top of page

2003.09 – Ba Ðại Diện, Made-in VN ! (hồi 2)

  • LVMỹ-K24
  • Feb 24, 2022
  • 19 min read

Địa danh Sóc Sơn có hai mẩu tin thời sự khiến nhiều người suy nghĩ. Thứ nhất là khu vực Sóc Sơn đang chuẩn bị xây tượng kỷ niệm Thánh Gióng. Thứ nhì, thịt chó và mèo chết ở các bãi rác (rộng 83 mẫu) thuộc huyện Sóc Sơn đã được các nhà hàng ở Hà Nội thu gom và chế biến thành các món nhậu cho thực khách. Bình thường ra, đó là mối quan tâm của giới y tế vệ sinh đại chúng và của người tiêu thụ. Ðối với một số người khác, cả hai bản tin đều có tính cách văn hóa. Thánh Gióng phá giặc Ân là một niềm tự hào lịch sử. Còn so với việc biến chế thịt chó chết thành món nhậu thì, từ lâu, dàn lãnh đạo Hà Nội đã từng thường xuyên và liên tục xào nấu món Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, khác gì đâu ? Có chăng, mới nhất trên tờ thực đơn của CSVN là món Ba Ðại Diện…

Ðại Diện Văn Hóa


Theo bộ Từ Ðiển Tiếng Việt, của Trung Tâm Từ Ðiển Học VN phát hành năm 1998, văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Dựa trên định nghĩa đó, hãy đọc qua các bản tin mới đây trong nước để cùng xem thử nền văn hóa XHCN Việt Nam có những đặc tính nào.


Tại Kiên Giang, một chiếc tàu du lịch chở đầy du khách trên đường ra thăm Hòn Ông – Hòn Bà, đã bị lật chìm vào trưa ngày 10-8. Sở Thương mại – Du lịch Kiên Giang ghi nhận là có 4 nạn nhân bị chết và 11 nạn nhân bị mất tích, đồng thời cho biết lý do là vì toàn bộ thuyền trưởng của đoàn tàu du lịch tại đây đều không có bằng lái tàu. Riêng thuyền trưởng Châu Thanh Hà (gây ra tai nạn đắm tàu nói trên) chỉ mới học hết lớp 2. Ở cấp vĩ mô, không khác : Các thuyền trưởng vô học và phi nhân của con tàu CSVN cũng từng nhận chìm 80 triệu dân Việt xuống tận đáy đói nghèo lạc hậu, từ nửa thế kỷ qua.


Lý lịch của Viện Phó Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Phạm Sĩ Chiến, trích nguyên văn bút lục điều tra chuyên án (phần 61) của tòa án xét xử vụ Năm Cam, như sau : “Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1947. Từ năm 1965 đến 1970, công tác tại mỏ than Vàng Danh. Từ năm 1971 đến 1972 học bổ túc nông lâm. Từ năm 1973 đến 1995 công tác tại VKSND Quảng Ninh (năm 1988 được bổ nhiệm làm Viện trưởng VKSND Quảng Ninh đến năm 1995). Từ tháng 4-1995 đến tháng 9-2002 là Phó viện trưởng VKSND Tối cao”.


Nhiệm vụ của Viện Kiểm Sát Nhân Dân là kết án nhân dân. Trình độ văn hóa của lãnh đạo Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao là 1 năm học “bổ túc nông lâm”. Từ ruộng vô rừng là “Ðường Kách Mệnh”. Từ rừng ra phố là …đường lãnh đạo ! ? ? Ðâu phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ họ Trịnh có dòng nhạc “Ðàn bò vào thành phố, đêm buồn thấy buồn hơn…” ? Phạm Sĩ Chiến chỉ là một hình ảnh tiêu biểu của “trí tuệ” Ba Ðình. Một năm học bổ túc là trình độ văn hóa phổ cập của dàn lãnh đạo đảng CSVN đang mon men sao chép chủ thuyết Ðại Diện Văn Hóa của Giang Trạch Dân.

Lười


Tính đến tháng 4-2000, CSVN thống kê tổng số đảng viên được điều sang làm cán bộ công chức là 1.385.542 người. Trong đó, số “cán bộ dôi dư” là 300.000 người. Dôi dư có nghĩa là không cần thiết vì thiếu việc hay không làm được việc. Ở một nước “đang phát triển ở trình độ thấp” như VN thì không thể thiếu việc. Như vậy chỉ có nghĩa là 30 vạn cán bộ đó làm không được việc. Nếu tính theo tiêu chuẩn năng lực (qua trình độ văn hóa nói trên) thì con số dôi dư vừa kể phải trên một triệu. Nhìn chung, tất cả đều thống nhất với nhau ở đặc tính lười. Ðó là đảng tính, nói văn hoa là nền văn hóa đặc thù của đảng. Dạo đó, Tô Tử Hạ, ở cương vị Phó Ban Tổ Chức Chính Phủ, đã quảng cáo “đề án tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chánh nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và trong các doanh nghiệp nhà nước” với “11 giải pháp thực hiện” qua “bảy biện pháp”.


Kế hoạch này dự trù là Hà Nội sẽ chi ra 300 triệu USD cộng với 400 triệu USD vay của các định chế tài chính quốc tế để thực hiện trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm loan báo và thi hành, Ðỗ Quang Trung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ CSVN cho hay mới chỉ “tinh giản được 20.000” nhưng trong đó có 8.000 người “được chuyển” và 12.000 “giảm biên chế” tức nghỉ việc vì lý do phục viên ! Phan Văn Khải, nhân buổi lễ kỷ niệm 57 năm thành lập Bộ Nội Vụ CSVN, đã tuyên bố : “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng công cuộc cải cách hành chính không chỉ chậm trễ mà còn thiếu nhất quán, kém kiên quyết… Tình trạng bộ máy chính quyền cồng kềnh, thiếu trong sạch, tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí tiếp diễn nghiêm trọng…”. Nghĩa là lười cả trong việc trị bệnh lười. Chỉ siêng được mỗi việc chia chác nhau 700 triệu USD kinh phí tinh giản biên chế nói trên.

Liều


Giải pháp kế tiếp ? Vay thêm tiền để “đến hết năm 2005, 100% công chức hành chính thuộc các ngạch chuyên viên sẽ phải đạt tiêu chuẩn ngạch về kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị. 70% cán bộ chuyên trách ở cơ sở cũng sẽ phải có kiến thức căn bản về kỹ năng hành chính, quản lý nhà nước trên các địa bàn xã, phường, thị trấn”. Ðó là mục tiêu của chương trình xây dựng đội ngũ công chức trong giai đoạn 2003-2005 vừa được Phan Văn Khải phê duyệt. Chi tiết hơn, Khải hoạch định rằng : “đến năm 2005, tất cả công chức phải biết sử dụng computer và biết ít nhất một ngoại ngữ… biết đề cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác”.


Ðây không phải là lần đầu tiên dàn lãnh đạo Hà Nội phác họa ra các chính sách trăm voi không đầy bát sáo bằng những lời tuyên bố liều mạng như vậy. Từ năm 1976, Lê Duẩn đã từng tuyên bố rằng chỉ trong vòng 10 năm, mỗi hộ ở VN sẽ có đầy đủ ti-vi, xe máy, tủ lạnh ! Qua 2 Kế Hoạch Ngũ Niên, đến kỳ hạn 1985, VN đã phải kêu gọi thế giới cứu đói, trong lúc đảng viên cán bộ đều có đầy đủ “đổng, đạp, đài” ! Cho tới lúc nhân loại hân hoan sánh bước sang thiên niên kỷ mới, người dân Việt Nam vẫn có lợi tức trung bình ở mức chưa đầy 1USD một ngày. Mới biết, đã từ lâu, liều là một đặc tính khác của nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Lận


Ðể “phấn đấu rèn luyện” nâng cao năng lực, đảng viên cán bộ CSVN làm gì ? Thống kê Trung ương của CSVN đã nêu lên rất nhiều con số về nạn sử dụng bằng cấp giả “phát hiện được” trong hàng ngũ cán bộ công chức của đảng. Ðó chỉ là chóp nổi của tảng băng sơn bằng cấp giả. Không chỉ trong nước. Không chỉ mới đây. Mà là từ trước cả thời Nông Ðức Mạnh và lũ bạn đồng liêu của hắn sang du học ở Liên Xô và các nước Ðông Âu. Ðó là thời sống vững sống mạnh của những du sinh chuyên nghề thi thuê, dựa vào giới giám khảo ưa “phe phẩy”, ở nước người. Ðó cũng là thời mà thành ngữ trong giới du sinh cho rằng “Cứ dắt một con bò VN sang đây là có thể dắt về một Phó Tiến Sĩ !”. Con bò không về một mình, nó còn tải về nước cả cái hệ thống phong bì “mẫu mực” đó để biến thành bộ giáo dục-đào tạo CSVN.


Chưa nói tới thành phần cán bộ được thăng chức nhờ vào các học vị “bổ túc”, “chuyên tu” và “tại chức”, hiện nay, VN đang dẫn đầu thế giới về thị trường “bán đề thi”, “chợ phao”, “thi kèm”, “thi thuê”… ngay từ cấp tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào đại học. Hiệu trưởng, hiệu phó và giám đốc đào tạo của viện đại học dân lập Ðông Ðô ở Hà Nội, tất cả đều có bằng Tiến sĩ, vừa bị truy tố là đã thêm điểm cho hơn 400 sinh viên thi tuyển vào đại học. Cũng ở Hà Nội, 50 giáo sư tại các viện đại học công lập ký hợp đồng để chấm thi đã sửa điểm cho hơn 1.000 sinh viên. Ðây chỉ là một loại hàng rong trong nền kỹ nghệ thi gian ở VN. Nhưng, toàn bộ công nghiệp thi cử này chính là một biểu hiện rõ nét đặc tính lận của nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Láo


Hồi đầu tháng 6 vừa qua, một phái đoàn Liên Âu gồm các nhà ngoại giao của Ý, Hòa Lan, và Ủy hội Âu Châu, đã đến tỉnh Ðắc Lắc để thực hiện một chuyến viếng thăm 3 ngày. Một nhà ngoại giao Âu Châu trong phái đoàn này nói với hãng thông tấn Pháp rằng ông cảm thấy hoài nghi về giá trị của những chuyến viếng thăm đó : Phái đoàn đã đến vùng Tây Nguyên 3 lần, và họ không biết là có nên để cho những chuyến đi của họ bị dàn cảnh và bị lợi dụng như vậy nữa hay không ?


Theo lời nhà ngoại giao vừa kể, phái đoàn của Liên Hiệp Âu Châu đặc biệt bực bội vì một bài báo đăng trên tờ Le Courrier du Vietnam của chính phủ CSVN hôm thứ Hai 9-6, trong đó viết rằng : “Phái đoàn đã chúc mừng giới hữu trách Việt Nam về tình hình ổn định và sự cải thiện trong mức sinh hoạt của dân chúng ở tỉnh Ðắc Lắc”. Nhà ngoại giao này nói rằng họ không hề chúc mừng nhà cầm quyền CSVN, và bài tường thuật vừa kể đã cố ý trình bày sai lạc lập trường của phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu. Chuyển ngữ từ lời lẽ ngoại giao sang tiếng Việt bình dân, đó là sự láo khoét.


Hầu hết các bài tường thuật trên dàn báo đảng về các cuộc tiếp xúc với các phái đoàn ngoại quốc đều không thể thiếu những lời “chúc mừng” kiểu đó. Ngược lại, những bài báo mạ lỵ các ông Hà Sĩ Phu, Trần Ðộ, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn… gần đây, thì không thể thiếu hằng hà sa số chi tiết bịa đặt. Tất cả đều do truyền thống láo khoét, vu khống cố hữu nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo của đảng đã trở thành tính đảng. Tính láo khoét này còn “đậm đà màu sắc” đảng hơn nữa trong bức thư mới nhất mà CSVN dàn dựng và rêu rao là của Linh mục Nguyễn Văn Lý.


Ở các nước tự do thỉnh thoảng vẫn có những cuộc thi nói láo nhằm mục tiêu giải trí. Không một ai thấy cần tổ chức những buổi thi như thế ở VN, bởi, nói láo là một phong thái sống nghiêm túc ở đây, và không một ai dám dự thí ngang hàng với tổng bí thư đảng, ở đây. Nobel văn chương 1958 Boris Pasternak đã từng bảo : “Muốn chìu cộng sản không khó. Chỉ cần nói yêu cái mình ghét và nói ghét điều mình yêu”. Thực tiễn cho thấy, muốn thành cộng sản lại càng phải nói “gấp triệu lần hơn” như thế, cho tới lúc tưởng đó là thật. Rõ ràng, láo là tính chất chủ yếu hàng đầu trong nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Lấp


Mặt khác, chính sách loan tin chọn lọc của Hà Nội, được Nguyễn Khoa Ðiềm thi vị hóa thành chính sách “thông tin liều lượng” trong hội nghị báo chí toàn quốc ngày 18-6-3003, cũng là một dạng khác của tính láo khoét và khỏa lấp. Lý do mà Ðiềm nêu ra là để tránh “làm mất đoàn kết trong nội bộ đảng” và tránh “tiết lộ bí mật quốc gia”. Tuy nhiên, mục tiêu chính yếu ngay tại chỗ là để ngăn chận mọi thông tin liên hệ tới vụ án Năm Cam và những con số USD chia chác ở cấp trung ương và bộ chính trị CSVN. Trước đó, vụ Ðỗ Mười tư túi một triệu USD tiền viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nam Hàn cũng được lấp kín.


Thời sự tháng qua về vụ hoa hậu VN Phạm Thị Mai Phương bị con trai của quan đầu tỉnh ngành công an bắt cóc, chỉ được báo chí trong nước dè dặt đi tin sau khi các hãng thông tấn quốc tế loan báo, chứng tỏ báo chí trong nước hoàn toàn bị kềm tỏa bởi các loại còng của công an. Trên thực tế, mọi ký giả trong nước đều đang hưởng án treo. Ở một dạng khác, ngược lại, lấp là một chính sách của đảng và nhà nước CSVN đối với những nguồn tin trung thực ở bên ngoài VN. Ðó là nhiệm vụ thiết yếu của ngành Công An Văn Hóa CSVN. Bức tường lửa chận cổng ra vào mạng Internet của VN là một điển hình, qua đó, Hà Nội ngăn chận tất cả những ai trong nước muốn biết điều gì xảy ra trên thế giới và điều gì xảy ra ngay ở VN. Một điển hình khác là biện pháp trù dập những ký giả muốn ghi nhận trung thực.


Các tờ Sông Hương, Cửa Việt và LangBiang đều bị đóng cửa. Nhà thơ Bùi Minh Quốc bị câu lưu và quản thúc. Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự bị treo bút. Hầu hết những người tâm huyết với một nền dân chủ đích thực cho VN đều bị bịt miệng, bằng biện pháp …cắt điện thoại. Bài viết của các ông Trần Ðộ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Kiến Giang, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, cho tới những tác giả trẻ như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang… đều bị cấm đăng, nhưng dàn báo đảng lại cật lực đăng những bài hàm hồ vu khống và tùy tiện kết án họ. Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh cũng là một nạn nhân tiêu biểu, khi cho phép báo này đăng bài viết liên quan đến đời tư của Hồ Chí Minh theo tư liệu từ văn khố Liên Xô.


Phóng viên báo Thanh Niên Nguyễn Hoàng Thu và Trưởng đại diện báo Tiền Phong Hoàng Thiên Nga đã bị cây gậy của bộ chính trị CSVN cảnh cáo bằng hình thức cho người đốt cháy xe Nissan của họ ngay trong sân nhà, chỉ vì đã viết bài tường thuật mức độ tham nhũng và tệ nạn đàn áp tín đồ Tin Lành tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là vụ án săn bắn bò tót và các quan chức tỉnh này chiếm đất trong khu rừng cấm Ea Sô. Gần đây nhất là ở Tiệp Khắc, tòa soạn và các đại lý phát hành báo Ðàn Chim Việt bị sứ quán của VN tại đây đe dọa khủng bố nặng nề (Phó tổng biên tập Trần Ngọc Thành về VN bị công an Hà Nội vô cớ câu lưu rồi được thả qua sự can thiệp của sứ quán Ba Lan).


Còn ở trong nước, tính từ tháng 8-2003, là vụ đình chỉ xuất bản tuần báo Sinh Viên Việt Nam, một tạp chí được sự bảo trợ về tài chánh của sứ quán Pháp ở Hà Nội. Không một ai ngạc nhiên khi Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontiers) vừa mới nêu tên Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN, là một trong 42 “con ác thú tiêu diệt báo chí” tàn độc nhất trong số 156 nước được tổ chức này điều tra. RSF cũng đã xếp CSVN vào hạng thứ ba, sau Iraq và Cuba, về mặt khủng bố giới cầm bút để khống chế hoàn toàn hệ thống thông tin trong nước. Tóm lại, ở cả hai mặt che dấu tội ác của lãnh đạo và bưng bít thông tin tới người dân, lấp là một chủ trương chính thức và triệt để trong nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Lót


Khi thông tin bị bưng bít và tội ác của lãnh đạo được che lấp bằng chính sách, tất yếu là đảng và nhà nước CSVN tự biến thành một cỗ máy vơ vét. Ở dạng “tập thể”, mọi công trình trọng điểm đều bị “Rút Ruột” chia nhau. Thấp hơn và gần nhất, 36 xe buýt vừa qua cửa cơ quan đăng kiểm, mới chạy khai trương ở Hà Nội được non tháng đều hư hỏng và được đưa vào bãi phế thải vì đã bị công ty lắp ráp đánh tráo thiết bị. Ở dạng “dân vận”, hình thức phổ thông nhất là tham nhũng, tiếng thời thượng gọi là …lót. Ngoài xã hội, dân cần gì cũng phải lót tay. Trong cơ quan, cán bộ lót nhau từ cấp thấp tới cấp cao. Thực ra, lô-gích của đảng viên cộng sản hoàn toàn ngược lại : Muốn tiến thân phải biết lót tay hay lót đường cho thủ trưởng và gia đình của thủ trưởng, sau đó, rỉa tiền dân để thu lại cả vốn lẫn lời. Ðể “lại quả”, trung ương sẽ gò xiết cơ chế, tạo rắc rối cho cán bộ hạ tầng dễ kiếm tiền.


Trên tạp chí cộng sản số 8, tháng 3-2003, Nguyễn thị Doan, Ủy viên Trung ương đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng CSVN đã thú nhận rằng có : “một số người khéo léo luồn lách, nịnh bợ, không có chính kiến độc lập, luôn lấy lòng các cấp lãnh đạo… để thăng quan tiến chức. Khi nắm được quyền lực, số người này quay lại đối xử hách dịch với quần chúng cấp dưới, tác phong quan liêu, trù úm những người đấu tranh vì lợi ích chung. Một lô-gích hiện hữu là họ không bao giờ vì lợi ích của đảng, của quốc gia dân tộc, mà họ làm việc chỉ vì lợi ích của chính cá nhân họ”.


Chẳng ai cần hỏi số người đó tên gì, mấy đứa, bởi cả đảng đều thế. Nếu không thì Nguyễn Khoa Ðiềm, Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương đảng CSVN, đã chẳng cần phải ra chỉ thị “thông tin liều lượng” để hạn chế báo chí loan tin về thành phần lãnh đạo dính líu vào vụ án Năm Cam tới mức thứ trưởng bộ công an là hết, không thể moi thêm tới cấp cao hơn. Năm Cam hay Hang Dơi hoặc Thủy Cung Thăng Long… chỉ là một vài vụ đổ bể “ngoài ý muốn” của “trung ương”. Có đứa nào muốn thằng khác lãnh đạo một đường dây béo bỡ hơn mình bao giờ ? Còn ở cấp địa phương, những vụ việc tương tự ở quy mô nhỏ hơn vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.


Trong tháng qua, tại tỉnh Quảng Trị đã xảy ra tình trạng ăn chia không đều, lót tay không đủ cho cấp trên, khiến phó bí thư thường trực tỉnh ủy Võ Duy Chất và chủ tịch UBND Nguyễn Minh Kỳ đã bị văng chức cả hai. Theo thống kê của tổng cục cảnh sát VN trong tháng qua, riêng hệ thống ăn chia trong ngành Tư Pháp đã tiếp tay cho 17.100 kẻ phạm pháp đào thoát, trong đó có cả 7 trường hợp được cấp giấy xuất cảnh ra ngoại quốc.


Ở cấp hạ tầng, ngoài việc đòi hối lộ trực tiếp, đảng viên CSVN còn sáng tạo ra những hệ thống hối lộ trung gian, gọi chung là “cò”, cho mọi loại dịch vụ hành chính, trong đó, thể theo những bản tin tháng qua, mới nhất ở VN là loại “cò đại diện đóng phạt”. Rõ ràng, lót không chỉ là một cách sống, nó còn là một “quy luật” đã biến thành tập quán trong nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Lậu


Tỉnh Quảng Trị vừa nói là nơi buôn lậu được công an và tỉnh ủy hiệp thương bảo kê để mặc sức tung hoành ngày đêm, cả đường biển (Cửa Tùng, Cửa Việt) cũng như đường bộ (giáp giới với Lào qua cửa khẩu Lao Bảo). Tình hình diễn ra không khác ở khắp mọi cửa khẩu suốt dọc biên giới bao quanh VN. Nhiều nơi cán bộ đảng viên tự tổ chức đường dây buôn lậu, điển hình như vụ Vũ Xuân Trường cầm đầu đường dây ma túy ở Lai Châu chẳng hạn.


Mới nhất, Lự Văn Can, cán bộ y tế quèn của xã Tân Ðịnh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, đã “bị phát hiện” vận chuyển lậu trên 400 kg thuốc phiện và 18 khẩu súng. Dưới trướng của Can, những tay em Nguyễn Thanh Tùng, Chè Văn Dùng, Ly A Và còn tham gia mua bán, tàng trữ súng CKC, AK… và heroin. Nhiều nơi khác, phổ biến hơn cả, là đảng viên cán bộ các cấp các ngành liên đới với nhau (phần lớn là hải quan, công an và tỉnh ủy) để bảo kê cho bọn buôn lậu công khai hoạt động.Thác Ném ở Lạng Sơn hay Cầu Treo ở Nghệ Tĩnh là những cụ thể tiêu biểu. Hàng lậu bao gồm mọi dạng, từ cồng kềnh (tính bằng tấn) như xi măng đến nhẹ nhàng (tính bằng tạ) như …heroin. Ðặng Văn Thành và Nguyễn Văn Tuấn vừa bị bắt giữ tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, vào đầu tháng 8 vừa qua về tội vận chuyển 100 ký heroin.


Ở Lai Châu, Chu Văn Hiếu đã mở đường dây hoạt động tới các công an Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Việt Hà, thuộc đội bài trừ ma túy quận Hoàn Kiếm, để tiêu thụ 300 kg thuốc phiện và 39 bánh heroin trên địa bàn Hà Nội. Mặt khác, theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Ðiện tử-Tin học, trong năm 2002 có khoảng 741.000 điện thoại di động được cung cấp trên thị trường. Tuy nhiên, số máy di động nhập khẩu được chính thức khai báo hải quan chỉ là 190.294 chiếc. Như vậy tổng lượng máy di động nhập lậu tại Việt Nam chiếm tới 75%.


Không chỉ ma túy. Không chỉ hàng hóa. Ngay cả dịch vụ cũng …lậu : Thống kê của Sở Giao thông Công chính CSVN cho biết đã có tới 1.000 trong tổng số hơn 2.600 xe đang hoạt động tại Hà Nội là xe chạy lậu, tiếng trong nghề gọi là xe “dù”. Ở cấp quốc gia, theo kết quả cuộc điều tra và xếp hạng thường niên mới đây của tổ chức quốc tế The Business Softwave Alliance (BSA), thì CSVN đứng đầu thế giới về vi phạm bản quyền nhu liệu điện toán. Nôm na là đứng đầu thế giới trong nghề sang dĩa lậu. Không nghi ngờ gì nữa, lậu là một “phạm trù” lớn trong nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN.

Lừa


Phần lớn những ngành nghề ở Việt Nam đều có tổ nghiệp. Thậm chí, cả làng Cổ Nhuế ngoài Bắc cũng thờ cụ tổ nghề hốt phân. Ðó là một nghề nhọc nhằn nhưng lương thiện. Ngược lại, cả làng Ba Ðình cũng chăm chút phụng thờ tổ nghiệp nghề “lừa đảo lấy vinh quang” là Hồ Chí Minh. Tên ký giả dám giả ký tên… là hắn. Họ Hồ đã từng “làm văn hóa” bằng cách giả danh Trần Dân Tiên để viết báo và in sách phịa chuyện lâm ly về cuộc đời “hy sinh” của “cụ chủ tịch”. Họ Hồ cũng từng “dạy văn hóa bổ túc” cho một số thiếu nữ quanh hang Bắc Pó qua những khóa cấp tốc 9 tháng 10 ngày, kết quả mơ hồ trong “quá khứ khép lại” là vụ án mạng Hồ Tây, còn kết quả cụ thể “hướng về tương lai” nghe đâu là …đương kim tổng bí thư đảng, “nhà vô địch sợ địch vô nhà” !


Vĩ đại hơn, họ Hồ đã lừa cả nước bằng chiêu bài “giành độc lập” từ tay thực dân Pháp để biến Việt Nam thành chư hầu của cộng sản quốc tế. Cú lừa được cả đảng đánh giá “ngoạn mục” nhất là, theo bài phân tích mang tựa đề “Ðảng với cách mạng tháng Tám” của Bùi Ðình Nguyên trên trang nhà của đảng CSVN, một nhúm đảng viên CS kích động cuộc biểu tình của đồng bào Hà Nội ngày 19-8-1945 thành “cuộc nổi dậy cướp chánh quyền”. Tới ngày 24-8-1945, Hồ Chí Minh mới bò về Hà Nội, ẩn náu tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang và sau đó chuyển về số 8 phố Lê Thái Tổ, gần Bờ Hồ sau ngày 2-9-1945. Tờ báo Lao Ðộng viết : “Tại đây, Trung ương đã quyết định nhiều chủ trương lớn như chuẩn bị cho tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam ; tăng gia sản xuất cứu đói, diệt giặc dốt ; chống bọn phản động Việt quốc, Việt cách ; chống âm mưu trở lại của thực dân Pháp…”.


Các đảng phái không phải là cộng sản trong và ngoài Mặt Trận Việt Minh đều bị tiêu diệt khi “cách mạng tháng Tám” thành công. Thuở đó, không đồng ý với cộng sản đều bị dán nhãn là “bọn phản động”. Ngày nay, đó là …”bọn gián điệp”. Ðồ đệ chân truyền của Hồ, qua các trào Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, rồi Nông Ðức Mạnh, đều áp dụng triệt để và sáng tạo nền văn hóa lừa đảo đó.


Nhiều thế hệ nhân dân miền Bắc đã bị lừa bẻ cả hột muối làm đôi để chi viện cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống miền Nam. Hàng triệu thanh niên đã phơi xác trên đường mòn Hồ Chí Minh và dãy Trường Sơn. Ðể được gì ? Tại Hội Nghị Giữa Kỳ Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ Cho Việt Nam vào hạ tuần tháng 6-2003 tại Sa-Pa (Lào Cai), một bản phúc trình của Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố cho biết : 29% dân số Việt Nam hiện sống dưới mức nghèo đói.


Huyện Sóc Sơn nói trên không chỉ nổi tiếng nhờ Thánh Gióng đánh giặc Ân. Nó còn nổi tiếng hiện nay nhờ 83 mẫu chứa rác với một đạo quân “sống chung với rác” lên tới hàng vạn thiếu nhi. Trên thực tế, Sóc Sơn nổi tiếng hơn cả nhờ có nguyên Một làng làm nghề đánh giày. Mới hay, trên con đường tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH, đánh giày là bước kế tiếp của đánh giặc.


Còn ở những nơi khác ? Ðơn cử trường hợp chị Võ Thị Quyến ở xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, theo bài phóng sự của báo Tuổi Trẻ : “Căn nhà ba mẹ con chị Quyến ở chỉ là mấy tấm tranh xiêu vẹo trên những cây cọc dựng tạm. Trong lều chỉ có một chõng tre đủ một người nằm, và mấy cái nồi gang sứt quai. Chị Quyến có ba sào ruộng, làm không đủ ăn. Ngoài việc làm ruộng chị chằm nón. Mỗi ngày chị chằm được một cái nón bán được 1900 đồng Việt Nam, trừ 500 đồng mua lá, 300 đồng mua chỉ cước, và 300 đồng mua tre, mỗi ngày chị kiếm được 800 đồng (5 xu Mỹ), bằng giá một điếu thuốc lá 555 ở Sài Gòn”. Ðược biết, từ năm 1972, mới 16 tuổi, chị Quyến đã thoát ly gia đình, “nhẩy núi” theo bộ đội tỉnh Quảng Nam làm công tác tải đạn, cho tới sau thời “thống nhất”, chị mới được phục viên vì cả nhà đều chết, chỉ còn lại bà nội mù lòa.


Cũng theo bài phóng sự này, “năm 1993, dân làng phải đào những củ sắn non lớn bằng chiếc đũa lên ăn. Hiện nay thanh niên trai tráng trong xã hầu hết đã bỏ đi kiếm ăn ở phương xa, đến nỗi có đám tang không tìm được đủ số thanh niên khênh quan tài… Nói chị Quyến là người nghèo nhất xã Quế Minh cũng chưa chắc đúng, vì, cũng theo lời ông chủ tịch xã, mức sống trung bình của người dân ở đây là 150 ngàn đồng một năm, tức hơn 12 ngàn một tháng (chưa được một USD)… Làm cách nào người ta có thể sống với 12 đô la một năm ? Ðó là điều không thể hiểu được khi có những nhóm cán bộ, như ở công ty dệt Nam Ðịnh, đã tham nhũng đến vài chục triệu USD. Nhưng chị Quyến không biết những chuyện xẩy ra ở công ty dệt Nam Ðịnh vì cả xã chỉ có hai tờ báo của đảng”. Bài phóng sự có tựa đề là “Những Chị Quyến ở VN”.


Hàng chục triệu chị Quyến như thế, dù không tận tường những vụ tham nhũng hàng chục triệu USD nói trên, nhưng chắc chắn đã biết rất rõ rằng tuổi thanh xuân của họ đã bị trấn lột bằng cái gọi là cách mạng. Nền văn hóa đặc thù của đảng CSVN không thể thiếu yếu tố lừa.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

(Còn tiếp kỳ sau)

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page