dây bán gái đồng trinh sang Campuchia” khởi đi từ cả những xã ngoại thành Sài Gòn.
Tiêu biểu là từ một căn nhà không số trên đường Chánh Hưng nối dài, ấp 4, xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh: “Từ đầu năm 2001, dưới sự chỉ đạo của H.T.L.Hương, N.T.Trúc đến các khu công nghiệp, vùng ngoại thành ở TP HCM dụ dỗ những cô gái có hoàn cảnh khó khăn, đang cần tiền… tổ chức đưa sang Campuchia bán trinh. Giá mỗi lần là 5 triệu đồng, Hương lấy một nửa. Sau khi đi khách lần đầu, những phụ nữ này bị đầu gấu Campuchia xăm hình con bướm vào bụng. Các cô quay về Việt Nam và phải phục vụ tại nhà chứa của Hương ít nhất 3 tháng”. Cả một thập niên trước đó, từ năm 1990, Hương đã từng chỉ đạo biết bao phi vụ “lùa gái đồng xanh” ở vùng châu thổ sông Cửu Long lên Thành Phố rồi đưa sang Nam Vang.
Ở Vũng Tàu, nội trong vòng một năm (2001), N.B.Tuyết đã lùng sục mọi ngóc ngách địa phương và cả những thành phố lớn Hà Nội, Cần Thơ… “dụ dỗ được 19 phụ nữ đưa sang Trung Quốc, buộc làm gái mại dâm, thu lợi 83 triệu đồng”, như báo Tuổi Trẻ loan tin. Một viên chức của tòa án tỉnh Đồng Nai đã cho phái viên Reuters biết rằng can phạm T.M.Dung, 48 tuổi, “đã dụ dỗ 4 cô gái sang Cam Bốt rồi đem bán cho các chủ chứa với giá 300 USD mỗi người. Sau đó, các nạn nhân lại bị đem bán sang các nhà chứa ở Đài Loan”.
Ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, T.T.Hương là một tay trùm cho vay nặng lãi và là chủ chứa 60 thiếu nữ, phần đông là các bé gái vị thành niên. Khi Hương bị bắt giữ, những nạn nhân này đang chờ chuyến bán sang Campuchia tại nhà thổ có tên Quán Số 10, cách cửa khẩu chỉ 11 km. Cũng ngay lúc đó, tại quán này hiện có nhiều bé gái 15-16 tuổi đang “phục vụ khách”.
Những đường dây đưa gái sang Mã Lai tương đối văn minh hơn. Khởi hành tại Tân Sơn Nhứt. Di chuyển bằng máy bay sen vàng Kim Liên theo diện du lịch. Điểm đến: Ổ mại dâm Karaoke mang bảng hiệu Why Not ở thủ đô xứ Mã. Giá bán cũng cao hơn: 3000USD/người. Được biết, khi đường dây này đổ bể hồi tháng 9-2002, hiệu Karaoke Why Not đã chứa sẵn 60 thiếu nữ VN. Chỉ đạo đường dây này, B.T.Kiểm và L.T.H.Lan là những đối tượng bị truy nã từ năm 1999. Một đường dây khác, đặt bản doanh tại quận 1 Sài Gòn, do L.T.Mỹ chỉ đạo, Tee Poh Eng lo phần tiếp thị, còn những tay em khác “có nhiệm vụ ‘săn’ gái mại dâm cao cấp để ‘xuất’ sang Malaysia”. Định hướng kinh tế của thị trường chợ gái này là làm giấy nợ, giao tiền trước, khấu trừ dần qua những phi vụ bên xứ Mã, khi mãn nợ sẽ chia theo tỷ lệ 7/3.
Nhắm vào đám khách Đài Loan, các “vựa gái” được tổ chức theo phương cách khác: Các thiếu nữ miền Tây được tập trung vào một số khách sạn ở thành Hồ, đeo số trước áo tắm, sắp hàng dọc cho khách Đài bình chấm, rồi qua phòng thử nghiệm thực tiễn cụ thể trước khi khách hàng quyết định chọn lựa.
Đối với khách Đài, đây mới chính là mục tiêu du lịch tới “Điểm Đến Của Thiên Niên Kỷ”. Hầu hết những dịch vụ “vựa gái” này đều được bảo kê bởi “lực lượng chức năng” quyền lực nhất tại địa phương. Những “phát hiện” chỉ xảy ra khi tình hình ăn chia không ổn. Điển hình là bản tin trên báo Tiền Phong về vụ phát hiện tại khách sạn NL trên đường Lý Thường Kiệt , phường 15, quận 11: “có khoảng 40 cô gái trẻ đang chờ đến lượt được giới thiệu lấy chồng ngoại”. Lý do phát hiện là tại đây “có những dấu hiệu lừa đảo”. Lừa công an ma cô ma cạo thì có mà… gãy răng!
Số liệu thống kê của bộ Công An CSVN, theo trích dẫn trên bản tin của hãng thông tấn Reuters ngày 24-1-2003 là: “từ năm 1991 đến năm 1999, có ít nhất 22.000 phụ nữ và thiếu nữ Việt Nam đã bị đưa sang Trung Quốc để phục vụ ở những nhà chứa hoặc bị ép lấy chồng người Trung Quốc”. Con số “ít nhất” đó còn tăng cao bao nhiêu nếu gộp chung các vựa gái của chế độ trên đất Miên, Lào, Thái? Không chắc là hàng vạn người này dám tự nhận là Việt kiều. Nhưng chắc chắn rằng họ là người Việt Nam. Càng chắc chắn hơn nữa, họ là những nạn nhân kém may mắn nhất của chế độ CSVN, đến mức bán trôn nuôi miệng và nuôi thân nhân mà phải còn phải chạy trốn công an nội địa sang nước khác.
Ký giả Margot Cohen đúc kết trên tờ Viễn Đông Kinh Tế 16-1-2003 là số người Việt ở nước ngoài đã chuyển về nước 2,06 tỷ USD qua ngả chính thức trong năm 2002 (gần 10% tổng sản lượng quốc gia). Gộp hết các ngả chính-tà, con số này lên tới khoảng gần 4 tỷ USD. Trong đó có cả 1,45 tỷ USD do 370.000 công nhân xuất khẩu gửi về, và cả ngân khoản không rõ số do những nạn nhân bầm dập nói trên chi giúp thân nhân trong nước. Lãnh đạo Hà Nội đã ca ngợi thành quả đó vượt qua cả lượng dầu thô xuất khẩu trong năm qua (3,2 tỷ USD) và vượt qua quá xa tổng viện trợ phát triển ODA mà các nhà tài trợ hứa hẹn (2,5 tỷ USD) cho năm 2003. Vẻ vang biết mấy!
Từ Thai Nhi Tới Ấu Nhi
Ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, các chợ thai đều tất yếu nhóm sát cạnh sườn những bệnh viện sản khoa. Theo một phóng sự có tựa đề “Nghề bán ‘hàng’ trong bụng” trên báo Thanh Niên: “Mới ngoài 30 tuổi, chị Điền, quê Nam Định đã mang thai lần thứ 5. Đứa bé lần trước sinh non, suy dinh dưỡng nhưng vẫn bán được tiền. Chị cho biết, những người bán con chuyên nghiệp được các bà ‘cò’ ‘đặt hàng’ trước, chỉ việc bồi dưỡng sức khoẻ, mang thai và bán”. Giá một đứa bé trong bụng mẹ từ 8-13 triệu đồng và còn cao hơn tùy thỏa thuận giữa “cò” với người mua và “cò” với người bán.
Hãy nghe qua một mẩu tiếp thị trước bệnh viện Từ Dũ: “Muốn nạo hút, mua bán gì cứ thông qua tui. Muốn mua con trai hay gái cũng có, muốn mẹ xấu đẹp cũng được, giá cả tùy từng đứa. Cần gì buổi sáng cứ đảo qua đây, chiều qua Công viên Lê Văn Tám, thế nào cũng gặp tui… Mẹ mà khoẻ mạnh, xinh đẹp thì con đắt hàng…”. Còn theo lời chị Điền kể lại: “Trước vợ chồng tui đi thu mua phế liệu, cực lắm. Lần tui đang mang thai, một bà tên Hồng đề nghị tôi bán con. Lần này có người muốn mua con trai nên bà nói tui bán tiếp, đưa trước 1,5 triệu đồng bồi dưỡng. Bà ấy chuyên mua con trai, con gái có người khác mua. Nếu được, vợ chồng tui định sinh thêm 1-2 lần nữa, kiếm ít vốn về lại quê”.
Cao hơn một bậc, chợ trẻ em sơ sinh được thiết kế theo “trục” hẳn hoi. Điển hình là đường dây Hồ Thị Mỹ Hạnh ở Sài Gòn hoạt động từ tháng 1-1996. Dưới trướng của Hạnh gồm nhiều “cò” bán trẻ sơ sinh: Võ Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Nhi, Thái Văn Hai, Cổ Thị Hảo, Bùi Thị Kim Anh và Nguyễn Mạnh Hùng. Định hướng hoạt động là mọi người “phân công đi tìm những người mẹ đẻ con đang gặp hoàn cảnh khó khăn, xin trẻ, rồi giao cho cò Hạnh liên hệ với người nước ngoài làm thủ tục nhận con nuôi”.
Đến tháng 2-1998, đường dây này hoàn tất thủ tục mua bán được cả thảy 39 bé sơ sinh. Giá thấp nhất là 4,5 triệu đồng. Giá cao nhất là 8 triệu đồng. Khi bị đổ bể, Hạnh ra đầu thú, được cán bộ công an điều tra viên phòng PC16 là Nguyễn Sỹ Vĩnh gợi ý: “Vụ án khá nghiêm trọng, mức án của Hạnh trên 10 năm tù… nếu Hạnh có 20 triệu đồng lót tay thì Vĩnh sẽ giúp cho Hạnh không bị tù, chỉ hưởng án treo”. Hạnh đồng ý đưa tiền cho cán bộ Vĩnh. Khi ra tòa, Hạnh lãnh án 14 năm tù, về tội “mua bán trẻ em và đưa hối lộ”.
Chợ Máu
Thị xã Phủ Lý – Hà Nam, cách Hà Nội chưa đầy 60km, “Từ trên cầu Hồng Phú nhìn xuống dòng sông Đáy đầy lục bình trôi, xóm thuyền thiêm thiếp ngủ. Trông cái cảnh thanh bình ấy, ai cũng nghĩ đó là một xóm vạn đò đang trong mùa no cá. Nhưng không, không một ai, kể cả những người dân của xóm thuyền công nhận đó là xóm vạn đò, bởi một lẽ đơn giản: Họ không phải là những người kiếm kế mưu sinh từ dòng sông. Họ không có câu, có lưới, việc chèo thuyền với họ cũng là một cái gì rất xa xôi, mơ hồ. Không một tấc đất cắm dùi, họ dạt về đây với một nghề duy nhất: Bán máu đổi cơm”.
Đó là đoạn dẫn vào phóng sự “Kiếm cơm bằng máu” của hai phóng viên Chí Tùng – Anh Xuân trên báo Lao Động. Nếu gọi là xóm, nó có tên Xóm Thuyền Phù Vân. Nếu gọi là làng, nó có tên Làng Nổi Bán Máu. Hơn 100 “nhân khẩu” thuộc 20 “hộ” ở đây đều được mệnh danh là những “cây máu sống” từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Định, Hà Nội… về đây cắm chốt.
Theo tổ trưởng Nguyễn Văn Ngọc, đại diện cả xóm: “Có lẽ cũng đã hơn hai chục năm rồi cái nghề này ở xóm này tồn tại… Họ là những người cùng đinh nhất trong xã hội”. Thế mới biết ánh sáng thần kỳ của XHCN soi rọi bên dưới hạng cùng đinh đến bật ra cả lớp người cùng đinh nhất! Ông Ngọc là người đầu tiên bán máu nuôi con và sáng lập ra xóm thuyền Phù Vân. Tuy vậy, huân chương “cây máu đại thụ” lại thuộc về ông Nguyễn Văn Phú, người Bình Định tập kết ra Bắc năm 54, nay đã 90 tuổi, nổi tiếng 2 lần về hưu: Lần thứ nhất hết tuổi làm cán bộ; Lần thứ nhì, hết tuổi bán máu.
Một vài trường hợp khác: -Tôi bán máu đã 24 năm nay để nuôi con ăn học nhưng tụi nó chỉ học đến lớp 4 là dừng vì bố, mẹ không kham nổi, vả lại nó đẻ ở đây nhưng không được đăng ký khai sinh, học làm gì? – Tôi bán máu khắp các bệnh viện tỉnh phía Bắc suốt 30 năm trời nhưng bố mẹ già ở quê không hề biết tôi làm gì mà nuôi được năm con! – Tôi 50 năm chuyên nghề bán máu để nuôi dạ dày. Bán ra, ăn vào mớí có sức để bán ra.
Theo thống kê của công an phường Quang Trung, thị xã Phủ Lý: Hiện “làng nổi” có hai người “hết bán được máu” vì đã trên 70 tuổi, bốn cháu dưới 10 tuổi thì chưa thể đi bán máu được, còn ai cũng lao vào bán máu (nữ chiếm 61%, nam 12%). Tương lai của những cháu bé đó ra sao? Một bà mẹ chỉ vào con mình nói trong nước mắt: “Con nhỏ này cũng sắp phải đi bán máu đấy! Anh, chị nó ngoài bán máu còn phải nhặt đồng nát hoặc đi làm phụ xây mới trụ được cuộc sống không nghề nghiệp này”. Mà cũng không phải dễ. Đã có nghề bán máu ắt phải có nghề cò máu.
Theo lời kể của chị Phạm Thị Vọng, mỗi bịch máu 250cc giá 150.000đ: “Từ khi Bệnh viện II Phủ Lý không mua máu nữa, người dân xóm thuyền lại phải đi bán máu ở khắp các bệnh viện trên miền Bắc. Chi phí cho một lần bán máu chẳng còn được bao nhiêu, vì vậy mỗi lần đi, phải bán được ít nhất từ 0,5-0,75 lít mới bõ công”. Theo quy định của ngành y tế trong nước, mỗi lần lấy máu phải cách nhau ít nhất là 2 tháng, nhưng theo chị Vọng thì nếu chỉ được lấy như vậy dân bán máu chuyên nghiệp chỉ có mà “ăn cám”. Nếu cho bán “tẹt ga”, cứ 3 ngày là bán được một bịch 250cc. Đến mức hầu như không bệnh viện nào trên miền Bắc không biết đến họ.
Trên một phóng sự khác cùng đề tài của phóng viên Vũ Toàn, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật: “Một thực tế ở “làng nổi” là không khí bán máu lúc nào cũng nhộn nhạo: Càng bán được nhiều máu càng tốt / Cứ thò tay là mong người ta lấy được nhiều máu / Theo nguyên tắc hai tháng mới được bán máu một lần, nhưng trong hai tháng đó có thể đi bán 10 “cửa” khác nhau, hết bệnh viện Hà Nam ra Hà Nội, Bắc Ninh lại vào Thanh Hóa, Vinh xong quay ra quay ra Xanh Pôn, Thanh Nhàn. Phải tìm cách đi lọt 2-3 “cửa” bán được nhiều máu mới mong đủ ăn. Ai “phá rào” giỏi thì một tháng có thể “đá” được 2-3 lần nhưng phải biết “đếm” cho các khoa phòng họ mới vớt vát cho bán…
Cơ cực là vậy, nhưng theo lời một cây máu sống thuộc diện cựu chiến binh thì ở Làng Nổi Phù Vân vẫn còn dễ thở: “Chứ như xóm bụi ga Vinh (Nghệ An) hoặc xóm bụi Thanh Nhàn và các bãi rác Thành Công, Phúc Tân (Hà Nội) còn đẩy những người bán máu sống dật dờ, chui lủi, cơ cực hơn nhiều”.
Nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 73 năm lập đảng cộng sản, tức đã già hơn đảng cộng sản Liên Xô 1 tuổi, hãy cùng vỗ tay cho đều để ngợi ca dàn lãnh đạo đỉnh cao VN đã từng dày công sáng tạo ra các loại chợ đời giúp dân có được miếng ăn nhờ khả năng tự làm kinh tế, từ bán trinh, bán thai, bán con, tới bán máu.
(Còn tiếp hồi ba)
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments