2003.10 – Ba Ðại Diện, Made-in VN ! (hồi 3)
- LVMỹ-K24
- Feb 24, 2022
- 25 min read

Ngày 28-8-2003, nhân lễ kỷ niệm thành lập Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương, một bản thống kê của nhà nước CSVN đã công bố là hiện ở VN có trên 10 triệu người mắc bệnh tâm thần, với tổng số 850 bác sĩ chuyên khoa ngành này trên cả nước (1-100.000 dân, thấp nhất khu vực).
Một tuần sau, hơn hai triệu bệnh nhân “tâm thần phân liệt mãn tính” trong số đó đã long trọng kỷ niệm ngày 2-9 để tưởng nhớ tới bản “Tuyên Ngôn Ðộc Lập” sao chép của Tây và Mỹ. Cũng để đẩy mạnh tiến trình sao chép tư tưởng Ba Ðại Diện mới nhất của Tàu. Hãy ghi nhận tiếp những đặc tính ở khúc giữa, thuộc phạm trù Ðại Diện Văn Hóa…
Lạy
Trong bài thơ “Ðời đời nhớ Ông” của Tố Hữu, tác giả đã viết thường những chữ mẹ-cha, đất-trời, nhưng đã viết hoa tất cả các chữ ông, khi ca tụng lãnh tụ khát máu Stalin của Liên Xô :
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mĩm cười
Stalin ! Stalin !
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin !
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao Ông đã làm sao, mất rồi !
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi !
Hỡi ơi, Ông mất, đất trời có không ?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười…
Tương tự như những chữ “Người” viết hoa chỉ dành riêng cho lãnh tụ cộng sản, cách viết hoa chữ ông trong bài thơ này chỉ biểu hiện hình thức của cái lạy. Ðáng xấu hổ hơn là nội dung “nhất bộ tam bái” của nó, phản ảnh ở hai dòng cuối vừa trích dẫn. Theo bản lý lịch của Tố Hữu, đương sự có thời từng là ủy viên bộ chính trị, đứng đầu Ban tư tưởng-văn hóa trung ương đảng CSVN.
Nhân cách hèn mạt của Tố Hữu, qua mấy câu thơ tiêu biểu nói trên, cũng xứng đáng đứng đầu cả nền tư tưởng-văn hóa “đi bằng đầu gối” đặc thù của dàn lãnh đạo đảng CSVN. Kể từ thời Hà Nội lạy lục quan thầy Liên Xô hỗ trợ suốt tiến trình “giành độc lập” từ thực dân Pháp bằng cách cắt đôi đất nước rồi bành trướng chủ nghĩa cộng sản xuống miền Nam và xâm lăng Cam Bốt. Nhưng vẫn chưa dứt.
Cựu chiến binh Nguyễn Cao Phong, đại diện cho tầng lớp lão thành cách mạng 70-90 tuổi, trong một thư ngỏ mới đây dưới tựa đề “Lời khuyên không biết có lọt tai Bộ Chính Trị”, đã thẳng thắn nhận định : “Ta chủ trương quan hệ đa phương, nhưng trên thực tế chủ yếu là với vài nước lớn : Mỹ, Trung Quốc (TQ), Pháp, Anh, Nga, Nhật. Cái chủ yếu trong chủ yếu lại là với Mỹ và TQ. Trải kinh nghiệm lịch sử, TQ luôn lấn át ta về nhiều mặt. Hiệp định biên giới Việt-Trung vừa rồi bộc lộ điều đó. Việc TQ tuyên bố về đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng bộc lộ điều đó. Dư luận cho rằng BCT cư xử như một chư hầu của TQ. Hơi có việc gì là chạy sang xin ý kiến. Chịu thua thiệt nhiều mặt (Ví dụ : Không dám ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ trước TQ …)”.
Ðây là cái nhìn của người trong nước, về những sự việc có thật đã liên tục xảy ra từ sau đận quốc tế cộng sản tan rã ở Ðông Âu và Liên Xô. Ðặc biệt là sau khi Giang Trạch Dân ban cho bộ chính trị CSVN “16 chữ vàng”. Ðiểm thật nhất trong mọi điểm thật ở đây là BCT cư xử như một chư hầu của TQ : Với sự đồng thuận của bộ chính trị CSVN, Phạm Văn Ðồng đã dâng đảo cho Tàu ; Lê Khả Phiêu đã hiến đất, dâng biển cho Hoa Lục ; các đại hội toàn đảng của CSVN đều có phái đoàn TQ chễm chệ ở hàng ghế danh dự ; chuyến công du đầu tiên của mọi tân tổng bí thư đảng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội CSVN, từ đó, đều nhắm Bắc Kinh, nhằm mục tiêu hợp thức hóa…. Mỗi lần chạy sang xin ý kiến là một lần khấu tấu. Ðối sách với Hoa Lục, từ lâu, đã được mệnh danh là …Hàn Tín.
Chính sách luồn trôn đó không dừng lại trước Nhân Dân Ðại Sảnh ở Bắc Kinh. Ðến thời “hòa nhập không hòa tan” vào trận thế kinh tế toàn cầu, bộ chính trị CSVN lại quay sang lạy lục các cựu thù. Những chữ “Ngài” bấy giờ cũng được trang trọng viết hoa. Ðể giữ chỗ trong khối Francophonie. Ðể nài viện trợ của Nhật. Ðể xin quy chế tối huệ quốc của Mỹ. Ðể vận động gia nhập WTO…. Song vẫn không phải dễ. Cựu tổng giám đốc WTO David Hartridge, trong buổi Hội thảo “Việt Nam hướng tới việc trở thành thành viên WTO : Chiến lược đàm phán” mới đây, đã nhận định rằng CSVN sẽ gặp khó khăn gay go nhất khi đàm phán song phương với Trung Quốc : Có xác suất cao là TQ sẽ gây khó dễ cho Hà Nội trong việc gia nhập WTO vì không muốn CSVN trở thành đối thủ cạnh tranh của họ.
Trong khi chờ đợi, Bộ trưởng Thương mại CSVN Trương Ðình Tuyển đã chính thức và công khai năn nỉ các thành viên APEC ủng hộ cho Hà Nội sớm được gia nhập WTO, bằng cách cho phép CSVN có những “linh động nhất định của một nước đang chuyển đổi với trình độ phát triển thấp”. Còn nhớ, trong chặng cuối các cuộc đàm phán thương ước với Mỹ, các báo trong nước đều đăng trang nhất tin mừng chiến thắng : bộ chính trị “đảng ta” vào giờ chót đã “gài” được vào bản hiệp ước một dòng chữ ở tầm “chiến lược” : VN là một nước đang chuyển đổi ở trình độ phát triển thấp ! Dịch ra ngôn ngữ bình dân, đó là : lạy Ông lạy Bà thương cho thân con què cụt (nhưng hễ Ông Bà không hằng tâm hằng sản để bố thí ngay thì chúng con nguyện sẽ đời đời nguyền rủa Ông Bà là …quân đế quốc) !
Nói cách khác, đối với Tây phương, đó là chiến lược đối ngoại kiểu Chí Phèo. Còn ở mặt chiến thuật, để chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ của Phan Văn Khải và Phạm Văn Trà, dự trù vào khoảng gần cuối năm 2003, đảng và nhà nước CSVN đã hạ quyết tâm không tổ chức kỷ niệm ngày 30-4 năm nay. Thay vào đó, Nông Ðức Mạnh cầm đầu một phái đoàn 48 cán bộ cao cấp sang viếng thăm… Ấn Ðộ. Bài xã luận đăng trên trang nhất của nhật báo Nhân Dân số ra ngày 30-4 đã đề cao vai trò của đảng CSVN rằng “chỉ có đảng mới bảo đảm được sự phồn thịnh của đất nước trong tương lai”. Bằng cách nào ? Lạy Nga, lạy Tàu, lạy Tây, lạy Nhật, lạy Mỹ, lạy IMF, lạy WB, rồi lạy cả Ấn Ðộ ! Ít nhất, sự phồn thịnh sẽ được bảo đảm tuyệt đối cho gia tộc của hàng ngũ trung ương đảng. Nhìn chung, bộ chính trị CSVN không chỉ cư xử như chư hầu của TQ. Nó là một Thằng Vái Tứ Phương.
Lủi
Chính sách đối ngoại luồn trôn của CSVN, như đã nói, được thi hành trên thực tế ra sao ? Suốt 28 năm qua, Hà Nội vẫn lớn tiếng tuyên truyền về mức gia tăng con số các quốc gia có quan hệ ngoại giao với CSVN. Tuy nhiên, công việc chính yếu và vô cùng tất bật của các sứ quán Hà Nội ở nước ngoài là …quan hệ tư túi. Chủ yếu là buôn lậu, đặc biệt hoạt động công khai là các sứ quán ở Ðông Âu và Liên Xô cũ. Những sứ quán này đã từng thiết lập các hệ thống ép gửi các em du sinh, lao động hợp tác phải chuyển hàng lậu của họ về VN hay từ VN đưa sang trên những chuyến bay hàng ngày. Công việc kế tiếp của các sứ quán Hà Nội ở nước ngoài là thu gom đồ phế thải thuộc diện trang thiết bị điện tử, máy lạnh, tủ lạnh, bếp ga hay xe gắn máy (đứng đầu là ở Nhật), rồi đóng thành container chuyển về VN, biến thành “hàng nội địa”. Thường trực hơn nữa là moi tiền kiều bào qua mọi loại giấy tờ mà lẽ ra sứ quán có bổn phận phải chứng nhận miễn phí hoặc với một lệ phí thấp.
Theo bài phóng sự “Khi các nhà ngoại giao kiếm tiền”, tác giả Nguyễn Văn Toàn đã ghi nhận : “Ðại sứ quán CH XHCNVN tại nước ngoài là gì ? Ðó là một ổ lưu manh trộm cướp sống trên lưng của những người Việt Nam không may mang cuốn hộ chiếu (passport) Việt Nam” : Thủ tục gia hạn hộ chiếu rất phiền nhiễu, để giá thành được nâng cấp từ 80USD lên 400USD. Hoặc thủ tục du học lên tới 6000USD, còn giá bán một bảng số ngoại giao là 1200USD, giá thuê mặt bằng trong Thương Vụ VN (cơ quan đại diện thương mại của Hà Nội) ở Mạc Tư Khoa là 100USD/m2/tháng, v.v… Gần nhất, 22 người dân quê xã Ðại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và 19 người khác ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương đã (tốn mỗi người trên 2000USD để được lừa) sang “lao động hợp tác” ở Mã Lai bằng visa du lịch, bị bắt giữ về tội lưu trú bất hợp pháp, trong tuần qua đã được đưa trở về Hà Nội. Các nạn nhân cho biết là đã nhờ Lãnh sự quán của CSVN tại Mã Lai “làm giúp thủ tục” để được về nhà, giá mỗi suất là 400USD. Tiền tươi, tiền đô của Mỹ !…
Tư cách của giới ngoại giao CSVN cũng được báo chí ngoại quốc thường xuyên đề cập : Cựu đại sứ của Hà Nội tại Hoa Thịnh Ðốn là Lê Văn Bàng vẫn luôn được giới truyền thông sở tại nhắc đến bằng biệt hiệu là đại-sứ-mò-sò. Ðương kim tổng lãnh sự của Hà Nội tại Cựu Kim Sơn là Nguyễn Mạnh Hùng lại mang theo qua Mỹ biệt danh lãnh-sự-sờ-mông (xẩm) từ thời hoạt động ở Hương Cảng…
Hiệu năng của giới này ra sao ? Suốt 28 năm qua, các sứ quán của Hà Nội đều bị các cộng đồng VN cô lập, các hội “Việt kiều yêu nước” của Hà Nội (hay thân Hà Nội) đều được tận tình …phúng điếu. Suốt 28 năm qua, lá cờ đỏ sao vàng của Hà Nội chưa bao giờ lọt ra khỏi hàng rào các sứ quán của họ. Hậu quả vụ Trần Trường treo cờ đỏ ở quận Cam đã khiến Nguyễn Xuân Phong, tổng lãnh sự của Hà Nội ở San Francisco, bị triệu hồi về nước. Hà Nội đã căm gan trước những tài liệu hướng dẫn của bưu điện Mỹ hay các thẻ điện thoại viễn liên in hình cờ vàng ba sọc đỏ.
Hà Nội lại càng lồng lộn trước hàng loạt nghị quyết của nhiều cấp chính quyền của các quốc gia sở tại công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng tự do của các cộng đồng Việt Nam. Cũng suốt 28 năm qua, các phái đoàn Hà Nội công du nước ngoài đều phải xin nước sở tại cho tăng cường bảo vệ, dù vậy, vẫn phải chui cửa hậu để vào phòng họp ở mọi nơi. Riêng ở Oslo, các phái đoàn này đều phải vào phòng họp của bộ ngoại giao Na Uy bằng cổng dành riêng cho xe đổ rác. Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều được trang bị dày dạn những kinh nghiệm bản thân về trứng thối, mắm nêm và sơn dầu, ở Pháp. Lủi chính là cung cách hoạt động ngoại giao trong nền văn hóa đặc thù của CSVN.
Lỗ
Thời sự trong nước hàng ngày vẫn ê hề những bản tin “tiêu cực” về tình trạng điều hành của hàng ngàn xí nghiệp quốc doanh. Quán tính ỷ lại vào kinh viện và quân viện thời Liên Xô chưa đổ vẫn còn y nguyên đó trong giới làm kinh tế của CSVN cho tới thời “mở cửa thị trường”. Hàng ngàn bản thống kê đã được đúc kết. Hàng ngàn cuộc hội nghị lớn nhỏ đã được tổ chức. Hầu hết là để giới đảng viên cán bộ kinh tế chia sẻ thông tin cho nhau về kinh nghiệm biến báo đối đầu và mua chuộc đội ngũ thanh tra.
Sau cuộc thi đua lỗ lã của các công ty xi-măng, mía đường, giấy, dệt… là tới phiên các nhà máy thép, theo các bản tin tháng qua. Ðến thời đại liên doanh, tập quán “ngắt ngọn ăn” của đảng viên cán bộ CSVN đã trợ giúp đắc lực cho các công ty nước ngoài nắm thế thượng phong. Không ít trường hợp doanh nhân ngoại quốc đã ưu ái thân tặng cán bộ kinh tế Hà Nội nhiều “quả lừa đảo ngoạn mục !”.
Chẳng bao lâu sau giai đoạn lót tay cho đảng viên cán bộ CSVN, các thương nhân ngoại quốc đã dần dần biến các liên doanh đó thành 100% vốn của công ty nước ngoài. Hệ quả của nền thương mại thua lỗ đó dẫn tới phạm vi tài chánh khủng hoảng. Lời báo động mới nhất, theo tựa đề một bài phân tích trên báo kinh tế trong nước, là : “Các Ngân Hàng Sẽ Trống Rỗng Vì 4 Thủ Ðoạn Chiếm Ðoạt”. Trong phiên họp chính phủ tháng 8, Phan Văn Khải đã nhấn mạnh : “Nội trong năm 2004 phải dứt điểm các khoản nợ khó đòi”. Từ túi riêng của đảng viên ?
Riêng mặt xuất khẩu, các quy chế tối huệ quốc mà Hà Nội tuyên truyền như những “thành quả kinh tế”, thực chất là những thua thiệt toàn diện. Ðơn cử thí dụ tiêu biểu qua trường hợp quy chế tối huệ quốc ký với Nhật Bản hơn hai năm trước : Hai bên sẽ cùng hạ thuế biểu tối đa để “mở rộng thị trường” xuất khẩu. Phan Văn Khải đã rùm beng về chiến thắng kinh tế này, coi như ngang ngửa với đường dây 500KV “để đời” của Võ Văn Kiệt ở triều đại trước.
Nhưng, ngay sau đó, Hà Nội mới vỡ mật ra rằng : Nhật không mua dầu thô của VN trong lúc còn hợp đồng với Trung Ðông. Nhật thích ăn gạo dẻo hột tròn (dễ làm sushi) hơn là gạo thơm hột dài của VN. Nhật chê cao su VN phẩm chất thấp hơn cao su Nam Dương. Nhật vốn thích trà xanh, riêng giới trẻ Nhật thì chỉ thích cà phê Starbucks pha chế khác với cà phê Ban Mê Thuột. Còn lại là cát trắng Cam Ranh không nơi nào bằng, nhưng chỉ 2 công ty Nhật Bản cần đến thứ này là Canon và Nikon, dùng làm kính máy ảnh. Nghĩa là, tựu chung, hàng VN không thể mở rộng thị trường ở Nhật. Trong lúc Sony, Panasonic, Honda, Suzuki, Yamaha… được ưu thế thuế suất hạ để tràn vào thị trường VN, từ thành thị tới thôn quê. Quy chế tối huệ quốc với Mỹ, trong 18 tháng đầu thực thi, cũng đã khiến biết bao doanh nhân ngành xuất khẩu của VN phải …chống nạng. Ngay tại chỗ, hạn ngạch mới về nhập cảng hàng dệt may của Hoa Kỳ đã khiến các công ty Nike, Gap, Target và Columbia đều bỏ chạy ra khỏi VN. Tóm gọn là …lỗ : Hà Nội thua thiệt mọi đàng vì vừa ngu cái lớn, cái chung ; vừa tham cái nhỏ, cái riêng. Ðó cũng là một tính chất trọng yếu nổi bật của nền văn hóa đặc thù CSVN.
Lệch
Nhà Hát Lớn ở Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng từ thế kỷ trước. Võ Văn Kiệt đã quyết định sử dụng một ngân khoản 156 tỷ đồng VN (tương đương với 100 triệu USD) để trùng tu nhà hát này, hầu kịp cống hiến những màn văn nghệ giúp vui cho giới lãnh đạo thuộc các quốc gia nói tiếng Pháp thưởng thức nhân cuộc họp tại đây vào năm 1997. Nghĩa là không hẳn lạy miễn phí ! Ở một góc khác của vấn đề, theo báo Thanh Niên, tiến trình nâng chi để rút ruột công trình, do sự chia chác không đều, vừa được “phát hiện” là đã có người “tiêu lố” tới 45 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD). Ai ? Văn phòng thủ tướng CSVN đương nhiệm hoàn toàn không bình luận gì về nguồn tin này. Ðó là việc “trung ương”. Còn địa phương ra sao ?
Ở gần trung ương nhất, Cty Vinaconex sắp bỏ ra 600 triệu USD để xây dựng Khu Nghỉ Mát Cát Bà “có tầm cỡ quốc tế” bao gồm nhiều khách sạn năm sao, biệt thự hạng sang, bến du thuyền, phòng triển lãm sinh vật biển, và những khu nhà ở được nối kết với nhau bằng những con đường ven sông. Còn ở miền Trung, vùng đất của thiên tai bão lụt hàng năm, “mùa Ðông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn”, năm nay có gì lạ ? Thành ủy Ðà Nẵng vừa ra quyết định xây dựng một sân golf 36 lỗ và khu du lịch biển Hòa Hải-Ngũ Hành Sơn, trên một diện tích lớn hơn 300 hecta, với số vốn dự trù là 420 tỷ đồng.
Tỉnh ủy Quảng Nam cũng vừa mới lên phương án chấp thuận cho tập đoàn tài chính Lehman Brothers của Mỹ xây cất một khu du lịch casino có tên là Vina Las Vegas rộng 540 hecta tại xã Ðiện Ngọc, quận Ðiện Bàn, với tổng mức kinh phí đầu tư lên tới một tỷ USD.
Không thể thua sút, tỉnh ủy Nha Trang cũng cấp ngay giấy phép cho tập đoàn Furama của Hương Cảng (chủ khách sạn 5 sao Furama ở Ðà Nẵng và Caravelle ở Sài Gòn) để xây cất khu nghỉ mát VinPearl, được mô tả là lớn nhất VN. Trọng tâm của khu du lịch này là một cao ốc 500 phòng có các sân chơi thể thao ; có sàn chơi bowling ; có hồ bơi trong nhà lẫn ngoài trời ; có massage, sauna, jacuzzi ; và một “trung tâm vui chơi giải trí và hoạt động đêm…”.
Trên khoảng giữa của khu nghỉ mát VinPearl và sòng bạc Vina Las Vegas vừa nói, theo một bài phóng sự của báo Lao Ðộng, “cả 16 xã vùng cao của huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay không một xã nào có trường cấp 2. Muốn học tiếp, (học trò phải) hoặc là vào các ‘lớp nhô’ chữ đực chữ cái (tức là những lớp có học sinh cấp II học chung với học sinh cấp I), hoặc cơm đùm cơm nắm đi bộ 15-20 cây số xuống thị trấn huyện mới có trường… Hiện nay, trong 16 xã vùng cao của huyện này thì 11 xã có lớp nhô. Số lớp nhô của năm học này là 39 lớp, với trên 1.000 em. Những học sinh này đang học chung với các trường tiểu học…. Chỉ có điều, giáo viên văn phải dạy luôn môn lịch sử và địa lý, còn giáo viên toán thì kiêm luôn môn lý và hóa. Tuy nhiên, về chất lượng học tập của các lớp nhô này thì chẳng có một tiêu chuẩn nào để có thể đánh giá được”.
Ở Mộc Hóa, thầy trò trường mầm non bán công tại đây phải sống thường trực trong lo sợ vì hầu hết các phòng học đều bị nứt tường, bị nghiêng và lún. Mới đây, trong một trận mưa lớn, một phòng học đã bị sập trần. Ở ngay tại thủ đô kinh tế của VN là Sài Gòn, giáo viên các trường bán công phải chờ gần đến năm học sau mới được lãnh lương từ tháng đầu của năm trước. Trường mầm non bán công Thủ Thừa cũng có nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, gần 100 học sinh khối nhà trẻ phải chuyển sang học tại trụ sở ngân hàng huyện cũ, vớisân chơi là nóc bằng của căn nhà. Theo kết quả thi đại học năm 2003, gần 87% thí sinh không đủ trung bình 5 điểm/môn thi, phản ảnh “tình trạng chất lượng giáo dục ở trường phổ thông rất thấp”.
Mặt khác, theo bộ Y Tế CSVN thú nhận, tình hình quá tải đang xảy ra ở hầu hết các bệnh viện tỉnh và trung ương. Trong đó, các bệnh viện chuyên khoa như ung thư, chấn thương chỉnh hình, nhi khoa… bị quá tải nặng nề hơn cả. Có nơi số bệnh nhân đến khám chữa bệnh vượt quá 150% công suất bệnh viện. Tiêu biểu như bệnh viện Việt Ðức, tổng số ca mổ tại bệnh viện là 18.400 ca, vượt kế hoạch trên 10.000 ca. Bệnh viện Nhi Ðồng Trung Ương có 500 giường nhưng thường xuyên phải tiếp nhận từ 700-750 bệnh nhân. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 8-2003, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Cần Thơ đã lên tới 586 ca, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trường học và bệnh viện không nằm trong danh mục “cần quan tâm” của bộ chính trị CSVN. Các sòng bài, khách sạn 5 sao, “khu giải trí và hoạt động đêm” có ưu tiên cao hơn rất nhiều, hơn hẳn cả bảng liệt kê nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế (đường xá, phi trường, bến cảng…). Vì sao ?
Thực tế có nhiều lý do. Gần nhất và rõ nhất là bởi yếu tố tư lợi. Các dự án xây trường học bệnh viện quá nhỏ, chẳng bõ công chấm mút. Còn đối với công tác xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế, cán bộ các cấp chỉ có thể rút ruột từ kinh phí ngoại viện một lần, hoặc là phải vắt óc đề xuất ra những dự án có thể rút ruột kế tiếp (Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN báo cáo trong cuộc hội thảo đầu tháng 9-2003 là phải cần tới 2.062 tỷ đồng để tiến hành 30% các công tác bảo trì và quản lý các tuyến đường quốc lộ, chẳng hạn). Trong lúc các khu giải trí ăn chơi, ngoài những phong bì đầu tiên dày cộm để khởi công, tất cả đều phải tự động đóng hụi chết hàng tháng sau khi khánh thành. Ðịnh hướng gì gì đi nữa, uốn theo cung cách ăn chia cộng sản, đều đã lệch từ đó, và tự phát triển thành một tập quán ngày càng phình nở trong nền văn hóa đặc thù của CSVN.
Liếm
Ngay khi Trung Quốc tiến hành trận chiến “giáo trừng” hồi cuối thập niên 1970, môn Sử các cấp ở VN đều được thay đổi, thống nhất một nội dung thóa mạ “bọn bành trướng Bắc Kinh”. Tới đận Liên Xô sụp đổ, Hà Nội có nhu cầu tái khấu với “bọn bá quyền phương Bắc” vừa nói, các bài giáo khoa môn Sử được đổi lại hàng loạt, để quan thầy khỏi mích lòng. Còn về môn Ðịa Lý thì học sinh phải … vẽ lại bản đồ VN.
Từ giữa thập niên 1960, hàng ngũ bồi bút CSVN đã phủ phục dưới ngọn cờ văn nô của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Ðình Thi… đã kịch liệt thi đua phịa chuyện để tố cáo “tội ác của Mỹ” ở miền Nam. Hàng ngàn sách vở, phim truyện, thi ca, bài phát thanh, phát hình… vẫn sờ sờ ra đó, cho tới khi Hà Nội cần phải “đàm phán” để xin quy chế tối huệ quốc của Mỹ.
Trong Hội Nghị Nam-Nam (của thế giới thứ ba), Trần Ðức Lương đã gay gắt lên án các quốc gia tân tiến và các đại công ty đa quốc gia là bọn “tân thực dân” trên lãnh vực kinh tế. Tới lúc cần đệ đơn xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, trong dịp khai mạc diễn đàn “Việt Nam: Sẵn sàng gia nhập WTO” tại Hà Nội, Nguyễn Tấn Dũng lại nhận định rằng việc gia nhập “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới kinh tế tại Việt Nam bởi 146 thành viên tổ chức này đang chiếm tới 97% giá trị thương mại toàn cầu”. Một phó thủ tướng khác của CSVN là Vũ Khoan cũng cho rằng “gia tốc việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới là công tác chính yếu cần thực hiện để duy trì mức phát triển và tình trạng ổn định về mặt xã hội và chính trị”. Biện pháp cấp thời ? Thành ủy Sài Gòn vừa lên kế hoạch lần thứ 3 về việc dạy tiếng Anh cho hàng ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, để dễ tiếp thu bao lời vàng ngọc của bọn tân thực dân!
Những đánh giá về người Việt ở nước ngoài cũng thay đổi 180 độ : Theo Lê Duẩn, vào đầu thập niên 80, thì đó là : “một bọn lưu manh, đĩ điếm”. Theo Hoàng Bích Sơn, trưởng ban Việt kiều trung ương đảng, thời cuối thập niên 80 : “Sẽ biến đám Việt kiều ở hải ngoại thành những cái xác không hồn”. Theo Ðỗ Mười, vào thập niên 90, đó là : “Những khúc ruột xa ngàn dặm”. Còn theo Nguyễn Ðình Bin, trong dịp công du Hoa Kỳ mới đây : “Nhưng điều mà đất nước và lãnh đạo ta coi trọng hơn cả là chất xám và trí tuệ và những hiểu biết và kinh nghiệm của các chuyên viên ở nước ngoài. Hiện nay phải nói là cực kỳ quý. Theo như thống kê, trong số khoảng 2.7, 2.8 triệu người, thì hơn 200,000 hoặc xấp xỉ 300,000 là các nhà khoa học, là những bộ não có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, nghiên cứu, và phát triển kinh tế”.
Chắc chắn là Hà Nội sẽ lãnh huy chương vàng quán quân, nếu thế vận hội tổ chức thêm bộ môn “nhổ rồi lại liếm”. Cả cá nhân lẫn toàn đội. Cả tầm ngắn lẫn tầm xa.
Lạm
Thời sự trong nước tháng nào cũng có những bản tin về tình trạng lộng quyền của đảng viên CSVN các cấp. Kể không xiết. Thời sự tháng qua đã có khá nhiều những bản tin về các phiên tòa (theo chỉ thị của “trên” để) khép tội “gián điệp” cho những người có khát vọng dân chủ hóa VN và trao đổi thông tin trên internet. Rồi lại có những phiên tòa tiếp theo đó khép tội nhiều công dân VN là “lợi dụng quyền dân chủ” ở một nước độc tài độc đảng với dàn đầu xỏ đã lạm dụng quyền cai trị suốt nửa thế kỷ qua. Mới nhất, ở Ðồng Nai, 4 người bị kêu án từ 30 tháng tới 3 năm rưỡi vì đã phản đối luật rừng về thuế đất tại địa phương. Ở Hà Tây, 24 nông dân biểu tình khiếu kiện về các vụ chiếm đất và chống tham nhũng đã bị kêu án từ 5 tới 9 năm tù. Ở Ðắc Lắc, 15 người Thượng bị kêu án lên tới 10 năm, vì đã tham gia biểu tình đòi đất và đòi quyền tự do tín ngưỡng.
Vẫn trong khuôn khổ lạm dụng quyền cai trị đó của một nhà nước công an trị, rất nhiều trường hợp các nghi can đã tố cáo công an CSVN đã mớm cung, thậm chí, dùng nhục hình và ép cung trong quy trình điều tra. Ký giả Hoàng Linh trong vụ án Năm Cam chỉ là một điển hình. Ở ngoài nhà giam hay nhà tù chính thức cũng không khác, tình trạng khủng bố nhân dân vẫn liên tục xảy ra. Mục sư Bùi Văn Ba bị dân quân du kích và công an 113 đánh trọng thương ngay trong buổi cầu nguyện tại gia hồi giữa tháng 8-2003. Ðến giữa tháng 9, các phái đoàn tăng ni Phật tử bị ngăn chận trên đường tụ tập về tu viện Nguyên Thiều ở Quy Nhơn để tham dự cuộc lễ hội do nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ tổ chức…. Nghiêm trọng hơn cả, Hà Nội đã tự tiện dâng đất, dâng biển cho Trung Quốc, từ cuối thập niên 50 tới nay. Lạm là căn cốt văn hóa của đám thổ phỉ chính trị CSVN từng chủ trương từ đầu là phải cướp chính quyền.
Liệt
Ðầu tháng 9-2003, Lê Thế Tiệm, thứ trưởng bộ Công an CSVN, nhân một cuộc hội nghị về tình hình phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài, cho biết : Ðã có hàng chục nghìn trường hợp phụ nữ và trẻ em VN bị lừa bán ra nước ngoài để làm mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. Trong đó có đến hơn 2% là trẻ em trai dưới 10 tuổi. Tiệm kết luận là : “Tình trạng đang rất phức tạp và khó giải quyết”. Thành quả “gấp triệu lần hơn” của XHCN ở VN được ghi nhận rõ nhất là tình trạng kẹt xe. Hàng trăm hội nghị đã được tổ chức. Hàng chục sắc lệnh đã được ban hành. Biện pháp của nhà nước là : Cấm xe tải hạng nặng chạy vào thành phố vào giờ cao điểm. Giải pháp của giới vận tải là : Mỗi xe tải hạng nặng chuyển hàng sang 7 xe tải hạng nhẹ, để dễ chen lấn với hàng triệu xe gắn máy dọc ngang trên đường phố. Chiến dịch “Tháng An Toàn Giao Thông” chưa kết thúc thì thống kê cho biết tai nạn giao thông gia tăng 95%. Nói tóm gọn, “tình trạng cũng đang rất phức tạp và khó giải quyết”.
Theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, các tội phạm liên quan đến ma túy tại Việt Nam “phát hiện được” vẫn tiếp tục tăng cao trong 4 tháng qua, lên đến hơn 2000 trường hợp, bắt giữ gần 3500 người, tịch thu 94k bạch phiến, 57k thuốc phiện, 11.500 viên ma túy hóa hợp. Nhìn chung, “tình trạng cũng đang rất phức tạp và khó giải quyết”. Về mặt an toàn thực phẩm, thống kê mới nhất cho biết tại Hà Nội, tỷ lệ hàn the vượt quá 60-70% đối với bánh cuốn, 100% đối với bánh đúc. Tại Hải Phòng, tỷ lệ hàn the trong giò chả vượt quá 78-90%. Nem, chạo tôm, thịt kho, xôi, bánh mì thịt bán lẻ tại Saigon và một số tỉnh thị lớn như Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Cà Mau… đều nhiểm vi khuẩn E. coli từ 60-90%. Nước đá nội ngoại thành cũng nhiễm E. coli với tỷ lệ cao tương đương. Còn xét nghiệm về bàn tay người bóc, gói, làm, bán thức ăn, thức uống, tỷ lệ E. coli thấp nhất là 67%, cao nhất là 95%. Vẫn vậy, “tình trạng cũng đang rất phức tạp và khó giải quyết”.
Ở phạm vi vĩ mô, Thứ trưởng bộ Giáo Dục-Ðào tạo CSVN Trần Văn Nhung cho biết, vào năm 2005, số du học sinh có thể lên đến 20 ngàn người. Nhưng hiện nay bộ không biết rõ có bao nhiêu sinh viên đã du học và đã trở về nước ! Ở lãnh vực kinh tế, Ủy Ban Cải Tổ Doanh Nghiệp Nhà Nước CSVN vừa báo cáo là tiến trình cải tổ các doanh nghiệp bị thua lỗ đã không được thực hiện đúng như kế hoạch dự trù. Theo kế hoạch của Hà Nội, trong năm nay có 1.500 doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách phải cải tổ, nhưng đến nay, dù kinh phí ngoại viện cho công tác này đã cạn, nhưng chỉ mới có 337 doanh nghiệp được nhắm tới. Mặt khác, có 1135 vụ lưu hành tiêu thụ tiền giả ở VN được phát hiện từ năm 2000-2003, cao gấp đôi con số của 10 năm trước đó cộng lại. Nghĩa là, “mọi tình trạng đều đang rất phức tạp và khó giải quyết”.
Vừa kể chỉ là một vài thí dụ tiêu biểu từ mớ thời sự tháng qua. Khuôn khổ bài báo không cho phép liệt kê hết cả những gì “đang phức tạp và khó giải quyết” trong toàn bộ bối cảnh kinh tế-xã hội lụn bại của CHXHCNVN mà Hà Nội vẫn luôn miệng phân trần là bởi “trên bảo, dưới chẳng nghe”. Cột chung cả khúc giữa, đó là thực tế liệt của đảng và cũng là một tính chất nổi trội trong nền văn hóa đặc thù của CSVN.
Lo
Cách đây không lâu, nhân dân ở huyện Ðông Anh, thuộc ngoại thành Hà Nội đã túm công an làm con tin, rồi… nhận giếng. Khởi từ vụ Thái Bình, Xuân Lộc, tin tức trên báo chí trong nước về những vụ việc “chống người thi hành công vụ” tương tự như ở huyện Ðông Anh ngày càng nhiều, càng nhặt hơn. Có nơi, báo chí mô tả là nhân dân đã “rút dao ra chiến đấu” (Cốc Nam, Lạng Sơn) ; “8 vụ đả thương chiến sĩ công an trong một tuần” (Hà Nội) ; “các can phạm đã dùng dao, rựa chém công an và lực lượng dân phòng rồi bỏ đi” (Linh Trung, Thủ Ðức) ; “Công an đấy, bắn đi !” (Lai Châu) ; “Ấu đả nghiêm trọng giữa hàng trăm nhân dân và công an” (Hải Tân, Hải Dương) ; “800 dân làng đã dùng gạch đá chống lại công an, khiến 10 nhân viên thi hành công vụ phải vào bệnh viện cấp cứu” (Hoài Ðức, Hà Tây) ; “Lực lượng phối hợp giữa công an và kiểm lâm đã bị dân bản tấn công dữ dội, 4 chiến sĩ công an và 2 cán bộ kiểm lâm được đưa đi sơ cứu” (Mường Lay, Lai Châu) ; “đốt công an chết cháy” (Bình Thạnh, Sài Gòn)…
Gần nhất, cuối tháng 8 vừa qua, dân Dốc Quýt, Lạng Sơn đã khiêng một tử thi đến trước trạm công an liên ngành để biểu tình phản đối công an đánh chết người, “đám đông đã ném đá khiến 2 công an bị thương nặng”. Ở Phú Nhuận, đoàn cán bộ kiểm tra văn hóa đã bị vây đánh, phải bắn súng chỉ thiên trên đường rút lui. Ở Phú Yên, dân làng Hòa Xuân Tây đã đặt quan tài ra quốc lộ 1 để phản kháng một vụ cán bộ đánh chết công nhân, gây nạn kẹt xe trên 3 tiếng đồng hồ và gây thương tích cho 12 công an. Nhìn chung, nhân dân căm thù công an hơn là sợ hãi. Nỗi căm thù đó đã biến dần thành quy trình “vô hiệu hóa công an”. Ðó là một tình trạng đáng lo của Hà Nội.
Ðáng lo hơn nữa, về lằn ranh ngày càng rộng giữa dân và đảng, nghị quyết lần 7 khóa 9 của ban chấp hành trung ương đảng CSVN ghi rằng : “Lòng tin vào Ðảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất bình trước những bất công xã hội và tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng, kỷ cương phép nước nhiều lúc, nhiều nơi không nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp. Các vụ khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc, có nơi rất gay gắt…”.
Tạp chí Viễn Ðông Kinh Tế tường trình về cuốn phim quốc doanh “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (vốn thực hiện trên 600 ngàn USD) đang trình chiếu ở VN hiện bị lỗ nặng : Tại rạp Fansland (250 ghế) ở Hà Nội, số vé bán ra trong ngày đảng khánh 2-9 chỉ vỏn vẹn có 24 vé. Qua hôm sau, rạp này đành hủy bỏ buổi chiếu phim về giai đoạn Hồ Chí Minh hoạt động ở Hương Cảng, vì chỉ bán được duy nhất … một vé. Vấn đề không nằm ở thương vụ. “Rất đáng quan tâm” là không chỉ nhân dân, mà cả đảng viên CSVN, đều chẳng hề màng tới cái phao Tư Tưởng cuối cùng của đảng. Không lo sao được ?
Còn ở mặt ngoài, quốc hội Hoa Kỳ, Liên Âu, các tổ chức nhân quyền thế giới, và cả các định chế tài chính quốc tế cũng lên tiếng thường xuyên và gay gắt hơn về tình trạng chà đạp nhân quyền của dàn lãnh đạo Hà Nội. Những bản án “gián điệp” mới nhất ở VN đều bị phản đối, mới nhất là bản án dành cho 3 người cháu của Linh mục Nguyễn Văn Lý và vụ bắt cóc Thượng Tọa Thích Trí Lực.
Theo các hãng thông tấn ngoại quốc, đó là “phản ứng lo lắng cao độ của một chính quyền đang bị lung lay tận gốc”. Rõ nét nhất của tình hình lo sợ này là bản “dự thảo nghị định về các biện pháp đối phó với các cuộc biểu tình khiếu kiện”, đặc biệt là các vụ “khiếu kiện tập trung đông người”, mà Phan Văn Khải đã chuyển sang cho quốc hội Hà Nội hợp thức hóa thành “luật cấm biểu tình”, hồi cuối tháng 8 vừa qua. Một chỉ dấu khác để đo lường mức độ lo sợ này là : So với lượng ngoại tệ nhập lậu vào VN trong 7 tháng đầu năm 2003 chỉ có 10.500USD, thì lượng ngoại tệ xuất lậu “phát hiện được” ở phi trường Nội Bài là 200.000USD và tại phi trường Tân Sơn Nhất là 924.989USD.
Tóm lại, nếu quả thật văn hóa là “tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”, thì Ban Tư Tưởng-Văn Hóa CSVN, bộ phận đang mon men sao chép chủ thuyết Ðại Diện Văn Hóa của Giang Trạch Dân, hoàn toàn xứng đáng để được WTO tặng thêm cho 16 chữ vàng : “Lười, Liều, Lận, Láo… Lấp, Lót, Lậu, Lừa… Lạy, Lủi, Lỗ, Lệch… Liếm, Lạm, Liệt, Lo”.
Nông Ðức Mạnh đã phải tự thú trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương Ðảng vừa qua rằng điểm trọng yếu sinh tử của lãnh đạo đảng CSVN là phải “Lượng Ðịnh Mối Ðe Dọa Từ Trong Và Ngoài Nước”. Ðích thị, lo chính là đặc tính sau cùng trong nền văn hóa đặc thù của dàn lãnh đạo Hà Nội. Trước khi nó được toàn dân hân hoan dứt điểm.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
(Còn tiếp kỳ sau)
Comments