2003.03 – Chợ Đổi Mới (hồi 3)
- LVMỹ-K24
- Feb 25, 2022
- 17 min read

Phát biểu bế mạc Hội nghị với lãnh đạo 61 tỉnh thành, vào chiều 08-01-2003, Phan Văn Khải đã tuyên bố: “để cho dân đói nghèo là có tội “! Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh: Máu của dân, từng đổ thành suối thành sông dọc Trường Sơn, để sau “thống nhất” được đóng gói thành bịch và họp bán thành chợ.
Theo bộ Y tế CHXHCNVN, chợ máu chỉ mới cung ứng 15% nhu cầu cho các bệnh viện. Nên chẳng ai ngạc nhiên về sự phân cấp “chế độ tiếp máu” ở đây: Nếu bệnh nhân không là quan chức thì… cứ đợi đấy! Kinh khiếp hơn, 80% lượng máu đó được mua từ “các lực lượng bán máu chuyên nghiệp với các tỉ lệ mang virus rất cao như viêm gan B là 10-15%, viêm gan C là 1-5%, nhiễm HIV/AIDS chiếm 0,17%”. Cần cơm, bán tất!
Khẩu hiệu mới là: Còn cái lai quần cũng …bán! Thành chuyên nghiệp! Chợ máu, qua đó, phản ảnh phần nào sinh lực kinh tế của dân. Tiếp đây, hãy liếc qua chợ cổ phiếu, còn gọi là thị trường chứng khoán, thước đo sinh lực kinh tế của cả nước….
Đường Đi Ra Dốc Kẻ Chì
Chứng khoán là sản phẩm đặc thù của “bọn” tư bản. Không thể nói khác được. Chứng khoán khác xa công điểm của hợp tác xã. Tự điển XHCN không có chữ này. Ngay cả bộ đại từ điển tiếng Việt mới phát hành còn không có từ “doanh nhân” nữa là! Dương Trung Quốc, Tổng thư ký hội Sử học Việt Nam, đã khẳng định như vậy với phóng viên VASC Orient. Thế thì, hiện diện ở VN, chỉ riêng cái đận doanh nhân không thôi cũng đã là một chệch hướng XHCN mà dàn lãnh đạo Hà Nội phải nuốt xương ngáng cổ. Nói gì tới thị trường chứng khoán?
Để nguyên nào! Chưa kể tới mấy chục tỷ USD nợ nước ngoài; khi đằm đẵm sau lưng là một Quốc Tế Cộng Sản đã rã như bèo trôi ra thác; khi ngất ngưởng trên đầu là một quan thầy “kính yêu” đã vào WTO; khi canh cánh bên hông là một tối huệ quốc với Nhật và một thương ước với Mỹ; khi chói chang trước mắt là những AFTA, những AMM, PMC… rồi những WEC, những GMS…. và cả WTO; mà không hòa nhập vào dòng chảy của đô-la thì… có mà ăn mày đi xin hành khất à?
Jordan Ryan, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng không nghĩ khác. Ông dạy rằng “Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách kinh tế…, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế năng động và hiệu quả”. Trong thời buổi này, những lời răn của UNDP, IMF, WB hay ADB đều có giá trị gấp triệu lần hơn kinh Mác. Chứ không thì sao lại phiền tới Phan Văn Khải công du tận Brussels hồi cuối tháng 9 năm ngoái, nhất định xin gặp Chủ tịch EC Romano Prodi để năn nỉ “EU nên công nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”, hãy tạm quên mọi thứ “định hướng” lập lờ đi kèm theo nó đi! Rồi toàn bộ chính trị lại thêm một phen hồi hộp đến gần mức nhồi máu cơ tim sau đó, khi Hoa Kỳ thư thả xét nghiệm xem có thể công nhận VN hiện nay có một nền kinh tế thị trường hay không.
Trong khung cảnh bối rối dài lâu và đậm màu sâu sắc đó, thì cho dù cổ phiếu có là sản phẩm đặc thù của “bọn” tư bản đế quốc hay bá quyền gì gì đi nữa, chuyện thành lập một thị trường chứng khoán ở VN cũng chỉ là điều tất yếu phải đến. Chỉ tiếc là nó không thể khai sinh sớm hơn tí đỉnh hay ít nhất như dự trù. Dẫu gì, nó cũng đã ra đời từ cuối tháng 7 năm 2000 với tổng số niêm yết lên tới …hai cổ phiếu! Dẫu gì, tính tới nay nó đã hơn hai tuổi. Bạn muốn biết nó béo hay gầy, đang bò hay lật ư?
Chính thức nhé, theo đánh giá của Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết 2 năm hoạt động của TTCK VN sáng 26-7-02 tại Hà Nội, thì điều mà diễn giả cho rằng đáng lưu ý nhất là: “quy mô của TTCK VN còn quá nhỏ bé , hàng hóa giao dịch nghèo nàn, khung pháp lý chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được mục tiêu huy động vốn…”. Ký giả Văn Tiến đặt tựa cho bài tường trình hội nghị này vào ngày 27-7-02 là: Hai năm TTCKVN – vẫn là những bước đi chập chững. Trên lối chưa mòn.
Phanh Không Răng Hỏi Lấy Gì Mà Xơi?
Chập chững ra sao và vì sao? Thì đó, Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh mồm tổng kết thực tiễn cái nhìn của nhiều thuộc hạ như vừa kể. Nhìn từ góc độ “quốc tế” của những người khai sinh ra nó thì nguyên nhân chính của sự chập chững đó là bởi… cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, mới lạ! Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã nói thế.
Về mặt chính sách, văn bản pháp luật “xương sống” cho thị trường chứng khoán VN là Nghị định 48-1998/NĐ-CP ngày 11-7-1998 mang nội dung hồ hởi ăn khớp vào tinh thần cập rập thời cao điểm của đầu tư ngoại quốc, nhưng không còn phù hợp với thực tế thê thảm hiện tại cũng như với Luật Doanh Nghiệp mới vừa “mông má” tân trang. Có người bảo rằng cái “cột sống” đó chẳng dính vào đâu trong cả cái cơ thể rữa nát toàn phần lục phủ ngũ tạng của nền kinh tế VN, nghe ra cũng không ngoa là mấy.
Về mặt tổ chức, thì theo giới quan tâm có liên hệ hữu cơ, từ nay đến năm 2005, chiến lược phát triển TTCK của UBCKNN mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện khung pháp luật và cơ sở hạ tầng, trong tầm kiến thức váy đụp hiện thời.
Về mặt hiệu năng, Thứ trưởng bộ Tài chính CSVN Lê Thị Băng Tâm cho rằng: “Có lẽ hãy bàn đến một TTCK VN là một kênh huy động vốn thực sự ngoài năm… 2010. Bởi lẽ đến thời điểm này, tổng giá trị các loại chứng khoán niêm yết cũng chỉ mới chiếm 0,37% GDP”. Chưa bằng một góc nhỏ của ngân khoản hàng năm mà nhà nước và các cơ quan môi giới bòn rút được từ hàng ngũ anh chị em lao động xuất khẩu!
Khách quan hơn, các nỗi bất cập của chợ cổ phiếu VN có thể liệt kê ra sao?
Thứ nhất, độ dốt nát về kế toán trong kinh tế của Nghị định 48/CP cũng y hệt như tính côn đồ về điều hành trong xã hội của Nghị định 31/CP, chỉ được mỗi cái duy ý chí là cao.
Thứ nhì, mức giao dịch thường xuyên chỉ chiếm 1-6 tổng số tài khoản của các nhà đầu tư, trong lúc tổng số cổ phiếu niêm yết sau hai năm hoạt động đã leo lên tới con số 17 nhưng hầu hết đóng băng (điển hình là cổ phiếu Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu (BTC) đã lập kỷ lục 15 phiên đóng băng liên tiếp).
Thứ ba là thị trường sơ cấp huy động vốn quá yếu. Vẫn theo bà thứ Băng Tâm, “mục tiêu huy động hơn 10.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu nhưng cho đến nay – qua 10 đợt phát hành, chỉ huy động được khoảng vài trăm triệu đồng, có đợt phát hành chẳng ai mua”. Sơ cấp mà cứ thế thì tài thánh mới khởi động nổi thị trường thứ cấp!
Thứ tư, tất nhiên, thuộc phần khập khiễng quản lý điều hành TTCK, và khâu công bố thông tin chỉ có lợi cho công ty niêm yết. Ví dụ như quyết định tăng biên độ dao động giá từ +/-2% lên +/-7% mà chưa dự liệu hết những diễn biến của thị trường mỏng mảnh hoạt động theo kiểu nhạy cảm tâm lý, khiến giá các cổ phiếu đã lao xuống dốc mà …phanh không xơi: “Không ai biết được đâu sẽ là điểm dừng của thị trường khi sự kỳ vọng vào các biện pháp của cơ quan quản lý thị trường vừa nhen lên đã nguội”.
Phản ứng của dàn lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN ra sao? Trước tiên, có biết vì sao bộ phanh đột xuất rụng hết răng hay không cái đã? Chẳng ai rõ. Chỉ biết Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, khi được hỏi về các biện pháp của UBCKNN nhằm ổn định và phát triển TTCK trong giai đoạn hiện nay, đã tỏ ra rất lãng mạn tiền chiến qua lời hứa: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm hết sức mình”! Cụ thể hơn, bà thứ Băng Tâm đề nghị lãnh đạo CHXHCNVN đồng ý “cho phép” các nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận của họ bằng ngoại tệ ra nước ngoài; “cho phép” các công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam được phép kiểm toán tất cả các công ty, trong đó có công ty cổ phần…
Lại có kẻ phóng xa tầm mơ ước, đề nghị tăng cung hàng hóa cho thị trường, đồng thời, miễn/giảm thuế… để trong 2 năm tới, số công ty niêm yết sẽ lớn gấp 3-4 lần so với hiện nay! Song song, Nghị định 64/CP được ban hành để thay thế Nghị định 44/CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm thúc đẩy quá trình này đang trong tiến độ gần 5% suốt 6 năm qua. Vẫn trong tinh thần lạc quan viễn mộng đó, còn có đề nghị đưa vào họạt động trong năm 2003 Trung Tâm Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội, hiện được đặt tên là “sân chơi cho cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ngoài ra, những “sân chơi” tầm thấp khác còn có thể được kể như: Hiệp hội Các nhà kinh doanh chứng khoán; Các quỹ đầu tư; Các liên hiệp công ty tài chính, công ty bảo hiểm; Các hệ thống lưu ký, giao dịch và thanh toán; Các kênh công bố thông tin TTCK cho công chúng và nhà đầu tư…. Để làm gì?
Câu trả lời là: Tất cả nhằm để “tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực chứng khoán và TTCK”. Tạm thời, hãy nhìn vào mặt sáng của vấn đề: Thị trường tụt dốc ngang với gia tốc rơi tự do là phương cách hữu hiệu nhất để thể hiện phương châm “Hòa Nhập Chẳng Hòa Tan!”.
Chạy Lũ Dưới Vực Sâu
Thể theo lời hứa sẽ làm hết sức mình của Vũ Bằng, có người bật ra câu hỏi: “Tới đâu?”. Những bài báo Đầu Tư đầu năm 2003 phần nào trả lời câu hỏi góc cạnh đó. Một số báo khác cũng có phần quan tâm tương tự. Theo đánh giá của VnExpress: “Với việc chỉ số VN-Index rớt thảm bại, có lúc tụt xuống chỉ còn 174,6 điểm, thấp nhất trong lịch sử, năm 2002 được coi là đại bại đối với giới đầu tư chứng khoán Việt Nam”. 5 biến động đáng kể trong năm 2002 của thị trường chứng khoán VN có thể được liệt kê như sau:
Một là, Nghị định 48/CP được đề nghị sửa đổi cho thông thoáng hơn: “cho phép (vẫn cho phép) mua, bán chứng khoán ngoài sàn giao dịch, chấp nhận đặt lệnh ‘điện tử’, tăng nhanh số công ty niêm yết và giảm điều kiện được niêm yết…”, tạo nền tảng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh giao dịch chứng khoán và là đòn bẩy căn bản cho việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2005. Tất nhiên, ai cũng hiểu, mọi hoạt động của thị trường vẫn thường đi trước và thường ngang ngạnh đối với nội dung của Nghị định.
Hai là, mặc dù “Thêm hàng, Thêm phiên”, nhưng hoạt động giao dịch toàn thị trường vẫn nhỏ giọt. Năm 2002 chỉ có xấp xỉ 1.070 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và trái phiếu được khớp lệnh, tăng 4% so với 2001. Quá thấp so với dự ước. Nhất là khi kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy mức tăng trưởng của giao dịch chứng khoán thường lớn hơn nhiều lần so với chỉ số tăng trưởng GDP.
Ba là, vào đầu tháng 10-2002, UBCKVN quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu CAN, gây ra một cú sốc lớn, chỉ vì “một số nhân viên của công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long đã làm hợp đồng khống xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và bỏ túi hàng tỷ đồng”. Hệ quả là CAN, từ một cổ phiếu có tính thanh khoản cao, đã bị rớt giá liên tục và lượng giao dịch nhỏ giọt. Hệ quả lớn hơn là các nhà đầu tư đều nhìn đâu cũng thấy cổ phần đồ hộp Hạ Long.
Bốn là, các công ty chứng khoán đã đua nhau mở chiến dịch thu hút khách hàng bằng cách giảm phí môi giới xuống dưới mức quy định. Cho rằng đây là một hình thức cạnh tranh xâu xé theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, tức thiếu tính XHCN chân chính, UBCKVN nhảy vào can thiệp bằng quyết định thu phí các công ty chứng khoán và ngay lập tức vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của các công ty và cả giới đầu tư vì hai lý do: a) không nên thu phí khi thị trường đang gặp khó khăn; b) thu phí môi giới cũng đồng nghĩa với việc móc túi nhà đầu tư. Có biết đâu rằng đó mới chính là “Việc Đảng”, thời hậu chiến.
Năm là, đáng ngại hàng đầu: các nhà đầu tư nước ngoài “chạy lũ”. Tổng số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hiện là 3,64 triệu đơn vị (cổ phiếu có tính thanh khoản cao hoặc tiềm năng như REE, GMD và AGF), chiếm 10% toàn thị trường. Tuy nhiên, có khác biệt so với năm 2001 là các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt bán ra cổ phiếu do sợ thua lỗ trước bối cảnh “thị trường đã xuống đáy” và VN-Index vẫn tiếp tục cật lực hãm phanh.
Cứ Tụt – Sẽ Ngoi
Trong năm 2002, trị giá trung bình các cổ phiếu của những công ty niêm yết đã tụt giảm khoảng 70%. Theo số liệu không chính thức, phóng viên VASC Orient cho biết có khoảng 80% các nhà đầu tư tham gia thị trường bị lỗ. Có người đã thua lỗ hàng tỷ đồng. Họ mua cổ phiếu khi giá đang ngót nghét 100.000 đồng/cổ phiếu, đến cuối năm bán ra chỉ bằng 1-5, khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. VN-Index tụt từ 570 điểm xuống mức 174,6 (khoảng 1-3) thể hiện mức độ biến động “rất dữ dội” của giá cổ phiếu. Điều rút tỉa tại chỗ là gì?
Một nhà đầu tư tại Sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét rằng: “trước đây khi thị trường tăng giá liên tục và lên cao thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có biện pháp kìm giá lại. Còn bây giờ khi thị trường xuống dốc không phanh thì không thấy nhà quản lý ‘ra tay’. Giá cổ phiếu sụt giảm liên tục thể hiện sự thiếu niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Tại sao những lúc cần thiết mà UBCKNN vẫn không thấy có động thái gì?”. Hỏi bằng thừa. Đã bảo đó không phải là “Việc Đảng”, rõ chưa nào?
Bạn vẫn còn thắc mắc về mặt kỹ thuật ư? Thì đây, hãy nghe thật rõ lời bình luận của ông Trần Cao Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, thuộc UBCKNN: “Khi thị trường lên giá thì các nhà đầu tư đua nhau mua, đẩy giá càng cao hơn, đến khi thị trường suy giảm, họ lại đua nhau bán ra. Như thế thì làm sao tránh được giá cả quá nóng hay quá lạnh”.
Đừng hỏi thêm rằng đâu là nguyên nhân đâu là hệ quả, hay sao lại lấy hậu quả bình luận cho nguyên nhân. Hãy nhớ, chính ông vụ Nguyên thừa nhận rằng, “trong quá trình điều hành thị trường, vừa quản lý, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, cơ quan quản lý không thể tránh được một số sai sót”. Đó mới chính thật là “Tính Đảng”, đậm màu XHCN, trong cả thời chiến lẫn thời bình.
Cứ sai. Cứ sửa. Cứ sai tiếp. Cứ sửa tiếp. Tính đảng phạng đời dân. 73 năm qua vẫn thế. Vẫn lún vào sai-sửa. Vẫn long trọng ăn mừng. Vẫn tưng bừng kỷ niệm.
Còn về cơ bản thì giữ y một nguyên tắc lựa khựa được coi là quy luật bất biến: “Về lâu dài, phát triển thị trường chứng khoán nằm trong chiến lược phát triển nền kinh tế của Đảng và Nhà nước, nên Nhà nước sẽ tìm tất cả các biện pháp hỗ trợ, phát triển thị trường”, ông vụ Nguyên lừng khừng khẳng định như thế. Ý chính nằm gọn trong 5 chữ “của đảng và nhà nước”, mọi thứ. Mong bạn thông cảm cho các loại mô hình sai-sửa của những biện pháp sắp/sẽ được tìm thấy. Và hãy tin tưởng chắc nịch rằng bất kỳ vật gì tụt xuống tận đáy tất sẽ ngoi lên. Nghe không khác một công án thiền, bạn nhẫy?
Đáy Nằm Đâu?
Tương lai của khu chợ cổ phiếu VN rõ ràng tươi sáng như thế. Nhiều người đều thấy ra màu hồng tương lai, với điều kiện triệt tiêu được màu đen hiện tại: Thị trường ảm đạm là do thiếu cầu! (Kết luận của hội nghị lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 23-10-2002). Tiến trình giải quyết chuyện “kích cầu” kể ra cũng không lấy gì gọi là phức tạp:
Ông Lý Xuân Hải, Giám đốc công ty chứng khoán Ngân hàng Á châu (ACBS) có vài đề nghị táo bạo: “Đã đến lúc nên cho phép (lại cho phép) đưa vào thực hiện những công cụ mới như cho vay chứng khoán, giao dịch trên số dư tài khoản (margin accounts), bán khống (short sale)… Dĩ nhiên, những công cụ mới bao giờ cũng chứa đựng những rủi ro, chưa phải là giải pháp tối ưu, nhưng ít ra bản thân chúng cũng tạo ra những hứng thú nhất định cho thị trường, bởi đó là công cụ để sinh lãi”.
Ông Trần Thiện Thể, Giám đốc công ty chứng khoán Đệ Nhất (FSC) nhất trí: “cần phải sử dụng những nghiệp vụ mới liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán (như thị trường tương lai, hợp đồng lựa chọn, giao dịch mua bán khống, giao dịch trên tài khoản số dư…). Mặt khác, cũng cần tạo ra các biện pháp ưu đãi cụ thể để thu hút đầu tư vào thị trường và nhanh chóng đưa ngành nghề kinh doanh chứng khoán vào danh mục ngành nghề được ưu đãi đầu tư”.
Ông Lê Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh công ty chứng khoán Agriseco, hiến kế:
Thứ nhất, củng cố lòng tin của người đầu tư, tức là cần phải hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra tính nhất quán trong các văn bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Mặt khác, chính phủ cũng phải có những cam kết để người đầu tư an tâm.
Thứ hai, cần kích cầu bằng việc tăng cung thông qua việc niêm yết những hàng hóa có chất lượng cao của những công ty lớn, làm ăn tốt, lợi nhuận cao.
Thứ ba, phải thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức và người nước ngoài. Họ có kiến thức về thị trường, hiểu luật chơi, vốn nhiều và sẵn lòng đầu tư dài hạn.
Thứ tư, các công ty chứng khoán nên tăng cường và nâng cao khả năng tư vấn, mở rộng tiện ích cho khách hàng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tự doanh để kích cầu.
Thứ năm, nâng cao công tác thông tin trên thị trường. Trong khi đó, phát ngôn của cơ quan quản lý hoặc của những người có chức trách cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra công chúng.
Thứ sáu là cần phải phổ cập kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho công chúng đầu tư (gồm cả các doanh nghiệp) và tăng cường công tác quảng bá về thị trường trên các phương tiện truyền thông đại chúng và qua các cuộc hội thảo, hội nghị….
Gộp chung lại thành một dự án có thể đặt tên là Sáu-Giải-Pháp-Một-Trăm-Năm chăng?
Riêng điểm thứ hai vừa nói, việc vận động các doanh nghiệp ra niêm yết với hy vọng rằng khi lượng hàng hóa tăng thì các tổ chức đầu tư, đặc biệt là của nước ngoài, tham gia đông đảo, thì chỉ là chuyện vặt, sau khi nhà nước thanh toán xong dăm bảy khoản trầy trật sau đây:
Một là, hành lang pháp lý chưa đủ thông thoáng, cản trở các tổ chức đầu tư lớn vào thị trường.
Hai là, các tổ chức đầu tư luôn có những chiến lược mà lượng vốn thường được phân chia vào nhiều giai đoạn khác nhau, rất hiếm khi họ đầu tư toàn bộ vốn liếng vào chỉ một thời điểm.
Ba là, lượng vốn của họ thường được đầu tư vào nhiều lĩnh vực cùng lúc: cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu phát hành lần đầu, trái phiếu, góp vốn liên doanh…
Bốn là, sự khống chế của luật pháp trên tỷ lệ vốn dành cho đầu tư chứng khoán của các tổ chức đầu tư trở thành vật cản (ví dụ doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm).
Năm là, các tổ chức đầu tư vẫn giữ xu hướng tiếp tục thăm dò thị trường, chờ xem mức độ can thiệp của chính phủ và các cơ quan chức năng tới thị trường chứng khoán (thô bạo) đến đâu.
Sáu là, tình trạng tất bật tham nhũng phổ biến trong nhiều doanh nghiệp vẫn còn là yếu tố chính trong nỗi lo ngại khi quyết định đầu tư (kiểu Cty đồ hộp Hạ Long).
Bảy là, hệ thống kế toán doanh nghiệp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế làm cho việc phân tích tài chính doanh nghiệp trở nên khó khăn và thiếu tin cậy.
Có phải đó là dăm bảy yếu tố cấu thành hệ quả là qua hai năm hoạt động, cổ phiếu niêm yết vẫn dừng lại ở con số 19. Trong lúc cả nước có khoảng 600-7000 xí nghiệp quốc doanh đã được cổ phần hóa, trong đó có khoảng 250 doanh nghiệp có số vốn trên 10 tỷ đồng, tức có đủ điều kiện để tham gia thị trường chứng khoán? Chẳng ai muốn hay dám trả lời. Người ta chỉ đinh ninh nhà nước đang làm hết sức mình. Người ta chỉ nghe/đọc tiếp những con số: “phiên giao dịch đầu năm 2003, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào cảnh đại ế ẩm với tổng giá trị khớp lệnh vẻn vẹn có 651 triệu đồng. Chỉ số VN-Index gần như đứng im, đạt 183,41 điểm… Duy nhất trong phiên chỉ có cổ phiếu REE giữ được phong độ ổn định bằng mức khớp lệnh trên 200 triệu đồng, còn lại 19 loại cổ phiếu hoặc đóng băng hoặc giao dịch chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng”. Vài triệu đồng thì chưa đủ trả tiền điện thoại hàng tháng cho một công nhân lao động xuất khẩu.
Bản tin ngày 09-01-2003 cho biết: “Có tới một nửa số loại cổ phiếu đang được giao dịch trên TTCK Việt Nam giảm giá, đưa VN-Index xuống còn 178,93, thấp nhất kể từ ngày 29-11-2002…. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường vẫn đạt thấp, chỉ 1,1 tỷ đồng”. Tức ngang giá một chiếc xe thể thao loại trung của Đức.
Thêm một bản tin khác: “Hôm nay, sau 12 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mở cửa trở lại với mức giảm 0,8% của chỉ số VN-Index… Tại thời điểm đóng cửa sàn giao dịch, VN-Index chỉ còn 170,94 điểm, thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Với tình hình cổ phiếu liên tục rớt giá như hiện nay, khả năng VN-Index xuống thấp hơn là khó tránh khỏi… AGF, phiên giao dịch thứ hai sau kết quả bất lợi của vụ kiện cá basa tại Mỹ, giảm giá thêm 1.300 đồng/cổ phiếu (mức giảm tối đa được phép)”. Bài báo có tựa đề: Mây đen lại bao phủ TTCK Việt Nam.
Thứ Ba, 18-02-2003, báo Đầu Tư đi bài: “Vn-Index cài số lùi”. Tới ngày 21-2-2003: “Có tới 11 cổ phiếu xuống dốc. Sự ngao ngán lộ rõ trên khuôn mặt các nhà đầu tư, khi vào giờ đóng cửa phiên giao dịch sáng nay (21-2), chỉ số VN-Index đã tiếp tục giảm xuống tới 3,68 điểm, đứng 163,31 điểm”. Kết luận của ký giả kinh tế B.Y.: Thị trường chứng khoán sụt giảm trong những ngày gần đây cho thấy liều thuốc kích cầu của UBCK những tháng đầu năm 2003 chưa phát tác và các nhà đầu tư đang tiếp tục quay lưng lại với thị trường.
Ba hôm sau, 24-02-2003, “tại tất cả các công ty chứng khoán, những con số thông báo tình hình giao dịch thị trường trên bảng điện tử nhảy loạn xạ. Các nhà đầu tư không nắm chính xác được thông tin về giá và khối lượng giao dịch của nhiều loại cổ phiếu nên không thể quyết định mua hoặc bán”. Tình hình được đúc kết là vì: Nhiễu thông tin trên các bảng điện tử giao dịch. Không một ai rõ nguyên nhân hay cách chữa.
Cho đến 25-02-2003, 4 cổ phiếu phiên tiếp tục không có giao dịch là TS4, SGH, LAF, HAS, BTC. “VN-Index hôm nay lại tụt 0,19 điểm, đạt 165,29 điểm”. Có nghĩa là công án thiền nói trên có điều trục trặc, ở chỗ không một ai biết đáy nằm đâu, nói gì tới chuyện ngoi lên. Hãy thử một công án khác: Với những nước tân tiến thì Ngoài trời còn trời; với VN ta thì: Dưới đáy còn đáy, chăng? Bài báo có tựa đề là “Thị trường vẫn còn nhiều mảng tối”.
Thước đo sinh lực kinh tế cả nước là thế. Tình hình toàn đảng CSVN cũng không khác. Chính trị bộ vẫn chờ giây chạm đáy. Trong lúc trên đầu vẫn mây đen bao phủ. Ngó mặt nhau vẫn còn nhiều mảng tối. Gây sự là vụ Năm Cam. Trả đũa là vụ Hang Dơi. Phản đòn là vụ Cầu Treo. Ngón hồi mã thương là vụ Trương Tấn Sang. Ai dám bảo vụ điện thoại Đông Nam của Nguyễn Gia Thiều là cú dứt điểm giữa bộ chính trị với nhau?
(Còn tiếp 1 kỳ)
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments