top of page

2003.04 – Chợ Đổi Mới (hồi kết)

  • LVMỹ-K24
  • Feb 25, 2022
  • 21 min read

Tại Việt Nam, thời đổi mới, tấm gương soi kinh tế vẫn thường xuyên được mô tả bằng những tựa bài bình luận lãng mạn về chợ cổ phiếu theo kiểu: “Giao dịch chứng khoán trầm lắng”.


Tình hình sắp khởi sắc sôi động là các chợ cá… độ, nhân mùa SEA Game 22 đang tới gần kề.


Còn, mức sôi động thường trực, cao độ và dài lâu, hoàn toàn ngược chiều với thị trường chứng khoán, tất nhiên vẫn thuộc thị trường chứng nhận. Nói chung là thuộc phạm trù hoạt động của hàng ngũ cán bộ đảng viên, từ chủ tịch xã lên tới chủ tịch nước, với đảng tính đặc trưng cò cưa lẫn cò kè, xuất hiện (từ lâu) rồi được phát huy tối đa từ Bộ cò cẩm kiêm cò mồi….

Năng Lực Sở Trường


Tại Hội nghị Toàn Ngành do Tổng cục Thống kê của nước CHXHCNVN tổ chức tại Hà Nội hồi đầu năm 2003, Phan Văn Khải đã ban huấn thị: “Người cán bộ thống kê là người viết sử bằng con số, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nêu cao phẩm chất trung thực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn”. Trong môi trường XHCN, điều răn đó có nghĩa là… Láo Vừa Thôi!


Hoặc, hiểu cách khác, trước nay bọn bây toàn láo cả. Láo từ cấp báo cáo tới cấp ghi nhận và nhận báo cáo, rồi (tùy ý và tùy tình hình) mà thay đổi số liệu (cho phù hợp) trước khi báo cáo tiếp lên cấp cao hơn. Không ai rõ cán bộ (và cả lãnh đạo) ngành thống kê VN đã được trang bị kiến thức và kỹ năng ra sao. Chỉ biết họ đứng/nằm đâu đó ở khoảng giữa của dòng chảy báo cáo đó, và không thể nào làm buồn lòng bộ chính trị (tức thiếu trung thành với sự nghiệp cách mạng của đảng), hay tự ghép mình vào tội làm xuống tinh thần đảng viên các cấp qua nguồn “sử liệu bằng số” như Khải ví von.


Cho nên, chẳng ai rõ (và cũng chẳng mấy ai cần rõ để làm gì) về tỷ lệ đảng viên cán bộ nhà nước trên tổng số dân, hay tỷ lệ đảng viên cán bộ lừng khừng lựa khựa thường được tế nhị gọi là “không hoàn thành nhiệm vụ”. Duy có 2 điều tạm gọi là chắc:

Thứ nhất, đó là một tỷ lệ lớn.

Thứ nhì, dài dòng hơn, như báo Phụ Nữ Thành Phố phân tích: “Một số cán bộ công chức tuy có nhiều bằng cấp, kiến thức học vấn, nhưng năng lực thực tiễn yếu; khả năng tư duy, tính chủ động, độc lập đề xuất công việc, năng lực tổ chức thực hiện, kỹ năng hành chính hạn chế. Ngoài ra, khá đông cán bộ không được bố trí đúng ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực sở trường… Thu nhập lương bình quân của cán bộ công chức rất thấp nên đời sống khó khăn; chưa có chính sách phụ cấp để giải quyết cho công chức đã hưởng hết bậc lương trong ngạch, nhưng không có đủ điều kiện để thi chuyển ngạch, nhất là số công chức có quá trình tham gia cách mạng”.


Hóa ra, “năng lực hạn chế” và “thu nhập rất thấp” chính là hai yếu tố hàng đầu kết cấu thành hệ thống mafia quyền lực, nhất là khi cả đảng khai thác quyền lục lọi vạn năng thoạt đầu của công an: “soát từng nhà, rà từng người”, cộng thêm một đảng tính khác (lẽ ra đã được ghi vào hiến pháp) theo cách mô tả của Lý Sinh Sự là “quyền được nhậu”. Dẫn chứng là vụ Mường Tè còn nóng hổi. Nguyên văn: “Rượu có nhiều nhược điểm, nhưng có một ưu điểm là nhân hậu, dễ tha thứ cho nhau, khi đã sưa sưa dăm chén. Rượu là chiếc cầu nối A-B mà không một văn bản luật pháp nào ngăn cản nổi”. Từ đó, “năng lực sở trường” của từng đảng viên trong cả đảng đã nhanh chóng tự điều chỉnh để biến thành một mẫu số chung tuyệt đại: cửa quyền và tham nhũng.

Vung Đao Tự Thiến?


Điểm khác biệt nhỏ nhoi còn lại nằm ở tử số giao tế, gộp chung lại tạo thành bức tranh thuần một màu hồng đa sắc của đảng là: gây án, chạy án, mua bán án… cực kỳ sôi động trong chợ án.


92% các công trình thuộc dự án 135 (Xóa Đói Giảm Nghèo) ở các xã trong tỉnh Thanh Hóa, theo kết quả phiên họp đầu năm của UBND tỉnh, đều bị thất thoát nhiều tỉ đồng, lý do là các đảng viên cán bộ trách nhiệm đã tự giảm nghèo cho chính mình trước tiên. Thật ra đây chỉ là chuyện nhỏ, bởi cả nước đều thế mà mọi cơ quan chức năng đều vui vẻ cả.


Trần Thị Thanh Huyền, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình Trẻ em ở ngay tại thủ đô, đã rút ruột quỹ tài trợ của cơ quan UNICEF cho trẻ em lang thang thuộc quyền quản trị của “Mái ấm Tình thương Bến xe Gia Lâm” (bình quân mỗi em 1,2 triệu đồng từ năm 1999), cũng chỉ là chuyện vặt. Chứng cớ là đương sự vẫn được đề nghị tặng thưởng huân chương lao động hạng nhất trước khi phải nôn tiền ra chạy án.


Ở Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Nguyễn Duy Dũng là đảng viên chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng của huyện, chiếm đoạt tiền thưởng của 103 đối tượng “có công với cách mạng”, trong đó có cả 3 “bà mẹ VN anh hùng”, lên tới 12.240.000 đồng. Đây chỉ là chuyện thường ngày ở (mọi) huyện, tức vẫn là chuyện vặt.


Thế những “vụ việc” phải tới đâu mới được gọi là “tầm cỡ” của chợ án? Báo Lao Động gần đây lược kiểm lại “một số vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm”, như sau:


1- Vụ Đường Sơn Quán, năm 1989: “Đây là điểm ăn chơi trụy lạc, nơi có khá nhiều quan chức nhà nước tìm đến, được các quan chức bảo kê, nên hoạt động rất công khai và quy mô”. Loạt điều tra trên báo Tuổi Trẻ lúc đó đã gây chấn động dư luận. “So với những hoạt động của nhiều tụ điểm mại dâm hiện nay thì vụ Đường Sơn Quán này không thấm tháp gì”, nhưng vào thời điểm đó, khi mà báo chí vừa mới bị xiết lại theo biến động Đông Âu, thì việc phát hiện vụ án có giá trị va chạm tới tình trạng quan chức cao cấp trụy lạc phổ biến.


2- Vụ nước hoa Thanh Hương, năm 1990: Nguyễn Văn Mười Hai dùng chiêu thức vay tín dụng trả lãi cao (thậm chí đến 12%/tháng, tức 144%/năm) để thu hút tiền gửi, lừa đảo hàng chục ngàn người ở Sài Gòn với tầm vóc và quy mô mạnh mẽ nhất, sau đảng.


3- Vụ Bỉnh Họt, năm 1991: “Tại Kiên Giang, bọn buôn lậu có tổ chức đã câu kết với nhiều cơ quan, nhiều cá nhân trong các cơ quan nhà nước và được một số cơ quan công quyền bảo kê. Thậm chí cả khi Bỉnh Họt đã bị bắt, người ta cũng chỉ định xét xử cho có, thậm chí còn định cho vụ án chìm xuồng”. Nhờ báo Thanh Niên đã có loạt bài điều tra dài kỳ, cuối cùng, đương sự phải ra tòa nhận tội cho toàn bộ đường dây hoạt động tiếp.


4- Vụ án cầu Chương Dương, năm 1993: Công an giao thông Nguyễn Tùng Dương đã dùng súng giết người, cướp của ngay tại cầu Chương Dương, Hà Nội. Báo chí, trong đó đi tiên phong là tờ Đại Đoàn Kết đã kích thích dư luận Hà Nội và cả nước quan tâm đến tình trạng lạm quyền phổ cập của đảng viên xuống tới cấp công an giao thông. Sau đó, Nguyễn Tùng Dương phải chịu án tử hình thay cho toàn Bộ công an.


5- Vụ Tamexco, năm 1995: “Đại gia” Phạm Huy Phước, Giám đốc Công ty Tamexco, “đã dùng các thủ đoạn kê khai khống giá trị đất lên hàng trăm tỷ đồng để thế chấp ngân hàng, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Có nhiều ngân hàng và quan chức ngân hàng đã dính vào vụ này”. Ở thời điểm đó, Phạm Huy Phước đang được coi là một tổng giám đốc giỏi, năng động, cho tới khi việc chia chác không đều hay không đủ rộng, khiến nội vụ đổ bể.


6- Vụ Epco – Minh Phụng, năm 1997: “Khoảng 4,5 ngàn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát bằng cách nhập ủy thác hàng, bán ngay lấy tiền đầu tư vào bất động sản. Cũng có khá nhiều quan chức trong ngành ngân hàng dính vào vụ này”. Tăng Minh Phụng cũng là một tổng giám đốc nổi tiếng và được coi như một thứ mẫu mực thành công trong buổi giao thời của nền kinh tế thị trường hoang dã. Cho đến khi Minh Phụng khánh tận, kéo theo phản ứng dây chuyền hàng loạt các đổ vỡ khác về tài chính của nhà nước. Hậu quả từ vụ án Epco – Minh Phụng đến nay vẫn được ghi nhận là vấn đề tồn đọng từ thế kỷ trước.


7- Vụ Thủy cung Thăng Long, năm 1999: “Có liên quan đến nhiều quan chức, trong đó có cả một Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và một Phó Thủ tướng. Vụ Thủy cung Thăng Long cảnh báo một điều: Việc quản lý đất lỏng lẻo, được sự ‘bật đèn xanh’ của các quan chức và các cơ quan nhà nước thì đất đai, nguồn tài sản rất giá trị của Nhà nước sẽ bị thất thoát”. Tờ báo duy nhất dám lên tiếng vào thời điểm đó là báo Đại Đoàn Kết vì vụ Thủy cung Thăng Long động chạm đến những “vùng nhạy cảm” là những quan chức cấp trung ương.


8- Vụ án Mai Văn Huy, năm 2000: Cho đến khi báo Công An lên tiếng, dư luận mới vỡ lẽ rằng “giám đốc một công ty được coi là làm ăn có uy tín nhất ở Đồng Tháp lại là một đại gia lừa đảo và là kẻ ném tiền nhà nước qua cửa sổ một cách đáng kinh ngạc nhất”. Điều mà mọi người ít biết tới là nhờ ai bảo kê mà Mai Văn Huy có uy tín đến mức đó và vì sao báo Công An phanh phui vụ này.


9- Vụ đường liên cảng A5, vụ cống hộp và hầm chui Văn Thánh ở Sài Gòn, năm 2001: Sau khi báo chí phát hiện và lên tiếng, nhân dân mới khẳng quyết được rằng: “Thất thoát trong xây dựng là thất thoát dễ dàng nhất”, nhờ sự tham gia nhiệt tình của “các cơ quan chức năng”.

10- Vụ Năm Cam, năm 2002: Mafia xã hội đen chỉ có thể hoạt động dưới trướng của mafia quyền lực cỡ Ủy viên chính trị bộ như Trương Tấn Sang, hay cấp trung ương như thiếu tướng Thứ trưởng bộ Công an Bùi Quốc Huy, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Phạm Sĩ Chiến, Tổng giám đốc đài Tiếng nói CSVN Trần Mai Hạnh,… Báo chí trong nước được răn dạy rằng chỉ có thể đưa ra trước công luận tới mức đó, “khi những nhân vật này có dấu hiệu ‘bảo kê’ cho băng nhóm tội phạm Năm Cam. Vụ án vẫn tiếp tục được mở rộng. Nhân dân hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ kiên quyết ‘bóc tách’ tất cả những ai đang dính vào tổ chức tội phạm này”.


Khi được báo chí phỏng vấn “Liệu hệ thống pháp luật của chúng ta có đủ mạnh, có đủ các quy định cần thiết để trấn áp loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này không?”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn đã trả lời gián tiếp rằng: “Đặc điểm của tội phạm có tổ chức là tìm đến cơ quan công quyền để được che chở. Trong những cơ quan công quyền này một số cá nhân có thẩm quyền khi đã nhận hối lộ sẽ trở thành cái ô bao che cho tội phạm hoạt động”. Cả trước, trong và sau khi hoàn tất tiến trình phạm tội.


Câu trả lời này cần được chuyển ngữ sang tiếng Việt bình dân cho dễ hiểu: Hệ thống làm luật và áp dụng luật của ta chính là bộ phận che chở cho loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm đó, thì hỏi làm gì chuyện “quy định cần thiết để trấn áp”! Ai trấn ai? Ông Phạm Hưng – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trả lời tách bạch hơn nhiều: “Nguyên nhân của vấn đề này là do người thực thi pháp luật và lỗi của người vận dụng pháp luật chứ không phải là các văn bản pháp luật”. Trên trùm chỉ có đảng. Trên đầu nậu cũng chỉ có đảng. Duy nhất!


Bài báo Lao Động liệt kê 10 vụ như thế có thể coi là tạm đủ cho một chợ án. Nhưng, liệt kê rành mạch từ những vụ việc xuyên thế kỷ như thế, với những đoạn rất đáng quan tâm về truyền thống cấu kết/bao che/bảo kê của đảng và nhà nước, xong rồi kết bằng niềm hy vọng của nhân dân vào sự “kiên quyết bóc tách” của đảng và nhà nước, thì có khác nào chửi cha đảng và nhà nước là đám ăn cháo đá bát? Hoặc, hiểu cách khác, trong bối cảnh độc đảng hiện tại của VN, có phải viết thế là đòi đảng chống đảng, tức một cách thách đảng “vung đao tự thiến” không nào?

Vội Vàng Lên Đi Nhé?


Vụ Năm Cam là chấn động sau cùng trước khi bài báo nói trên của tờ Lao Động lên khuôn. Những vụ tiếp theo còn kinh hoàng hơn nhiều bậc: Vụ đổ bể hàng loạt các đường dây buôn lậu “to nhất nước” ở Hang Dơi (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Trảng Bàng (Tây Ninh) v.v…. Mới hay: Ở cấp cao nhất đảng, ăn cháo-đá bát không phải là cùng một đứa. Ở đó, có đứa ăn cháo và có thằng đá bát (vì không được chia hay chỉ được chia quá ít cháo).


Hệ quả? Những con dê tế thần chỉ tới cấp thứ trưởng là hết mức: Thứ trưởng bộ Công an Bùi Quốc Huy trong vụ Năm Cam. Thứ trưởng thường trực bộ Nông nghiệp &PTNT (kiêm Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp) Nguyễn Quang Hà và Thứ trưởng bộ Nông nghiệp&PTNT Nguyễn Thiện Luân trong vụ Khách Sạn 120 Quan Thánh (Hà Nội), cấu kết với Lã Thị Kim Oanh để tham ô 61.604.581.838 đồng và 63.259 USD, lừa đảo chiếm đoạt 16.984.900.000 đồng, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại tài sản nhân dân trên 36 tỉ đồng và 43.000 USD. Thứ trưởng bộ Giáo dục-Đào tạo Trần Văn Nhung và nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục-Đào tạo kiêm Vụ trưởng vụ Quan hệ Quốc tế Vũ Ngọc Hải, cấu kết với gian thương Đài Loan trong vụ lừa đảo Đại học Châu Á.


Phần lớn các “biện pháp” đối với cấp trung ương phạm tội này là cảnh cáo. Do vậy, cũng không ngoa là bao khi có người bảo rằng các món hình sự lẫn dân sự ở chợ án VN giá rẻ như bèo. Hẳn đây phải là loại “biện pháp” khuyến khích, nên tội phạm nở rộ như nấm gặp mưa.

Ở sát biên giới vừa cắm mốc mới, cá nhân Ngô Thị Kim Chung, vốn dĩ chỉ buôn bán tiểu ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh, mà có thể móc nối với Hải Quan cửa khẩu này để gian lận và chia đều 20 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng VAT.


Ở Đà Nẵng, Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Chi nhánh Doanh nghiệp của bộ Thương Mại đã cấu kết với hai giám đốc công ty ở Sài Gòn là Trần Quốc Anh (Cty TNHH Đăng Khoa, quận 6) và Vũ Ngọc Trân (Cty TNHH Việt Phương, quận 10), để chia nhau và chia cho các cấp bao che 27 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT.


Ở Đồng Nai, 22 doanh nghiệp đồng loạt sử dụng 260 cuốn hóa đơn khống để gian lận chia chác nhau nhau 93 tỷ đồng. Điều đáng nói là: “Khi phát hiện có dấu hiệu phạm pháp như dùng hóa đơn khống để lừa đảo, cơ quan thuế địa phương chỉ có một cách duy nhất là đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết, còn giải quyết như thế nào không thuộc thẩm quyền của họ. Nhiều hồ sơ gửi tới cơ quan điều tra đã lâu, có những vụ đã trên dưới 2 năm, nhưng vẫn không thấy sự hồi âm”. Đồng Nai nào có xa gì Đồng Tháp? Xem ra chợ hóa đơn đâu kém nhộn nhịp chợ án là bao. Liệu là còn cơ quan điều tra nào đang huởn? Muốn hồi âm sớm sủa tức là lại đòi đảng gấp rút chống đảng nữa đây chăng?


Hẳn là cũng do vậy mà tầm ảnh hưởng lấn sân qua các loại chợ khác.

Lạc Đà Chui Lọt Lỗ Kim


Gần đây nhất là vụ đổ bể chợ trời điện thoại di động Đông Nam của trùm Thăng và trùm Thiều. Nhập chính thức 180.000 máy nhưng nhờ tài phù phép, có thể bán ra 360.000 máy điện thoại di động. Làm ăn trót lọt êm thắm suốt bao năm qua, đến nay tự nhiên …vỡ đê. Bài học đầu thế kỷ: So với vụ Epco thì vụ Đông Nam này chỉ là số lẻ. So với trên 20.000 khoản chi sai của 9.500 đơn vị hành chánh (130 tỷ đồng/năm 2002), thì vụ Đông Nam này cũng chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, đã lỡ phải sống (hay từ Pháp chọn về chung sống) trong một xã hội độc đảng như CHXHCNVN thì đừng bao giờ hó hé độc quyền kinh doanh bất kỳ một loại mặt hàng nào, huống gì điện thoại di động là loại hàng độc, vừa có tính xu thế thời đại, lại vừa có khả năng tạo ra lợi nhuận một vốn bốn lời. Lúc đảng chưa biết ra mối lợi thì …đành. Lúc đảng biết ra rồi thì đừng hòng cắn răng tranh lợi với kẻ nắm quyền. Chớ bao giờ quên rằng lãnh đạo đảng là những tay đại gia úp hụi có thẻ hành sự và có nghiệp vụ cao.


Báo Lao Động nêu bật câu hỏi: “Rõ ràng một số lượng rất lớn điện thoại di động của Đông Nam là nhập lậu. Vậy nhập bằng con đường nào? Ai đã tiếp tay? Chắc chắn các cơ quan ‘gác cửa’ – cụ thể là Hải quan TPHCM – không thể không biết việc này”. Chắc chắn là thế, bởi chỉ Tôn Ngộ Không mới đủ tài hóa thành lạc đà chui lọt lỗ kim: Chỉ trong 3 năm có thể trốn thuế lên tới 81 tỷ đồng và chuyển sang Hương Cảng khoảng 20 triệu USD.


Không chỉ công an hải quan. Không chỉ tiếp viên của hãng hàng không Kim Liên. Vẫn theo báo Lao Động:”…Có một nghịch lý là trong khi doanh thu của công ty liên tục tăng lên, thì thuế khai nộp lại liên tục giảm, thậm chí thuế VAT có lúc còn âm. Chắc chắn với nghiệp vụ của mình, cơ quan thuế TPHCM phải nhận thấy những dấu hiệu không bình thường này. Nhưng họ cũng đã hoàn toàn im lặng”. Rồi cũng chính Lao Động tự trả lời: “Cũng như trong nhiều vụ án khác mà chúng ta từng biết, sẽ không thể thực hiện trót lọt nếu thiếu sự tiếp tay của một số ‘con sâu, con mọt’ trong các cơ quan nhà nước có liên quan”. Hóa ra, những thằng dài mỏ phệ bụng ở mọi cấp trong đảng được báo chí âu yếm mắng yêu là “con sâu, con mọt”. Trên thực tế, ấu trùng của lũ ruồi nhặng phải gọi là dòi, mới đúng. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu dòi trong đảng CSVN hiện nay? Không ai trả lời nổi, bởi chính Ban Tổ Chức Trung Ương đảng cũng đang nhung nhúc trồi đạp trên đầu đồng loại của chúng.


Chính vì biết rõ điều đó, lần này, báo Lao Động không chờ, không mong, không hy vọng gì vào đảng khi Cty Đông Nam bị vỡ đê bao che/bảo kê: “Kiên quyết trừng trị những doanh nghiệp làm ăn gian dối, đồng thời chúng ta càng phải kiên quyết hơn trong việc trừng trị những kẻ tiếp tay cho sự gian dối đó.


Nếu không thì lại có kẻ rắp tâm biến lỗ kim thành con đường rộng thênh thang cho những đoàn lạc đà khác đi qua…”. “Chúng ta”, trong đoạn này, phải chăng bao hàm người viết và người đọc, không nhất thiết ở trong hay ngoài đảng, ở trong hay ngoài nước? “Chúng ta”, trong đoạn này, bao gồm mấy ngòi viết còn đủ thẳng để cổ võ cho Hội Nhân dân Ủng hộ Nhà nước Chống Tham Nhũng do quý ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương chủ xướng gần đây? “Chúng ta”, trong đoạn này, sẽ huy động được mấy ngàn chữ ký kháng thư, mấy ngàn nắm tay xuống đường đòi trả tự do cho những người dũng cảm dám chống tham nhũng ngay giữa vùng cát cứ tung hoành của tham nhũng?

Vòng Quay Của Rác


Nằm ngoài tầm ảnh hưởng của hệ thống đảng viên cán bộ nói trên, có lẽ phải kể tới chợ rác. Trước đây, thu gom và vận chuyển rác thải trên địa bàn Hà Nội là việc của Công ty Môi trường Đô thị. Ngày nay, công việc này được chia cho dân, mệnh danh là chủ trương “xã hội hóa công tác”. Giống như xã hội hóa giáo dục là tự lo học phí, hay xã hội hóa y tế là tự lo thuốc men… Trong giai đoạn “thí điểm”, tức là làm thử, tạm thời thành phố sẽ hỗ trợ ngân sách phần nào cho các đơn vị dân đi thu rác, nhưng tiến tới tương lai là sẽ quá độ qua giai đoạn các đơn vị sẽ tự “lấy thu bù chi”. Nghe có oai không nào? Trên thực tế, nó là gì?


Ngày xưa, Sóc Sơn là quê của Thánh Gióng, nổi tiếng về tài nhổ tre đánh giặc. Ngày nay, vùng này nổi tiếng về một làng đánh giày và một làng nhặt rác.


Ký giả Phạm Hồng Hoa đã viết một thiên phóng sự có tựa đề là “Đi ‘chợ’ rác Nam Sơn”, như sau: “Người ta gọi 60 lán bán đồng nát trong khu chôn lấp rác thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là ‘chợ’, bởi nơi này việc mua và bán rác cũng diễn ra hết sức tấp nập. Đội quân nhặt rác khoảng 900 người gom về bán cho chủ lán. Chủ lán lại bán cho đại lý và đại lý thì bán đến nhiều cơ sở tái chế”. Nếu không phải là chủ bãi thì chẳng phải bỏ vốn khoanh vùng cát cứ. Chỉ cần nín thở, bới, nhặt và bán các loại ny-lông, ve chai. Đương nhiên là các ma mới phải “biết điều” với đội quân ma cũ, lão làng ở đây: không lấn sân, không chơi trội. Cả xã Bắc Sơn đều bỏ nghề nông đi nhặt rác, vì gặp ngày hên có thể kiếm được 30 nghìn (2USD), tức gấp đôi 1 ngày công phụ hồ và gấp ba/bốn một ngày làm ruộng.


“Sau vài ngày ngụp lặn ở ‘chợ’ rác, chúng tôi mới vỡ lẽ rằng ‘mặt hàng’ này cũng có hành trình khá vòng vo. Rác từ thành phố được chở đến bãi chôn lấp, rồi mọi người nhặt nhạnh, phân loại và đem bán (ít nhất là qua 3 cai, 2 chủ)”. Chai lọ (nước đạm, nước cất…) sẽ được súc rửa xong quay vòng trở lại các bệnh viện. Các loại bao bì ny-lông sẽ được phân loại để nấu “tái sinh”, sau đó trở thành dép nhựa, bình nước… quay trở vào nhà người tiêu thụ. Có khi được xuất sang Quảng Tây rồi quay về lại VN dưới dạng vỏ hộp dĩa CD.


Nếu vòng quay của lãnh đạo cũng tốt đẹp như thế thì xuất khẩu lãnh đạo là một lộ đồ (roadmap) rất sáng. Tại sao không? Còn lông gà vịt thì dân Sóc Sơn sấy khô vô bao bán cho Trung Quốc theo giá rác, qua cửa khẩu mà ngày trước tướng Tàu từng chui ống đồng hồi hương, xong, mớ lông này quay về lại VN qua ngả Thác Ném, dưới dạng áo phao, chăn đệm, theo giá hàng ngoại.


Nói chung, cứ thỏng tay vào chợ và nghiệm hết vòng quay của rác, thì sẽ thấy ngay ít nhất 2 điều: Một là, phận rác tươi hơn người nhặt. Hai là, Định Hướng XHCN của nền Kinh Tế Thị Trường Nhiều Thành Phần của VN có nghĩa là người mình làm mọi cho thế giới ngay trên quê hương mình, không nhất thiết phải chờ đút tiền đi làm công nhân lao động xuất khẩu.

Công Trình Trọng Điểm Quốc Gia


Theo cùng một định hướng đó, ở cấp vĩ mô, người ta sẽ bước dần vào chợ đất. Đi sau thị trường chứng khoán một bước, nhưng nhất định là thị trường bất động sản của VN sẽ thành hình nay mai. Nói thành hình là nói theo tính hệ thông cần thiết. Trên thực tế, chợ đất VN đã nhộn nhịp từ thuở lái buôn ngoại quốc vào nước ta thành lập liên doanh. Theo đúng quy luật thổ phỉ, kể từ ngày đảng cướp chính quyền, lãnh thổ VN là của đảng. Lãnh thổ này rộng hơn sau “thống nhất”. Và chỉ bắt đầu có giá những nơi nào cắm được bảng hiệu tiếng nước ngoài. Hãy quên phứt lời Mác về phương tiện sản xuất. Thiếu đô thì xài đất. Đó là động lực thúc đẩy các quan chức VN nào có tí liên quan tới việc chủ quản kinh tế cho cơ quan, đều thi đua hùn vốn với người nước ngoài, bằng đất.


Phần còn lại tính cách khác. Mọi cách. Mọi cấp. Tại Quảng Trị, Trạm trưởng Hoàng Đức Vinh cùng nhân viên Trạm Cân Xe quốc lộ 9 bị ra tòa sơ thẩm về tội “bán quốc lộ 9” với số tiền thu trên 400 triệu đồng. Tại Sài Gòn, nguyên đại tá công an Nguyễn Thạch Bích, 56 tuổi, đã lừa bán lô đất 10.000m2 với giá 7,5 tỷ đồng cho bà Trần Thị Ngọc Dung. Đây là lô đất của em vợ ông Bích là Đỗ Xuân Nhị nhờ anh rể bán giúp, vì lý do đương sự đang là bị can trong một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khác.


Vẫn tại Sài Gòn, vụ xuất hiện 600 căn nhà trong khu vực có dự án ở khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 để lại hậu quả nặng nề đến nay chưa giải quyết xong, thì lại xuất hiện vụ 1.000 nền, 400 căn nhà mọc lên trong khu vực đã quy hoạch tại khu phố 2, xã Bình Hưng Hoà, huyện Bình Chánh. Trong bài phóng sự về điểm nòng này, ký giả Đặng Ngọc nêu ngay câu hỏi lớn trên tựa: Chính quyền có tiếp tay cho “đầu nậu”? Phần chính của thân bài là câu trả lời mà mọi đọc giả, từ lớn tới nhỏ, đều đoán trúng phóc.


Tại Thanh Hóa, Nguyễn Văn Khen, chủ tịch UBND xã Tế Lợi, huyện Nông Cống, đã tự ý bán hơn 24.600m2 đất, giá bình quân 49.000 đồng (khoảng 3USD)/m2. Trước đó, từ năm 1994-1995, chủ tịch Khen đã “mượn danh UBND xã bán đất dọc quốc lộ 45 và đường vào mỏ Secpentin cho 71 hộ dân. Nhưng trên thực địa có tới 112 hộ được cấp đất. Như vậy, ông Khen đã để ngoài sổ sách của xã tới 41 suất đất.”. Ông Khen bị đảng ủy huyện Nông Cống kỷ luật cảnh cáo.


Ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, Đinh Hạnh, phó chủ tịch UBND thành phố, trực tiếp dính líu vào vụ Thủy Cung Thăng Long là một điển hình cho phong trào thi đua bán đất. “Theo kết luận điều tra bổ sung lần hai của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an), Giám đốc Công ty Vạn Thiện, Lê Tân Cương, khai đã đưa hối lộ cho hơn 40 người từ cấp bộ, thành phố, đến quận, phường”. Trên cấp bộ một bậc là nguyên phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc, có liên hệ hữu cơ vào vụ việc sang đoạt đất đai trong dự án ma quỷ bằng một liên minh ma quỷ từ bộ xuống phường này.


Báo cáo số 362 ngày 11-2-1999 của UBND Hà Nội, do chủ tịch thành phố Hoàng Văn Nghiên ký, gửi bộ chính trị, thủ tướng, thừa nhận lỗi của lãnh đạo thành phố khi trình dự án lên chính phủ. Theo đó, “khi lập và trình dự án Thủy cung Thăng Long, đã có sơ suất nêu cả phần diện tích khu D (9.362 m2) vào dự án, là khu để xây dựng nhà nghỉ”. Bút lục 2229 của tòa án ghi rõ như vậy. Thế thì khu D có vai trò gì trong vụ bán đất này? Theo bút lục 2231, ông Đinh Hạnh giải trình: “Tôi đã đồng tình với các đồng chí lãnh đạo thành phố, điều chỉnh lại có khác vài chi tiết, trình Thủ tướng ký cho thuê đất”.


Nguyên ủy là: Lúc đó, UBND Hà Nội có chủ trương lấy khu D, phần đẹp nhất trong dự án, ra đấu thầu thu tiền. Theo ký giả Nghĩa Nhân: Việc này, Hội đồng tư vấn kiến trúc sư từng nhận định là sai trái. “Vì vậy, đã có dư luận là quan chức thành phố lợi dụng dự án để bán đất. Lê Tân Cương nghĩ rằng mình có thể thắng thầu, nên đã tham gia, để rồi bị khởi tố, bắt giam oan về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”. Lê Tân Cương, rốt cục, chỉ là con chốt thí mà Ngô Xuân Giá và Đinh Hạnh cấu kết nhau cho qua sông, có biết đâu rằng từ đó đến cửa Hỏa Lò không xa là bao.


Quay lại đoạn cuối bài của Nghĩa Nhân: Ai, thuộc ngành nào, ở cấp nào, là người nắm vững nhất những “quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” mà bài báo trên vừa đề cập? Ai, thuộc ngành nào, ở cấp nào, là người theo dõi và áp dụng những quy định đó trên cả nước? Ai, thuộc ngành nào, ở cấp nào, là người chịu trách nhiệm về “chương trình, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản đến năm 2005”?


Không ai rõ. Mọi người chỉ nắm chắc một điều: chủ tịch nước đã cấu kết với tổng bí thư đảng và toàn bộ chính trị đồng lòng dâng đất và biển cho Trung Quốc. Chi tiết? Xin vào các trang http://www.lmvntd.org hay http://www.lenduong.net để rộng đường tham khảo và tìm câu trả lời cho những câu hỏi vừa nêu. Xin đừng hỏi thêm về vai trò của chính phủ CHXHCNVN trong vụ này. Trong bức thư của Phan Văn Khải ký ngày 10-8-2002 gửi động viên lực lượng tham gia cắm mốc biên giới có một đoạn mà thông tấn xã Hà Nội nhấn mạnh như sau: “Vì mục tiêu có đường biên giới quốc gia rõ ràng, ổn định, bình yên cho hôm nay và muôn đời con cháu mai sau, Đảng, Chính phủ đã xác định phân giới, cắm mốc đường biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc là một công trình trọng điểm quốc gia và quyết tâm đầu tư đủ sức người, sức của để sớm hoàn thành thật tốt công trình này”.


Dân bán máu đổi cơm, hay làm nô lệ cho người ngoài ngay trước khi trở thành lao động xuất khẩu. Còn đảng bán đất xây lầu sắm xe và cho con du học là công trình trọng điểm quốc gia.


Bạn tưởng rằng chữ “buôn dân bán nước” là để cường điệu nói chuyện chơi à?


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page