2003.08 – Ba Ðại Diện, Made-in VN ! (hồi 1)
- LVMỹ-K24
- Feb 24, 2022
- 14 min read

Chỉ non hai tháng nữa, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) sẽ chính thức thông qua trong hội nghị Cancun, Mễ Tây Cơ, để quyết định về việc gia nhập của quốc gia đầu tiên trong 49 nuớc “kém phát triển nhất thế giới” là … Cam Bốt.
Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia mạt hạng đó, nhưng lãnh đạo CSVN đang bận họp bàn (ở cấp trung ương) về phương thức sao chép hệ tư tưởng “Ba Ðại Diện” cho mục tiêu “bảo vệ tổ quốc XHCN”, và sinh tử cấp bách hơn nữa là gầy dựng một sinh khí biểu diễn về tính “Ðoàn Kết”, ngay trong đảng…
Ðại Diện Sản Xuất
Một trong “Ba đại diện” mà Giang Trạch Dân lập ngôn trước đận thoái trào là Ðại Diện Sản Xuất. Hà Nội cố gắng sao y bản chánh để áp dụng vào bối cảnh Việt Nam. Rủi thay, máy photocopy ở Ba Ðình gặp quá nhiều trục trặc từ khi được “đưa vào sử dụng”.
Theo báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng thì hiện nay Việt Nam có khoảng 9 ngàn xí nghiệp đủ loại, 15 ngàn hợp tác xã, 29 ngàn tổ hợp tác, 2 triệu cửa hàng dịch vụ và 13 ngàn hộ trang trại. Vẫn theo Dũng, “con số này tính ra thì cũng chỉ bằng 1-20 so với các nước phát triển”. Theo báo cáo của Bộ Công Nghiệp CSVN : “đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp trong quý I (ba tháng đầu năm 2003) vừa qua có hiện tượng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ngay trong khu vực “đầu tàu” Sài Gòn, mức độ tụt giảm là 50%. Còn ở vùng Ðồng Bằng Cửu Long, từng được vinh danh là vùng trọng điểm số 1 về sản xuất và xuất khẩu lương thực, thủy hải sản cả nước thì số vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp tính “từ 1988 đến năm 2002 chỉ có 127 dự án với tổng số vốn chiếm khoảng 2,5 phần trăm so với tổng số vốn đầu tư cả nước”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Ðầu tư CSVN, các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Cà Mau không thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nào của nước ngoài trong vòng từ 9 năm tới 13 năm qua. Ở Cà Mau, hải cảng mới nhất (rộng 42.000 m2) được khánh thành từ tháng 3-2001, với kinh phí đầu tư xây dựng 27 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân Hàng Thế Giới, đã biến thành chợ ba khía bán lẻ trong thị trấn, vì không có tàu cá nào cặp bến.
Mary Shafer-Malicki, tân Tổng giám đốc của công ty dầu khí khổng lồ BP của Anh tại Việt Nam đã khẳng định là công ty sẽ không thực hiện bất kỳ dự án nào khác tại VN. Cty Zarubezneft của Nga đã chính thức rút ra khỏi hợp đồng thăm dò giếng dầu Ðại Hùng. Ðây là lần thứ nhì một công ty của Nga rút ra khỏi dự án năng lượng của CS Việt Nam trong vòng 7 tháng (Cty VietRuss của Nga rút về nước hồi tháng 12-2002).
Ðây cũng là lần thứ ba một đối tác nước ngoài rút ra khỏi giếng dầu Ðại Hùng, (Cty Petronas của Mã Lai tháo lui vào tháng 2 năm 1999, Cty Broken Hill của Úc đã cuốn gói từ năm 1997). Riêng trong dự án Dung Quất, các Cty Total (Pháp), Petronas (Mã Lai) và Cty Zarubezhneft của Nga cũng đã chính thức rút lui. Khiến cho Nguyễn Xuân Nhậm, tổng giám đốc, và Ðinh Văn Ngà phó tổng giám đốc Tổng Cty Dầu Khí quốc doanh của CSVN, bị tế thần vì “những sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong ngành dầu khí”.
Cty Telstra, một tập đoàn viễn thông hàng đầu của Úc, cũng đã quyết định rút khỏi Việt Nam, ngay sau khi hợp đồng liên doanh (trị giá 67 triệu USD) ký với Tổng Cty Viễn Thông VN hết hiệu lực. Telstra cũng buông bỏ luôn kế hoạch đầu tư 300 triệu USD xây dựng mạng điện thoại cố định tại Sài Gòn. Cty Oral-B Vietnam (chi nhánh hãng Gillette của Mỹ) có nhà máy chuyên sản xuất bàn chải đánh răng và các sản phẩm chăm sóc răng miệng tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 ở tỉnh Bình Dương, đã phải đóng cửa.
CSVN không thể thụt lùi lại hay kéo dài thêm lời đổ thừa rằng dịch SARS là nguyên nhân, cho dẫu kinh tế VN vẫn còn đang tiếp tục tình trạng “hụt hơi”. Lý cớ kế tiếp là chiến tranh Iraq ? Có thể VN phải chịu đựng một phần ảnh hưởng (thị trường Iraq của Việt Nam không lớn, chỉ chiếm khoảng 2,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu).
Dù vậy, hồi đầu năm 2003, theo chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hiệp Quốc, các hợp đồng Bá Ða / Hà Nội có trị giá tương đương khoảng 450 triệu USD, được ký kết theo tính cách “ngoại giao” giữa hai thể chế độc tài, chính yếu là về 4 mặt hàng gạo, dầu thực vật, sữa và bột giặt. Hợp đồng này bị gián đoạn một thời gian ngắn, khi liên quân Anh – Mỹ tiến chiếm Bá – Ða nhanh hơn những bài bình luận bênh vực Sadam Hussein trên dàn báo đảng của Hà Nội. Tới sau chiến tranh, Iraq trở thành một thị trường mở, bốn mặt hàng nói trên của VN phải cạnh tranh bình đẳng với các nước khác, và… phải chào thua.
Theo một bài phân tích của hãng thông tấn AFP, mức đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam có thể tụt giảm thêm từ 20% tới 30% trong năm nay, vì các nhà đầu tư Anh và Mỹ chỉ chú tâm vào việc tái thiết Iraq thời hậu chiến. Ða số các dự án đầu tư của Hoa Kỳ và Anh Quốc vào Việt Nam đều nằm trong lãnh vực dầu hỏa, hơi đốt và điện lực, đó là những lãnh vực mà hai nước này có rất nhiều xác suất sẽ dành sự quan tâm và nỗ lực trong công cuộc canh tân một nước Iraq tự do. Ngay trước mặt, báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng than phiền rằng CSVN đã bị mất trắng hợp đồng nửa tỷ Mỹ kim hàng xuất cảng sang Iraq và đang tìm kiếm thêm thị trường mới để bù đắp sự suy giảm này.
Ðể trực tiếp trả lời cho Dũng, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cho biết : “Chi phí đầu vào gia tăng đã tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ở một số thị trường lớn. Trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng may vào thị trường châu Âu và Nhật giảm hơn 20%”. Lượng tôm xuất cảng sang Âu Châu còn bị tụt giảm (và trả về) với tỷ lệ cao hơn nữa. Trong 4 tháng đầu năm, đối đầu với địch thủ khổng lồ là Trung Quốc, Hà Nội chỉ mới xuất cảng được trên 2.000 tấn thịt heo, sụt giảm tới 32% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong đó, Tổng Cty Chăn Nuôi cũng chỉ đạt khoảng 300 tấn, so với chỉ tiêu cả năm là 14.000 tấn.
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp Tác Kinh Tế Nhật Bản (JICA), ngành dệt may của CS Việt Nam hiện rất khó chen chân vào thị trường nước ngoài. Số lượng của mặt hàng này bị hạn chế đến mức chỉ bằng 5% của Trung Quốc và bằng khoảng từ 10 đến 20% của các nước ASEAN. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính yếu trước sau vẫn là “năng suất lao động của Việt Nam thấp, quản lý kém nên chi phí lao động và quản lý trong giá thành sản phẩm vọt lên cao”.
Công ty giấy Tân Mai (được coi là có trang thiết bị hiện đại nhất VN, chỉ đứng sau nhà máy giấy Bãi Bằng về công suất), từ đầu năm đến nay đã hai lần hạ giá và chịu lỗ nhưng vẫn không thể tiêu thụ được 12.000 tấn giấy tồn kho, trong lúc 85.000 tấn giấy đã được nhập cảng suốt 3 tháng đầu năm nay, có phẩm chất cao hơn và bán ra với giá rẻ hơn giấy nội địa. Nguyên nhân chính làm giá giấy nội cao hơn giấy nhập, theo ông Nguyễn Ðình Tuấn, Phó giám đốc Cty giấy Tân Mai, là do trình độ kỹ thuật và trang thiết bị của ngành giấy Việt Nam đi sau thế giới tới vài thập niên.
Ngành mía đường VN hiện có tổng cộng 44 nhà máy. Trong đó đã có 35 nhà máy (15 nhà máy thuộc 2 tổng công ty, 20 nhà máy do các tỉnh quản lý) bị lỗ liên tiếp suốt mấy năm nay (tiền lãi vay cho cả vốn đầu tư và vốn lưu động chiếm gần 50% giá thành sản phẩm). Hiện VN còn dư khoảng 250.000 tấn đường tồn kho, trong lúc dân chúng tiêu thụ đường nhập lậu với giá hạ hơn nhiều. Giải pháp tình thế trước mắt là tìm cách xuất cảng sang Nam Dương với giá rẻ mạt 207 USD/tấn, tức chịu lỗ khoảng 150.000 đồng/tấn so với giá nội địa.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu dùng cho ngành công nghiệp trong nước như thép, dệt-may, chất dẻo, phân bón đã tăng vọt 40%. Cước vận tải đường biển đã tăng tới 30%, chi phí vận tải đường bộ trong nước tăng từ 20 đến 30% so với hồi đầu năm. Ngay trong thương khối AFTA, kể từ đầu tháng 7-2003, việc cắt giảm sức bảo hộ và thuế quan cũng khiến “Những ngành lâu nay được bảo hộ bằng hàng rào thuế quan với mức thuế 40% như mía đường, điện tử, thép, giấy, chất dẻo… sẽ khó mà giữ được thị phần ở thị trường nội địa”. Tức là hàng hóa VN không có sức cạnh tranh với hàng nước ngoài ngay trên đất nhà.
Trong ngành công nghiệp lắp ráp xe gắn máy, hiện có hàng chục ngàn công nhân đang bị mất việc, hơn 300 doanh nghiệp dính líu tới ngành công nghiệp xe gắn máy đã phải đóng cửa, “hàng trăm triệu đô la đầu tư mua sắm máy móc, vật tư hiện đang phải đắp chiếu chờ”. Công ty Lisohaka, được coi là khá nhất trong công nghiệp lắp ráp xe gắn máy ở VN, cũng đã sa thải 1800 công nhân. Giám đốc Vũ Mạnh Hà còn cho biết : “khoảng 50.000 công nhân trong các doanh nghiệp vệ tinh của Lisohaka cũng mất việc do Công ty thu hẹp sản xuất… do chính sách điều hành sản xuất và thuế má thiếu thống nhất, không bình đẳng”.
Ðó là chưa nói tới tình trạng thuế khóa bất cập của VN. Ðặc biệt là cách tận thu song hành của cùng lúc hai loại thuế Tiêu Thụ Ðặc Biệt (TTÐB) và thuế Trị Giá Gia Tăng (VAT). Chẳng hạn như thuế đánh vào bia chai cao hơn bia lon, còn nặng nhất là bia hơi, mà không một ai hiểu tại sao. Báo Ðầu Tư định nghĩa rằng đây là cách đánh “thuế chồng lên thuế”. Ban điều hành Cty Honda VN đặt tên cho đó là “thuế trùng”.
Theo J. Barry Ashton, Giám đốc Tài chính của Cty Ford VN, nếu phải nộp cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trị giá gia tăng qua sự tròng chéo trên đây thì giá bán lẻ xe hơi của hãng sẽ tăng từ 80 đến 170% so với hiện nay, lúc đó nó sẽ kéo theo số lượng xe bán ra giảm đi từ 75-90%. Thêm vào nạn thuế “một cổ hai tròng” này là 12 loại phí quá cao như phí lưu kho sân bay (1.200 đồng/kg), phí soi hàng, phí an ninh (230 đồng/kg), phí lao vụ (0,06 USD/kg), phụ phí xăng dầu (30 USD/container 20 feet), phí nâng hạ (300.000-360.000 đồng/container 20 feet), phí đường bộ (80.000 đồng-1 lượt-1 trạm đối với xe tải từ 18 tấn trở lên)…
Bản thương ước Mỹ-Việt được thực hành theo cam kết song phương là 3 năm rà soát lại toàn bộ một lần. Trong 18 tháng đầu thực hiện, tình hình giao thương giữa hai nước trở nên khá tồi tệ, ngoài áp suất cạnh tranh không khoan nhượng của các nước khác, quan trọng nhất là Trung Quốc, mà Việt Nam phải đối phó trong thế non yếu. Hai sự kiện tranh chấp quan trọng và bất lợi cho Việt Nam vừa qua là vụ cá ba sa bị kiện phá giá ở Mỹ. Thứ nhì là vụ quota “vải sợi may mặc” của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ bị hạn chế. (Kế tiếp trong những ngày sắp tới là đến vụ tôm nuôi).
Trong vụ cá ba sa, giới tài phiệt khai thác ngư sản của Mỹ đã chứng minh CSVN không tôn trọng quy tắc thị trường, yêu cầu Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cắt đứt số tiền tài trợ ngư nghiệp cho VN và hạn chế quota nhập cảng giữa hai nước, đồng thời hủy bỏ đặc ân tối huệ quốc về mặt thuế khóa cho các mặt hàng thủy sản VN.
Trong vụ vải sợi may mặc, Viện nghiên cứu American Textile Manufactures Institute của Mỹ đã trưng bằng cớ tố cáo ngành dệt may của VN không tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường. Khiến Bộ Thương Mại Hoa Kỳ phải biệt phái nhân viên thuế quan qua Việt Nam “điều tra và trừng phạt” những xí nghiệp dệt và may mặc đang âm mưu qua mặt nhà cầm quyền, hay cấu kết với nhà cầm quyền CSVN để được xuất khẩu sang Mỹ. Nếu xí nghiệp nào từ chối cuộc điều tra này, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ can thiệp với Hà Nội để thu hồi giấy phép xuất cảng sang Mỹ. Bằng không, Mỹ sẽ đơn phương cấm nhập các mặt hàng của xí nghiệp đó. Hệ quả là nhiều đại Cty của nước ngoài như JC Penny, Gap, Nike… đang tìm nước khác để ký hợp đồng hoặc để dời cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam.
Ðỗ Thắng Hải, Phó cục trưởng Cục Xúc Tiến Thương Mại CSVN, đã thừa nhận rằng “Mỹ luôn là thị trường tiềm năng và thực tế đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn hàng hóa Việt Nam vào đây đều phải qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các đối tác nước ngoài, do chưa có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa đủ mạnh”.
Bên cạnh đó còn là những yêu cầu nghiêm ngặt của Mỹ liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong suốt nửa thập niên vận động và đàm phán trước khi ký kết thương ước, CSVN đã ra sức thổi phồng áp lực của doanh nhân Mỹ để đạt mục đích, thì nay, lại gánh chịu ngay chính những áp lực của giới tài phiệt Hoa Kỳ. Trong cả hai thời kỳ, điều này vẫn thường xuyên gây ra khá nhiều bất đồng ý kiến trong giới lãnh đạo trung ương ở Hà Nội và mức độ đấu đá có vẻ càng ngày càng gay gắt giữa hai cánh thân Tàu hay theo Mỹ.
Mặt khác, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước CSVN phải hoãn ngày khai trương Trung Tâm Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội đến lần thứ tư, vì các hoạt động của Trung Tâm Chứng Khoán Sài Gòn vẫn đang gặp nhiều khó khăn chưa thể vượt qua. Sau 3 năm hoạt động, Thị Trường Chứng Khoán của VN được đúc kết chính thức là chỉ có 21 công ty của các doanh nghiệp nhà nước trên một đất nước 80 triệu dân, với một loạt nan đề : Từ quản lý, tổ chức niêm yết, công ty môi giới chứng khoán… cho đến môi trường pháp lý.
Trong bài phỏng vấn trên báo Lao Ðộng, Phó chủ tịch TTCK Vũ Bằng đã phải thú nhận rằng “TTCK có quá nhiều vết thương, nhiều ‘mụn nhọt’ ! Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước đã làm hết sức mình, đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để can thiệp, nhưng thị trường hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào tâm lý của các nhà đầu tư… Càng làm, càng thấy khó” : Hàng hóa cho TTCK vẫn là một ẩn số.
Ðộng lực thúc đẩy các công ty tham gia niêm yết đã giảm hẳn sau khi những đường dây bảo kê bị đổ bể liên tục vì nhà nước tranh ăn. Tâm lý chung của quần chúng là làm ăn cò con kiểu gia đình chắc hơn là “đánh bạc cao cấp” trên thị trường chứng khoán mờ ảo mà chưa một ai quen, kể cả giới điều hành nó. Còn tâm lý chung của doanh nhân VN hiện nay là “trùm chăn” làm ăn dễ hơn lên “sân khấu” để bị xâu xé tan nát giữa những bộ phận chính quyền và công an. Vũ Bằng kết luận : “kế hoạch và thực tiễn vẫn là một khoảng cách xa”.
Ở cấp vĩ mô, số liệu sơ khởi của Tổng cục Thống kê Hà Nội cho biết mức thâm hụt mậu dịch của CS Việt Nam đã lên tới con số 2 tỷ 110 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, vì số hàng nhập cảng tăng vọt. Về mặt tài chính, theo Lê Ðức Thúy, Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Trung Ương CSVN, có 4.000 tỉ đồng (khoảng 260 triệu USD) mà các xí nghiệp quốc doanh được vay “theo chỉ định của chính phủ” nhưng “hiện không có khả năng thu hồi”. Cũng theo Thúy, khi trả lời chất vấn ở quốc hội CSVN trong ngày 14-5-2003, Hà Nội sẽ cho phát hành giấy bạc loại mới được in ấn tối tân hơn, “để đối phó với lượng tiền giả hiện lưu hành trong nước rất lớn”.
Mặt khác, trong năm qua, các Bộ, Ngành đã vi phạm quản lý kinh tế với số tiền lên tới 2.739 tỉ đồng, 12.512 mẫu đất và 171.500 USD, phần lớn là do cán bộ “mua sắm ôtô vượt tiêu chuẩn, chi phí điện thoại vào việc riêng, dùng điện thoại cho các việc ngoài cộng vụ, chi tiêu đi đây đi đó không dính dáng gì đến công việc nhà nước”. Theo báo Người Lao Ðộng ngày 24-3 cho biết, qua việc kiểm tra 17 dự án có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng thì tổng sai phạm về tài chính đã lên tới trên 870 tỷ đồng, tức chiếm 13,6% vốn đầu tư, “nếu thực hiện thanh tra đủ hết mọi dự án thì số tiền bị thất thoát này sẽ là một con số khổng lồ khiến các cơ quan và quốc gia cấp viện trợ phải chóng mặt”.
Theo một cố vấn kinh tế (dấu tên) ở Hà Nội : riêng trong vụ đấu thầu xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, số tiền mà các hãng dầu ngoại quốc hối lộ cho cán bộ cao cấp trong guồng máy đảng CSVN đã lên tới 20 triệu USD, không chỉ được chia chác giữa Phạm Quang Dự hay Nguyễn Xuân Nhậm và Ðinh Văn Ngà, mà còn ăn lan ra tới cấp tỉnh ủy, lên tới cấp bộ trưởng công kỹ nghệ, thủ tướng, chủ tịch nước, tổng bí thư…
Ngày 26-6-2003, tức ngay hôm sau ngày Nông Ðức Mạnh hô hào quyết liệt “đánh tham nhũng”, Phan Văn Khải đã thú nhận trong hội nghị quan chức toàn ngành Tài Chính của CSVN rằng : “tình trạng thất thoát ngân sách còn rất lớn, không có gì thay đổi so với các năm trước”. Khải dẫn chứng “Có nơi kiểm tra thấy mức chi tăng tới gấp 5-7 lần mức tiêu chuẩn cho hành chánh. Hội họp nào cũng phải có phong bì…”.
Trong dịp này, Khải báo động công khai rằng dàn cán bộ điều hành các xí nghiệp quốc doanh đã “thiết lập sổ sách chi thu gian dối, một mặt rút rỉa tiền của nhà nước đầu tư, mặt khác, đội giá sản phẩm lên cao, khiến cạnh tranh không nổi với các hàng hóa tương tự của các nước khác”. Trong lúc tình hình hàng lậu TQ và Thái Lan tràn vào VN (cả đường bộ lẫn đường biển và đường hàng không) vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.
Theo Nguyễn Bửu Quyền, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư CSVN thì, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế phát triển cho năm 2003, nhưng đã nắm chắc rằng “phấn đấu đạt đượcmụctiêu tăng trưởng 7 – 7,5% là việc rất khó khăn”.
Trong phiên họp ngày 6-5-2003 của Quốc hội CSVN về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm qua, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận xét rằng : “báo cáo của Chính phủ ngay trang đầu có một dòng nêu rõ tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ vẫn còn nặng nề, nhưng 20 trang sau đó không đề cập lại vấn đề này”.
Trên cùng một tinh thần nói thẳng nói thật đó, Giáo sư Phan Ðình Diệu đã mô tả toàn bộ tình hình sản xuất ở VN trên Tạp chí Tia Sáng, như sau : “Khá phổ biến vẫn là các cơ quan nhà nước và một số đông công chức có chút quyền thì sống bằng cách bán quyền lực ! Các doanh nghiệp quốc doanh sống bằng bao cấp và độc quyền ! Còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì do nhiều luật lệ (do đảng và chính phủ) hạn chế nên không lớn lên được, phải hối lộ để tồn tại và kiếm lãi bằng móc ngoặc, chụp giật !”.
Chỉ riêng một lãnh vực đứng vững trong nền kinh tế VN cần được ghi nhận là… giá đất ! Trong chuyến xuất ngoại khấu tấu ở Bắc Kinh của Nông Ðức Mạnh hồi đầu tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã cam kết xóa bỏ các khoản nợ trước đây (vào khoảng 420 triệu nhân dân tệ) cho Hà Nội và xây tặng cho CSVN một Nhà hữu nghị Trung-Việt. Ðể bù lại hàng ngàn cây số vuông đất dọc biên và hàng chục ngàn cây số vuông lãnh hải VN mà Hà Nội đã dâng hiến cho quan thầy.
Ðó là toàn bộ bối cảnh và tư tưởng Ðại Diện Sản Xuất của CSVN.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
(Còn tiếp kỳ sau)
Коментарі